메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2021 WINTER

HANOK – KHÔNG GIAN CỦA CẢI TIẾN

ĐA DẠNG HÓA CÔNG NĂNG KIẾN TRÚC HANOK

Gần đây, công năng của nhà truyền thống hanok ngày càng trở nên đa dạng. Phong cách thiết kế và kỹ thuật kiến trúc hanok được áp dụng để xây dựng nhiều khu lễ tiệc, khu biểu diễn, công trình văn hóa và cả những công trình công cộng như thư viện, tạo ấn tượng đặc sắc. Đặc biệt, nhờ chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, những công trình giáo dục và thương mại mang phong cách hanok ngày càng tăng lên đáng kể, dần làm thay đổi nhận thức của công chúng về hanok.


Đầu thế kỷ 20, khi các tòa nhà theo phong cách phương Tây bắt đầu được xây dựng với những vật liệu mới như cốt thép, bê tông, kính cùng hình thù khác lạ, những tòa nhà xưa cũ như văn phòng chính quyền, nhà khách và trường học Nho giáo hyanggyotại Hàn Quốc bắt đầu được tu sửa để dùng vào mục đích mới. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt kỹ thuật và không gian trong kiến trúc truyền thống, những thử nghiệm đó sớm bị gián đoạn, đa phần các tòa nhà này nhanh chóng được thay thế bằng kết cấu bê tông cốt thép hoặc gạch.

Trong quá trình hiện đại hóa bắt đầu sau khi Hàn Quốc thoát khỏi chế độ thực dân năm 1945, khi xã hội đề cao sứ mệnh kế thừa truyền thống, hanok được tái tạo bằng bê tông thay vì bằng gỗ. Hiện tượng này ở Hàn Quốc và Triều Tiên không khác gì nhau, các công trình kiến trúc hoành tráng như Tòa nhà Lưu niệm Độc lập (1987) ở Hàn Quốc và Nhân dân Đại học Tập đường(1982) ở Triều Tiên đều được xây theo kiểu hanok bằng bê tông. Tuy nhiên, những tòa nhà này không được đánh giá cao, vì chúng khác với xu hướng kiến trúc quốc tế hoặc xa rời với đời sống thường nhật của người dân.

Hanok vốn từng bị quay lưng nhưng ngày nay càng được yêu thích vì điều kiện xã hội từ sau thập niên 2000 đã khác trước rất nhiều. Thu nhập quốc dân tăng kéo theo nền kinh tếdần trở nên sung túc, văn hóa truyền thống được quan tâm nhiều hơn nhờ vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa đại chúng. Đồng thời, nguồn cung nhà ở mở rộng dẫn đến nhu cầu về loại hình nhà ở trong xã hội đa dạng hơn rất nhiều. Tất cả những điều này khiến xã hội có dịp nhìn lại ưu điểm của hanok, hình thành xu hướng chuộng hanok và đẩy lên cao trào chưa từng có tiền lệ.

Nhằm quảng bá danh tiếng và thu hút người nhập cư, một số chính quyền địa phương đã khuyến khích phát triển các khu xây dựng và hỗ trợ kinh phí xây các công trình kiểu hanok. Các cơ quan chính phủ và nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Cục Lâm nghiệp Hàn Quốc cũng có nhiều nỗ lực để mở rộng đất cho kiến trúc hanok dụng võ. Kết quả là kiến trúc hanok hiện đang được xây dựng không chỉ trong nhà ở mà còn trong nhiều công trình với mục đích sử dụng đa dạng như trung tâm thương mại, giáo dục và văn hóa.

Trong bối cảnh mới của thế kỷ XXI, hanok đã bắt đầu khám phá tính chân thực của vật liệu và các phương pháp cấu trúc truyền thống. Khi xây dựng những ngôi nhà hanok bằng gỗ thay vì bê tông, công dụng của vật liệu tự nhiên và tình cảm ẩn chứa trong không gian truyền thống đã được khơi dậy theo quan điểm của con người hiện đại. Sự thoải mái và cảm giác khỏe khoắn đặc thù do hanok mang lại đang được đánh giá cao ở những công trình công cộng đặc biệt dành cho người cao tuổi, trẻ em hay những người sức khỏe yếu như nhà trẻ, trường học, hội quán làng, xã hoặc bệnh viện. Đặc biệt, các công trình theo kiểu hanok dành cho trẻ em mang đến sự hài lòng cao nhất. Chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các công trình kiểu hanok, không chỉ những cơ sở du lịch hay thương mại tư nhân mà còn cả những công trình kiến trúc công, đã thu được nhiều thành quả, giúp cho nhiều người ở mọi lứa tuổi được trải nghiệm hanok cả trong cuộc sống thường nhật. Trong tương lai, kế hoạch xuất khẩu không gian hanok, mà đứng đầu là các trung tâm văn hóa ở nước ngoài và những không gian mang tính ngoại giao, dự kiến sẽ được thực hiện cụ thể. Nào, bây giờ chúng ta cùng theo dõi một số công trình thực tế xem lối kiến trúc hanok đang được ứng dụng trong các lĩnh vực đa dạng ra sao nhé!

