메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SPRING

HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN CÕI SUY NGẪM

 

 

Cửa vào hẹp và lối đi tối. Ánh sáng hòa quyện bóng đêm nên hầu như không thể làm không gian sáng hơn. Dòng thời gian trở nên chậm lại. Ánh sáng trắng mờ nhạt vương trên bức tường bên trái. Có thứ gì đó rất to và chắc chắn đang nằm ở đó. Đó có thể là hòn đá to hoặc là tảng băng đang tan thành nước với tốc độ rất chậm khiến tảng băng không còn hình thù rõ ràng. Nước từ từ bốc hơi với tốc độ chậm hơn tạo thành màn sương bao phủ cả không gian rồi sau đó đông đặc lại thành một hòn đá. Sau khi trải nghiệm sự tuần hoàn của vũ trụ với nhịp điệu chậm rãi do tác phẩm video của nghệ sĩ Jean-Julien Pous mang lại, chúng tôi cuối cùng cũng đã bước vào “Căn phòng suy ngẫm”.

Năm giác quan được đánh thức. Lỗ chân lông toàn thân mở ra từng chút một và không gian nội tại mở rộng ra vô hạn. Thời khắc khi mà ý thức và sự tĩnh lặng hòa thành một, tự lúc nào sàn nhà dần dần cao lên và ở đường chân trời cong hình bầu dục là nơi giao nhau của bóng tối và ánh sáng xuất hiện hai vật thể huyền bí. Hành trình đến cõi suy ngẫm trong khoảng không vừa gần vừa xa giữa hai bức tượng bắt đầu. Hai bức tượng Phật vừa có điểm giống nhưng cũng có điểm khác nhau, trao nhau nụ cười thần bí.

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc nằm trong rừng ở công viên Yongsan phía trước sông Hán và quay lưng lại với núi Namsan. Nơi này đã được giao cho kiến trúc sư Choi Wook và nhóm chuyên về câu chuyện thương hiệu (brand story) để thực hiện một dự án quan trọng. Đó chính là “Căn phòng suy ngẫm”, được mở cửa cho công chúng tham quan vào tháng 11 năm 2021. Nếu biểu tượng đầu tiên mà khách tham quan đến thăm bảo tàng Louvre nghĩ đến trong đầu là bức tranh “Mona Lisa” thì bây giờ những người đến Bảo tàng Quốc gia Seoul sẽ liên tưởng ngay đến "Căn phòng suy ngẫm" với hai bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng ở trong đó.

Bức chân dung của người phụ nữ với kích thước (77cm x 53 cm) được vẽ bởi Leonardo da Vinci vào đầu thế kỷ 16. Trong khi đó cả hai bức tượng điêu khắc bảo vật quốc gia số 78 và 83 làm từ đồng mạ vàng là đều cao chưa đến 1m và là đỉnh cao của nghệ thuật Phật giáo Silla được chế tác vào nửa cuối thế kỷ VI và nửa đầu thế kỷ VII. Những kiệt tác này có hai đặc điểm làm nên sự nổi tiếng của nó. Thứ nhất, không giống như các tượng Phật khác đang đứng, ngồi hoặc nằm, hai bức tượng này ngồi trên ghế tròn, đặt chân phải lên đầu gối trái, tạo tư thế độc đáo giữa ngồi và đứng. Đồng thời, tư thế tay phải được nâng lên, hai đốt cuối của ngón trỏ và giữa chạm nhẹ lên cằm cho thấy hình ảnh đắm chìm trong suy nghĩ. Tôi tự hỏi không biết tượng Bồ Tát Di Lặc được chế tác trước tượng “Người suy tư” của Rodin khoảng 1300 năm này đang suy nghĩ gì.

Nhiều nhà người nghiên cứu Phật giáo cho rằng đó là hình tượng đắm chìm trong suy nghĩ sâu sắc về sinh lão bệnh tử trong học thuyết Phật giáo. Tuy nhiên, bức tượng Phật nếu bị đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật trong một thời gian quá lâu thì có thể sẽ mất dần đi tính tôn giáo. Sự chiêm nghiệm trầm tư ngay khi thoát khỏi bản thân ta cũng chính là lúc nó quay lại tìm mình. Hai bức tượng Phật này không phải là đang diễn tả khoảng khắc giao động của sự rời bỏ và quay lại bằng nụ cười thần bí, một nội tại của thời gian và không gian vừa rộng vừa sâu sao?



Kim Hwa-youngNhà phê bình văn học, Thành viên Viện Nghệ thuật Hàn Quốc

전체메뉴

전체메뉴 닫기