메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Art Review

2021 SPRING

CULTURE & ART

BÌNH LUẬN NGHỆ THUẬTĐỜI THƯỜNG ĐƯỢC TRỪU TƯỢNG HÓA

Nhà mỹ thuật sắp đặt Yang Hae-gue hiện đang mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu với trọng tâm là nước Đức. Suốt thời gian qua, cô đã trình làng nhiều tác phẩm sử dụng các chất liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày với đa dạng cách phân tích. Thử nghiệm này càng được thể hiện phong phú và bứt phá hơn trong sự kiện triển lãm được tổ chức ở Viện Mỹ thuật hiện đại quốc gia, qua đó cho thấy một Yang Hae-gue dám chấp nhận rủi ro không đi theo số đông để tạo ra những tác phẩm riêng biệt, độc đáo của riêng mình.

Họa sĩ kiêm nghệ sĩ sắp đặt Yang Hae-gue thường sử dụng các vật dụng thường ngày như giá phơi quần áo, rèm cửa, bóng đèn điện...làm chất liệu cho các sáng tác của mình. Tại triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale 2009, cô tham gia với tư cách là đại diện của Hàn Quốc giới thiệu tác phẩm “Salim” (tạm dịch: “Việc nhà”) tái hiện căn bếp trong gia đình với chiếc bàn là sắt, quạt máy và len đan… Về sau, nhiều tác phẩm của cô đã được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như Documenta tại Kassel, trung tâm Georges-Pompidou tại Paris...

Đến nay, cô đã biến hóa nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt sử dụng các chất liệu trong sinh hoạt đời thường theo nhiều hình thức phong phú, thậm chí còn lấn sân sang mảng sắp đặt giấy dán tường ứng dụng thiết kế đồ họa. Các tác phẩm gần đây khiến người xem có cảm giác khó hiểu bởi nhiều hình ảnh chằng chịt không có tính liên kết khiến tác phẩm của cô đôi lúc bị đánh giá là: “Mật độ hình ảnh quá dày đặc, người xem không thể xem trọn trong tầm mắt”. Cô cho rằng khó nắm bắt chính là đặc trưng của tác phẩm để giải thích nguyên nhân cho ý kiến trên.

Haegue Yang chụp ảnh tại Lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật Taipei Dangdai được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Nangang Đài Bắc vào tháng 1 năm 2019.

“Kho lưu trữ sự tĩnh lặng – cốt lõi được kích hoạt.” 2017. Màn sáo Venetian, kết cấu treo nhôm thép sơn tĩnh điện, dây thép, sân khấu xoay, đèn LED tuýp, dây cáp. 1105 × 780 × 780 cm.KINDL - Trung tâm Nghệ thuật Đương đại ở Berlin hàng năm mời một nghệ sĩ đến trưng bày một tác phẩm nghệ thuật trong Boiler House cao 20 mét, một địa điểm hậu công nghiệp điển hình. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hình trụ, chuyển động này của Hague Yang được trưng bày từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 5 năm 2018

Đối tượng không khác, chỉ có phân tích khác
Chương trình triển lãm của Viện Mỹ thuật hiện đại quốc gia mang tên “Dòng ô tô hiện đại MMCA năm 2020: Yang Hae-gue – O2 & H2O” được tổ chức từ 29/09/2020 đến 28/02/2021 cũng không ngoại lệ. Điều đầu tiên đập vào mắt khách tham quan chính là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có kích thước đồ sộ mang tên “Kho lưu trữ sự tĩnh lặng – cốt lõi được kích hoạt” (Silo of Silence-Clicked Core)”. Ngay bản thân tên tác phẩm đã gây cảm giác khó hiểu cho người xem. Tác phẩm sử dụng màn sáo Venetian và đèn chiếu sáng, được treo lơ lửng trên không trung với kích thước cao đến 11m. Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bên trong và ngoài của tác phẩm và tự do thả trí tưởng tượng với các tấm màn sáo màu đen và xanh đậm được xếp không thẳng hàng, đung đưa nhẹ nhàng; đồng thời được trải nghiệm không gian sắc màu tạo ra từ kích thước lớn và màu sắc đặc trưng.

