메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

HANOK – KHÔNG GIAN CỦA CẢI TIẾN

SỰ PHÁT TRIỂN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Nhà hanok ngày nay có rất nhiều sắc màu và đa dạng hình thái, từ những ngôi nhà cổ kính với kiểu dáng truyền thống đến những ngôi nhà mang dáng dấp đô thị được xây dựng trong những thập niên 1930-1970, và những ngôi nhà cải tiến bên trong để không gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày trong thời hiện đại. Hơn thế nữa, hiện nay còn xuất hiện cả những ngôi nhà mang tính thử nghiệm sáng tạo lấy cảm hứng từ tinh hoa của hanok.


fea2-1.jpg

Tọa lạc tại Yeoncheon-dong, Seodaemun-gu, Seoul, ngôi nhà này được cải tạo từ một hanok kiểu đô thị vào những năm 1930. Để tận dụng tối đa không gian nội thất chật hẹp, một phần sân đã được biến thành phòng khách bằng cách lắp đặt mái kính lên trên.
Ⓒ Park Young-chae

Các ngôi nhà hanok cho đến tận thập niên 1960, 1970 vẫn lấp đầy đô thị đã trải qua nguy cơ bị biến mất bởi các khu chung cư và nhà ở hiện đại được xây dựng lên. Thế nhưng gần đây rộ lên một trào lưu mới. Người ta chuộng hanok stay (khách sạn xây theo kiến trúc hanok - chú thích của người dịch) - nơi có thể tận hưởng được hương vị của ngôi nhà xưa có xà nhà lộ ra hơn là khách sạn kiểu phương Tây, đồng thời họ cũng xem quán cà phê hanok là nơi “đẳng cấp” hơn những quán cà phê bình thường. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay mơ ước nuôi dạy con cái trong sân hanok đầy nắng và tận hưởng một cuộc sống thảnh thơi.

Mọi người mê mẩn hanok đến vậy trước hết là bởi sức hút của sân - không gian giúp con người cảm thấy gần gũi hơn với các mùa và thực hiện được nhiều hoạt động đa dạng, trong đó bao gồm cả việc nhà và nghỉ ngơi. Tiếp theo là chất liệu. Định nghĩa một cách đơn giản về mặt kiến trúc, hanok là “một ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ, đá, đất và giấy với trung tâm là sân”. Không gian bao bọc con người được tạo bởi một phần của thiên nhiên - đó chính là giá trị mê hoặc rất đáng chú ý thời hiện đại. Những yếu tố khác nữa là phòng, và không gian sảnh giữa các phòng gọi là maru. Maru mang lại cảm giác của không gian mở, sáng sủa và mát mẻ, còn phòng tạo cảm giác không gian thoải mái và ấm áp. Nét hài hòa được tạo nên bởi maru - không gian của mùa hè đặt cạnh phòng - không gian của mùa đông trong cùng một công trình kiến trúc là sự kết hợp sáng tạo hiếm thấy vô cùng.Hanok thời nay đang thay đổi theo hướng kết hợp với công nghệ kiến trúc thế kỷ 21, lối sống hiện đại và văn hóa đương đại. Hanok hiện đại bao gồm cả hanok được cải tạo gợi ra một phong cách sống mới, hoặc hanok “lai” kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp cũ đa dạng và những ngôi nhà tuy xây kiểu phương Tây nhưng lại tỏa ra cái tình của hanok đang mọc lên ở khắp mọi nơi. Từ góc độ một kiến trúc sư, tôi muốn nói về một số khía cạnh có ý nghĩa của sự phát triển thể hiện trong hanok qua những ngôi nhà mà tôi và các đồng nghiệp đã thiết kế trong thời gian qua.

