메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Guardians of Heritage

2021 AUTUMN

NGƯỜI NGHỆ NHÂN CHẤT PHÁC CẦN MẪN ĐIÊU KHẮC NHỮNG TẢNG ĐÁ CHÍNH TRỰC

Ông Lee Jae-sun đã trải qua nửa thế kỷ đấu vật với đá hoa cương. Đá hoa cương có kết cấu đặc và rất cứng vốn là thách thức lớn đối với thợ đá, nhưng hầu hết các di sản văn hóa bằng đá của Hàn Quốc đều được làm từ loại vật liệu này. Nhiều di sản văn hóa được hồi sinh dưới đôi tay của ông Lee – nghệ nhân danh tiếng đầu tiên được nhà nước công nhận là “Nghệ nhân điêu khắc đá” trong hạng mục “Di sản Văn hóa Phi vật thể quan trọng” của Hàn Quốc.

guar_1.jpg

Ngày nay, khi máy móc, thiết bị hiện đại được áp dụng khiến kỹ thuật điêu khắc đá truyền thống dần trở nên mai một, nghệ nhân Lee Jae-sun vẫn dùng búa đục đẽo đá để tạo ra các tác phẩm. Ông là người đầu tiên được công nhận là “Di sản Văn hóa Phi vật thể” cấp quốc gia Hàn Quốc trong hạng mục “Nghệ nhân điêu khắc đá mỹ nghệ” (hạng mục mới năm 2007).

Xưởng của nghệ nhânđiêu khắc đá Lee Jae-sun ở thành phố Guri, tỉnh Gyeonggi đầy ắp những tác phẩm điêu khắc bằng đá. Ngay lối vào xưởng, tượng Di Lặc cao hơn 10m đứng sừng sững, xung quanh có vô số tượng đá như tượng Phật, tượng sư tử. Mỗi tượng đều cho thấy tài hoa của nghệ nhân danh tiếng.

Sinh ra ở Damyang, tỉnh Jeollanam, nghệ nhân Lee lần đầu tiên chạm tay vào nghề làm đá khi chỉ mới 13 tuổi. Đó là khi ông biết phụ giúp cậu và anh trai, lúc bấy giờ đang theo nghề thợ đá. Vốn khéo tay và thạo việc từ bé, có lúc còn tự làm ván trượt tuyết và con quay nên ông học nghề đá cũng nhanh hơn người khác. Ông theo cậu đến các công trường phục hồi di sản văn hóa và học hỏi những kỹ thuật cơ bản về xử lý đá.

NHỮNG NGƯỜI THẦY GIỎI
Ông không chỉ sở hữu tài năng thiên phú mà còn có duyên may gặp được những người thầy giỏi. Năm 1970, ông tìm đến thợ điêu khắc đá nổi tiếng Kim Bu-kwan ở Seoul để học việc. Hai năm sau, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Kim Jin-young – bậc thầy điêu khắc đá lúc bấy giờ, ông chính thức bước vào nghề đá mỹ nghệ. Dưới sự chỉ dạy của những người thầy giỏi, ông không những trau dồi kỹ thuật xử lý đá mà còn nuôi dưỡng tâm thế cần có của một nghệ nhân cũng như đôi mắt am tường tác phẩm.

Nhưng thời trai trẻ, đã có thời gian ông bị mất phương hướng. Sau khi bị đuổi khỏi nơi làm việc chỉ vì một sai lầm nhỏ, ông không biết đi đâu và cuối cùng tìm đến động Seokguram (Thạch Quật am) ở thành phố Gyeongju. Tại đây, ông đã nhận ra những điều làm thay đổi cuộc đời mình.

“Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp tạo hình của Seokguram. Thật kinh ngạc, người xưa có thể đạt đến trình độ điêu luyện như vậy bằng chính đôi tay của họ. Tôi muốn tạo ra một tác phẩm như vậy trước khi chết. ”Trở lại xưởng, ông học việc chăm chỉ hơn trước. Ông ngẫm lại: “Thầy tôi có mối thâm giao với các giáo sư chuyên ngành kiến trúc, tôn giáo, lịch sử mỹ thuật và trang trí nội thất. Thầy luôn dẫn tôi theo cùng mỗi khi giao lưu, gặp gỡ họ. Một cách tự nhiên, tôi mở mang kiến thức về văn hóa Hàn Quốc và toàn cảnh mỹ thuật Phật giáo trong lúc lắng nghe mọi người trao đổi”.

