메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Art Review

2021 AUTUMN

ĐỐI THOẠI BẰNG HÌNH ẢNH VÀ NGÔN TỪ

Họa sĩ Joo Jae-hwan (1941-) đi đầu trào lưu Mỹ thuật Dân chúng làm rõ các vấn đề xã hội bằng nét vẽ nhạy bén, dí dỏm và tác giả truyện tranh mạng (webtoon) nổi tiếng Joo Ho-min (1981-) là hai cha con. Tuy lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng hai nghệ sĩ cùng có mẫu số chung ở tài phối hợp hài hòa hình ảnh và ngôn từ.
Triển lãm mang tên “Ho-min và Jae-hwan ”là triển lãm đặt trọng tâm vào sự tương đồng này.

art_1.jpg

“Chân dung Ho-min” (Ảnh trái). Joo Jae-hwan. 2020. Tranh acrylic trên vải canvas, đồ chơi nhựa. 53.2 × 45.5 mm. “Chân dung Joo Jae-hwan”. Joo Ho-min. 2021. Tranh vẽ kỹ thuật số.Họa sĩ Joo Jae-hwan và tác giả webtoon Joo Ho-min đang tạo dáng bên chân dung mà hai người vẽ về nhau được treo cạnh nhau trong phòng triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Seoul. Họa sĩ Joo Jae-hwan đã khắc họa các vấn đề lớn của lịch sử hiện đại bằng góc nhìn hài hước nhưng vẫn sắc sảo và con trai ông – nhà văn Joo Ho-min – nổi tiếng với webtoon mang tên “Thử thách thần chết” đề cập đến ranh giới giữa sự sống và cái chết một cách dí dỏm lấy cảm hứng từ chuyện thần thoại của Hàn Quốc.
© Park Hong Soon, Tạp chí Nguyệt san Mỹ thuật

Có những triển lãm mỹ thuật hóc búa, người xem phải nghiên cứu kỹ lưỡng mới có thể hiểu được nội dung. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta chỉ muốn thưởng thức các tác phẩm với tinh thần thư thái, không cần suy nghĩ nhiều. “Ho-min và Jae-hwan” được tổ chức từ ngày 18 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Seoul chính là triển lãm như vậy. Thoạt nhìn, các tác phẩm trông nhẹ nhàng nhưng chúng hoàn toàn không hời hợt. Triển lãm chỉ trích sắc bén nhiều vấn đề xã hội nhưng không gây cảm giác nặng nề, có lẽ nhờ vào sự chân thực và hài hước xuyên suốt thế giới tác phẩm của hai nghệ sĩ.

Họa sĩ Joo Jae-hwan chủ yếu sáng tác các tác phẩm truyền tải thông điệp bằng sự kết hợp giữa hình ảnh và ngôn từ. Trong các tác phẩm của ông, ngôn từ chứa đựng những ẩn dụ mang tính nghệ thuật, kích thích trí tưởng tượng của người xem. Trong khi đó, ngôn từ truyện tranh mạng của tác giả Joo Ho-min thường được thể hiện qua bong bóng lời thoại mang đậm tính trần thuật, khơi gợi trí tưởng tượng đầy chất điện ảnh. Việc giúp người xem tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt trong cách thực hiện chức năng của hình ảnh và ngôn từ trong hai thể loại khác nhau trên cũng là điểm thú vị của triển lãm lần này.

art_3.jpg

“Mưa xuân rơi xuống bậc cầu thang”. Joo Jae-hwan. 2010. Tranh Acrylic trên vải Canvas. 193.7 × 130 mm.Tác phẩm trình làng trong triển lãm ra mắt nhóm “Hiện thực và Phát Ngôn” vào năm 1980 phỏng theo tác phẩm “Khỏa thân bước xuống cầu thang” (Nude Descending a Staircase) của Marcel Duchamp nhằm châm biếm sự phi lý và áp bức mà những người yếu thế trong xã hội phải gánh chịu. Nhóm “Hiện thực và Phát ngôn” đã đưa hội họa tham gia vào những vấn đề xã hội thông qua phong trào Mỹ thuật Dân chúng suốt 10 năm sau đó.

NGƯỜI CHA JOO JAE-HWAN
Họa sĩ Joo Jae-hwan nhập học khoa Hội họa phương Tây, trường Đại học Hongik năm 1960. Sau khi quyết định bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình, ông kinh qua nhiều nghề trước khi bắt đầu con đường nghệ thuật ở tuổi bốn mươi. Giải thích chuyện này, ông cho rằng: “Tôi bắt đầu cuộc đời nghệ sĩ theo đúng tư chất của mình một cách hết sức tự nhiên”.