Màn sáo Venetian trong tác phẩm này cũng là chất liệu đồng nhất với biểu tượng trong tác phẩm tiêu biểu của cô mang tên “Đảo ngược Sol LeWitt” (Sol LeWitt Upside Down). Nếu di chuyển vào trong khu vực triển lãm, chúng ta có thể thấy loạt tác phẩm chủ đề “Đảo ngược Sol LeWitt” sử dụng rèm màu trắng. Người xem có thể suy ra yếu tố tối giản được nhấn mạnh trong tác phẩm khi tên các tác phẩm được đặt theo tên của nhà mỹ thuật tiên phong trong phong trào Nghệ thuật tối giản Sol LeWitt. Đứng trước những tác phẩm này, người xem có thể thắc mắc ở thế kỷ 21 người ta lặp lại phong cách tối giản của quá khứ sẽ mang lại ý nghĩa gì.

Tác giả đã từng nói về tấm rèm được sử dụng trong tác phẩm như sau: “Có người nói nó mang tính phương Tây, cũng có người nói nó mang tính phương Đông”. Điều đó có nghĩa tùy vào góc nhìn, sẽ có người xem nó như không gian văn phòng của phương Tây, cũng có người nghĩ trong đầu nó là mành tre của phương Đông. Tác giả muốn khách tham quan cảm nhận được rằng ý nghĩa của cùng một đối tượng sẽ khác nhau khi ta nhìn nó ở các góc nhìn khác nhau. Không khó phát hiện ý đồ này của tác giả còn được thể hiện trong các tác phẩm còn lại.

Tác phẩm “Trang trí và Trừu tượng”, triển lãm cá nhân đầu tiên của cô Yang ở khu vực Mỹ Latin tổ chức tại phòng triển lãm kurimanzutto thành phố Mexico năm 2017. Các tác phẩm được trưng bày bao gồm: “The Intermediate – UHHHHH Creature Extended W” 2017. Bằng rơm nhân tạo, khung treo thép không gỉ sơn tĩnh điện, khung thép không gỉ sơn tĩnh điện, dây thép, Neoseul, Bupo. 580 × 750 × 60 cm.
“Big-eyed Tongue-tied Mountains beneath Solar and Lunar Orbs – Trustworthy #315.” 2017. Các loại phong bì dán kín, giấy vẽ đồ thị, giấy origami và giấy nhám trên bìa cứng, đóng khung, màng vinyl tự dính. 11 . 86,2 x 86,2 cm; 57,2 x 57,2 cm; 29,2 x 29,2 cm.
“Sol LeWitt Upside Down - K123456, Mở rộng 1078 lần, Nhân đôi và Nhân bản.” 2017. Màn sáo nhôm Venetian, tác phẩm treo làm bằng nhôm được sơn tĩnh điện, dây thép, ống huỳnh quang, cáp. 878 × 563 × 1088 cm.

Ranh giới bị hòa lẫn
Không gian chính thức của sự kiện bắt đầu từ phòng triển lãm số 5. Đến đây, người xem sẽ được chiêm ngưỡng loạt tác phẩm mang tên “Vật dụng gia đình âm vang” (Sonic domesticus) tại vị trí dễ quan sát nhất. Với chất liệu chủ yếu từ rơm nhân tạo, dây nhựa và chuông đồng, đồng thời gắn những hạt châu khiến người xem sẽ nghĩ mình đang nhìn những sinh vật kỳ dị. Nhưng một khi dần quen mắt, họ sẽ nhận ra đó chính là chiếc bàn là, con chuột máy tính, máy sấy tóc hay cái nồi thường gặp trong gia đình.

Nếu trong tác phẩm sử dụng chất liệu màn sáo tác giả ngụ ý về ranh giới giữa phương Đông và phương Tây, thì trong tác phẩm này cô khám phá ranh giới giữa vật vô tri và sinh vật hữu tri. Máy sấy tóc làm từ con cua, hai chiếc chuột máy tính xếp chồng lên nhau tạo hình giống côn trùng. Những chiếc bàn là được dán lại với nhau để tạo thành hình chiếc kéo. Các tác phẩm còn được gắn bánh xe nên có thể phát ra âm thanh khi di chuyển.

