메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

VƯỢT QUA ĐỊNH KIẾN VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Tự nhận là cầu nối giữa người dân Triều Tiên và Hàn Quốc, ‘Sabujak’ là chương trình phát thanh podcast do sinh viên các trường đại học thực hiện. Với đặc tính là phương tiện phát thanh không công khai danh tính, chương trình này làm giảm cảm giác đề phòng của người tham dự vốn là người tị nạn Triều Tiên, đồng thời giúp họ tiếp cận với xã hội Hàn Quốc thông qua những cuộc trò chuyện thẳng thắn hơn.

“Thực ra, tôi đến từ Triều Tiên.”

Những người tị nạn Triều Tiên đang có cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc phải can đảm lắm mới có thể nói ra điều này. Bởi vì trong xã hội Hàn Quốc, định kiến và sự phân biệt đối xử với người Triều Tiên vẫn còn nặng nề. Theo kết quả khảo sát về các biện pháp cải thiện chế độ bảo vệ nhân thân của người tị nạn Triều Tiên do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc công bố năm 2019, trên 80% số người được hỏi đã trả lởi rằng: “Khi danh tính của người tị nạn Triều Tiên bị lộ, họ đã chịu sự cảnh giác hoặc sự phân biệt đối xử của người Hàn Quốc.”

‘Sabujak’ là chương trình phát thanh trên Internet do các sinh viên đại học Hàn Quốc dàn dựng cách đây ba năm nhằm phá bỏ định kiến và tình trạng phân biệt đối xử này. Tên chương trình phát thanh hiếm hoi này là chữ viết tắt trong tiếng Hàn, có nghĩa là ‘cuộc trò chuyện nhỏ được thực hiện cùng với những người bạn Triều Tiên’.

tales1.jpg

Đa số các khách mời của 'Sabujak' muốn giấu tên, nhưng thỉnh thoảng cũng có trường hợp công khai danh tính hoặc gương mặt của mình. Park Ye-young, Giám đốc Liên hiệp Hàn Quốc Thống nhất, tham gia 3 phần phát sóng từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 10 với biệt danh ‘Cua long Kimchaek’. Từ trái sang phải: Park Sae-ah, Ahn Hye-soo - thành viên ‘Sabujak’ và Giám đốc Park Ye-young - khách mời

Những biệt danh thú vị
Mời các vị khách xuất thân từ Triều Tiên đến trò chuyện, phương châm của chương trình phát thanh podcast này là kể về cuộc sống của những người tị nạn Triều Tiên ‘một cách chân thực, không thêm mắm thêm muối’. Mục đích là để xóa bỏ thành kiến đối với những người tị nạn Triều Tiên và thu hẹp khoảng cách tâm lý giữa người dân Triều Tiên - Hàn Quốc thông qua sự đối thoại thẳng thắn. Đội ngũ sản xuất chương trình muốn xây dựng một xã hội Hàn Quốc mà trong đó, các thành viên biết chấp nhận sự khác biệt của nhau một một cách tự nhiên, khi ai đó nói rằng "Tôi đến từ Triều Tiên”, đối phương có thể nói "Vậy à? Tôi đến từ Daegu.”

Chương trình phát thanh này đặt biệt dành cho những khách mời đắn đo khi tiếp xúc với truyền thông vì lo ngại cho gia đình của họ còn lại ở Triều Tiên. Ví dụ, họ được đặt những biệt danh như ‘nấm thông Kyongsong’ và ‘cơm khoai tây Hyesan’, biệt danh trước nghĩa là khách mời nhớ nấm thông của quê hương mình ở Kyongsong, tỉnh Hamgyong Bắc, biệt danh sau nghĩa là khách mời xuất thân từ thành phố Hyesan, tỉnh Ryanggang - nơi người dân thích ăn cơm khoai tây. Người dẫn chương trình cũng sử dụng biệt danh được tạo bằng cách thêm tên của khu vực xuất thân và món ăn yêu thích của mình, ví dụ như ‘cơm canh thịt heo Busan’. Đây là cách những người thực hiện chương trình đưa ra nhằm xây dựng bối cảnh cho khách mời có thể tiết lộ quê quán của họ một cách tự nhiên và trò chuyện một cách không ngần ngại.