 

fea5-1.jpg
fea5-2.jpg

Nhà thờ Ganghwa thuộc Giáo hội Anh giáo Hàn Quốc
Công trình kiến trúc Cơ Đốc giáo của Hàn Quốc thời kỳ đầu được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic với hình chóp nhọn đứng sừng sững chọc trời tiêu biểu có Nhà thờ Công giáo Myeongdong (1898). Tuy nhiên, một số nhà thờ ở địa phương lại được xây dựng theo phương thức cải tiến cấu trúc và phong cách của hanok, trường hợp điển hình là Nhà thờ Anh giáo Ganghwa (1900).

Linh mục Mark Napier Trollope, người chỉ huy kiến trúc, đã từng kỳ vọng rằng sự tham gia tình nguyện của các tín hữu sẽ giúp hình thành lối kiến trúc đặc trưng của Cơ Đốc giáo Hàn Quốc, tương tự như việc hình thành kiến trúc Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu. Như vậy, với nền tảng là sự đóng góp của các tín hữu, một thánh đường kiểu hanok độc đáo có lối đi dài và mái hình bát giác đã được hiện thực hóa qua trình độ kỹ thuật của những thợ mộc cung đình và những kỹ sư chuyên về gạch từ Trung Quốc sang, kết hợp với sắt thép và đồ trang trí nhập khẩu từ Anh.

Ngày nay vẫn còn lại ở một số nơi có công trình nhà thờ kiểu hanok đã được bản địa hóa theo lối kiến trúc chiết trung Đông Tây đầu thế kỷ XX. Nhà thờ Geumsan (1905) ở Gimje được thiết kế có nhà nguyện và lối vào cho riêng nam và nữ, phản ánh tư tưởng “Nam nữ hữu biệt” theo truyền thống của Nho giáo. Thánh đường Nabawi (1906) ở Iksan thì lại được xây dựng với hình dáng một ngọn tháp cao trên mái tòa nhà hanok, sau này nhiều phần đã được xây lại bằng gạch.

 

fea5-3.jpg

Công trình Namsan Gugakdang ở Seoul
Công trình Namsan Gugakdang (2007) ở Seoul được thiết kế bởi bà Kim Yong-mi thuộc công ty Kiến trúc Geumseong, là một tòa nhà hanok thấp được xây dựng bằng gỗ thông lấy từ núi Taebaek. Để giữ nguyên bầu không khí của Làng Hanok Namsangol mở cửa năm 1988, Namsan Gugakdang đã được thiết kế gồm một số nhà hanok đơn tầng được tận dụng làm sảnh, văn phòng và phòng trải nghiệm cùng hướng về sân chung.

Sân khấu biểu diễn quy mô lớn với 330 chỗ ngồi được thiết kế dưới lòng đất. Không gian biểu diễn dưới lòng đất có thể được tiếp cận thông qua sân sau, nơi này có khu vườn trũng Chimsangwon (Thẩm sàng viên) thấp hơn mặt đất. Khu vườn dưới lòng đất này mang lại cảm giác thân thuộc nhờ những bồn trồng hoa được sắp xếp kiểu bậc thang theo độ dốc lối đi và bài trí thêm những cái chum vại. Khách đến thăm cho biết cảnh đêm Seoul nhìn từ nơi đây mang vẻ đẹp thật đặc biệt.

Namsan Gugakdang nhận nhiều lời khen do khắc họa vẻ đẹp kiến trúc trang nhã và giản dị nhờ sử dụng kỹ thuật truyền thống. Từ kỹ thuật đến vật liệu và màu sắc đều tận dụng từ những lợi thế của vùng. Một công trình khác của cùng công ty thiết kế mang tên Phòng triển lãm Di vật Yun Seon-do (2010) ở Haenam (Jeollanam-do), cũng gồm tòa hanok đơn tầng trên mặt đất, không gian triển lãm được bày trí dưới tầng hầm và sân được đào sâu để khai thác ánh sáng. Cả hai tòa nhà đều là những công trình điển hình trong việc kết hợp các không gian văn hóa quy mô lớn dưới lòng đất mà vẫn giữ được quy mô và kết cấu không gian truyền thống của hanok.

