메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2021 AUTUMN

HANGEUL: Tỏa sáng trong tâm điểm toàn cầu

NỘI DUNG VĂN HÓA HÀN QUỐC, TIẾNG HÀN VÀ CHỮ HANGEUL

Các nội dung văn hóa Hàn Quốc như K-Pop đại diện bởi nhóm nhạc BTS, phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon-ho và loạt phim “Vương triều xác sống” chiếu trên Netflix đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử này đang lan rộng sang cả tiếng Hàn và chữ Hangeul.

fea1_1.jpg

Chỉ cách đây vài năm, người nước ngoài thông thạo tiếng Hàn vẫn còn khá hiếm. Vì vậy, chương trình giải trí “Hội nghị phi thượng đỉnh” của Đài Truyền hình JTBC phát sóng từ năm 2014 đến năm 2017 đã mang lại ngạc nhiên lớn cho người xem. Khán giả vô cùng bất ngờ trước cảnh những người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia đang sinh sống tại Hàn Quốc cùng tranh luận sôi nổi về một chủ đề định sẵn bằng vốn tiếng Hàn lưu loát. Tuy nhiên, giờ đây, ngày càng nhiều người nước ngoài thành thục tiếng Hàn xuất hiện trên truyền hình để phô diễn tài ăn nói còn hơn cả người Hàn Quốc. Rất nhiều người trong số họ cho biết lý do học tiếng Hàn và sinh sống tại Hàn là vì cảm thấy hấp dẫn trước những nội dung văn hóa nơi đây.

Giai đoạn năm 1990, phim truyền hình Hàn Quốc được giới thiệu rộng rãi ở Trung Quốc góp phần làm bùng nổ làn sóng Hàn lưu. Đầu thập niên 2000, phim “Bản tình ca mùa đông” khắc họa vẻ đẹp vĩnh cửu của mối tình đầu đã tạo tiếng vang lớn tại thị trường Nhật Bản. Bắt đầu từ những năm 2010, K-Pop sở hữu cộng đồng người hâm mộ (fandom) vững mạnh trải dài từ châu Á đến châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ. Từ đó, sự quan tâm của công chúng thế giới đối với các nội dung văn hóa Hàn Quốc cũng tăng lên mạnh mẽ. Điểm đáng chú ý ở đây là mọi người trên khắp toàn cầu quan tâm đến tiếng Hàn và chữ Hangeul một cách rất tự nhiên khi tiếp xúc với ca từ trong bài hát K-Pop và lời thoại trong phim Hàn.

Ngày càng nhiều người dân thế giới quan tâm đến tiếng Hàn và chữ Hangeul nhờ sức ảnh hưởng của các nội dung văn hóa được người Hàn Quốc sáng tạo. Điều này đã vượt qua sự thành công đơn thuần của nội dung và cho thấy một hình thái của xã hội toàn cầu đang biến đổi.

fea1_2.jpeg

Người hâm mộ đang tạo dáng chụp ảnh trước bức tường viết thông điệp cổ động gửi đến các nghệ sĩ K-Pop tại buổi công diễn “KCON 2019 THAILAND” ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Impact Exhibition Center và Impact Arena, Băng Cốc năm 2019
© CJ ENM

QUANG CẢNH LỄ HỘI KCON
KCON là lễ hội K-Pop bắt đầu từ năm 2012 do công ty giải trí CJ E&M tổ chức hàng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình không chỉ biểu diễn âm nhạc đại chúng mà còn giới thiệu rộng rãi văn hóa Hàn Quốc từ phim truyền trình, điện ảnh đến công nghệ thông tin và cả những sản phẩm trong lĩnh vực làm đẹp. Tháng 10 năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, lễ hội đã được tổ chức tại Băng Cốc – Thái Lan, thu hút khoảng 45 nghìn người hâm mộ sở tại đến tham dự trong hai ngày. Người hâm mộ nước ngoài yêu thích K-Pop và các nhóm nhạc thần tượng giờ đây cũng quan tâm nhiều đến các sản phẩm Hàn Quốc như rượu soju, mì gói, mỹ phẩm. Vì thế, hình ảnh người hâm mộ xếp hàng dài trước các gian hàng trưng bày sản phẩm rất hiển nhiên. Và khi buổi biểu diễn của các nhóm thần tượng bắt đầu, nhiều người vừa hát lời ca khúc bằng tiếng Hàn vừa cùng nhau nhún nhảy.

