메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 AUTUMN

TRỒNG CÂY TẠI NHÀ, SỨC MẠNH TỪ CÂY XANH

Sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến người Hàn Quốc quên đi thói quen chăm sóc cây trong vườn nhà vốn đã có từ lâu. Thế hệ càng trẻ càng ít có dịp tiếp xúc với đất trồng hơn. Giờ đây, văn hóa làm vườn từ thời bố mẹ theo thời gian đã dần hòa hợp với những yếu tố khác như nội thất, nhu cầu chữa lành và trở thành xu hướng mới của giới trẻ – đó là trồng cây trong nhà (interior gardening).

life_1.jpg

Trong bối cảnh mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn giãn cách xã hội do dịch COVID-19, trào lưu trồng và chăm sóc cây xanh trong nhà có xu hướng lan rộng đến giới trẻ. Có nhiều các lớp học khác nhau về chọn lọc và chăm sóc cây mà bạn có thể tham gia online.
© CLASS 101

Park Eun-jin (36 tuổi), nhân viên văn phòng sống tại Mapo-gu, Seoul đã bắt đầu quan tâm đến trồng cây trong nhà kể từ khi cô phải làm việc từ xa thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ban đầu cô mua một chậu cây chỉ là để tạo thêm chút sức sống cho không gian tẻ nhạt trong nhà vì giãn cách xã hội. Vậy mà giờ đây, ban công nhà cô đã ngập tràn màu xanh của cây cỏ. Cô vô cùng hài lòng với bầu không khí mới này đến mức đã tự hỏi làm thế nào mình có thể sống trong ngôi nhà không có cây xanh suốt thời gian qua. “Tôi đã từng cảm thấy bất an và lo lắng vì dịch COVID-19, nhưng sau đó tôi tìm được cảm giác thoải mái và an tâm mỗi khi tự mình chăm sóc cây cỏ”, cô Park cho biết.

Là một working-mom sống ở Seongdong-gu, Seoul, Kim Kyung-sun (39 tuổi) đã say mê cây cối sau khi tình cờ tham dự lớp học một ngày về trồng vườn. Cứ ngỡ chăm sóc cây xanh là thú vui chỉ dành cho người ở tuổi bố mẹ mình, cô Kim chia sẻ đây là lần đầu tiên biết được nhiều cách trồng cây trong nhà đa dạng và hợp thời như thế. Vì chó và mèo nuôi ở nhà hay cắn và nhai cây lá nên cô cần cân nhắc trồng những loại cây không gây hại cho chúng. Dù vậy, vẫn có rất nhiều sự lựa chọn thích hợp. “Tôi bắt đầu trồng các loại cây nhỏ ở ban công để những đứa trẻ dạo này không thể đi đến trường mẫu giáo hay nông trại cuối tuần có thể chăm sóc chúng, và cây xanh cũng giúp làm đẹp không gian nội thất trong nhà”, cô Kim cho biết. Cô cũng chia sẻ thêm về dự định sẽ đăng ký khóa học trực tiếp về planterior sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

Trào lưu trồng cây trong nhà xuất hiện cách đây khoảng 10 năm chủ yếu ở những người nghỉ hưu. Ngày nay, phong trào này đang bùng nổ, mở rộng đối tượng từ tầng lớp trung niên đến giới trẻ. “Pamrini” là từ vựng mới dùng để chỉ những người này. Đây là sự kết hợp giữa từ “farm” (nông trại) trong tiếng Anh và từ “eorini” (어린이, trẻ em) trong tiếng Hàn. “Pamrini” vốn là thuật ngữ trong Real Farm – một game mạng xã hội trên điện thoại – để chỉ những người chơi mới, nhưng gần đây được sử dụng rộng rãi như một tên gọi thân mật dành cho những người mới bắt đầu việc trồng cây trong nhà. Xét về văn hóa nhà ở Hàn Quốc, có đến 77,2% dân số sinh sống trong nhà tập thể (bao gồm chung cư). Việc thế hệ trẻ sinh ra và trưởng thành trong những ngôi nhà bê tông không có sân vườn, bắt đầu tay lấm lem đất và chăm sóc cây xanh quả là một sự thay đổi có ý nghĩa to lớn.