 

fea5-4.jpg
fea5-5.jpg

Bệnh viện Khoa Ngoại của bác sĩ Lim Jaeyang ở Daegu
Mua lại một ngôi nhà hanok và một ngôi nhà kiểu Nhật Bản trên phố Samdeok, Daegu, bác sĩ Lim Jaeyang kết hợp và nâng cấp chúng thành công trình Bệnh viện Khoa Ngoại của bác sĩ Lim Jaeyang (2012 Dr. Lim’s Breast Clinic). Công trình này đạt được sự hài hòa với cảm giác yên bình của khu phố cổ nhờ nỗ lực giữ lại tối đa hình dạng và bố cục vốn có của các tòa nhà. Bệnh nhân đến đây trước hết sẽ đăng ký khám tại khu giếng trời được trang trí như một nhà kính ở một bên sân sau đó họ thay quần áo y tế và chờ đến lượt tại đại sảnh (daecheong) để được điều trị. Ngôi nhà kiểu Nhật Bản được sử dụng như một căn nhà phụ mang lại ấn tượng sâu sắc về không gian nên khá lôi cuốn và được sử dụng với nhiều chức năng như giải lao, ở lại, làm bánh ...

Tại Seoul, vào năm 2005, một bệnh viện Nha khoa đã được mở tại một căn Hanok ở phố Gahoe, quận Jongno. Ở đây, hai ngôi nhà hanok nhỏ được kết hợp lại theo thiết kế truyền thống, mảnh sân được tái cấu trúc thành giếng trời làm không gian cho bệnh nhân ngồi chờ khám.

 

Hội trường tổ chức tiệc phong cách hanok Phoenix Springs Country Club
Hội trường tổ chức tiệc phong cách hanok Phoenix Springs Country Club (2009) ở Pyeongchang, do kiến trúc sư Hwang Doo-jin thiết kế, được quy hoạch với hai tòa hanok đối diện nhau từ trái và phải với một khoảng sân rộng ở giữa. Một tòa đem đến cảm giác của một cung điện hoặc một ngôi đền, còn tòa còn lại thể hiện hình ảnh của dinh thự cao cấp. Nếu mở cả cửa lớn và cửa sổ của cả hai tòa nhà đối diện nhau này, khu vực sân có thể tổ chức cả sự kiện lớn kết nối từ trong ra ngoài.

Hội trường này được dựng lên với những cây cột baeheullim trên nền đá được mài dũa gọn ghẽ và có mái che kiên cố, những viên gạch vuông sậm màu lát trên sàn để tái sinh cách thức của một tòa hanok cổ xưa. Đồng thời, đây là một phát kiến rất hiện đại, không giống kiểu mái ngói truyền thống, khi họ không đắp đất lên mái ngói mà lại tạo ra một không gian trống để lắp đặt các thiết bị khác nhau trong đó và che mái hành lang nối hai tòa nhà bằng kính trong suốt, tạo nên một cảm giác mới lạ. Những tòa hanok được sử dụng làm sảnh tiệc cần tính sang trọng hoặc dãy phòng khách sạn như trên thì thường có xu hướng chọn phong cách hoa lệ có quy mô lớn.

fea5-6.jpg

© Park Young-chae

fea5-7.jpg

Hành lang hình tròn của khu Buyeo Lotte Resort
Khu nghỉ dưỡng Buyeo Lotte (2010) xây dựng trong Khu Di tích Lịch sử Baekje được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2015, khơi dậy trí tưởng tượng về lịch sử nhờ những di tích cổ đại. Là sản phẩm hợp tác giữa hai kiến trúc sư Kim Seung-hoy và Cho Jung-goo, công trình là sự gặp gỡ đầy ngoạn mục giữa những tòa nhà hiện đại thanh thoát tươi mới với những tòa hanok được tái cấu trúc theo hình kỷ hà. Đặc biệt, hành lang tròn đường kính lớn nằm ở trung tâm lối vào khu nghỉ dưỡng tạo nên một cảnh quan đặc biệt từ bên trong vòng quay cho xe quay đầu.

