메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

On the Road

2021 AUTUMN

SÓNG ÂM TRÁNG LỆ CỦA THỦ ĐÔ NGÀN NĂM

Một thành phố gìn giữ mọi vẻ đẹp của văn hóa và lịch sử lâu đời, một kinh đô của vương quốc cổ đại, nơi cứ hễ đào đất lên là phát hiện di sản văn hóa khiến những công trình phải dừng thi công. Gyeongju là nơi có thể tưởng tượng về một nền văn minh rực rỡ qua những di tích và di sản để lại.

road_1.jpg

Tòa tháp đá ba tầng Đông Tây ở di chỉ chùa Gameun (Gameunsaji - Cảm Ân tự chỉ) tại làng Yongdang, huyện Yangbuk, thành phố Gyeongju là Bảo vật Quốc gia số 112, có chiều cao 13,4m và là tòa tháp đá lớn nhất trong số các tòa tháp đá thời Silla Thống nhất. Chùa Gameun được xây dựng sau khi vị vua thứ 30 của Silla, vua Munmu, thống nhất ba vương quốc. Hiện nay trên mặt đất chỉ còn lại những ngọn tháp này để bảo vệ vùng biển phía đông Gyeongju.

Khi nhớ đến nhà văn dẫn đầu thế hệ Beat (The Beat Generation) Jack Kerouac (1922-1969) và việc ông đắm chìm vào thế giới Phật giáo vào những năm cuối đời, tôi thấy lòng rộn ràng khi tiến về Gyeongju – trái tim của văn hóa Phật giáo một thời. Chuyên mục này được đặt tên theo tựa đề của một tiểu thuyết do ông sáng tác, “Trên mọi nẻo đường” (On the Road).

Cụm từ tóm tắt về Gyeongju là “thủ đô ngàn năm”. Nói một cách chính xác thì Gyeongju là thủ đô trong 992 năm, còn thiếu tám năm nữa mới đủ ngàn năm nhưng thành phố này đẹp nên ta cứ xem như là vậy. Những con người cùng sinh sống, tạo dựng nên một đất nước từ năm 57 trước Công nguyên đến năm 936, đất nước đó có tên Silla (Tân La). Tôi chỉ nghĩ ra được vài quốc gia có lịch sử ngàn năm. Trong đầu tôi hiện giờ chỉ có đế quốc La Mã, bao gồm cả thành phố Byzantium và Thánh chế La Mã còn lưu giữ ghi chép có giá trị sử liệu lâu đời. À, các vương triều của Pharaoh cũng tồn tại khá lâu. Tuy nhiên, trong vùng đất nhỏ bé ở bờ rìa khu vực Đông Á này cũng từng có một nhà nước để lại nền văn hóa rực rỡ kéo dài suốt cả ngàn năm.

Tóm lại, ta có thể xem Gyeongju là một vận động viên của liên minh các “đại đô thị văn minh lộng lẫy” cùng thời như Constantinople (Istanbul), Trường An (Tây An) và Bagdad. Gyeongju giao lưu mạnh mẽ với Trung Quốc – đất nước đã từng vượt qua Ả Rập, mở rộng giao thương đến tận Châu Âu qua Con đường Tơ lụa thời cổ đại nên người ta tìm thấy cả thủy tinh La Mã trong những ngôi mộ của người Silla. Đất nước này đã không thu mình trong tầm nhìn hạn hẹp mà biết tận dụng môi trường giao lưu rộng lớn với tâm thế công dân toàn cầu. Bước sang thời cận đại, sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và các cuộc chiến tranh có lẽ đã tàn phá hầu như mọi thứ, nhưng may thay đất nước Hàn Quốc vẫn còn giữ được dấu tích của nền văn minh Silla. Thật biết ơn!

road_3.jpeg

Đi qua điện giữa Bido, ta sẽ thấy điện chính Jusil (Chủ thất) có không gian hình tròn với trần hang động là mái vòm hình hoa sen, bên trong có nhiều tượng Phật, Bồ tát và các vị thần hộ mệnh bao quanh tượng Phật ở trung tâm, thể hiện vẻ đẹp điêu khắc và kỹ thuật kiến trúc cổ điển. Hiện nay, để bảo tồn di tích, du khách không thể vào bên trong điện chính thất, nhưng có thể chiêm ngưỡng bằng cách nhìn qua vách ngăn kính được lắp đặt trên lối tham quan.
© Han Seok Hong, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia

VẺ ĐẸP BÍ ẨN
Tiến vào Gyeongju từ biển Đông bằng thuyền giống như một nhà thám hiểm nước ngoài, tôi bắt gặp di chỉ chùa Gameun (Gameunsaji – Cảm Ân tự chỉ), di tích lịch sử đầu tiên tưởng nhớ nhà vua Munmu (Văn Vũ Đại vương) (? - 681). Việc đặt tên cho ngôi chùa này mang ý nghĩa người dân sẽ luôn “Theo dõi” (Follow) công ơn của vị vua từng thổ lộ ý chí có chết đi cũng quyết trở thành rồng để giữ gìn đất nước và bấm “Thích” (Like) liên tục mỗi khi có điều kiện.