Nhóm hội họa Hiện thực và Phát ngôn thành lập năm 1980, tan rã năm 1990 là nơi thai nghén đưa hội họa và phong trào Mỹ thuật Dân chúng tham gia vào các vấn đề xã hội. Trong triển lãm ra mắt nhóm, với tư cách là thành viên sáng lập, họa sĩ Joo Jae-hwan đã giới thiệu tác phẩm “Mưa xuân rơi xuống cầu thang” theo phong cách châm biếm lấy cảm hứng từ tác phẩm “Khỏa thân bước xuống cầu thang” (Nude Descending a Staircase) của họa sĩ Marcel Duchamp, tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem. Tác phẩm này sau đó được vẽ biến tấu nhiều lần, trong đó “Mưa xuân” được đề cập ở tiêu đề thực chất là nước tiểu của những người đàn ông đứng trên cầu thang. Dòng nước tiểu càng xuống dưới càng được vẽ dày hơn tượng trưng cho sự phi lý và áp bức mà những người yếu thế thuộc giai tầng thấp trong xã hội phải gánh chịu.

Chất liệu sáng tác của ông vươn đến mọi ngóc ngách trong đời sống thường ngày. Tiêu biểu có tác phẩm “Nước và đứa con ngoài giá thú của nước” (2005) treo lủng lẳng những chai nước đã uống hết trên giá phơi quần áo nhằm ám chỉ vấn đề môi trường hoặc “Chiếc khăn bị đánh cắp” (2012) lấy chất liệu là chiếc khăn tắm mang về từ nhà tắm công cộng để đề cập đến vấn đề đạo đức đang bị mai một trong xã hội hiện đại. Ông tái sử dụng những đồ vật thường ngày bị bỏ đi và gửi gắm các thông điệp xã hội mang tính châm biếm. Đây chính là đặc trưng lớn nhất, bao quát thế giới tác phẩm của ông. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông nói rằng thế giới nghệ thuật tự do và óc hài hước của mình “giống như nội động từ, chứ không phải là ngoại động từ”. Tiếp đó, ông nói: “Từ xưa đến nay, tôi giữ suy nghĩ không được để khán giả phải ngáp khi xem triển lãm của mình. Tuy nhiên, điều mà tôi cảm thấu được qua nhiều năm tháng đó là tất cả các nghệ sĩ đều có thế giới riêng của họ”.

Thời trẻ, ông đã chống lại sự bất bình đẳng xã hội, chế độ độc tài quân sự và nghệ thuật đơn sắc rập khuôn của Hàn Quốc. Nhưng giờ đây, khi quá trình dân chủ hóa chính trị đã thành công và lòng nhẹ nhàng hơn trước, ông cho rằng: “Tất cả mọi người đều có lý do riêng của bản thân”. Ông nhận thấy: “Trong xã hội, con đường hy vọng và con đường tuyệt vọng luôn xoắn vào nhau. Số phận của con người đan xen giữa sự tích cực và tiêu cực”, và chia sẻ đã nhận ra sự bất lực của giới nghệ sĩ.

“Kể từ thời điểm tác phẩm được treo trong phòng triển lãm, nghệ sĩ trở nên bất lực và phó mặc cho khán giả đánh giá. Tôi lại có cơ hội học hỏi khi thấy khán giả phát hiện những điều mà tôi chưa hề nghĩ đến.”

art_8.jpg

“Nước và đứa con ngoài giá thú của nước”. Joo Jae-hwan. 2005. Giá phơi quần áo bằng nhôm, các loại sản phẩm thức uống, nước giải khát. Nhiều kích cỡ.Tác phẩm treo lủng lẳng nhiều loại chai nhựa và lon đồ uống rỗng trên một giá phơi quần áo cỡ lớn nhằm kêu gọi mối quan tâm hướng đến vấn đề môi trường. Ngoài ra, hình ảnh đồ uống có ga, càng uống càng khát nhằm thể hiện sự ham muốn và tính hai mặt của con người hiện đại đang sống trong thời đại tiêu dùng hàng loạt.

art_6.jpg

“8601 viên kim cương và cơm mầm đá”. Joo Jae-hwan. 2010. Mô hình ghép nồi, đá, sao chép ảnh trên khung kính. 70.8 × 53.7 mm.Tác phẩm đối chiếu câu chuyện của người mẹ nơi làng quê nghèo Brazil ép đứa con đang đói phải đi ngủ và tác phẩm nạm kim cương trên hộp sọ người phủ bạch kim “Vì tình yêu của Chúa” (For the Love of God) của Damien Hirst nhằm châm biếm sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội tư bản chủ nghĩa.