Để cấu tạo nên tòa nhà hình tròn hoàn hảo, họ thiết kế chuẩn từng chi tiết tất cả các bộ phận và hình dạng của kết cấu cho khớp với độ cong đã được tính toán kỹ, chúng được cắt sẵn tại xưởng và mang đến lắp ráp tại công trình. Tòa vọng lâu được đặt giữa sảnh thềm của khu nghỉ dưỡng nối từ hành lang và chính diện của tòa nhà chính cũng thể hiện được sự hài hòa tự nhiên giữa truyền thống và hiện đại theo quy hoạch kiểu hanok.

fea5-8.jpg

Văn phòng Arumjigi
Tòa nhà văn phòng của tổ chức phi lợi nhuận Arumjigi (2013) do hai kiến trúc sư Kim Jongkyu và Kim Bongryeol hợp tác thiết kế đã hiện thực hóa mục tiêu của tổ chức này là quảng bá vẻ đẹp và giá trị của văn hóa truyền thống đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa truyền thống.

Từ con đường ven bức tường đá phía tây cung Gyeongbok ở Seoul, có thể nhìn thấy tòa nhà với tầng 1 xây bằng bê tông, tầng 2 bằng gỗ và tầng 3 được nối bằng kính mờ. Trên tầng 2, chúng ta có thể trông thấy phần mở của ngôi nhà hanok đối diện tựa khung tranh rộng 4m cao 2,5m.

Tầng hai với trọng tâm là mảnh sân ở giữa, được bao bọc bởi ba tòa nhà với các dung diện khác nhau và các bức tường gỗ đóng mở về phía cung điện, tòa nhà bê-tông cao bốn tầng ở phía tây giống như phông nền cho hai tòa nhà bằng gỗ. Không gian này khiến ta cảm thấy như hình ảnh một cuộc đối thoại giữa những tòa nhà có phong cách khác nhau nhưng đều dựa trên nền tảng truyền thống lâu đời của nền kiến trúc Hàn Quốc.

Bằng cách này, kiến trúc hanok được đưa vào thành phố để thực hiện chức năng của một điểm mốc (landmark). Chẳng hạn như Cổng Nghệ thuật của Chợ Tongin (2012) ở phía tây cung Gyeongbok tạo điểm nhấn ở lối vào chợ truyền thống bằng cách đặt mái kính trên bộ khung của căn hanok, còn Thánh đường phố Gahoe gần đó, từ khi trùng tu, xây thêm một gian phòng khách sarangchae (2013) nhìn ra phố, đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng trong vùng.

 

Thư viện kiểu hanok của trường Tiểu học Jeongsu
Trường tiểu học Jeongsu, nằm ở Jeongneung, ngoại ô phía bắc Seoul, đã thu hút nhiều sự chú ý khi xây dựng một thư viện (năm 2020) và các phòng học đặc biệt xây dưới dạng hanok.

Trong quá trình xây dựng, học sinh, giáo viên và phụ huynh tập hợp lại để cùng hình thành ý tưởng về các không gian tòa nhà và đặt cho chúng tên gọi mang ý nghĩa đặc biệt thể hiện tình yêu dành cho chữ Hangeul: “Hansolgak” cho thư viện và “Narijae” cho lớp học đặc biệt.

Hai tòa nhà được nối với nhau bằng một hành lang dài kiêm chức năng của mái che nắng cho những học sinh chạy quanh sân chơi có thể vào nghỉ ngơi bất cứ lúc nào.

Trong thư viện, hai tầng được mở trong nhà để tạo thành các kệ sách sắp xếp theo hình bậc thang, và phòng học đặc biệt có phần bậc thềm nối dài bằng gỗ được mở rộng ra để ai cũng có thể ngồi lên và trò chuyện.

Bộ Giao thông Địa chính có chương trình chi viện cho Dự án phát triển công nghệ hanok nhằm thể hiện không gian an toàn. Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ các cơ quan như Đại học Dongyang Mirae, công ty Kiến trúc Daeyeon, Viện Nghiên cứu Kiến trúc Đô thị QNA và Công ty Xây dựng Hyeonyeong … đã hợp tác với nhau để đưa vào ứng dụng các kỹ thuật như cấu trúc gỗ hiện đại, tận dụng gỗ nhiều lớp và các loại tường bê tông đúc sẵn tiện lợi trong việc lắp ráp.

fea5-10.jpg
fea5-11.jpg


Lee Kang-min Giáo sư Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc
Dịch. Bùi Phan Anh Thư

전체메뉴

전체메뉴 닫기