Cân bằng với cuộc sống hiện đại
Được xây dựng vào năm 1939 tại Yeoncheon-dong, Seodaemun-gu, Seoul, ngôi nhà này đã bị bỏ trống, không có người ở trong nhiều năm. Dường như ngôi nhà được dựng bởi thợ mộc có tay nghề cao nên mặc dù một phần mái bị sập nhưng tỷ lệ vẫn hài hòa, kết cấu vẫn vững chãi và tình trạng bảo quản cũng rất tốt. Gia đình chủ nhân mới của ngôi nhà này có tất cả năm người gồm hai vợ chồng và con cái nên nhà khá chật, không đủ không gian mong muốn dành cho mỗi người. Vì vậy, ban đầu chúng tôi định tháo dỡ một số bộ phận, đưa phòng ngủ và phòng khách của hai vợ chồng xuống tầng hầm nhưng kế hoạch này không phù hợp với một gia đình đã quyết định sống trong ngôi nhà này vì hài lòng với nét cổ xưa và sân của ngôi nhà hanok cũ.

Tôi đã trăn trở về việc làm thế nào để gia chủ tận hưởng được cuộc sống thoải mái và đầy màu sắc trong khi vẫn cảm nhận được không khí của một hanok. Và rồi tôi quyết định biến không gian giữa các phòng thành bếp và phòng ăn, còn một phần sân thành phòng khách có không gian giếng trời. Bếp và phòng ăn trở thành trung tâm của sinh hoạt gia đình là điều đương nhiên, nhưng việc biến mảnh sân vốn là cốt lõi của một hanok ở đô thị thành phòng khách là một sự phá cách trái với nguyên tắc nên tôi đắn đo vô cùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng gia đình vẫn có thể cảm nhận đầy đủ không khí của một hanok khi dành thời gian ở trong khu vực sân nay đã trở thành phòng khách được che bằng mái kính. Chúng tôi lắp mái hiên bên ngoài giếng trời để điều chỉnh ánh sáng mặt trời theo thời tiết và lắp mặt gỗ lên bục đá để mọi người có thể ngồi hoặc nằm.

Cải tạo ngôi nhà này là một quá trình dung hòa quá khứ với cuộc sống hiện tại. Sàn nhà được hạ xuống để gia chủ cao lớn có thể di chuyển thoải mái, các cửa sổ cũ được tháo dỡ một phần và được sửa bằng cách đắp thêm các vật liệu mới. Do không thể không đào bới khi thi công đường thoát nước nên chúng tôi đã dỡ nền gạch cũ, đục vữa bám ở từng viên gạch ra và lát lại. Phòng tắm ban đầu là nhà bếp và cũng là không gian đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất. Chúng tôi vẫn để nguyên các thanh gác mái phía trên, mạ lại chiếc bồn tắm làm bằng thép không gỉ sản xuất từ thập niên 1960 và dời nó từ khu vực để các chum sành vào phòng tắm.

fea2-2.jpg

Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mật độ dân số tăng cao từ những năm 1920, hanok kiểu đô thị được xây trên những mảnh đất lớn phân lô xuất hiện như một giải pháp cho vấn đề nhà ở của người dân. Không giống như hanok truyền thống có các tòa Sarangchae dành cho khách, tòa Anchae dành cho chủ nhân và khu Haengnangchae tách biệt dành cho người hầu, hanok đô thị thường được xây dựng theo hình chữ ㄷ hoặc hình ㅁ với sân ở giữa. Tại ngôi nhà ở Cheonyeon-dong với cấu trúc hình chữ ㄷ điển hình này vẫn còn lại không khí của một hanok cổ xưa.
Ⓒ Park Young-chae



fea2-3.jpg

Tọa lạc tại Làng Eunpyeong Hanok, Lạc Lạc Hiên có tầng một với cấu trúc hiện đại và tầng hai với hình thái hanok truyền thống được nối với nhau bằng cầu thang. Ngôi nhà với hai không gian có chức năng và tính chất khác nhau cùng tồn tại gợi ra một phong cách mới của hanok hiện đại.
Ⓒ Ahn Hong-beom