art_5.jpg

“Chiếc khăn bị đánh cắp”. Joo Jae-hwan. 2012. Tranh Acrylic trên vải Canvas, Tập ảnh ghép chiếc khăn. 66 × 53 mm.Tác phẩm phê phán quan niệm đạo đức của những người lấy cắp khăn ở nhà tắm công cộng trong khu phố. Joo Jae-hwan hài hước thể hiện trực quan những chất liệu mà bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày.

art_7.jpg

“Giọt nước mắt hạnh phúc”. Joo Jae-hwan. 2008. Tranh Acrylic trên vải Canvas, Magic Ink. 96.3 × 96.5 mm.Tranh phỏng theo tác phẩm “Giọt nước mắt hạnh phúc” của Roy Fox Lichtenstein (1923-1997, Mỹ) liên quan đến vụ án quỹ đen của một tập đoàn tài phiệt thời đó vào năm 2008 nhằm truyền tải thông điệp về hiện tượng phân cực xã hội.

“Ho-min và Jae-hwan” – nơi cha và con, hội họa và webtoon, tín hiệu analog và kỹ thuật số, hình ảnh và ngôn từ cùng hội tụ - sẽ là một bữa tiệc thú vị dành cho những ai yêu thích các câu chuyện kể.

art_2.jpg

“Làm gì trên cầu thangthế nhỉ?”. Joo Ho-min. 2021. Tranh in kỹ thuật số trên flex. 740 × 220 cm.Tác phẩm sắp đặt cỡ lớn của nhà văn Joo Ho-min phỏng theo tác phẩm tiêu biểu “Mưa xuân rơi xuống bậc thang” của cha anh – họa sĩ Joo Jae-hwan – tái hiện tinh thần phản kháng và khiếu hài hước của cha theo cách của anh.

NGƯỜI CON JOO HO-MIN
Đây cũng chính là tiếp điểm giữa tác giả Joo Ho-min và cha của anh. Vì đối với anh, đánh giá của độc giả có ý nghĩa rất quan trọng. Anh học lóm công việc của cha từ khi còn bé. Có lẽ hình ảnh người cha vẽ tranh đã vô tình tác động khiến anh bắt đầu vẽ truyện tranh từ thời trung học. Anh thích nhìn các bạn hứng thú xem tranh của mình. Kể từ đó, anh bị “nghiện” phản hồi nhanh từ những người xem truyện tranh mình vẽ. Sự nghiệp của anh khởi đầu bằng việc đăng truyện tranh lên một trang diễn đàn vào năm 2000 với suy nghĩ: “Phải làm mọi người cười nhiều hơn nữa”. Sự hưởng ứng của độc giả cuối cùng đã đưa anh đến với con đường của một tác giả webtoon.

Được biết đến với “Jjam” (2005) – tác phẩm khởi nghiệp chính thức về đề tài cuộc sống quân nhân, nhờ bộ truyện “Thử thách thần chết” (2010-2012) anh đã vươn lên hàng ngũ nhà văn tiêu biểu của Hàn Quốc. Phim “Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới” (2017) chuyển thể từ tác phẩm cùng tên đã thu hút 14 triệu lượt xem, đứng hạng ba về tổng lượt xem trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Phần tiếp theo mang tên “Thử thách thần chết: 49 ngày cuối cùng” (2018) cũng đã thu hút 12 triệu lượt xem.

Nhà văn nổi tiếng đồng thời cũng là một YouTuber có 210.000 lượt người theo dõi tâm sự: “Tôi từng có ý muốn bỏ chạy khi chuẩn bị triển lãm này”. Anh cho biết lý do: “Truyện tranh không phải là thứ tạo ra để treo trong triển lãm mỹ thuật nên treo lên tường trông rất khó coi. Tôi thấy áp lực khi nghĩ đến việc khán giả sẽ đón nhận nó ra sao”. Thế nhưng, những lo lắng của anh chỉ là vô ích.

Tranh vẽ và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Joo Jae-hwan tràn ngập tầng hai phòng triển lãm, mang đến nhiều trải nghiệm thưởng lãm phong phú. Ngược lại, phòng triển lãm tầng ba thoạt nhìn trông có vẻ trống trải, chỉ trưng bày các tập vẽ phác thảo kịch bản và bản in kỹ thuật số những cảnh chính trong các tác phẩm tiêu biểu của tác giả Joo Ho-min. Dẫu vậy, nhiều khách tham quan vẫn chăm chú ngắm từng tác phẩm trưng bày và chìm đắm vào câu chuyện anh tạo ra. Giống như khoảng trống giữa các dòng chữ tạo cho người đọc không gian tưởng tượng, sự thoáng đãng ở tầng ba có tác động mang đến cho người xem cảm giác thư thả để nghiền ngẫm và thưởng thức từng phân cảnh của câu chuyện. Những quyển sách anh tham khảo khi sáng tác cho thấy khoảnh khắc những vật rất đỗi bình dị hóa thân thành nguồn cảm hứng cho trí tưởng tượng.

