메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Guardians of Heritage

2021 WINTER

NHỮNG BÔNG HOA KHÔNG TÀN PHAI

Hoa giấy, được chế tác bằng cách nhuộm hanji (giấy truyền thống Hàn Quốc) với thuốc nhuộm tự nhiên, là một trong những nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một và hoa tươi thay thế do thời gian và chi phí sản xuất tốn kém. Bước vào nghề làm hoa giấy từ đầu những năm 1980, nhà sư Seokyong đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc khôi phục và quảng bá hoa giấy truyền thống vốn được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo.

guard1.jpg

Những búp sen làm bằng giấy hanji, giấy dâu tằm truyền thống của Hàn Quốc, được nhuộm với ngải cứu và tạo nếp gấp li ti. Để làm hoa giấy truyền thống, hanji được nhuộm màu bằng thuốc nhuộm tự nhiên, cấp ẩm, sau đó tạo họa tiết bằng các kỹ thuật xếp nếp, gấp giấy, cuộn giấy và kéo giãn giấy. Khó nhất là khâu tạo nếp gấp, theo đó những nếp gấp tinh xảo được tạo ra trên giấy bằng cách dùng dao sắc ấn vào.

Hoa giấy được sử dụng rộng rãi trong tất cả nghi lễ Phật giáo và Shaman giáo (hầu đồng). Ngoài ra, nó còn được dùng để trang trí lộng lẫy các nghi lễ trong cung đình nhằm nguyện cầu quốc thái dân an. Không chỉ vậy, hoa giấy còn được sử dụng phổ biến trong những nghi lễ dân sinh như hôn lễ hay tang lễ. Ngày nay, tuy vị thế vốn có của hoa giấy đang bị thay thế bởi hoa tươi, thứ có thể trồng với số lượng lớn trong nhà kính ngay cả giữa mùa đông, nhưng người ta vẫn còn sử dụng hoa giấy trong các đại lễ Phật môn.

Điều này có lẽ là vì hoa mang biểu tượng tôn giáo trong đạo Phật. Tương truyền, Phật Thích Ca Mâu Ni đã giơ một bông hoa sen lên nhằm truyền thụ Phật pháp cho Tôn giả Ca Diếp (Mahākāśyapa), và đa số kinh điển Phật giáo ví hoa sen với phẩm tính giác ngộ. Từ “jangeom” (莊嚴 - trang nghiêm) trong tiếng Hàn có nghĩa là “uy nghi” và “nghiêm trang”, còn trong Phật giáo, từ này dùng để chỉ việc trang trí đạo tràng (pháp tọa) bằng hoa để cúng dường Đức Phật. Việc gấp hoa giấy trong đền chùa cũng khởi nguồn từ truyền thống cho rằng hái hoa là hành động sát sinh.

Có một nhà sư đã thực hành công việc “uy nghi và nghiêm trang” này như một phép tu tập trong 40 năm qua. Đó chính là nhà sư Seokyong, người đã và đang nỗ lực không ngơi nghỉ kể từ cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 2008 để quảng bá nghề hoa giấy truyền thống đến công chúng. Những nỗ lực và tài nghệ xuất sắc của ông được công nhận thông qua danh hiệu “Nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật nghề thủ công hoa giấy” thuộc danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Gyeonggi” năm 2017.

Nhuộm màu tự nhiên
Bất kỳ ai lần đầu tiên nhìn thấy những bông hoa giấy của sư Seokyong đều phải thốt lên trước màu sắc vi diệu và sự tinh xảo vượt ngoài sức tưởng tượng. Chỉ có sự lao động chăm chỉ và kiên trì bền bỉ mới có thể tạo ra vẻ đẹp như vậy bằng bàn tay của con người. Sư Seokyong xem việc chế tác hoa giấy như một hành trình tu tập vì đó là một quá trình không hề giản đơn, thậm chí phải mất một năm mới hoàn thành một bông hoa tính từ lúc bắt đầu chuẩn bị nguyên vật liệu. Mỗi công đoạn kể từ sau khi nhuộm giấy hanji bằng các loại thuốc nhuộm tự nhiên khác nhau, gấp giấy thành những nếp gấp nhỏ để làm cánh hoa, tạo hình cành hoa bằng nan tre đều hết sức phi thường.

guard2.jpg

Sư Seokyong đang kết hoa mẫu đơn với những nếp gấp tinh xảo. Những nỗ lực và tài nghệ xuất sắc của ông trong việc hồi sinh nghề thủ công truyền thống này trong bốn thập kỷ đã được công nhận bằng việc ông được phong là “Nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật nghề thủ công hoa giấy” thuộc danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Gyeonggi” năm 2017.