life_2.jpeg

Nhiều người mắc chứng Corona Blue (trạng thái trầm cảm, thiếu sức sống do tự cách ly và giãn cách xã hội trong thời đại dịch COVID-19) đã xoa dịu tinh thần khi trồng và chăm sóc cây xanh nhờ hóc môn serotonin giúp giảm cảm giác bất an và lo âu. Đây cũng là lý do vì sao “cây thú cưng” đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý trong thời gian gần đây.
© Park Hee-ran

life_3.jpg

Những đứa trẻ có thể chăm sóc cây xanh và trải nghiệm thiên nhiên ngay tại nhà. Cùng với sự thay đổi về hình thái nhà ở, khái niệm về khu vườn không chỉ giới hạn trong khoảng sân nhà mà còn được mở rộng đến không gian phòng khách của căn hộ chung cư, hay là sân thượng của những tòa nhà tại trung tâm thành phố.
© Getty Image Korea

XU HƯỚNG BOTANIC
Tháng 10 năm 2018, Vườn Bách thảo Seoul (Seoul Botanic Park) – công viên bách thảo đầu tiên của thành phố kết hợp giữa hai mô hình vườn thực vật và công viên – chính thức mở cửa. Chỉ trong hai năm rưỡi, nơi đây đã đón hơn 10 triệu lượt khách tham quan. Đây là con số rất cao nếu xét đến tình hình dịch bệnh hiện nay. Cá nhân người viết để ý nhiều hơn đến hiện tượng từ “botanic” có mặt trong tên gọi của tất cả cơ sở kinh doanh ở khu vực này. Không chỉ những chung cư gần đó mà cả khách sạn, trung tâm tổ chức tiệc cưới, quán ăn, tiệm cafe, văn phòng môi giới bất động sản, phòng chơi bida, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi đều có từ này trên bảng hiệu.

Đầu năm nay, “The Hyundai” – trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất Seoul – đã khai trương tại Yeouido, trung tâm tài chính của thành phố. 49% tổng diện tích kinh doanh của cửa hàng được sử dụng để bài trí cây xanh và không gian nghỉ ngơi cho khách. “The Hyundai” đã cho thấy xu hướng mới trong thiết kế nội thất trung tâm thương mại khi sở hữu diện mạo hoàn toàn khác biệt so với hình ảnh những sản phẩm được trưng bày chật kín ở các trung tâm trước đây. Trên thực tế, đây là kết quả của sự cạnh tranh ngầm bằng hình thức “trưng bày cây xanh” giữa ba “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm thương mại là Lotte, Shinsegae và Hyundai.

Theo đó, có thể nói rằng, xu hướng botanic đã bắt rễ và dần lan tỏa từ trước khi COVID-19 xuất hiện; đến lúc dịch bệnh xảy ra thì xu hướng này chính thức tạo nên trào lưu trồng cây trong nhà. Theo thống kê được công bố vào tháng 1 năm nay của Lotte Mart – một hệ thống trung tâm mua sắm lớn ở Hàn Quốc – doanh số bán ra nhìn chung giảm mạnh do ảnh hưởng của COVID-19, nhưng sức mua đối với các sản phẩm trồng cây lại có xu hướng tăng cao, đạt 17,6% vào năm 2019 và lên đến 18,7% vào năm 2020. Đặc biệt, mức tiêu thụ của hai mặt hàng chậu cây và bình hoa lần lượt tăng 46,5% và 22,3% trong năm 2020 cũng là khoảng thời gian người dân được quy định phải giãn cách xã hội tại nhà. Theo nền tảng mua sắm trực tuyến Interpark, doanh thu từ các sản phẩm trồng cây trong nửa cuối năm 2020 tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc. “Bản điều tra trước tình hình bán lẻ” (Advance Monthly Retail Trade Survey) của một cơ quan tại Mỹ cho thấy phần lớn ngành bán lẻ ở nước này đều đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh số; tuy nhiên, các mặt hàng chăm sóc cây xanh lại ghi nhận mức tăng trưởng gần 10%. Đây được xem là sự thay đổi đáng chú ý khi so sánh với mức tăng trưởng trên dưới 5% của thị trường này trong những năm qua.