Sự ra đời của một phong cách mới
Nakrakheon (樂樂軒 - Lạc Lạc hiên) là một ngôi nhà nằm ở giữa làng Hanok Eunpyeong ở Seoul, nơi có thể nhìn ra toàn cảnh núi Bukhansan. Gần đó có một đầm lầy xanh mát, có loài cóc miệng hẹp sinh sống và một cây họ du rất lớn. Ban đầu, chúng tôi nghĩ sẽ bố trí nhà hình chữ ㄷ giống hanok thông thường ở đô thị, nhưng với kết cấu hướng nội này rất khó để thể hiện ngôi nhà có tầm nhìn đẹp theo mong muốn của hai vợ chồng. Vì vậy, chúng tôi thiết kế tầng hai gồm có phòng ăn ở phần gác nhô ra ngoài, sảnh trước ba gian, cùng phòng ngủ và phòng tắm, thay đổi tất cả theo kết cấu hướng ngoại để có thể thấy được khung cảnh bên ngoài từ hầu hết mọi không gian.

Quan điểm kiến trúc trong ngôi nhà này rất rõ rệt, đó là xem hanok là chủ đề quan trọng của kiến trúc hiện đại chứ không phải của kiến trúc truyền thống. Để dựng nên một ngôi nhà có thể hòa nhịp với cuộc sống hiện đại mà trong đó các yếu tố truyền thống và kiến trúc hiện đại được kết hợp linh hoạt, chúng tôi muốn thử nghiệm một kiểu không gian mới - nơi hai lối sống khác nhau cùng tồn tại ở trên và dưới. Với ý nghĩa đó, chúng tôi đã nâng sàn hiên nhà lên cao theo cấu trúc pilotis (tương tự cột nhà sàn - chú thích của người dịch) để tạo ra chỗ đậu xe, không gian chứa đồ vật và cửa ra vào vốn không có ở hanok truyền thống. Chúng tôi cũng đã dùng sân vườn trũng (sunken), giếng trời và cầu thang ở tầng 1 tạo nên sự phân tầng một cách tự nhiên, biến nơi đây thành không gian cư trú kiểu hiện đại khác với tầng hai.

Thử nghiệm Hanok lai
Trung tâm Văn hóa Hanok Hadong là một khu dành cho khách lưu trú nằm ở phía sau nhà Choi Champan tại Pyeongsa-ri, Gyeongnam, nổi tiếng là bối cảnh của tiểu thuyết sử thi “Đất” của nhà văn Park Kyung-Ree (1926-2008), người đã ghi dấu ấn trong lịch sử văn học hiện đại Hàn Quốc. Cảnh quan tự nhiên thật đẹp với xa xa phía nam là sông Seomjin, đồng bằng Pyeongsa-ri và những dải núi xa gần bao bọc bốn phía. Tuy đây không phải là ngôi nhà xây để ở, nhưng tòa nhà quản lý nơi đây là công trình kiến trúc kết hợp giữa kết cấu gỗ truyền thống và kết cấu gỗ nặng hiện đại, cùng với cảm giác không gian trong suốt thu phong cảnh xung quanh vào trong nhà, cả không gian bên trong và bên ngoài đều mang hơi hướng hiện đại khác với hanok trước đây.

Ví dụ như để khoảng không gian trước các phòng của hanok truyền thống có thể trở thành không gian mở hoàn toàn trước cảnh quan, sảnh tiếp tân được lắp đặt hệ thống cửa với cánh cửa có thể đẩy hẳn vào trong để rừng tre trải dài trước mặt và không có xà ngang ở trần nhà tạo cảm giác thoáng mát. Nói cách khác, đây là một tác phẩm đã tìm ra giải pháp mỹ học của hanok truyền thống mở ra không gian để tận hưởng phong cảnh thiên nhiên bằng phương thức cũ và thiết kế lai. Hãy thử tưởng tượng hanok của tương lai có khi đi xa hơn hiện nay, trở thành một ngôi nhà với mái ngói không kết cấu gỗ truyền thống hoặc thậm chí trở thành một hình thức khác mà đến cả mái ngói cũng không còn.