Năm 1977, khi vừa tròn 21 tuổi, ông giành Huy chương Vàng hạng mục Điêu khắc đá tại Hội thi Tay nghề Thế giới tổ chức tại Hà Lan. Kể từ đó, ông trở nên nổi tiếng khi liên tiếp giành giải thưởng tại nhiều cuộc thi trong nước, trở thành nghệ nhân điêu khắc đá bậc thầy năm 1989 và là “Nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật nghề điêu khắc đá mỹ nghệ” thuộc danh mục “Di sản Văn hóa Phi vật thể tỉnh Gyeonggi” năm 2005. Việc trở thành người đầu tiên được công nhận là “Di sản Văn hóa Phi vật thể quan trọng Hàn Quốc” trong hạng mục “Nghệ nhân điêu khắc đá” (hạng mục mới năm 2007) đồng nghĩa với việc ông đã vươn lên vị trí cao nhất trong loại hình nghệ thuật này.

guar_2.jpg

“Phù điêu đá đôi chim phượng hoàng”. Đá hoa cương. 82 × 27 × 98 cm. (WDH)Đôi chim phượng hoàng cùng họa tiết đám mây được chạm khắc ở giữa hoa bốn thùy, còn phần đế và bốn góc trang trí bằng những đường uốn lượn để tăng thêm phần hoa mỹ. Phượng hoàng – loài chim thần thoại chỉ xuất hiện khi có vị thánh nhân ra đời, đem lại hòa bình cho thế gian – được xem là linh thú nên chủ yếu dùng trong trang trí cung điện, cũng như dùng làm hoa văn trên lễ phục hay đồ trang sức của nữ nhân hoàng thất.
© Seo Heun-kang

guar_3.jpg

“Tượng đồng tử”. Đá hoa cương. 23 × 20 × 50 cm (WDH).Tác phẩm thể hiện thế giới thanh tịnh trong Phật giáo qua hình tượng thiếu nữ. Hầu hết các tượng có chung kiểu tóc hai búi (ssanggye, song kế) ở hai bên đỉnh đầu, đồng thời tết tóc dài sau gáy.
© Seo Heun-kang

guar_4.jpg

Đây là hình ảnh Bảo tháp Jigwangguksa (Trí Quang Quốc sư) đặt trong cung Gyeongbok ở Seoul trước khi được phục chế. Tháp này là nơi tôn trí xá lợi của nhà sư Haerin – quốc sư triều đại Goryeo (Cao Ly). Ban đầu tháp nằm trong di chỉ chùa Beopcheon (Pháp Tuyền tự) ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon nhưng bị vận chuyển trái phép về Nhật vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, về sau lại được hoàn trả về cung Gyeongbok. Tháp bị hư hại nghiêm trọng do trúng bom trong chiến tranh Triều Tiên nên được trùng tu vào năm 1957. Tuy nhiên, vào năm 2016, tháp được chuyển đến Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Hàn Quốc trong tình trạng cần được tái trùng tu. Tháp được tháo rời hoàn toàn và bắt đầu được phục chế lại và công tác này đã hoàn thành trong năm nay. Đây là một tăng tháp đẹp với cấu trúc độc đáo và đường nét chạm khắc đầy màu sắc.
© Trung tâm Khoa học Bảo tồn Di sản Văn hóa, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Hàn Quốc