Sự cân nhắc này cũng giúp ích cho việc tìm kiếm khách mời. Hầu hết những người tị nạn Triều Tiên đều ngại tiết lộ quê quán của họ trước khi xuất hiện, nhưng trong cuộc trò chuyện, họ rất vui vẻ khi nhớ về quê hương của mình. Không chỉ vậy, nhờ chương trình, họ có được sự tự tin để sống trong xã hội Hàn Quốc, và đây cũng là động lực để họ có thể công khai lai lịch một cách tự nhiên.

“Sau khi ghi hình, các khách mời nói rằng: “Tôi đã cố gắng quên đi và phủ nhận những ký ức của mình tại Triều Tiên, nhưng qua câu chuyện hôm nay, tôi đã chấp nhận bản thân mình của thời điểm đó hơn”. Khi ấy, chúng tôi cảm thấy hài lòng khi nghĩ rằng các chương trình phát thanh của mình đã tác động tích cực dù chỉ là điều rất nhỏ.”

Đây là lời chia sẻ của Park Se-ah - thành viên của đội ngũ sản xuất. Là sinh viên năm thứ ba Khoa Giáo dục học, Đại học Yonsei, Park bắt đầu quan tâm đến các vấn đề người tị nạn Triều Tiên sau khi tư vấn cho con em của người người tị nạn Triều Tiên thời trung học và đã nộp đơn tham gia chương trình phát thanh này. Một mục đích khác của chương trình phát thanh này là ghi lại lịch sử cá nhân. Đa số khách mời là những người bình thường, mục đích là để ghi lại câu chuyện của những người chưa bao giờ có cơ hội nhận được sự quan tâm của xã hội, và tiến xa hơn là cho thế giới biết rõ hơn rằng các thành viên trong xã hội Triều Tiên cũng là những con người bình thường sống cuộc sống thường ngày của họ. Về nguyên tắc, chủ đề cuộc trò chuyện loại bỏ các vấn đề chính trị và tôn giáo, nhưng đôi khi, nếu khách mời muốn, các chủ đề đó được cũng được đề cập một cách nhẹ nhàng.

Những ngày đầu phát sóng của chương trình được phụ trách bởi Park Byeong-seon - sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Yonsei. Hiện nay, cậu đang làm việc cho một công ty tư vấn và không tham gia vào hoạt động phát thanh nữa. “Ban đầu, tôi bắt đầu chương trình với hy vọng rằng khi nghe được câu chuyện của những người tị nạn Triều Tiên dưới dạng podcast, người Hàn Quốc sẽ có thể đối xử với họ một cách gần gũi, hòa thuận mà không cảm thấy xa cách. Tôi nghĩ rằng mình không thể bỏ mặc khi biết những người tị nạn Triều Tiên chung sống trong xã hội Hàn Quốc đang gánh chịu sự phân biệt đối xử và định kiến. Vì vậy, tôi đã đi đến kết luận rằng phải thực hiện một chương trình phát thanh kể lại câu chuyện của những con người này một cách chân thực, không thêm không bớt.”

‘Sabujak' được phát thanh lần đầu tiên vào tháng 8 năm 2018 sau năm tháng chuẩn bị bởi ‘Tri âm’ - dự án câu lạc bộ Trường Đại học Yonsei thuộc Enactus. Enactus là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu được thành lập bởi Viện Lãnh đạo Quốc gia Hoa Kỳ (National Leadership Institute) năm 1975 và ‘Tri âm’ là từ ẩn dụ chỉ những người bạn thân có thể thông hiểu nhau. Từ tháng 8 năm 2020, Dự án không dừng lại ở Trường Đại học Yonsei mà đã mở rộng phạm vi hoạt động như một câu lạc bộ liên hiệp sinh viên cùng với Trường Đại học Thiên Chúa giáo, Trường Đại học Sogang, Trường Đại học Quốc gia Seoul, Trường Đại học nữ sinh Sungshin, Trường Đại học nữ sinh Ewha và Trường Đại học Chungang.

