메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

HANOK – KHÔNG GIAN CỦA CẢI TIẾN

HANOK TRỞ THÀNH MÔ-TÍP CỦA KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI

Nhà hanok còn được xem là nguồn cảm hứng sáng tác cho các kiến trúc sư hiện đại. Nhiều nhà kiến trúc đã đạt được thành tựu đặc sắc về mặt thẩm mỹ nhờ nỗ lực kết hợp kiến trúc hiện đại với mô-típ về kiểu dáng hay bố cục mặt phẳng của hanok. Một số khác tìm kiếm các thiết kế mới qua việc nắm bắt bản chất của loại hình nhà ở truyền thống độc đáo này.


fea3-1.jpg

Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Gyeongnam ở thành phố Jinju, mô típ tòa nhà lớn bằng gỗ truyền thống được thiết kế với kiểu trụ entasis và trang trí kỳ công, do kiến trúc sư Kim Chung-up (1922-1988) - thế hệ kiến trúc sư hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc trong thế kỷ 20 thiết kế. Hoàn thành vào năm 1988, tòa nhà này được xây dựng theo xu hướng hiện đại thay vì tái hiện theo phong cách truyền thống.
ⓒ Ahn Hong-beom

Năm 1965, Kim Chung-up (金重業, 1922-1988), kiến trúc sư trẻ ngoài 40 tuổi người Hàn Quốc, đã được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia (Chevalier de l'ordre national du Mérite). Đó cũng chính là năm người thầy của ông, người được mệnh danh là cha đẻ của kiến trúc cận đại – Le Corbusier qua đời.

Sau giải phóng năm 1945, ông Kim vừa là kiến trúc sư người Hàn Quốc duy nhất được Le Corbusier trực tiếp truyền nghề, vừa là người tiên phong dẫn dắt giới kiến trúc Hàn Quốc. Về nước sau khoảng thời gian làm việc tại văn phòng của thầy mình tại Pháp từ năm 1952 đến năm 1965, ông luôn trăn trở về việc làm thế nào để lồng ghép kiến trúc cận đại vào mảnh đất đã bị tàn phá hoàn toàn bởi Chiến tranh Triều Tiên. Đồng thời, ông cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào để phục hồi kiến trúc truyền thống Hàn Quốc. Có thể nói, công trình Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc năm 1960 chính là thiết kế tiêu biểu, là thành quả đầu tiên cho hành trình tìm kiếm lời giải về những vấn đề trên của ông.

fea3-2.jpg

Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc, trong bức ảnh cũ này, có đặc trưng là mái hiên cong bằng bê tông giống cấu trúc của hanok. Năm 1965, ba năm sau khi hoàn thành, Kim Chung-up đã được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia. Do việc mở rộng, cải tạo trong thời gian qua, mái nhà đã mất đi hình dáng ban đầu.
ⓒ Bảo tàng Kiến trúc Kim Chung-up

Cạnh mái nhà cong
Lúc bấy giờ, chính phủ Hàn Quốc tiến hành các dự án tái tạo kiến trúc truyền thống bằng cách sử dụng các khối bê tông mô phỏng lại hình dáng bên ngoài của hanok. Tuy nhiên, Kim Chung-up đã không phạm phải sai lầm này. Thay vào đó, ông đã hồi sinh tính thẩm mỹ và cấu trúc không gian độc đáo của hanok.

Hanok có đặc điểm “chia gian” về mặt cấu trúc. Mỗi tòa được chia thành các gian như sarangchae, anchae, haengnangchae và byeolcha; trong đó, sarangchae là gian chính trong nhà, dành cho ông chủ, anchae là gian trong, dành cho bà chủ. Nếu sarangchae – nơi chủ gia đình tiếp đón khách, mang tính mở thì anchae – nơi sinh hoạt của các thành viên trong nhà lại có tính riêng tư. Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc cũng được xây dựng theo nguyên tắc chia gian trên với hai tòa nhà - tòa hành chính và tòa nhà công vụ.