MÊ LỰC CỦA ĐÁ
Nghệ nhân Lee chủ yếu sử dụng đá hoa cương. Đây là loại đá nham thạch phân bố nhiều nhất trên bán đảo Triều Tiên, có ưu điểm là độ cứng cao và độ bóng tuyệt vời nhưng rất khó chạm khắc do khả năng thấm hút thấp và kết cấu rắn chắc. Kỹ thuật tạo hình đá thời cổ đại của Hàn Quốc chủ yếu được thể hiện trong dựng tượng Phật, tháp đá, cầu đá… bắt đầu phát triển rực rỡ sau thế kỷ thứ IV vào thời kì Ba Vương quốc. Bất chấp chiến tranh liên tục suốt thời gian dài, vô số di sản văn hóa bằng đá đã chiến thắng hỏa hoạn và tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, không chỉ là vật liệu chính dùng trong xây dựng chùa chiền, cung điện, đá còn được sử dụng triệt để trong việc xây thành lũy ứng phó với chiến tranh.

Đã và đang tham gia rất nhiều công trình phục chế và tái hiện di sản văn hóa, khi được yêu cầu chọn ra công trình khó nhằn nhất, nghệ nhân Lee đã chọn Bảo tháp Jigwangguksa (Trí Quang Quốc sư) tại di chỉ chùa Beopcheon (Pháp Tuyền tự) ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon. Nơi đây được xem là đã “tái sinh vào đầu năm nay sau cuộc đại phẫu”. Ông nói: “Đó là nhiệm vụ gian khổ đến mức tôi tự hỏi liệu có di sản văn hóa bằng đá nào khác khó hơn thế này không?”

Tháp Jigwangguksa là nơi tôn trí xá lợi của nhà sư Haerin (Hải Lân, 984-1067) vốn được phong làm Quốc sư của triều đại Goryeo (Cao Ly). Đây là một tòa tháp thờ xá lợi đẹp, được trang trí bằng các họa tiết mây, hoa sen, Bồ Tát, tiên nữ tinh xảo, nhiều màu sắc và có cấu trúc khác biệt hoàn toàn với tháp đá truyền thống của các triều đại trước đó. Tuy nhiên, sau khi được dời đến sân cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ (1910-1945), tháp bị trúng bom trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và vỡ thành nhiều mảnh. Chiến tranh qua đi, năm 1957, người ta đã dùng xi măng để ghép các mảnh vỡ của tháp. Thời điểm đó, không những kỹ thuật phục chế di sản văn hóa còn nghèo nàn mà thời gian còn khiến lớp trát bong ra khiến tháp bị hư hỏng nghiêm trọng.

“Chúng tôi đã dùng đá mới phục chế khoảng một nửa mái tháp là phần bị hư hại nghiêm trọng nhất. Việc cắt đá mới và lắp chúng vừa khít vào giữa phần đá cũ là công đoạn vô cùng khó khăn. Ba người gồm tôi và hai học viên có chứng chỉ kỹ thuật đã dành trọn một năm rưỡi để hoàn tất công trình này.”

guar_5.jpg

"Thiên lộc". Đá hoa cương. 33 × 27 × 55 cm (WDH).Tác phẩm chạm trổ vảy và bờm của con vật với những đường nét uyển chuyển. Thiên lộc là loài vật thần thoại linh thiêng, được cho là có thể xua đuổi tà ma nên thường được dùng làm tượng đá trang trí trong cung điện. Có thể bắt gặp thiên lộc trên cầu Yeongje (Vĩnh Tề) trong cung Gyeongbok.

guar_6.jpg

Đây là những công cụ cầm tay mà nghệ nhân Lee Jae-sun hay dùng. Nhiều loại công cụ được sử dụng tùy mục đích, từ chiếc đục dùng để khoét hoặc đẽo đá hay búa gỗ hai đầu dùng để xẻ đá, cho đến chiếc nêm đóng vào kẽ hở để mở rộng khoảng trống giữa hai phiến đá và búa răng để mài mịn bề mặt đá.