Chỉ riêng keo dùng để kết dính cũng mất hơn sáu tháng mới làm xong. Đầu tiên, ngâm các nguyên liệu như lúa mì hoặc gạo nếp vào nước. Khi bọt nổi lên, đổ lớp nước này rồi thay nước nhiều lần trong vòng ba đến sáu tháng cho đến khi loại bỏ tất cả các thành phần của hạt lúa, chỉ còn lại lớp hồ bám dính. Cuối cùng, lặp lại quá trình này một lần nữa để có được loại keo dán giúp giấy tránh bị sâu mọt.

“Để phục vụ cho Yeongsanjae (Linh Sơn trai), một nghi lễ Phật giáo được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009, thường được tổ chức từ ba đến năm ngày, tôi đã chuẩn bị hoa giấy từ một năm rưỡi trước đó. Nhìn những bông hoa giấy được đốt cháy sau lễ, tôi tự nhủ với lòng đây là lần cuối, tôi sẽ không làm hoa giấy thêm lần nào nữa, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng lại chuẩn bị cho trai lễ tiếp theo.”

Công đoạn chính thức đầu tiên để làm hoa giấy là nhuộm màu. Để tạo màu cho cánh hoa, sư Seokyong thu thập nguyên liệu và đem phơi khô từ một năm trước. Màu xanh lam được lấy từ cây chàm, màu đỏ từ gỗ sappan (tô mộc), màu vàng từ quả dành dành, màu xanh lá từ cây ngải cứu, màu tím từ nho rừng và cây tử thảo (địa tiêu). Ngoài ra, màu vàng nhạt được chiết xuất từ hành tây và màu đỏ tươi từ hoa nghệ tây. Nguyên liệu tốn nhiều công sức nhất là chàm và hoa nghệ tây. Quá trình nhuộm màu chàm trải qua quy trình lên men cỏ chàm để chiết xuất màu rất phức tạp đến mức nó được bảo tồn là Di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc, và hoa nghệ tây cũng là một nguyên liệu khó xử lý. Dù tạo màu gì, quy trình vẫn lặp lại nhiều lần các bước nhúng giấy vào thuốc nhuộm rồi lấy ra, để khô rồi lại nhúng vào. Khổ công như vậy là để có thể tạo ra bông hoa giấy trông giống như hoa tươi.

“Công đoạn nhuộm màu chủ yếu thực hiện vào mùa xuân, mặc dù có thể thực hiện vào bất cứ mùa nào khi cần thiết. Lý do là vì giấy phơi khô ráo tốt nhất vào tháng Ba hoặc tháng Tư.”

Cấp ẩm và tạo nếp
Theo sư Seokyong, điều quan trọng nhất trong quá trình làm hoa giấy là điều chỉnh cho phù hợp nhất tình trạng của giấy trước khi tạo hình cánh hoa. Bởi lẽ, nếu giấy khô, các nếp gấp trên cánh hoa sẽ nhanh chóng bị duỗi thẳng, còn nếu giấy ẩm, rất khó xếp nếp. Quá trình mà sư Seokyong gọi là “cấp ẩm” này thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi sự cảm nhận của các đầu ngón tay có được nhờ kinh nghiệm lâu năm. Đầu tiên, nhúng ướt một chiếc khăn trong nước, vắt kỹ sau đó trải ra mặt bàn và đặt một tờ giấy lên trên. Tiếp đến đặt một chiếc khăn khác lên trên tờ giấy, rồi lại đặt một tờ giấy nữa lên trên chiếc khăn, cứ thế xếp chồng xen kẽ nhau, dùng túi nhựa bọc lại và bảo quản trong phòng ấm khoảng một hai giờ đồng hồ. Sau đó, dùng tay sờ vào, ta có thể kiểm tra xem giấy đã có thể xếp nếp được chưa. Phải gấp từ giấy có độ ẩm thích hợp như thế thì hoa mới duy trì được hình dáng trong suốt 10 hay 20 năm sau.

“Không thể gấp hoa vào ngày mưa. Nếu buộc phải tiến hành, phải giảm độ ẩm bằng cách thắp sáng phòng. Vào ngày hè nóng nực, thậm chí không thể bật quạt vì sợ giấy khô. Điều này là do giấy hanji rất nhạy cảm với độ ẩm. Giấy khi chạm tay vào có cảm giác hơi cứng là thích hợp nhất để tạo nếp.”