Ông còn điểm xuyết mái hiên với các đường cong cao, trang nhã. Phần mái mỗi tòa tách biệt hoàn toàn khỏi phần thân và được sử dụng như một yếu tố tạo hình. Đường cong mái hiên được tái hiện bằng bê tông, kiểu dáng như đang bay lượn. Tuy nhiên, hình dáng mái của tòa hành chính và tòa nhà công vụ lại có sự khác biệt. Nếu phần mái của tòa hành chính cong vút trông như đôi cánh đang dang rộng thì phần mái của tòa nhà công vụ lại bằng phẳng hơn mang lại cảm giác vững chãi. Điều này mô phỏng lại cấu trúc của hanok truyền thống với anchae chú trọng vào tính thuận tiện trong sinh hoạt và sarangchae, gian phòng được xây phía ngoài, lại được trang trí lộng lẫy. Nhờ đó, ngay cả khách lần đầu đến Đại sứ quán cũng có thể phân biệt tòa hành chính với tòa nhà công vụ qua độ cong của vòm mái, giống như việc người Hàn Quốc có thể phân biệt anchae và sarangchae trong nhà hanok bằng cách nhìn vào đường cong mái hiên.

Đúng với tên gọi, Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc – là một kiệt tác vừa thể hiện vẻ đẹp đậm chất Hàn Quốc qua phần mái mang tính biểu tượng và tầm nhìn to lớn, vừa thể hiện trọn vẹn chủ nghĩa chức năng hiện đại qua phần thân đã được học hỏi từ kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier.

Giá đỡ và cột
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Gyeongnam hoàn công vào năm 1988, được xây dựng dựa trên thiết kế đạt giải trong cuộc thi tuyển chọn năm 1981. Đây cũng chính là tác phẩm mà Kim Chung-up lấy cảm hứng từ mô típ nhà hanok. Tọa lạc tại thành phố Jinju, tỉnh Gyeongsangnam-do, tòa nhà đặc biệt nổi bật với cột và giá đỡ. Phần giá đỡ giữa mái nhà và các cột trong nhà gỗ hanok truyền thống thường có vẻ ngoài rất lộng lẫy, được điêu khắc uốn lượn phức tạp hoặc trang trí họa tiết dancheong . Dưới phần mái trải rộng của tòa nhà là các cột trụ được làm theo phong cách hiện đại, trừu tượng, thay vì theo phong cách truyền thống.

Những phần uốn lượn được đơn giản hóa, khiến khi nhìn từ xa, các cột trụ trông giống người phụ nữ đang đội một cái chum trên đầu hoặc giống người đang giơ cao hai tay reo hò.

Ngoài ra, các dãy cột thẳng tắp dưới phần mái tái hiện kiểu dáng cột heulrim của kiến trúc gỗ truyền thống. Cột heulrim khác với những cột hình trụ ở điểm đường kính phần trên và dưới của cột khác nhau. Kiểu cột baeheulrim sẽ phình to tại điểm 1/3 của chân cột, còn kiểu cột minheulrim lại phình to ở phần chân cột so với phần đầu. Thông thường cột heulrim được sử dụng ở các công trình có quy mô lớn như cung điện, đền đài, giúp đem lại cảm giác chãi hơn khi nhìn từ xa so với các loại cột hình trụ có đường kính đồng nhất. Có thể nói trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Gyeongnam, nơi chủ yếu dùng tổ chức các buổi công diễn, đã được lấy cảm hứng từ nơi chuyên dùng tổ chức yến tiệc Gyeonghoeru (Khánh hội lâu) của cung Gyeongbok. Các cột bằng gỗ quý của Gyeonghoeru có hình dáng như cột minheulrim với phần đầu nhỏ và phần chân rộng.

fea3-3.jpg

Ngôi nhà ở Nonhyeon-dong, Seoul do kiến trúc sư Seung Hyo-sang (còn gọi là Seung H-Sang) thiết kế. Khác với bên ngoài được hoàn thiện bằng bê tông, bên trong được thiết kế để tất cả các không gian đều hướng về phía sân trong, mang lại cảm giác của một hanok truyền thống được xây theo hình chữ ㅁvới sân ở trung tâm. Được đặt tên là Sujoldang, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1992.
ⓒ Kim Jae-kyeong

Sân trong
Giai đoạn Hàn Quốc đang miệt mài hướng đến tăng trưởng kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng,kiến trúc sư Seung H-Sang lại đi ngược xu thế, theo đuổi khái niệm “Mỹ học của người nghèo”. Không cần những trang trí phức tạp, ông khắc họa vẻ đẹp mộc mạc chỉ bằng “những khối bê tông bên ngoài”. Làm thế nào những khối bê tông thô cứng có thể tái hiện được vẻ đẹp của hanok? Điều này khả thi vì ông đã tìm thấy bản chất của hanok từ bên trong chứ không chỉ qua diện mạo bên ngoài. Câu trả lời cho câu hỏi này có thể tìm thấy ở Sujoldang, ngôi nhà biệt lập được xây dựng ở phường Nonhyeon, Seoul năm 1992. Ngôi nhà này cũng thu hút sự quan tâm của công chúng vì chủ nhân của nó chính là giáo sư kiêm nhà sử học nghệ thuật Yu Hong-june, tác giả của quyển sách bán chạy nhất những năm 1990 với tựa đề “Hành trình khám phá di sản văn hoá của tôi”.