Bức tường bên phải nơi trưng bày các tác phẩm được gắn bốn loại tay nắm cửa, bố trí theo hình cửu giác. Hiệu quả nhắm đến trong tác phẩm này cũng giống với các tác phẩm trên. Tay cầm được tạo ra để mở cửa, nhưng chức năng của nó sẽ bị mất đi khi gắn vào tường. Tác giả muốn tạo sự thích thú cho người xem thông qua sự thay đổi ý nghĩa của đối tượng tùy theo bối cảnh. Tuy nhiên, phong cách này đã được các nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực sáng tác từ cách đây 100 năm, khiến chúng tôi có chút tiếc nuối. Rất lâu trước khi tác giả Yang Hee-gue dùng những chiếc bàn là để tạo hình chiếc kéo, nghệ sĩ thị giác Man Ray đã đóng một chiếc đinh bấm lên bàn là để phủ nhận chức năng và ý nghĩa của nó qua chính tác phẩm mang tên “Món quà” (Cadeau) ra mắt vào năm 1921 của ông. Trước đó, có thể kể đến tác phẩm được nghệ sĩ Marcel Duchamp mang bồn tiểu nam đến viện bảo tàng và đặt tên là “Đài phun nước” (Sam) năm 1917.

Ngày nay các nghệ sĩ trong giới mỹ thuật toàn cầu đang có khuynh hướng tự do vay mượn xu hướng đặc trưng của lịch sử mỹ thuật thế giới bất kể giai đoạn nào. Có thể kể đến họa sĩ Cecily Brown người Anh đã vay mượn xu hướng hội họa trước thế kỉ 19 đem vào trừu tượng hóa các sáng tác, hay họa sĩ David Hockney đã sao chép tác phẩm của Picasso vốn là thần tượng của ông. Do đó, chúng ta có quyền thắc mắc điều tác giả Yang Hae-gue muốn gửi gắm khi vay mượn xu hướng của mỹ thuật khái niệm là gì?

Tác giả đã từng đặt câu hỏi về ranh giới giữa phương Đông và phương Tây, giữa thế giới hữu sinh và thế giới vô sinh và giờ đây cô lại tiếp tục đặt câu hỏi về ranh giới giữa hiện thực và giả tưởng, giữa thật và giả.

Tại “MMCA Hyundai Motor Series 2020: Haegue Yang – O2 & H2O,” được tổ chức từ ngày 29 tháng 9 năm 2020 đến 28 tháng 2 năm 2021, cô Yang trưng bày các hình thức tác phẩm nghệ thuật mới, bao gồm cả giọng nói của cô được tái hiện bằng trí tuệ nhân tạo và cắt dán kỹ thuật số trên các biểu ngữ.
(Trái) “Genuine Cloning.” 2020. AI (Typecast), giọng nói của Yang Hae-gue. Đa dạng kích thước. Công nghệ của Neosapience. (Phải) “Five Doing Un-Doing.” 2020. Tác phẩm in bằng mực phun trên biểu ngữ polyester, quảng cáo bóng bay, khoen, dây thép dây thừng, giấy hanji. Đồ họa thực hiện bởi Yoo Yena.

Trong loạt tác phẩm này, Yang đã tạo ra những con tàu bằng cách gắn hoặc nối các vật dụng thường ngày như bàn là, máy sấy tóc, chuột máy tính và nồi.
"Sonic domesticus." 2020. Khung inox sơn tĩnh điện, lưới sơn tĩnh điện, tay cầm sơn tĩnh điện, mâm đúc, chuông đồng đen và đồng thau mạ, chuông inox đỏ và inox, vòng kim loại, dây nhựa.
Từ trái sang:
“Sonic domesticus - Scissor Pressing.” 208 × 151 × 86 cm.
“Sonic domesticus - Blow-Dry Crawl.” 155 × 227 × 115 cm.
"Sonic domesticus - Clam Tongs.” 291 × 111 × 97 cm.
"Sonic domesticus - Pot Atop.” 224 × 176 × 122 cm.