Các loại hoa thầy làm nhiều nhất là mẫu đơn, thược dược, hoa cúc và hoa sen để điểm tô cho bàn thờ Phật. Trong dân gian, mẫu đơn và thược dược tượng trưng cho vinh hoa phú quý nhưng trong Phật giáo lại đại diện cho Phật tâm và được bàì trí ở bàn thờ trên. Bàn thờ giữa được nghiêm sức bằng hoa cúc và hoa sen trắng, còn bàn thờ dưới chủ yếu bằng hoa sen thường.

Bước đầu tiên để làm cánh hoa là gấp giấy và xếp nếp. Lúc này, bốn kỹ thuật chính được sử dụng gồm xếp nếp, gấp giấy, cuộn giấy và kéo giãn giấy. Trong số đó, khó nhất là khâu tạo những nếp gấp tinh xảo bằng cách dùng dao sắc ấn liên tục xuống giấy hanji. Đây là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ vì chỉ cần hơi quá lực thì giấy sẽ rách.

“Có lần, một vị khách tham quan triển lãm hỏi tôi mua loại giấy xếp nếp như vậy ở đâu. Nếu chọn cách dễ dàng hơn, tức là sử dụng giấy xếp bán sẵn, tôi không bao giờ có thể làm ra những bông hoa giấy trông giống như những hoa thật ngoài tự nhiên. Từng ngón tay tôi đau buốt sau nhiều giờ liền xếp nếp giấy, nhưng tôi lặp đi lặp lại từng công đoạn nàyvà nghĩ mình đang thực hành tinh tấn.”

guard3.jpg

Nhiều loại dao, dùi và búa được sử dụng để làm hoa giấy. Búa và dao hình con cá dùng tạo hình cành hoa giấy bằng nan tre hoặc nhành hoa hồ chi (hoa hagi), còn dùi chủ yếu dùng cố định cánh hoa cúc.

Theo sư Seokyong, điều quan trọng nhất trong quá trình làm hoa giấy là điều chỉnh tình trạng của giấy sao cho phù hợp nhất trước khi tạo hình cánh hoa. Bởi lẽ, nếu giấy khô, các nếp gấp trên cánh hoa sẽ nhanh chóng bị duỗi thẳng, còn nếu giấy ẩm, sẽ rất khó xếp nếp.

Hồi sinh nghề hoa giấy truyền thống
Nếu được bảo quản đúng cách, những bông hoa giấy này có tuổi thọ đến hàng nghìn năm, nhưng trên thực tế hiếm có hoa nào còn sót lại. Hoa giấy sẽ được đốt hết sau các buổi lễ, vì vậy các nguyên mẫu của hoa giấy truyền thống chỉ được lưu truyền qua tư liệu và tranh vẽ. Hơn nữa, cũng không có tài liệu nào mô tả cách chế tác loại hoa đặc biệt này. Đầu thập niên 1980, thầy Seokyong đã được nhà sư Chungwang, ở chùa Guin (Cứu Nhân tự), trụ sở của tông phái Phật giáo Cheontae (Thiên Thai tông), nằm ở Danyang, tỉnh Chungcheongbuk chỉ dẫn kỹ thuật làm một số loại hoa giấy vốn khó khăn lắm mới được truyền thừa qua đền tự.

Sau khi bước vào nghề làm hoa giấy, nhà sư Seokyong đã đi khắp đất nước Hàn Quốc để học hỏi một số nghệ nhân còn sống với mục đích hồi sinh lại nguyên bản của nghề làm hoa giấy truyền thống vốn đã bị mai một. Mặt khác, thầy ngâm cứu hoa giấy trong các nguồn sử liệu có từ thời Goryeo (918 – 1392) và Joseon (1392 – 1910). Hoa giấy được tìm thấy nhiều nhất trong các bức Phật họa. Trong số đó, các bức “Cam lồ tránh họa” (甘露 幀 畵) với nội dung cầu nguyện cho những linh hồn sa vào địa ngục được tái sinh về cõi vãng sanh cực lạc thể hiện khá rõ nét các mẫu hoa giấy. Dựa vào đó thầy đã phục nguyên nhiều mẫu hoa giấy. Thầy cho biết có khoảng 60 loại hoa giấy truyền thống trong các tích, thoại, và cho đến nay bản thân mới khôi phục khoảng 25 loại, do đó, nhiệm vụ của thầy là tìm ra những loại còn lại.