fea2-4.jpg

Nằm trong khu nhà ở Paju ở Gyeonggi-do, ‘Paju k house’ không phải là một hanok mà nó là một ngôi nhà phảng phất hơi hướng của một hanok. Bằng cách bố trí các gian nhà trên một đường thẳng theo hình dạng của khu đất kéo dài từ đông sang tây, ngôi nhà được thiết kế để ta có thể cảm nhận sự thay đổi của các mùa với ánh sáng ngập tràn.
Ⓒ Park Young-chae

fea2-5.jpg

Một đặc điểm nổi bật khác của ngôi nhà Paju k là phòng khách, trong đó các cột trụ, xà gồ, xà nhà được thay thế bằng các kết cấu khung gỗ tạo cảm giác rộng mở như không gian sảnh trước các phòng của một ngôi nhà dân dã truyền thống.
Ⓒ Park Young-chae

Hanok thời nay đang biến đổi dáng dấp, tích hợp công nghệ kiến trúc thế kỷ 21, lối sống của con người hiện đại và nền văn hóa đương đại.



fea2-6.jpg

Đây là tòa nhà quản lý của Trung tâm Văn hóa Hanok Hadong, một khu nhà dịch vụ ở Hadong, Gyeongsangnam-do, bối cảnh của tiểu thuyết sử thi “Đất” của Park Kyung-Ree. Tòa nhà này được thiết kế để tạo cảm giác hiện đại khác với hanok trước đây bằng cách kết hợp cấu trúc gỗ truyền thống và cấu trúc khung gỗ nặng hiện đại, đồng thời tích cực ứng dụng nguyên lý “phong cảnh mượn” kéo khung cảnh bên ngoài vào trong nhà.
Ⓒ Park Young-chae

Hanok của tương lai
‘Paju k House’ là một ngôi nhà nằm giữa khu dân cư. Vợ chồng chủ nhà từ lâu đã ấp ủ ý tưởng và yêu cầu chúng tôi thiết kế “một ngôi nhà không phải là hanok nhưng cảm nhận được tinh thần của hanok”. Chúng tôi đã bố trí phòng ngủ của hai vợ chồng, phòng khách, phòng ăn và nhà bếp trải dài ở mặt trước ngôi nhà theo đường thẳng để thuận lợi cho việc đón ánh sáng mặt trời. Chúng tôi bố trí thêm một phòng kính và phòng tiện ích ở phía trước khu bếp. Bằng cách đó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà hài hòa với hình dáng mảnh đất trải dài từ đông sang tây, tràn ngập ánh sáng và giúp ta cảm nhận được sự thay đổi của các mùa dù ở vị trí nào.

Ngoài ra, chúng tôi đã thay thế các cột, sườn và vì kèo của phòng khách bằng các khung kết cấu gỗ nặng để thực hiện ý đồ tạo nên phòng khách có không gian thông suốt, xóa nhòa ranh giới giữa bên trong và bên ngoài, giúp ta cảm nhận được sự thư thái, sang trọng cũng như vẻ đẹp truyền thống của mặt tiền ba gian. Hệ thống cửa sổ được ẩn sau cấu trúc bằng gỗ, và cửa sổ phía trên được xử lý trong suốt để làm cho dòng chảy của xà nhà xuất hiện không bị gián đoạn.

Đây không phải là ngôi nhà xây bằng kiến trúc hiện đại bắt chước hình dáng của hanok. Có thể nói đây là ngôi nhà với sự tồn tại của mảnh sân được tính đến ngay từ đầu rồi mới thêm vào tính thẩm mỹ truyền thống và cảm giác hiện đại về không gian khi xây. Xét ở điểm này, đây có thể là hình ảnh của một trong những “hanok tương lai”. Sau khi ngôi nhà hoàn thành, gia chủ chuyển đến ở và nhận xét: “Tôi cảm thấy như mình đang thực sự sống trong hanok”. Nghe được điều đó, chúng tôi rất tự hào vì đã hoàn thành một ngôi nhà mang vẻ thư thái và nét đẹp giống hanok theo đúng kế hoạch ban đầu.

Cho Jung-goo Giám đốc công ty Guga Urban Architecture
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기