Phương châm của chương trình phát thanh podcast này là kể về cuộc sống của những người tị nạn Triều Tiên ‘một cách chân thực, không thêm mắm thêm muối’. Mục đích là để xóa bỏ thành kiến đối với những người tị nạn Triều Tiên và thu hẹp khoảng cách tâm lý giữa người dân Triều Tiên - Hàn Quốc thông qua sự đối thoại thẳng thắn.

Những khách mời đặc biệt
Hiện tại, đội ngũ sản xuất có tổng cộng chín người, mỗi đội bao gồm ba người thay phiên nhau thực hiện chương trình phát sóng. Các thành viên trong nhóm không phân chia vai trò, tất cả đều lần lượt phụ trách tìm khách mời, dẫn chương trình, biên tập và đạo diễn, và quá trình ghi âm được thực hiện tại ‘Studio Spring Sunshine’ gần Đại học Hongik. Ngoại trừ kỳ nghỉ, hầu như mỗi tuần, họ mời một khách mời để sản xuất podcast, và chia câu chuyện của khách mời đó thành ba phần để đăng tải. Chương trình được thực hiện theo phương thức: ngày đầu tiên kể về ẩm thực của quê hương và cuộc sống tại Triều Tiên, ngày thứ hai kể về quá trình đào thoát khỏi Triều Tiên, và ngày thứ ba kể chuyện về quá trình ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc. Trong giai đoạn đầu, chương trình tập trung truyền tải ‘những tiếng nói chưa được biết đến’ của những người tị nạn Triều Tiên, nhưng hiện nay, họ đang cố gắng kể ‘câu chuyện về cộng đồng của chúng ta’.

Khi một khách mời được chọn, qua buổi phỏng vấn trước, đội ngũ sản xuất sẽ thiết kế mạch chuyện nhưng không chuẩn bị trước kịch bản. Để tạo bầu không khí tự nhiên, người dẫn chương trình cũng có thời gian làm quen trước với khách mời qua cuộc trò chuyện video trực tuyến. Thời gian đầu, khách mời chủ yếu là sinh viên, bởi vì đội ngũ thực hiện chương trình dễ dàng tìm được khách mời trong số bạn bè đồng trang lứa với mình. Giờ đây, nhờ lời giới thiệu của khách mời và lời truyền miệng, nhiều khách mời ở nhiều lứa tuổi khác nhau có thể xuất hiện trong chương trình.

Trong số đó, một khách mời là doanh nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc cho đội ngũ sản xuất. Ở Triều Tiên, vốn là một người môi giới, ông đã đào thoát khỏi Triều Tiên từ khi 15 tuổi và bị Cơ quan An ninh Quốc gia Triều Tiên truy nã. Ông có thể tự do chia sẻ những câu chuyện thú vị nhờ tính chất của podcast là không thấy mặt của khách mời. Một khách mời ấn tượng khác là 'thịt băm Kilju' - một học sinh trung học phổ thông. Sinh ra và lớn lên tại huyện Kilju, tỉnh Hamgyong Bắc - nơi có Bãi thử hạt nhân Punggye-ri, cậu trốn khỏi Bắc Hàn năm 2013 khi mới 14 tuổi và đặt chân đến Hàn Quốc năm sau đó.

Dù hiếm hoi nhưng đã có những khách mời công khai tên thật của mình. Kim Jung-ah (xuất thân từ huyện Chongjin, tỉnh Bắc Hamgyong) - một cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên - là trường hợp đầu tiên. Cô đã khóc nhiều lần khi kể về người anh trai đã chết khi sống như một kkotjebi (từ ngữ chỉ những đứa trẻ Triều Tiên lang thang kiếm ăn mà không có nơi ở nhất định) sau mâu thuẫn với cha mẹ nuôi.