Cảm nhận về Gameunsaji có chút đặc biệt. Nơi này không được chăm chút kỹ lưỡng như một danh lam nổi tiếng nên thoạt trông có vẻ như bị bỏ rơi. Ngôi chùa không tốn phí vào cổng và cũng không thấy người quản lý. Nơi đây chỉ còn sót lại mỗi tòa tháp đôi cũ kỹ trên nền đất, nhưng đã luôn đứng sừng sững ở đây từ rất lâu đời. Thời cổ đại, khu vực dưới chùa Gameun tiếp xúc với nước biển, có cả kênh dẫn nước để rồng có thể ra vào. Tôi không rõ ngọn tháp đôi đang bảo vệ vị vua hóa rồng, hay là rồng đang canh giữ ngọn tháp đó, nhưng vẻ đẹp bình dị của ngọn tháp thu hút đến độ tôi không muốn rời mắt khỏi nó.

Trong hộp đựng xá lợi (Sarijangeomgu – Xá lợi Trang nghiêm cụ) tìm thấy trong tháp khi tháo rời tháp này để phục chế thể hiện nghệ thuật thủ công kim loại tinh xảo của Silla. Bảo vật này được giữ ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul, đẹp đến điên cuồng. Nó tương phản rất rõ nét với vẻ đẹp bình dị bên ngoài của tháp. Tôi cho rằng bảo vật ẩn mình trong tòa tháp này chính là kỹ thuật nền tảng gầy dựng nên nền văn minh rực rỡ của Silla. Rực rỡ nhưng khiêm tốn, không phô trương. Phải chăng điều này dạy ta rằng nét đẹp thực thụ thì không nhất thiết cần vỏ bọc mà vẫn tự tỏa sáng?

Vì muốn ngắm rõ hơn vẻ đẹp bí ẩn của Silla nên tôi nhắm thẳng đường vào trung tâm Gyeongju. Đi không lâu là đến dãy núi Toham chắn gió biển thổi vào Gyeongju, tôi thấy động Seokguram (Thạch Quật am) xuất hiện từ sâu trong núi. Nói gì thì nói, hai tuyển thủ quốc gia hàng đầu ở tiền tuyến đảm trách vẻ đẹp của Gyeongju là chùa Bulguk (Bulguksa – Phật Quốc tự) và Seokguram. Seokguram là một am động thuộc chùa Bulguk, có kết cấu được thiết kế tương tự ngôi đền Pantheon ở La Mã. Tuy việc nước này đã có sự giao lưu đáng kể về kỹ thuật kiến trúc như thế từ thời cổ đại thật đáng kinh ngạc, nhưng việc thưởng lãm vẻ đẹp trước mắt ngay lúc này đây thôi cũng đủ làm tôi bận rộn rồi.

Động Seokguram là công trình tuyệt đỉnh cả về nét đẹp kiến trúc lẫn mỹ thuật Phật giáo ẩn mình trong lòng hang đá nhân tạo tuyệt đẹp, được xây dựng bằng Phật tâm sâu sắc của Silla vốn là một quốc gia Phật giáo. Tương truyền là nước mưa không thể thấm từ bên ngoài vào và ở bên trong, rêu cũng không thể bám được. Nghe kể lại rằng ban đầu người ta định đục đá để tạo hang, nhưng tầng đá hoa cương quá cứng nên họ đành lắp ghép hàng trăm phiến đá và hình thành nên hang động kỳ vĩ này. Kỹ thuật này khiến động Seokguram trở nên khác biệt so với các công trình am động Phật giáo ở Trung Quốc hay Ấn Độ, có lẽ vì thế mà nó toát lên vẻ quyến rũ rất độc đáo. Ngày tôi tìm đến, con đường dẫn đến Seokguram, cả lên và xuống, sương mù giăng dày đặc. Bên trong Seokguram cũng được che chắn khá kỹ để bảo tồn các di sản, và tôi không có cách nào ngắm kỹ hơn vì phải xếp hàng và chỉ được tham quan trong lúc hàng người đang di chuyển. Nhưng tôi nghĩ không cần phải nhìn vào sâu trong ấy quá lâu. Đó là vẻ đẹp ôm trọn trong tim. Hình như vẻ đẹp mãnh liệt của nghệ thuật điêu khắc lan truyền như sóng âm, nên tuy chỉ lướt nhẹ qua chốc lát, tôi có cảm giác biểu cảm trên gương mặt tượng Phật đã kịp thấm sâu vào trong mắt tôi.