PLANTERIOR VÀ “CÂY THÚ CƯNG”
Trào lưu trồng cây trong nhà cũng có mối liên hệ với một hiện tượng mới xuất hiện trong thời dịch COVID-19, đó là planterior. Được ghép từ “plant” (cây cối) và “interior” (nội thất), thuật ngữ này trở thành từ khóa “nóng” của thị trường nội thất, tạo ra sự bùng nổ về nhu cầu trồng cây gắn liền với tình hình dịch bệnh. Theo “Kết quả phân tích dữ liệu lớn về xu hướng tiêu dùng cây cảnh” do Viện Giáo dục, Văn hóa và Thông tin về Thực phẩm, Nông lâm, Thủy sản Hàn Quốc (Korea Agency of Education, Promotion & Information Service in Food, Agriculture, Forestry & Fisheries) công bố tháng 12 năm 2020, mức độ quan tâm trực tuyến về công nghiệp cây cảnh và hoa đã tăng khoảng 10,3% so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019. Báo cáo này khẳng định xu hướng tiêu dùng trong lĩnh vực cây cảnh sau đại dịch chính là planterior và “cây thú cưng”.

Kết quả tương tự cũng đã được trình bày trong báo cáo “Sự thay đổi hình thái tiêu dùng do ảnh hưởng của COVID-19” của Viện Nghiên cứu Quản lý Tài chính Hana, công bố vào tháng 12 năm ngoái kèm với kết quả phân tích dữ liệu doanh thu thẻ ngân hàng. Doanh số bán ra của hoa và cây cảnh trong tháng 1 và tháng 2 năm 2020 giảm lần lượt 8%, 10% so với năm ngoái và hồi phục trở lại từ tháng 3, cũng là khoảng thời gian nguy cơ dịch bệnh gia tăng khiến mọi người bắt đầu giãn cách xã hội và làm việc tại nhà thường xuyên hơn. Từ tháng 4 đến tháng 10, doanh số tiếp tục tăng mỗi tháng tối thiểu 4% và tối đa 30%. Bài báo cáo kết luận: “Đã có nhiều người quan tâm đến planterior hơn, mức độ tiêu thụ hoa và cây cảnh cũng tăng cao”.

Việc trồng cây trong nhà đã thực sự khiến cho văn hóa planterior lan tỏa rộng rãi, trở nên phù hợp với những vấn đề cá nhân phát sinh do giãn cách xã hội trong tình hình dịch COVID-19. Đồng thời, còn có một từ khóa quan trọng đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta, chính là “cây thú cưng”. Sự quan tâm của công chúng đối với từ khóa này càng tăng lên khi nhiều nghệ sĩ trong đó có nhóm nhạc BTS đã chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh cây mình nuôi dưỡng và gọi chúng là “cây thú cưng”. Giờ đây, trồng cây trong nhà không chỉ là thú vui của những người sống độc thân hay người cao tuổi nhằm xoa dịu cảm giác cô đơn, mà đó còn là trào lưu đang thu hút sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN
Ở nước ngoài, nhiều công ty cho ra mắt các dịch vụ, hàng hóa đa dạng hoàn toàn mới và đang tích cực tiến vào thị trường cây trồng trong nhà. Vincross, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất rô-bốt của Trung Quốc đã phát triển sản phẩm “cây thú cưng” rô-bốt có thể chuyển động y hệt động vật nuôi bằng phương pháp cấy ghép kỹ thuật rô-bốt vào thực vật. Một công ty khởi nghiệp ở Áo là Herbert đã đề cao chức năng trang trí nội thất của “cây thú cưng” thông qua việc nghiên cứu hệ thống trồng cây theo không gian thẳng đứng có tên gọi là Hệ thống Ponix (Ponix Systems), giúp chúng ta có thể trồng cây dọc theo bức tường bên trong nhà tựa như treo khung ảnh. Ngoài ra, bạn có thể mang cây của mình đến những khách sạn chuyên trông giữ “cây thú cưng” trong trường hợp phải vắng nhà hoặc sử dụng dịch vụ chẩn đoán triệu chứng và kê đơn trực tuyến của những bệnh viện dành cho “cây thú cưng” khi chúng “bị bệnh”.