Tìm đến Hàn Quốc sau một thời gian đi xuất khẩu lao động ở Châu Âu, Na Min-hee cũng là một khách mời với những câu chuyện hiếm có. Cô vốn là con của gia đình thượng lưu ở Bình Nhưỡng, sinh ra trong một gia đình có thành phần xuất thân tốt nên có cuộc sống sung túc. Đã ổn định cuộc sống tại Seoul và đang làm phóng viên cho Donga Ilbo, Joo Seong-ha cũng từng xuất hiện trong chương trình này. Giám đốc Liên hiệp Hàn Quốc Thống nhất Park Ye-young- người đã tiết lộ tên thật của mình cùng với biệt danh ‘cua lông ngựa Kimchaek’ - cũng là một trong những vị khách mời đặc biệt.

Ahn Hye-soo - thành viên của đội ngũ sản xuất, nhớ lại: “Chúng tôi được tiếp sức khi giám đốc Park nói rằng ông ấy rất biết ơn các sinh viên Hàn Quốc đã điều hành podcast xuất phát sự quan tâm đến dân tộc Hàn và sự thống nhất”. Có ông nội xuất thân từ tỉnh Hwanghae, Triều Tiên, Ahn đã tình nguyện làm thành viên của đội sau khi nghe tin về chương trình này từ một sinh viên năm 4 của Khoa Luật, Trường Đại học Nữ sinh Sungshin.

Từ mùa 3 bắt đầu được phát sóng vào tháng 9 năm 2019, đội ngũ sản xuất có sự tham gia của các sinh viên xuất thân là người tị nạn Triều Tiên trong vai trò nhân viên. Đó là trường hợp của Ahn Seong Hyeok - sinh viên năm thứ 4 Khoa Chính trị Ngoại giao, Đại học Yonsei - và Park Beom-hal- sinh viên năm thứ 2 Khoa Giáo dục Thể chất, Trường Đại học Quốc gia Seoul. Ahn - vốn sống ở Chongjin, tỉnh Bắc Hamgyong, đã đào thoát và đến Hàn Quốc cùng cha mẹ tháng 12 năm 2011 - hiện là người đứng đầu của chương trình phát thanh này.

“Tôi đã tham gia chương trình này từ lời đề nghị của một người bạn. Vì cuộc sống hàng ngày bận rộn, các khách mời không thể thường xuyên nghĩ về quê hương - nơi họ đã ra đi; tôi cảm thấy vui nhất khi họ nhớ lại những kỷ niệm xưa khi tham gia chương trình của chúng tôi.”

tales2.jpg

Là đài phát thanh podcast của sinh viên, ‘Sabujak’ cố gắng giới thiệu những câu chuyện đặc biệt về cuộc sống của những người tị nạn Triều Tiên một cách chân thực, không phóng đại hoặc đánh đồng một cách khiêu khích. Các chương trình phát sóng chủ yếu được ghi âm sẵn và quá trình thu âm được thực hiện tại ‘Studio Bombyot’ gần Đại học Hongik. Từ trái sang phải: Ahn Sung-hyeok, Ahn Hye-soo và Park Se-ah- các thành viên của ‘Sabujak’.

