메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 AUTUMN

XU HƯỚNG MỚI CỦA NỘI DUNG QUÂN SỰ

Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên vẫn đang bị chia cắt, các chương trình truyền hình với chủ đề quân đội nhận được sự quan tâm của công chúng âu cũng là lẽ thường tình. Gần đây, chương trình truyền hình thực tế sinh tồn “Binh đoàn thép” (Steel Troops) với ý tưởng đặc sắc về sự cạnh tranh khốc liệt giữa những người tham gia xuất thân là bộ đội đặc công đã tạo nên tiếng vang lớn.

Nội dung với chất liệu quân đội là nội dung luôn có lượng người xem ổn định (steady seller) ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, “Đàn ông không đích thực” (Fake Man, 2020) – một chương trình từng làm mưa làm gió trên YouTube – đã bị dừng phát sóng khi làm nổ ra tranh cãi “ngược đãi” bởi các cảnh quay hành hạ diễn viên theo ý đồ rèn luyện tinh thần quật cường qua các đợt huấn luyện tại các đơn vị đặc chủng của nhà sản xuất. Trong hoàn cảnh chủ đề “bộ đội” vẫn còn để lại dư âm không mấy dễ chịu cho khán giả, một chương trình truyền hình giải trí quân đội khác ra mắt đương nhiên sẽ tạo ra nhiều phản ứng pha lẫn lo ngại ngay từ trước khi bắt đầu.

ent_1.jpg

Chương trình “Binh đoàn thép” được phát sóng trên kênh Channel A từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay là chương trình truyền hình quân sự thực tế sinh tồn với sự góp mặt của sáu nhóm lính dự bị xuất thân bộ đội đặc công. Theo mỗi đơn vị trực thuộc, cách mà những người tham gia dùng kỹ năng đặc biệt tranh tài trong từng trận chiến khắc nghiệt để tìm ra đơn vị chiến thắng cuối cùng đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người xem.
© Channel A

CƠN SỐT NGOÀI MONG ĐỢI
Thế nhưng, chương trình “Binh đoàn thép” (Steel Troops) phát sóng tối thứ ba hàng tuần trên kênh Channel A suốt ba tháng từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 22 tháng 6 năm nay đã biến những lo ngại trên thành mong đợi ngay từ tập đầu. Chương trình truyền hình thực tế sống còn này chọn lọc ra binh đoàn mạnh nhất từ các nhóm lính dự bị xuất thân là bộ đội đặc công nên không cần giai đoạn huấn luyện ban đầu. Với cấu trúc tổ chức các cuộc thi đấu theo đơn vị cho những người tham gia được chuẩn bị kỹ càng, thật khó để xảy ra các tranh cãi về vấn đề ngược đãi. Thay vào đó, mỗi cá nhân sẽ cạnh tranh quyết liệt vì danh dự của đơn vị, tiếp thêm tinh thần thể thao cho chương trình. Các nhiệm vụ khắc nghiệt như nhảy xuống biển đêm lạnh giá cứu hộ, nhóm bốn người liên tục lăn lốp xe trọng lượng 250kg di chuyển 300m hay hành quân leo núi quãng đường 10km với quân trang 40kg trên vai không đặt nặng thắng thua mà đặt tâm điểm vào việc hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả đội bị loại vẫn hoàn thành nhiệm vụ cùng nhau đến cùng là nhờ có ý chí bảo vệ danh dự của đơn vị. Vì vậy, đội không giành chiến thắng vẫn nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Các tập mang tên “Chiến thuật chống khủng bố”, “Tái chiếm tàu Seoul” với những người chơi có ngoại hình ưa nhìn, vóc dáng vượt trội giống như thế giới ảo trong game đã thu hút đông đảo người hâm mộ nữ. Những cảnh quay căng thẳng tột độ tạo cảm giác như phiên bản đời thật của trò chơi bắn súng góc nhìn người thứ nhất (First Person Shooter – FPS) như “Rainbow Six” hoặc “Battle Round” đã khơi dậy nhiều phản ứng cuồng nhiệt từ khán giả.

ent_2.jpg

Những người tham gia với thể chất vượt trội đã trở nên nổi tiếng hơn sau từng tập phim. Trong đó, Yuk Jun-seo – hạ sĩ Tiểu đoàn Chất nổ UDT/SEAL thuộc lực lượng đặc nhiệm Hải quân Hàn Quốc đã xuất ngũ – là một trong những người nổi tiếng nhất. Đội UDT của anh cũng là đội giành được chiến thắng cuối cùng.
© Channel A