road_2.jpeg

Tượng Phật ngồi trong động Seokguram (tọa lạc trên sườn núi Toham tại phường Jinhyeon thành phố Gyeongju) được đánh giá là một kiệt tác nổi bật trong lịch sử mỹ thuật Phật giáo. Đây là hình ảnh nhìn từ điện giữa Bido (Phi đạo). Động Seokguram được xây dựng hơn 20 năm trong thời kỳ Silla Thống nhất khoảng giữa thế kỷ thứ VIII, là hang động bằng đá hoa cương đạt được sự hài hòa giữa mỹ thuật Phật giáo với phong cách kiến trúc La Mã cổ đại du nhập theo Con đường Tơ lụa cổ đại.
© Han Seok Hong, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia

NỀN MỸ HỌC CỔ ĐIỂN
Khi đã được tiếp thêm sức bền, tôi tiến đến ngôi chùa Bulguk để tìm kiếm vẻ đẹp tiếp theo. Ngắm đôi tháp trước chính điện mang tên điện Daeung (Đại Hùng điện), tôi cảm nhận được vẻ đẹp cổ điển của thứ ở yên một chỗ lâu năm. Dường như từ khóa xuất hiện xuyên suốt về Gyeongju – liên tục đóng vai trò là cứ điểm địa phương trọng yếu cho các đời vua sau khi Silla diệt vong – là “cổ điển” (vintage). Đó là sự cảm nhận về vẻ đẹp hòa trộn giữa cái huy hoàng chói lọi một thời và cả sự cam chịu lâu dài. Đôi tháp này đã chứng kiến không gian và thời gian ở nơi này bao lâu rồi nhỉ? Chắc chắlà chúng đã nhìn thấy quá trình hưng thịnh và suy vong của các vương triều, có lẽ cũng chứng kiến được những thăng trầm cuộc sống trải qua ở nơi này, và giờ đây thì đang nhìn xuống vô số lượt khách đến thăm.

Cấu trúc của ngôi chùa Bulguk tính từ đôi tháp có được vẻ đẹp của sự cân đối đáng ngạc nhiên. Ba trong số bốn bức tượng sư tử được tạc trong tòa tháp Dabo (Đa Bảo tháp) – báu vật của chùa Bulguksa đã bị thất lạc. Công trình này đã từng trải qua nhiều phong ba: tháp Seokga (Thích Ca tháp) bị rơi khi trùng tu, còn hộp xá lợi bên trong tháp thì bị vỡ. Những di tích vốn đã trải qua muôn vạn khó khăn ấy nay trông vẫn điềm tĩnh như thể đã vượt lên trên mọi phiền não. Sự bền bỉ vượt khó nào cũng đều hết sức quyến rũ. Tôi cảm nhận được những tấm lòng tha thiết luôn gắng sức giữ gìn mọi di sản văn hóa qua bao tai ương xâm lược, cướp đất, động đất, nạn đào trộm di tích, di vật bị thất lạc hoặc hư hại… Bản kinh Đà La Ni (Đà La Ni kinh) cũng được tìm thấy trong tháp Seokga. Bộ kinh này minh chứng cho sự xuất hiện của kỹ thuật in mộc bản thời bấy giờ. Đây cũng là một báu vật đáng tự hào của Silla, bởi vì không cần giải thích gì thêm về việc kỹ thuật in đã đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của văn minh nhân loại đến mức nào.

Bị choáng ngợp trước độ sâu và rộng của thời gian và không gian các di sản mang lại, ra khỏi chùa Bulguksa, tôi thấy một bảo tàng văn học, nơi tưởng niệm nhà văn Kim Dong-ri (1913-1995) và nhà thơ Park Mog-wol (1915-1978). Họ viết rất nhiều những áng văn tuyệt vời. Văn hóa Silla và văn học cận đại Hàn Quốc có vẻ như không liên quan đến nhau nhưng tôi chợt nghĩ ra được một tiếp điểm. Trong những dòng chữ khắc trên chiếc chuông khổng lồ mang tên vua Seongdeok (Thánh Đức Đại vương Thần chung) thuộc thời đại Silla, có câu: “Con người thời bấy giờ yêu tài năng văn chương và ghét của cải”.