Nhà sư còn đặc biệt nâng niu một quyển sách chứa đựng thông tin thời đại của 100 năm trước, bởi trong đó có một bức ảnh đen trắng quý báu.

guard4.jpg

Tác phẩm này thể hiện Thế giới Liên hoa tạng (蓮華藏世界), tượng trưng cho cõi Tịnh độ. Để miêu tả chân thực hoa sen, sư Seokyong đã quan sát quá trình nở và tàn của hoa trong ba đêm bốn ngày liên tiếp.

guard5.jpg

“Tràng hoa Phật Đầu hoa hình quạt”, 220 x180cm. Một kiểu nghiêm sức hoa giấy truyền thống với số lượng hoa tăng dần từ dưới lên trên. Phật Đầu hoa (nghĩa đen là “đầu của Đức Phật”), một loài hoa cẩm tú cầu, nở trên cây thường thấy trong khuôn viên chùa trong dịp Lễ Phật Đản.

“Tôi từng đến thăm Thụy Điển vào giữa những năm 2000 khi đang làm trụ trì chùa Gogwang thuộc tông phái Cheontae ở Copenhagen, Đan Mạch. Trong một hiệu sách ở đó, tôi vô tình phát hiện ra cuốn sách du ký đến Joseon có tên “I. KOREA” (tạm dịch “Tôi. Hàn Quốc”, NXB. Elanders Boktryckeri Aktiebolag, 1912) do phóng viên William Anderson Grebst viết. Tôi vui sướng khôn xiết khi tìm thấy trong cuốn sách một bức ảnh chụp bụi hoa mẫu đơn bằng giấy xếp.”

Trong thời gian qua, sư Seokyong đã tổ chức triển lãm ở nhiều nước như Đan Mạch, Canada, Nhật Bản, Bỉ và Hoa Kỳ, v.v... để quảng bá hoa giấy truyền thống ra nước ngoài. Đặc biệt, tại Lễ hội Văn hóa hạt Charles lần thứ 24 được tổ chức tại hạt Charles, bang Maryland, Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2014, thầy đã dựng một gian hàng trải nghiệm làm hoa giấy và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân địa phương. Tháng 7 năm 2017, hơn 30 tác phẩm đã được triển lãm tại Lễ hội Văn hóa Hoa Kỳ – Hàn Quốc “Korean Art & Soul” (tạm dịch “Linh hồn và Nghệ thuật Hàn Quốc”) tại Washington lần thứ 12 do Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Hoa Kỳ – Hàn Quốc tổ chức. Tràng hoa hình quạt (hoa cắm thành hình chiếc quạt) nhiều màu sắc và uy nghi với chiều cao 2m và tràng hoa hình chóp nón (hoa cắm thành hình chóp nón) được làm từ hơn 250 bông hoa đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của khách tham quan.

“Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hội đồng quản hạt Peter Murphy của hạt Charles đến gặp tôi, nói rằng ông ấy rất ấn tượng và lấy huy hiệu của hạt đang đeo trên cổ áo gắn vào áo choàng của tôi. Các phóng viên có mặt tại sự kiện đã rất ngạc nhiên.”

Hiện tại, sư Seokyong đang thuê một căn nhà ở Icheon, tỉnh Gyeonggi để làm xưởng chế tác hoa giấy. Nhờ hoa giấy được công nhận là di sản văn hóa mà thầy có được điều kiện tối thiểu để đào tạo người học việc, nhưng thầy vẫn đang trong hoàn cảnh không mấy dễ dàng. Thầy bày tỏ: “Tôi chỉ mong có một không gian ổn định để có thể chuyên tâm vào hoạt động chế tác và nhiều người có thể đến học nghề làm hoa giấy này.”

guard6.jpg

“Tràng hoa mẫu đơn hình chóp nón”, 200 x 85 cm.Tràng hoa mẫu đơn này phục hiện những bông hoa giấy xuất hiện trong bức tranh “Cam lồ tránh họa” (甘露 幀 畵) được lưu giữ tại chùa Yakusenji ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Được vẽ ở Hàn Quốc năm 1589 vào giữa thời đại Joseon, nó được biết đến là bức tranh “Cam lồ tránh họa” cổ nhất còn lưu giữ.

Lee Jung-eunGiám đốc thương hiệu thủ công mỹ nghệ Cheyul
Dịch.Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기