Vốn dĩ hanok xưa có một khoảng sân trong rộng rãi, các gian nhà được bố trí ở phía trước và phía sau của phần sân này. Đến thời cận đại, khi quá trình đô thị hóa ngày càng lan rộng, rất khó tìm được một mảnh đất đủ lớn để xây theo cách bố trí này. Từ những năm 1920 - 1930, những ngôi nhà hanok kiểu đô thị, còn được gọi là “nhà hình chữ ㅁ” đã bắt đầu được xây dựng ở vùng Bukchon, Seoul. Sở dĩ nó có tên gọi đặc biệt như trên là vì hanok trông giống như chữ ㅁ khi nhìn từ trên cao xuống. Sân vườn hanok được bao bọc xung quanh bởi munganbang (phòng nhỏ ngay cạnh cổng chính), sarangbang (phòng khách), geonneonbang (phòng đối diện với phòng khách), daecheong (đại sảnh) và anbang (phòng ngủ chính). Trong kiến trúc này, kiến trúc sư Seung đặc biệt chú ý đến phần sân trong.

Bên ngoài Sujoldang được xây bằng bê tông nên khi nhìn từ ngoài vào, không ai nghĩ đó chính là hanok. Tuy nhiên, khi vào trong, sự ngờ vực lập tức bị xóa bỏ trước cấu trúc không gian đặc trưng kiểu hanok. Lấy phần sân làm trung tâm, Sujoldang có tầng một với phòng khách và hai phòng ngủ, tầng hai gồm ba phòng ngủ, tất cả các phòng đều hướng về sân trong. Ngoài ra, hướng di chuyển trong nhà được thiết kế khá bất tiện cho việc sinh hoạt. Những người quan niệm di chuyển trong nhà phải thuận tiện, thoải mái chắc hẳn sẽ hoài nghi khi thấy cấu trúc của ngôi nhà này.

Hãy thử tưởng tượng về cách thức di chuyển từ phòng ngủ chính đến phòng khách trong ngôi nhà hanok hình chữ nhật này. Ta mở cửa phòng ngủ chính rồi bước ra bên ngoài, đi ngang qua đại sảnh rồi mang giày ở bậc thềm đá. Sau đó, ta di chuyển qua sân trong để đi đến bậc thềm đá gắn liền với hành lang của phòng khách, sau đó cởi giày rồi bước vào bên trong. Hướng di chuyển khá lòng vòng, đồng thời, hành động tháo và mang lại giày cũng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, đây chính là điểm làm cho ta cảm giác không gian trong nhà rộng lớn hơn. Đối với các căn hộ cá nhân, mở cửa phòng chính, ta sẽ thấy ngay phòng khách ở trước mặt và các phòng khác cũng liền kề nên hướng di chuyển thuận tiện hơn. Nhưng cũng chính điều này tạo nên cảm giác không gian chật hẹp và tù túng.

Ngoài ra, sân trong của hanok cũng đóng vai trò như một không gian đệm, giữ được sự riêng tư nhất định ngay cả khi gia đình nhiều thành viên cùng sinh sống. Giữa phòng ngủ chính và phòng khách có đại sảnh lớn và sân vườn nên dù bố chồng và con dâu sống chung một nhà cũng không cảm thấy quá bất tiện. Có thể nói, Sujoldang là ngôi nhà tận dụng được những điểm tinh túy nhất của hanok.

Sujoldang có nghĩa là ‘ngôi nhà gìn giữ những thiếu sót’. Ngoài ra còn có một ngôi nhà cổ cùng tên ở làng Yangdong, Gyeongju, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Kiến trúc thường được coi là chiếc bát chứa đựng cuộc sống. Nếu vậy, chiếc bát đó phải sạch trước khi chứa đựng bất kỳ điều gì.