Tôi lý giải câu văn này là người Silla rất yêu văn chương thay vì tham lam tiền bạc. Một đất nước có những suy nghĩ đẹp đẽ như thế này thì chẳng có lý do gì họ không để lại nhiều điều tốt đẹp. Tôi thật ghen tị với những nhà văn ngay từ bé đã được chiêm ngưỡng nền văn minh Gyeongju mà trưởng thành. Có lẽ nhờ được sinh ra và lớn lên ở nơi đây nên họ có được tầm nhìn phong phú về cái đẹp.

Tôi đang tưởng tượng đến họ khi dạo bước thì từ trong nhà lưu niệm nhà thơ Park Mog-wol bỗng nhiên cất lên giọng ai đó ngâm thơ. Giống như nhà thơ Anh William Wordsworth (1770-1850), trong sự trữ tình của Park Mog-wol theo trường phái lãng mạn luôn chất chứa sự thông thái về cuộc đời và thiên nhiên. Báu vật ở Gyeongju không chỉ là di tích. Những kiệt tác của họ trường tồn để liên tục tỏa sáng. Cuộc du ký văn chương của tôi kết thúc ngắn ngủi ở bảo tàng văn học này, nhưng vẫn có các chương trình đi thăm nơi sinh và bối cảnh sáng tác của các tác phẩm tiêu biểu của hai nhà thơ để khách tham quan có thể khám phá sâu hơn.

road_4.jpg

Chùa Bulguk nằm ở sườn núi phía tây của dãy núi Toham, cùng với động Seokguram thể hiện sự tinh túy của mỹ thuật Phật giáo Silla. Trên nền kiến trúc đá tinh xảo, chùa này có những khu điện như điện Daeung (Đại Hùng điện), điện Geuknak (Cực Lạc điện), các tòa tháp như Seokga (Thích Ca tháp) và Dabo (Đa Bảo tháp), các cây cầu như cầu Beakun (Bạch Vân kiều) và cầu Yeonhwa (Liên Hoa kiều). Cùng với Seokguram, chùa Bulguk được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1995.

road_5.jpg

Daereungwon (Đại Lăng uyển) với 23 ngôi mộ hình tròn trên khu đất phẳng khoảng 38.000 pyeong (khoảng 125.400 m2) là quần thể lăng mộ cổ lớn nhất ở Gyeongju. Tọa lạc tại phố Hwangnam trong trung tâm thành phố Gyeongju, đây là nơi ta có thể cảm nhận được sự bí ẩn siêu việt vượt cả thời gian và không gian.

Có sự sống hiện diện giữa cái chết ư? Mối tương quan giữa sự sống và cái chết có hài hòa với nhau chăng? Làm thế nào để chấp nhận được khoảng cách giữa cổ đại và hiện đại? Duy chỉ với sự tương phản rõ nét, Gyeongju thỏa sức phô bày những tồn tại độc đáo.

road_6.jpg

Thánh Đức Đại vương Thần chung được đúc vào thời Silla Thống nhất, cao 3,66 m, đường kính 2,27 m, dày từ 11 đến 25 cm và nặng 18,9 tấn, là quả chuông lớn nhất còn tồn tại ở Hàn Quốc. Trên đỉnh của quả chuông khổng lồ này có một ống âm thanh giúp tạo âm vang. Đây là cấu trúc độc đáo chỉ có thể tìm thấy ở những chiếc chuông đồng Hàn Quốc, giúp tạo ra âm thanh huyền bí với dư âm sâu lắng kéo dài rất lâu.

road_7.jpg

Bảo tàng Văn học Dong-ri và Mog-wol được xây dựng ở dưới chân núi Toham vào năm 2006 để tưởng nhớ nhà văn Kim Dong-ri (1913~1995) và nhà thơ Park Mog-wol (1915~1978) vốn xuất thân từ vùng đất Gyeongju này. Nơi đây trưng bày các bản thảo, bộ sưu tập tác phẩm và những đoạn phim của hai văn nhân đã để lại dấu ấn nổi bật trong nền văn học hiện đại Hàn Quốc, đồng thời cũng tổ chức các chuyến tham quan đến thăm nơi họ sinh ra và bối cảnh sáng tác các tác phẩm của họ.

road_8.jpg

Đây là phòng sáng tác của tiểu thuyết gia Kim Dong-ri được phục dựng bên trong Bảo tàng Văn học Dong-ri. Bảo tàng Văn học Dong-ri và Mog-wol được chia thành 2 khu là Bảo tàng Văn học Dong-ri và Bảo tàng Văn học Mog-wol, nơi đây trưng bày các kỉ vật và các bức tượng của từng tác giả.

road_9.jpg

Đây là một bản thảo viết tay của tiểu thuyết gia Kim Dong-ri. Trong phòng sáng tác được phục dựng lại có trưng bày nhiều kỷ vật mà sinh thời ông dùng như: bút máy, mắt kính, kệ sách và các mảnh ghi chú.