PHỤC CHẾ VÀ TRÙNG TU
Nghệ nhân Lee luôn góp mặt tại các công trình phục hồi di sản văn hóa lớn như phục dựng cổng thành Sungnyemun (còn gọi là Namdaemun) vốn bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn năm 2008, hay tu bổ ngọn thạch tháp tại di chỉ chùa Mireuk (Di Lặc tự) ở Iksan. Trong số di sản văn hóa bằng đá trên toàn Hàn Quốc, tính cả cung điện và đền chùa, số tác phẩm ông đã từng chạm tay lên đến hơn 2 nghìn. Ngoài ra, ông còn sao chép tượng đá Bồ Tát tọa thiền của chùa Woljeong (Nguyệt Tinh tự) ở thành phố Pyeongchang và bảo tháp Wongongguksa (Viên Không Quốc sư) của chùa Geodon (Cư Đốn tự) ở thành phố Wonju. Bia Tưởng niệm Chiến thắng Bukgwan (Bắc Quan Đại tiệp bi) cũng được phục chế và tái hiện qua đôi tay khéo léo của ông. Đây là bia đá do người dân dựng lên tại huyện Kilju năm 1709 để ghi nhớ công ơn đánh đuổi giặc Oa (Nhật Bản thời bấy giờ) của nghĩa binh tỉnh Hamgyeong trong chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên năm Nhâm Thìn (Nhâm Thìn Oa loạn) cuối thế kỷ XVI. Năm 1905, bia bị đế quốc Nhật vận chuyển trái phép về Nhật Bản rồi bị bỏ mặc tại đền Yasukuni ở Tokyo đến tận đầu những năm 2000.

“Khi ở Nhật Bản, bia không có bệ đỡ và mái đá, chỉ có một tảng đá to đặt trên thân bia. Khi đó, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Yoo Hong-jun đã liên lạc và nhờ tôi làm một mái đá và một bệ đỡ để chuẩn bị cho lúc chính phủ Nhật trao trả lại bia. Đối với một người lấy việc bầu bạn với đá làm nghề như tôi, tìm đâu ra vinh dự nào lớn hơn thế.”

Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã trì hoãn việc trao trả với lý do “vốn dĩ bia nằm ở Triều Tiên nên phải nhận được sự đồng ý của Triều Tiên”. Nhật Bản nghĩ chính phủ Triều Tiên không dễ dàng chấp nhận việc họ trả bia lại cho Hàn Quốc.

“Cục trưởng Yoo nảy ra ý hay, hứa sẽ trả bia lại cho Triều Tiên sau khi trưng bày ở Seoul vài tháng. Triều Tiên đã chấp nhận lời đề nghị này và gửi yêu cầu đến Nhật Bản, phía Nhật không còn lựa chọn nào khác đành phải trả lại.”

Sau khi về Hàn Quốc năm 2005, Bia Tưởng niệm Chiến thắng Bukgwan lần lượt được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia và cung Gyeongbok ở Seoul. Sau đó một năm, Hàn Quốc chuyển bia đến Triều Tiên cùng với mái đá và đế do nghệ nhân Lee chế tác. Tấm bia được dựng lại tại vị trí ban đầu và trở thành Di sản Quốc gia (Bảo vật Quốc gia) của Triều Tiên. Bản sao của tấm bia này có cùng kích thước với bản gốc hiện đang được trưng bày ở sân trước của Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc nằm trong cung Gyeongbok cũng là một tác phẩm của nghệ nhân Lee.

“Khi làm công trình khôi phục cổng thành Sungnyemun, hơi lửa của đám cháy vẫn còn tại hiện trường khiến tôi mắc bệnh về da, phế quản cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi bắt đầu việc phục chế với suy nghĩ sẽ viết nên một trang sử mới cho nơi này sau thảm họa lớn. Tôi đã học được rất nhiều điều vì có thể khám phá những tinh hoa điêu khắc mà nghệ nhân xưa để lại. Tôi nhận ra trong lúc đẽo đá xây thành, người xưa đã tính toán tỉ mỉ đến cả cách làm sao cho nước thoát đi khi trời mưa. Những gì trước đây chỉ được truyền lại thì nay tôi đã tận mắt xác minh trong lúc tháo dỡ.”