LỊCH SỬ CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ TÀI QUÂN ĐỘI
Trước “Binh đoàn thép” đã có nhiều chương trình về đề tài quân đội đa dạng xuất hiện đều đặn tại Hàn Quốc. “Đứng im!” – một tiết mục nhỏ của chương trình “Hài hước số 1” (Humor No.1) chiếu trên đài KBS 2TV từ năm 1987 đến năm 1991 đã tái hiện sinh hoạt tại quân ngũ dưới dạng tiểu phẩm hài kịch. Tiết mục này đã khéo léo chạm vào hai mặt cảm xúc của người Hàn Quốc đối với quân đội khi vừa dựa trên sự đồng cảm rộng rãi từ kinh nghiệm trong quân ngũ của khán giả vừa nhẹ nhàng châm biếm văn hóa thứ bậc ấy. Kinh nghiệm nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự ở độ tuổi 20 hừng hực nhất dẫn đến trạng thái tâm lý phức tạp của nam giới Hàn Quốc, đó là cảm xúc khó chịu về sự khổ luyện mà họ không muốn trải qua lần nữa và cảm xúc tự hào muốn khoe về những điều chỉ có mình họ đã vượt qua. “Đứng im!” được khán giả yêu mến nhờ sự đồng cảm, niềm tự hào về những gian khổ ấy, đồng thời thêm chút trào phúng về sự khó chịu đối với văn hóa thứ bậc trong doanh trại.

Chương trình “Sân khấu tình bạn” phát sóng trên Đài Truyền hình MBC từ năm 1989 đến 1997 là chương trình biểu diễn tiêu biểu khích lệ tinh thần người lính, sau đó đến chương trình tương tự mang tên “Thanh xuân! Báo cáo!” phát trên kênh KBS 1TV từ năm 2003 đến năm 2007. Thời điểm đó, quân đội còn là môi trường tách biệt với bên ngoài hơn hiện nay, do đó những chương trình biểu diễn động viên tinh thần này được xem là khoảng thời gian người lính gặp gỡ và giao tiếp với người ngoài. Đặc biệt, tiết mục “Mẹ yêu quý” ở phần cuối chương trình “Sân khấu tình bạn” với cảnh tượng người mẹ tìm đến doanh trại gặp con trai đã thật sự thu hút người xem.

Trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên, quân đội là môi trường không dễ công khai ra bên ngoài. Thế nhưng, trong chương trình “Đàn ông đích thực” (Real Man) được chia thành nhiều mùa phát sóng trên Đài Truyền hình MBC từ năm 2013 đến năm 2019 đã cho thấy sự phá cách khi chứa đựng kinh nghiệm trong quân đội của nhiều nghệ sĩ nhập ngũ ngắn hạn vào các đơn vị quân đội khác nhau. Camera quan sát (sử dụng trong chương trình truyền hình thực tế cá nhân) vốn là trào lưu mới trong các chương trình giải trí lúc bấy giờ đã thâm nhập vào tận bên trong doanh trại, ghi lại những trải nghiệm sống động. Tất nhiên, vì lý do bảo mật nên chương trình chỉ chiếu các tình huống trong một “doanh trại đã được dàn dựng” ở một mức độ nào đó. Đây là một ví dụ cho thấy quân đội Hàn Quốc đang thay đổi theo hướng cởi mở hơn rất nhiều so với trước đây.

Năm 2013, lực lượng không quân Hàn Quốc đã sản xuất đoạn phim quảng bá mang tên “Quân nhân khốn khổ” (Les Militaribles) phóng tác từ phim “Những người khốn khổ” (Les Miserables). Sau khi được Russell Crowe – người đóng vai thanh tra Javert trong phim gốc – đề cập trên trang cá nhân, đoạn phim đã tạo tiếng vang lớn trên toàn cầu và được đài truyền hình BBC của Anh đưa tin. Lấy cảm hứng từ đoạn phim này, lục quân Hàn Quốc cũng tung ra đoạn phim “Quý quân nhân” (Gentle Soldier) cũng là video hài hước lấy cảm hứng từ bài hát “Quý ông” (Gentleman) của ca sĩ PSY – người đang được thế giới chú ý với bài hát “Gangnam Style” vào thời điểm đó. Điều này cho thấy quân đội Hàn Quốc đang nỗ lực cởi bỏ hình ảnh tiêu cực trong quá khứ và tiếp cận công chúng một cách thân thiện.