Ở Hàn Quốc, dịch vụ cho thuê máy trồng cây để khách hàng có thể tự trồng và tiêu thụ thực phẩm từ cây xanh ngay tại nhà đang phát triển mạnh mẽ. Theo tài liệu “Triển vọng phát triển thị trường nội địa của máy trồng cây” của Trung tâm Thẩm định Sở hữu Trí tuệ, Hiệp hội Phát triển Sáng chế Hàn Quốc, quy mô thị trường của sản phẩm này được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn từ 10 tỷ won vào năm 2019 lên đến 500 tỷ won vào năm 2023. Các ngành triển lãm có liên quan cũng hoạt động rất sôi nổi. Một buổi triển lãm đặc biệt có tên là “Xin chào, cây thú cưng của tôi” (Hello, My Houseplant) đã được tổ chức tại Vườn Thực vật Quốc gia Sejong vào đầu năm nay. Chương trình triển lãm “Làm vườn” (Gardening) cũng đang diễn ra đến tháng 10 tại không gian văn hóa phức hợp Piknic, Seoul.

Nhà tâm lý học Stephen Kaplan đã đưa ra “Thuyết phục hồi sự chú ý” (Attention restoration theory), trong đó nói rằng để xua tan cảm giác mệt mỏi tích lũy trong cơ thể, theo bản năng, con người sẽ tìm đến tự nhiên. Cây xanh giúp cơ thể người tiết ra hormone serotonin, làm giảm cảm giác bất an và lo âu. Những người say mê công việc trồng cây trong nhà chắc hẳn đã được trải nghiệm sức mạnh chữa lành của thực vật. Xu hướng này được dự đoán sẽ trở thành một phong cách sống mới ngay cả khi dịch COVID-19 đã kết thúc.

Việc trồng cây trong nhà đã thực sự khiến cho văn hóa planterior lan tỏa rộng rãi, trở nên phù hợp với những vấn đề cá nhân phát sinh do giãn cách xã hội trong tình hình dịch COVID-19. Đồng thời, còn có một từ khóa quan trọng đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta,
chính là “cây thú cưng”.

life_4.jpeg

Các lớp học trực tuyến về trồng cây trong nhà không chỉ bó hẹp ở nội dung đơn giản như cho đất vào chậu trồng cây mà còn có những chương trình học đa dạng như cách tạo ra những tác phẩm hợp xu hướng mà vẫn dễ học, dễ làm như khung hình treo tường.
© CLASS 101

life_5.jpg

Các lớp học về trồng cây trong nhà, hay còn gọi là chọn lọc và chăm sóc cây, không chỉ xoay quanh nội dung gieo trồng cây vào trong chậu mà còn quan tâm đến tổng thể về đời sống của cây xanh, lý do cây không sống và phát triển được, phương pháp trang trí không gian bằng cây xanh, v.v…
© CLASS 101

Jeong Dae-heon Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Vườn tược và Đời sống Hàn Quốc, Phóng viên Nguyệt san Gardening
Dịch. Trần Công Danh

전체메뉴

전체메뉴 닫기