Nghệ nhân Lee chọn bức tượng Phật điêu khắc năm 1995 tại Nhà Tưởng niệm Cihang (Từ Hàng) ở quận Tịch Chỉ, thành phố Tân Bắc, Đài Loan là công trình đáng nhớ nhất của ông. Các tín đồ Phật giáo Đài Loan muốn tìm một bức tượng Phật để tôn trí trong không gian tưởng niệm Đại sư Từ Hàng – người được thờ phụng dưới dạng tượng Phật nhục thân sau khi nhập tịch trong tư thế tọa thiền. Lúc bấy giờ, họ đã tìm hiểu tượng Phật ở nhiều quốc gia trên thế giới và kết luận “Tượng Phật ở hang Seokguram là tuyệt nhất” và ủy thác cho ông điêu khắc.

“Tôi được yêu cầu làm một tượng Phật tương tự như Đức Phật trong hang Seokguram. Cuối cùng, tôi đã hoàn thành công trình lớn hơn 1,7 lần so với tượng mẫu và chuyển về Đài Loan bằng tàu. Ngày tượng an trí, tôi nghe nói khi Đức Phật A Di Đà vừa tọa thiền quay mặt về hướng tây, trời bỗng quang mây và hào quang lan tỏa. Sau đó, có dịp xem lại video, tôi càng choáng ngợp trước ánh chiều tà bao phủ tượng Phật. Hình ảnh biết bao nhiêu người cảm động lúc đó đã in sâu trong tâm trí tôi.”

“Đá không biết nói dối. Nếu bạn gõ vào đá một cách vô cảm, nó sẽ ra hình dạng vô hồn. Nếu bạn chạm trổ đá trong cơn giận dữ, nó sẽ ra nguyên dáng hình giận dữ. Đá mê hoặc lòng người nhờ sự chính trực của nó.”

guar_7.jpg

Đá hoa cương chiếm hơn 90% công trình làm bằng đá của Hàn Quốc, đồng thời là loại đá nham thạch phân bố nhiều nhất trên cả nước. Đá hoa cương có ưu điểm ở độ cứng cao và độ bóng tuyệt vời nhưng rất khó chạm khắc do khả năng thấm hút thấp và kết cấu rắn chắc. Do đó, cái hồn của tác phẩm đá mỹ nghệ Hàn Quốc chủ yếu được thể hiện qua đường nét chạm trổ hơn là chi tiết điêu khắc cầu kỳ, tinh tế. Những đường nét mềm mại được chạm khắc trên mặt đá tự nhiên còn nguyên sơ, thô ráp là nét đặc trưng của văn hóa điêu khắc đá Hàn Quốc.

LỊCH TRÌNH THƯỜNG NHẬT KHÔNG THAY ĐỔI
Ông Lee rất cần mẫn. Một ngày của ông bắt đầu bằng việc đi ngay đến xưởng sau khi thức dậy. Kết thúc công việc xẻ và đẽo đá liên tục từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, toàn thân ông đau nhức nhưng tình yêu và sự tôn kính của ông với đá không hề thay đổi.

“Đá không biết nói dối. Nếu bạn gõ vào đá một cách vô cảm, nó sẽ ra hình dạng vô hồn. Nếu bạn chạm trổ đá trong cơn giận dữ, nó sẽ ra nguyên dáng hình giận dữ. Đá mê hoặc lòng người nhờ sự chính trực của nó.”

Anh Lee Baek-hyun – con trai ông – được cha truyền thụ các kỹ thuật điêu khắc đá và đang nối nghiệp cha. Thế nhưng, hơn ai hết, nghệ nhân Lee hiểu rõ việc truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa của kỹ thuật điêu khắc đá truyền thống đòi hỏi nỗ lực của không riêng cá nhân mà còn cần sự quan tâm của xã hội và hỗ trợ của chính phủ. Câu nói “Chúng ta cần môi trường để lớp người trẻ có thể duy trì và phát huy kỹ thuật truyền thống của đất nước mình” của nghệ nhân Lee – bậc thầy nghề điêu khắc đá với hơn nửa thế kỷ cống hiến – để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Heo Yun-hee Phóng viên Nhật báo Chosun
Dịch. Nguyễn Trung Hiệp
Ảnh. Ahn Hong-beom

전체메뉴

전체메뉴 닫기