art_4.jpg

Khách tham quan phòng triển lãm tầng 3 đang thưởng thức webtoon “Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới” của Joo Ho-min chứa đựng quan niệm của người Hàn Quốc về thế giới bên kia. Triển lãm trưng bày nhiều yếu tố truyền thuyết và thần thoại đa dạng xuất hiện trong tác phẩm.
© Báo Yonhap

SỰ HỢP TÁC GIỮA CHA VÀ CON
Đặc điểm lớn nhất của đợt triển lãm này là sự hợp tác giữa hai cha con đang hoạt động, sáng tạo ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Ngay lối vào phòng triển lãm, chân dung của hai nghệ sĩ được treo cạnh nhau chào mừng khách tham quan. “Chân dung Ho-min” (2020) của họa sĩ Joo Jae-hwan là tác phẩm nghệ thuật cắt dán collage sử dụng mô hình que kem và kính râm, còn “Chân dung Joo Jae-hwan” (2021) của nhà văn Joo Ho-min là tác phẩm sử dụng công nghệ kỹ thuật số được vẽ trên máy tính (digital drawing) theo phong cách webtoon. Hai cha con điềm đạm đưa ra đánh giá về tranh chân dung của mỗi người. Một người cha cảm thấy mình “đẹp lão” thông qua tác phẩm của con trai và một cậu con trai thấy tác phẩm của cha “thật buồn cười”… Bên cạnh đó, người con trai đã cho ra đời tác phẩm “Làm gì trên cầu thang thế nhỉ?” (2021) phỏng theo tác phẩm tiêu biểu của cha anh mang tên “Mưa xuân rơi xuống bậc thang”. Nếu như tác phẩm trước thể hiện hình ảnh đi từ trên xuống và từ trái qua phải thì tác phẩm sau lại mang hình ảnh hợp sức và đi lên với các nhân vật kéo và đỡ nhau. Anh diễn tả lại tinh thần phản kháng và khiếu hài hước của cha theo cách của mình.

Với nhà văn Joo Ho-min, hình ảnh cha đang làm việc khi anh còn bé là “điều hiển nhiên”. Phải đến khi bản thân trở thành người sáng tạo nghệ thuật, anh mới biết “đó là việc khó khăn và diệu kỳ đến thế nào”. Anh thể hiện lòng tôn kính đối với cha khi nói: “Tôi thấy thật đáng khâm phục vì đã ngoài 80 mà cha vẫn còn làm việc. Chưa gì tôi đã thấy mệt rồi… thật không thể giải thích nổi bằng cách thần kỳ nào, đến giờ cha vẫn liên tục sáng tác”.

Triển lãm kết thúc bằng một đoạn phim do người phát sóng trực tuyến (streamer) Joo Ho-min kết hợp với người cha họa sĩ của anh cùng ghi hình. Phỏng theo quy cách trò chơi “Olympic hình mẫu lý tưởng” chọn người mình thích hơn trong số hai diễn viên và lần lượt chọn cho đến khi còn hình mẫu lý tưởng cuối cùng, cậu con trai yêu cầu cha lựa chọn tác phẩm ông ưng ý hơn giữa các tác phẩm của mình. Trong quá trình chọn lựa tác phẩm yêu thích hơn, người cha đã trải lòng về những câu chuyện từ những ký ức, hoài niệm gắn với từng tác phẩm cho đến cả những kỷ niệm với con trai.

Trước câu hỏi vui của người viết rằng ông có thấy buồn khi tên con nằm trước tên mình trong tiêu đề của triển lãm không, họa sĩ Joo Jae-hwan trả lời: “Hóa ra lại hay”. Ông nói: “Chuyện phân biệt thể loại hội họa hay truyện tranh rồi xét nét tên ai đứng trước, tất cả đều là lối suy nghĩ cổ hủ”. “Ho-min và Jae-hwan” – nơi cha và con, hội họa và webtoon, tín hiệu analog và kỹ thuật số, hình ảnh và ngôn từ cùng hội tụ – sẽ là một bữa tiệc thú vị dành cho những ai yêu thích các câu chuyện kể.

Mỹ thuật Dân chúng (Minjung Misul): Phong trào nghệ thuật xuất phát từ nhận thức việc mỹ thuật cần lên tiếng về xã hội và tham gia vào phong trào dân chủ đang sục sôi tại Hàn Quốc giai đoạn đầu 1980.

Yoon So-yeon Nhà báo Korea JoongAng Daily
Dịch. Lê Hoàng Bảo Trâm
Ảnh. Ahn Hong-beom

전체메뉴

전체메뉴 닫기