 

 

fea3-4.jpg

Mahk House - một không gian văn hóa phức hợp mở cửa vào năm nay ở Tongui-dong, Jongno-gu, Seoul, là nơi kiến trúc sư Cho Byoung-soo tu sửa lại từ căn hanok lâu đời. Toàn bộ tường trong ngôi nhà ban đầu đã bị phá, ranh giới giữa bên trong và bên ngoài bị xóa bỏ. chỉ còn giữ lại mái và cột.
ⓒ Ha Ji-kwon

Sự mở rộng
Ngôi nhà mang tên Mahk được kiến trúc sư Cho Byoung-soo cải tạo từ nhà Hanok cổ ở phường Tongui quận Jongno, Seoul là nơi ta có thể chiêm ngưỡng khả năng biến đổi vô hạn của Hanok. Nếu ở phương Tây, các phòng trong nhà được đặt tên theo chức năng và mục đích sử dụng như phòng đọc sách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng thay quần áo thì ở hanok, các phòng không được quy định chức năng cụ thể. Không gian trong hanok được sử dụng linh hoạt, chỉ cần trải chăn nằm ngủ thì căn phòng lập tức trở thành phòng ngủ, mở bàn ra ngồi học sẽ trở thành phòng học; còn nếu đặt bàn ăn, sau đó, các thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần dùng bữa thì căn phòng sẽ trở thành phòng ăn.

Theo đó, phòng khách của sarangchae thường được chia thành phòng trên và phòng dưới, nhưng vào những ngày có nhiều khách đến thăm, cửa trượt ngăn cách hai phòng được kéo ra, biến chúng trở thành một căn phòng lớn. Đôi lúc, cả phòng ngủ và đại sảnh đều sẽ được tận dụng mỗi khi nhà có đám tiệc. Cho Byoung-soo đặc biệt lưu tâm đến đặc tính mở rộng không gian, vì thế ông đã loại bỏ hầu hết các bức tường phân cách và chỉ giữ lại mái nhà và cột của ngôi nhà cổ hơn 100 năm này. Vị trí vốn dĩ của cánh cửa trượt được thay bằng vách ngăn bằng nhựa cường lực và rèm bằng ni lông dày, bao quanh các bức tường. Khi rèm cửa bằng nhựa được cuộn lên, ta sẽ không phân biệt được trong nhà hay ngoài trời. Nhà Mahk trước đây từng là nhà để ở, tuy nhiên hiện tại nó đã trở thành một không gian văn hoá phức hợp, được sử dụng làm phòng triển lãm và quán cà phê. Nơi này cũng được sử dụng để tổ chức những buổi hòa nhạc và biểu diễn. Những thay đổi này có thể xảy ra, bởi vì chức năng về không gian của các căn phòng ngay từ đầu đã không bị giới hạn.

Kiến trúc thường được coi là chiếc bát chứa đựng cuộc sống. Nếu vậy, chiếc bát đó phải sạch trước khi chứa đựng bất kỳ điều gì. Nhà Mahk chính là ví dụ điển hình cho ta thấy được đặc điểm như chiếc bát mà người dân thường hay sử dụng, đổ nước vào sẽ thành bát nước, đổ rượu vào sẽ trở thành bát rượu. Đặc biệt, ngôi nhà này ý nghĩa ở chỗ, nó là ngôi nhà được cải tạo lại từ một ngôi nhà cổ. Căn hộ chung cư được xây dựng bằng bê tông nên các bức tường sẽ đóng vai trò là cột trụ chống đỡ. Vì thế, chỉ có thể sửa chữa phòng vệ sinh và phòng bếp, thay đổi giấy dán tường và miếng lót sàn chứ không thể thay đổi vị trí của các căn phòng bằng cách phá bỏ những bức tường. Tuy nhiên, hanok với cấu trúc lấy cột làm giá đỡ thì chỉ cần không đụng đến các cột, ta có thể cải tạo lại bất kỳ không gian nào.

Ngày nay, nhiều người phá bỏ những ngôi nhà hàng chục năm tuổi để xây mới. Lý do không phải vì những ngôi nhà cổ này đã xuống cấp trầm trọng, mà vì chúng được xây dựng theo trào lưu của thời kỳ trước nên đã lỗi thời và trở nên bất tiện sau thời gian dài sử dụng. Quá trình phá bỏ này không chỉ gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng mà còn khiến một số lượng lớn nguyên vật liệu xây dựng trở thành phế thải. Giờ đây, khi việc tái chế tài nguyên đang trở thành vấn đề quan trọng trên toàn thế giới, nhà Mahk của Cho Byung-soo càng có thêm ý nghĩa to lớn.

 


Seo Yoon-young Phóng viên chuyên mục Kiến trúc
Dịch. Ý Nhi, Bích Uyên

전체메뉴

전체메뉴 닫기