Hiện thực và trừu tượng
Trong triển lãm lần này, tác giả Yang Hae-gue đã ra mắt những tác phẩm mà trước đây cô chưa bao giờ thử sức. Tác phẩm được tạo thành từ những tấm băng rôn in đồ họa những hình ảnh kĩ thuật số mang tên “Five Doing Un-Doing” (tạm dịch: “Ngũ hành phi hành”) và tác phẩm “Genuine Cloning” (tạm dịch: “Nhân bản đích thực”) phát ra giọng nói sử dụng trí thông minh nhân tạo là hai trường hợp điển hình.

Về tác phẩm “Ngũ hành phi hành”, tác giả giải thích rằng: “Đặc trưng của tác phẩm là đồ họa cường độ cao và kiểu chữ cường điệu in giống các băng rôn tuyên truyền chính trị”. Trên năm băng rôn với năm màu (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen) có ghi tên của ngũ hành (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy) tương ứng với màu sắc. Phía dưới băng rôn có treo các vật dụng làm từ giấy truyền thống Hàn Quốc. Tác phẩm này dường như có một mối liên hệ lớn với chủ đề của cuộc triển lãm lần này “O2 & H2O”. Tác giả tập trung vào việc kí hiệu hóa hai nhân tố tồn tại trong cuộc sống hàng ngày là không khí và nước bằng “O2” và “H2O”. Có thể nói, tác giả đã trừu tượng hóa hiện thực cuộc sống thành năm yếu tố, đồng thời sáng tác theo phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân.

Bên cạnh đó, “Nhân bản đích thực” là những chiếc loa treo giữa các băng rôn. Giọng nói của tác giả được tái hiện bằng trí tuệ nhân tạo và phát ra từ loa. Tác giả đã từng đặt câu hỏi về ranh giới giữa phương Đông và phương Tây, giữa thế giới hữu sinh và thế giới vô sinh và giờ đây cô lại tiếp tục đặt câu hỏi về ranh giới giữa hiện thực và giả tưởng, giữa thật và giả.

Giữa Berlin và Seoul
Yang Hae-gue sinh năm 1971 tại Seoul, sau đó chuyển đến Frankfurt, Đức sống năm 1994. Cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Städelschule. Từ năm 2005, cô định cư và làm việc tại Berlin. Năm 2014, cô mở studio tại Seoul và hiện đang đi đi về về, làm việc ở hai thành phố. Năm 2018, cô trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên nhận giải thưởng Mỹ thuật Wolfgang Hahn tại Đức và trở thành chủ đề quan tâm của dư luận.

Ngay cả trong đại dịch năm 2020, chúng ta vẫn có thể được chiêm ngưỡng các tác phẩm của cô ở nhiều nơi trên thế giới. Có thể kể đến sự kiện “Những chiếc tay nắm cửa” (Handles) được tổ chức từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 2 năm 2021 nhân dịp kỉ niệm mở cửa lại Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại New York hay sự kiện triển lãm quy mô lớn mang tên “Những sự thu hút lạ kì” (Strang Attractors) diễn ra từ 24/10/2020 đến 03/05/2021 tại Tate St Ives ở Cornwall, Vương quốc Anh.

Sự kiện ““Dòng ô tô Hyundai MMCA” bắt đầu bởi tác giả Lee Bul năm 2014 là sự kiện thường niên được Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia tổ chức nhằm hỗ trợ các tác giả có tiếng trong lĩnh vực. Đặc biệt, sự kiện lần này là triển lãm cá nhân đầu tiên được Viện bảo tàng lên kế hoạch tổ chức cho tác giả Yang Hae-gue với hơn 40 tác phẩm đã được trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan.

Kim MinPhóng viên Nhật báo Đong-A Trần Nguyễn Nguyên Hân dịch,

전체메뉴

전체메뉴 닫기