TIẾNG CHUÔNG RỘN RÀNG
Rời khỏi bảo tàng văn học, tìm đến khu lăng mộ Daereungwon (Đại Lăng uyển), tôi thán phục trước vẻ kỳ dị (grotesque) của đường chân trời được vẽ nên bởi những ngôi mộ khổng lồ. E ngại sẽ lạc mất tọa độ trong không gian và thời gian này nên tôi đành lánh thân mình vào trong một ngôi mộ cổ gọi là Cheonmachong (Thiên Mã trủng) được tạo ra để có thể quan sát bên trong. Chân tôi lành lạnh. Trong suốt hành trình du ký Gyeongju, trời mưa triền miên, nhưng Gyeongju không ngừng dành tặng những điều mới mẻ, khiến tôi mải chiêm ngưỡng quên mất bàn chân mình bị ướt mưa.

Bên trong lăng mộ có vẻ đáng sợ, hoặc là thần bí, hoặc là u ám, nhưng đẹp. Nơi con người nằm xuống lúc chết đi trông có vẻ bình an, không có chút cảm giác gì về sự sụp đổ. Khi nghĩ đến những tấm lòng tận tình lo liệu cho lễ tang, tôi cảm thấy sự cần mẫn của người xưa thật đáng kinh ngạc. Tự kiểm điểm lại tính lười biếng của mình và ra khỏi ngôi mộ, tôi bắt gặp một khu phố phồn vinh có tên Hwangnam-dong ở trung tâm Gyeongju. Tôi hơi cảm thấy kỳ dị trước khoảng cách giữa khu phố phồn hoa của thời hiện đại và chân ngôi mộ cổ đại. Có sự sống hiện diện giữa cái chết ư? Mối quan hệ giữa sự sống và cái chết có hài hòa với nhau chăng? Làm thế nào để chấp nhận được khoảng cách giữa cổ đại và hiện đại? Duy chỉ với sự tương phản rõ nét này, Gyeongju thỏa sức phô bày những tồn tại độc đáo.

Tôi tiến đến trước chiếc chuông Thánh Đức Đại vương đã đề cập ở trên để kết thúc hành trình ngắn ngủi này. Đó là điều bí ẩn mà tôi muốn gặp lại nhất sau một thời gian dài quay lại thăm Gyeongju. Dòng chữ “Yêu văn chương và ghét của cải” khắc trên bề mặt chiếc chuông đã bị bào mòn bởi thời gian bỗng như nổi lên sống động tựa ảnh nổi ba chiều (hologram) trước mắt. Và tôi đã hình dung ra được thứ âm thanh cộng hưởng độc đáo của chiếc chuông này. Thật tiếc vì tôi không thể cho độc giả nghe trực tiếp tiếng chuông ấy, nhưng hiện tượng giao thoa âm thanh để truyền tiếng vang đi xa từ chiếc chuông khổng lồ này giống như âm thanh được tạo ra khi đã hiểu biết rõ nguyên lý cơ học về sóng của thời hiện đại làm tôi “nổi gai ốc”. Tôi mong những độc giả đọc bài này nếu có đến thăm Gyeongju, thì ít nhất một lần nghe được tiếng chuông hùng tráng nơi đây. Sóng âm từ chiếc chuông này giống như những di chỉ khảo cổ chứng minh cho vẻ đẹp cổ điển của Gyeongju, giống như sự kính cẩn đối với tri thức về văn chương, giống với một nghi lễ mà trong đó con rồng giữ gìn một thành phố lớn thời cổ đại giao lưu với thế giới đang tự thán phục mình và gầm rú lên, biết đâu rằng như thế! Dù gián tiếp, tôi hy vọng sóng âm này được truyền đi xa và mong sóng âm đang kính cẩn với cái đẹp như thế này sẽ trường tồn mãi mãi.

Park Sang Nhà văn
Dịch. Bùi Phan Anh Thư
Ảnh. Ahn Hong-beom

전체메뉴

전체메뉴 닫기