Tuy nhiên, đó không phải là cảnh tượng nổi bật duy nhất tại nơi tổ chức sự kiện. Khắp các bức tường còn dày đặc những lời cổ vũ do người hâm mộ trực tiếp viết lên. Có thể thấy những câu được viết bằng chữ Hangeul như “Tôi yêu bạn”, “Tôi luôn cổ vũ bạn”, “Tôi rất thích bạn”. Đặc biệt, tại lễ hội này, Nichkhun – thành viên người Thái Lan của nhóm nhạc thần tượng 2PM – xuất hiện với tư cách là người dẫn chương trình đặc biệt đã luân phiên dùng cả tiếng Thái và tiếng Hàn để dẫn dắt chương trình. Thế nhưng, không ít khán giả Thái Lan cười vui, hò reo mỗi khi anh nói tiếng Hàn mà không cần phiên dịch sang tiếng Thái.

K-Pop đã châm ngòi cho cơn sốt học tiếng Hàn ở Thái Lan. Được biết, các trường trung học công lập ở đây có hơn 40 nghìn học sinh đang theo học tiếng Hàn kể từ khi ngôn ngữ này được chọn làm môn học chính thức vào năm 2010. Thêm vào đó, từ năm 2018, tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 2 tự chọn trong kỳ thi tuyển sinh đại học làm cơn sốt học tiếng Hàn càng thêm tăng nhiệt.

BTS và ARMY
Chắc hẳn sẽ không ai phản đối nếu cho rằng BTS - nhóm nhạc đang sở hữu cộng đồng người hâm mộ hùng hậu trên toàn thế giới – chính là công thần đi đầu trong việc truyền bá tiếng Hàn và chữ Hangeul. Bài hát “Gangnam Style” của ca sĩ PSY trình làng năm 2012 là ca khúc hit hay nhất trong năm thuộc hạng mục âm nhạc đại chúng. Từ người bình thường đến nghệ sĩ nổi tiếng, không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới đều hát vang “Oppa Gangnam style” theo điệu nhạc. Tuy nhiên, không nhiều người trong số họ biết chính xác nội dung lời bài hát. Ngược lại, nhóm BTS vừa lập kỷ lục giữ vị trí quán quân 8 tuần liên tiếp trên bảng xếp hạng đĩa đơn chính của Billboard Hot 100 (tính đến ngày 26 tháng 7) với ca khúc “Butter” và “Permission to Dance” đã khiến người hâm mộ quốc tế học tiếng Hàn để hiểu chính xác thông điệp của phần lớn các bài hát trước đó được hát bằng tiếng Hàn. Khẩu hiệu cổ động “Cám ơn vì đã cho chúng tôi biết cách yêu bản thân mình” viết bằng chữ Hangeul được treo trong buổi công diễn tổ chức tại Citi Field, Niu Óoc, Mỹ năm 2018 vừa qua là hình ảnh mang tính biểu tượng của hiện tượng này.

Thêm vào đó, ý thức được sức ảnh hưởng bùng nổ của ARMY, giờ đây đã xuất hiện cả các câu kêu gọi bằng Hangeul nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Năm ngoái, những bé gái Ác-mê-ni-a đã chụp ảnh cầm biểu ngữ viết bằng chữ Hangeul với nội dung “Chúng tôi muốn hòa bình” và đăng lên mạng xã hội để phản đối xung đột vũ trang giữa nước mình với A-déc-bai-gian. Đầu năm nay, người hâm mộ K-Pop phản đối đảo chính quân sự ở Mi-an-ma cũng đã đăng tải lên mạng thông điệp “Hãy giúp chúng tôi” bằng chữ Hangeul.

fea1_3.jpeg

Người hâm mộ Thái Lan đang hát theo và học vũ đạo các bài hát K-Pop trong buổi công diễn “KCON 2019 THAILAND” ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Impact Exhibition Center và Impact Arena, Băng Cốc năm 2019. KCON là lễ hội K-Pop bắt đầu từ năm 2012, do công ty giải trí CJ E&M tổ chức thường niên tại nhiều quốc gia trên thế giới
© CJ ENM

CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA TOÀN CẦU
K-Pop đã đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao sự quan tâm và đón nhận tiếng Hàn. Tuy nhiên, không ít trường hợp từ vựng tiếng Hàn được biết đến qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các loại hình giải trí khác ngoài âm nhạc. Điển hình, “Mukbang” đã trở thành một danh từ riêng nhờ các đoạn phim giới thiệu món ăn Hàn Quốc trên YouTube và nhận được nhiều tình cảm của khán giả nước ngoài. Khi phim truyền hình Hàn Quốc phủ sóng diện rộng trên các nền tảng toàn cầu như Netflix, nhiều khía cạnh của xã hội Hàn Quốc được phim truyền hình đề cập cũng được biết đến qua các từ vựng xuất hiện trong phim. “Kkondae” chỉ những người coi tri thức, kinh nghiệm của bản thân là tiêu chuẩn tuyệt đối và có khuynh hướng hay dạy dỗ thế hệ trẻ một cách độc đoán, “hwabyung” chỉ căn bệnh nữ giới Hàn Quốc mắc phải khi sống mà không dám nói lên chính kiến của bản thân dù chỉ một lời, hay “podaegi” – tên gọi vật dụng truyền thống dùng để cõng em bé trên lưng v.v… Chúng đóng vai trò cầu nối, giải thích một khía cạnh văn hóa Hàn Quốc đến người xem.

Hiện tượng trên có được trước tiên là nhờ sức mạnh lan tỏa và thú vị của nội dung. Tuy nhiên cũng phải nhờ vai trò cửa ngõ của mạng lưới toàn cầu như mạng xã hội đã lôi cuốn sức hấp dẫn của không chỉ nền văn hóa Hàn Quốc mà của cả các nền văn hóa địa phương đa dạng trên thế giới vốn bị đánh giá thấp hay lãng quên. Đặc biệt, nền tảng kỹ thuật số toàn cầu như YouTube cung cấp môi trường quan trọng mang tính quyết định. Nó đi sâu vào cuộc sống thường nhật khiến người dùng có được ý thức cộng đồng văn hóa toàn cầu vượt qua rào cản ngôn ngữ và ranh giới quốc gia, từ đó có nhu cầu tìm hiểu các nền văn hóa khác. Sự quan tâm đối với chữ Hangeul cũng xuất phát và được nhân rộng từ đây.

Theo đó, sức hấp dẫn do các nhân vật đặc biệt hay nội dung xuất hiện trên mạng lưới toàn cầu mang ý nghĩa lớn hơn nhiều. Có thể nói việc câu lạc bộ bóng đá Manchester United đăng lên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình dòng chữ “Chúc mừng Ngày Hangeul” bằng tiếng Hàn vào ngày kỷ niệm chữ Hangeul là kết quả từ sức hút của cầu thủ Park Ji-sung.

Đạo diễn Bong Joon-ho – người giành bốn giải Oscar với phim “Ký sinh trùng” – đã phát biểu cảm nghĩ khi nhận giải Quả cầu vàng cho phim quốc tế hay nhất như sau: “Nếu vượt qua được rào cản phụ đề… à cũng không hẳn là rào cản thực thụ, nếu vượt qua được rào cản khoảng 1 inch này thì quý vị có thể thưởng thức nhiều bộ phim hơn. Chúng ta hiện tại chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất, đó chính là điện ảnh.”

Như đạo diễn Bong đã nói, giờ đây, ngôn ngữ không còn là rào cản trên sân khấu quốc tế nữa. Ngày càng nhiều người dân thế giới quan tâm đến tiếng Hàn và chữ Hangeul nhờ sức ảnh hưởng của các nội dung văn hóa được người Hàn Quốc sáng tạo. Điều này đã vượt qua sự thành công đơn thuần của nội dung và cho thấy một hình thái của xã hội toàn cầu đang biến đổi. Đồng nghĩa trong tương lai, các nội dung văn hóa Hàn Quốc cần phải phù hợp với tình cảm và giá trị phổ biến của cộng đồng thế giới hơn nữa. Cơ hội để tiếng Hàn và chữ Hangeul có thể đóng góp tích cực vào việc tô điểm cho văn hóa nhân loại thêm phong phú đã đến rất gần.

Jung Duk-hyun Nhà phê bình văn hóa đại chúng
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기