ent_3.jpg

Trong tập 3 và 4 của “Binh đoàn thép”, lính dự bị của lực lượng đặc biệt đang thực hiện một chiến dịch xâm nhập bằng thuyền cao su IBS. Đây là loại thuyền được sử dụng cho mục đích trinh sát và xâm nhập bí mật trên biển, nặng tới 250 kg.
© Channel A

NÊN DUYÊN VỚI CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ SỐNG CÒN
Khi thời đại thay đổi, thị hiếu công chúng cũng thay đổi. “Đàn ông không đích thực” (Fake man) phỏng theo chương trình “Đàn ông đích thực” (Real man) với phương châm “Thử thách trở thành đàn ông đích thực”. Chương trình mô tả quá trình huấn luyện vô cùng khắc nghiệt của lực lượng đặc nhiệm Hải quân Hàn Quốc (MUSAT) dành cho những người bình thường được tuyển chọn qua các cuộc cạnh tranh tài. Do đặc điểm của nền tảng YouTube cho phép thể hiện nội dung tương đối thoải mái nên toàn bộ quá trình huấn luyện cường độ cao đến mức hà khắc được trình chiếu mà không hề thêm bớt, điều này đã tạo được tiếng vang rộng khắp cho chương trình. Đa phần nội dung YouTube được biết đến là kênh truyền hình của cá nhân người sáng tạo (creator), nhưng chương trình “Đàn ông không đích thực” lại là chương trình truyền hình do nhiều YouTuber1 nổi tiếng tập hợp tạo ra, cho thấy trên YouTube cũng hoàn toàn có thể có nội dung tầm cỡ bom tấn.

Đặc biệt, nhờ chương trình “Đàn ông không đích thực”, một số sĩ quan huấn luyện xuất thân từ các lực lượng đặc chủng đã thu hút nhiều sự quan tâm đến mức trở thành người nổi tiếng qua truyền hình hoặc YouTube. Giống như Bear Grylls từ một lính dự bị nguyên là hạ sĩ lục quân Anh trở thành nhân vật chính của chương trình truyền hình thực tế sinh tồn mang tên “Con người và hoang dã” (Man vs. Wild) phát sóng trên kênh Discovery, Anh Quốc từ năm 2006 đến năm 2011, giờ đây những người lính dự bị xuất thân từ binh chủng đặc công Hàn Quốc cũng đã trở thành nhân vật chính trong các chương trình truyền hình thực tế sinh tồn. Năm ngoái, việc một nữ sĩ quan huấn luyện vốn là lính đặc nhiệm đã trở thành trung tâm chú ý của công chúng sau khi tham gia chương trình sinh tồn mang tên “Tôi sống sót” (I'm Alive) trên YouTube của các nữ nghệ sĩ cho thấy rõ hiện tượng nội dung về đề tài quân đội hiện đang được phát triển rộng thành các chương trình giải trí đa dạng hơn. Chương trình “Binh đoàn thép” là trường hợp đã đan xen thành công các nội dung quân đội từ trước đến nay và chương trình truyền hình thực tế sống còn ngay tại cao trào của sự thay đổi này.

Trong bối cảnh chia cắt và đối đầu đặc biệt của hai miền Nam - Bắc, quân đội buộc phải chọn lànơi khép kín. Thậm chí, ngay cả sau khi dân chủ hóa thành công, quân đội Hàn Quốc cũng không thể dễ dàng công khai. Thế nhưng giờ đây, khi các thế hệ trước dần lùi về phía sau, thế hệ mới kế tục vai trò chủ chốt thì quân đội Hàn Quốc cũng đang dần thay đồi. Các nội dung về đề tài quân sự vẫn luôn nhận được quan tâm của công chúng, do đó, quá trình biến đổi của các nội dung này cũng khớp với quá trình biến đổi thực tế của quân đội. Quân đội vốn bị cô lập và đóng cửa bấy lâu đang dần hé lộ những bí mật của mình, và giờ đây, những kinh nghiệm đó đang được sử dụng như một bí quyết để tồn tại.

Các nội dung về đề tài quân sự vẫn luôn nhận được quan tâm của công chúng, do đó quá trình biến đổi của các nội dung này cũng khớp với quá trình biến đổi thực tế của quân đội.

ent_4.jpg

Tập 2 của “Binh đoàn thép”, sáu đơn vị đang tranh giành “quyền quyết định trận đấu” qua việc lựa chọn những thành viên mạnh nhất. Bên cạnh các nhiệm vụ chính, các nhiệm vụ phụ có lợi cũng được tiến hành song song.
© Channel A

Jung Duk-hyun Nhà phê bình văn hóa đại chúng
Dịch. Nguyễn Hồng Phương Thảo

전체메뉴

전체메뉴 닫기