Vì sự thay đổi nhận thức
Hiện mùa 7 đang phát sóng đã bắt đầu từ tháng 8 năm 2021. Mùa phát sóng được tính theo học kỳ ở trường đại học. Chương trình đang được hỗ trợ phí thuê phòng thu và chi phí phát thanh trực tiếp từ các tổ chức như Quỹ Wooyang, Trung tâm Văn hóa liên Triều và Viện Cải cảch Giáo dục thuộc Trường Đại học Yonsei; trong thời gian qua, chương trình không thể trả phí tham gia cho các khách mời nhưng gần đây, nhờ sự hỗ trợ này, họ đã có thể trả tiền thù lao, dù chỉ là một số tiền nhỏ. Là một chương trình quen thuộc của những người tị nạn Triều Tiên, tính đến tháng 9 năm 2021, podcast này đã tích lũy được 200.000 lượt xem. Thính giả phản hồi bằng bình luận và gửi tin nhắn trực tiếp trên Instagram của chương trình. Nhờ rất nhiều lời khích lệ và động viên, đội ngũ sản xuất - những tình nguyện viên không nhận thù lao - đã có được lòng nhiệt tình và dạn dĩ.

tales4.jpg

Bình luận là kênh liên lạc quan trọng nhất của chương trình phát sóng podcast này. Bản tin thẻ (card news) tóm tắt các nội dung phát sóng hàng tuần cũng được đăng tải trên Instagram của chương trình.

Tính đến nay, ‘Sabujak’ đã trò chuyện với khoảng 130 khách mời. Vào tháng 2 năm 2021, chương trình này đã xuất bản sách “Tôi sẽ sống bình thường nhưng đặc biệt” - tuyển tập những câu chuyện của 12 trong số các khách mời mùa 1 và mùa 2. Cuốn sách bao gồm câu chuyện về động cơ đào thoát, quá trình ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc sau cuộc đào thoát và những khó khăn cỉa họ. Qua cuốn sách, ngoài những thông tin về Triều Tiên đã được mô tả trước đây, độc giả có thể hiểu sâu hơn về cảm xúc thực tế của người Triều Tiên, văn hóa và ẩm thực, những trăn trở của những người tị nạn Triều Tiên, những ký ức và phong tục tập quán đa dạng ở Triều Tiên, những điểm tương tự và khác nhau với Hàn Quốc.

Đội ngũ sản xuất của ‘Sabujak’ cho biết, khi nói chuyện với các khách mời, họ đã phát hiện ra rằng người Hàn Quốc đã đánh đồng những người tị nạn Triều Tiên. Ban đầu, ngay cả bản thân đội ngũ sản xuất cũng cho rằng những người tị nạn Triều Tiên đều suy nghĩ tương tự nhau và có thể gom họ vào chung một phạm trù. Ngược lại, các khách mời không đánh đồng những người thực hiện chương trình là người Hàn Quốc. Họ coi mỗi người như một cá thể có tính cách và đặc điểm riêng. Qua những cuộc gặp gỡ với nhiều khách mời khác nhau, đội ngũ sản xuất dần thay đổi, hiện giờ, họ đang cố gắng khắc họa đến thính giả những người tị nạn Triều Tiên một cách cá nhân hóa thay vì khái quát thành một hình ảnh đặc biệt.

“Ở trường, khi tham gia buổi học thảo luận về sự thống nhất hai miền Nam - Bắc, các sinh viên thường chia thành 2 nhóm tán thành và phản đối. Tôi đau lòng nhất khi thế hệ trẻ gọi nhau là kẻ thù. Tôi muốn kể câu chuyện của những người tị nạn Triều Tiên trong một thời gian dài hơn để chương trình phát thanh của chúng tôi có thể trung thực đóng vai trò như một cầu nối để hai miền Nam - Bắc Hàn hiểu nhau hơn”, An Sung-hyeok cho biết.

tales3.jpg

Trong tuyển tập “Tôi sẽ sống bình thường nhưng đặc biệt”, các món ăn mới lạ của Triều Tiên được giới thiệu với công thức kèm theo hình ảnh minh họa, 12 khách mời trong cuốn sách giới thiệu món ăn của quê hương mình và kể về những trải nghiệm, kỷ niệm liên quan tới món ăn đó.

Kim Hak-soonNhà báo, Giáo sư thỉnh giảng Khoa Truyền thông, Đại học Korea
Dịch.Thân Thị Thúy Hiền

전체메뉴

전체메뉴 닫기