메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SPRING

THỂ HIỆN SỰ KHÁC BIỆT

Jang Young-gyu là chuyên gia âm nhạc hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực phim ảnh, múa, kịch, mỹ thuật hiện đại… Từ đầu thập niên 1990, ông đã thành lập và điều hành vài ban nhạc, đồng thời ông không ngừng truy vấn và thử nghiệm về khả năng làm mới âm nhạc truyền thống. Phòng làm việc ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi là cái nôi của những cuộc phiêu lưu âm nhạc của ông.


Năm 2019, trong ban nhạc pop cấp tiến (alternative pop) LEENALCHI có nổi lên một nghệ sĩ bass kiêm đạo diễn âm nhạc là Jang Young-gyu bất ngờ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong và ngoài nước với tác phẩm “Hùm về” (Tiger is Coming). Một số người đến tận lúc này mới biết đến tên của ông, nhưng trước đó, với ban nhạc rock đồng dao SsingSsing, ông đã chiếm được lòng của giới mộ điệu ở hải ngoại rồi.

Đó chưa phải là tất cả. Những người vốn xa lạ với âm nhạc cũng đã từng nghe nhạc của ông thông qua những bộ phim như “Tiếng than” (The Wailing, 2016) hay “Chuyến tàu sinh tử” (Train to Busan, 2016). Ngoài những tác phẩm đạt thành công lớn về doanh thu phòng vé gần đây, có khoảng 80 bộ phim, chẳng hạn như “Canh bạc nghiệt ngã” (Tazza: The High Rollers, 2006) hay “Cuộc sống ngọt ngào” (A Bittersweet Life, 2004)... cũng có sự góp tay của ông. Ông cũng đã đạt được nhiều giải thưởng âm nhạc tại nhiều liên hoan phim trong và ngoài nước. Ngoài ra, tôi cũng đã từng gặp và chia sẻ với một Jang Young-gyu nhà hoạt động âm nhạc, ông hoạt động sôi nổi không ngừng nghỉ ở cả lĩnh vực vũ đạo và âm nhạc dành cho kịch. Tuy ông nói mình không giỏi giao tiếp và tỏ ra rụt rè, nhưng khi ông chia sẻ về việc cùng vài người bạn thời tiểu học lập ra nhóm nhạc “Vô lý” chuyên diễn tấu trống lục lạc (tambourine) và kèn melodion thì suy nghĩ cứ tuôn ra lấp lánh tự do như chính âm nhạc của ông.

Jang Young-gyu, người dẫn dắt một trụ cột của nền quốc nhạc đương đại, đã nói rằng việc giao lưu với nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực đa dạng từ thời còn trẻ đã có đóng góp to lớn trong việc mở rộng phạm vi hoạt động âm nhạc của ông.

Cơ duyên nào đã đưa ông đến với âm nhạc truyền thống?
Đó là vì ông Won Il, nhạc sĩ kiêm nhạc công âm nhạc dân tộc. Tôi biết đến Won Il vào đầu thập niên 1990, chúng tôi đã hoạt động cùng nhau từ Dự án Ngư ngư phủ (Uhuhboo Project) năm 1994 cho đến khi ra album đầu tiên. Lúc đó, tôi đã rất tò mò về các âm thanh mới mẻ trong khi hoạt động cùng nhóm nhạc, nhờ Won Il mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và cộng tác với nhiều người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc.

Tuy nhiên, về căn bản tôi chỉ thực sự bắt đầu quan tâm đến âm nhạc truyền thống từ khi tôi làm việc cùng chuyên gia vũ đạo hiện đại Ahn Eun-me. Hãng Eun-me Ahn Company trao cho tôi cơ hội thử nghiệm âm nhạc theo ý thích của mình, khiến tôi có thể tiếp cận âm nhạc theo cách khác với trước kia. Đặc biệt là lúc tôi làm những dự án như “New Chunhyang” hay “Simphoca Princess Bari-This World” thì tôi mới phân biệt được ba thể loại của thanh nhạc truyền thống, tức là pansori, dân ca, jeongga (chính ca, những bài hát thuộc nhã nhạc truyền thống), từ đó cảm nhận rõ ràng sức hấp dẫn và đặc trưng của từng thể loại. Đó chính là động cơ giúp tôi thoát khỏi suy nghĩ mình chỉ là dân nghiệp dư và lập ra ban nhạc Be-Being gồm bảy người vào năm 2007. Thông qua Be-Being, tôi đã thực hiện những dự án âm nhạc Phật giáo, nhạc kịch mặt nạ và nhã nhạc cung đình. Thành thật mà nói thì tôi đã thực hiện những dự án đó với tâm thế muốn học hỏi.

Với tư cách là đạo diễn âm nhạc, ông cảm nhận âm nhạc dân tộc có sức hấp dẫn ở điểm nào?
Tôi cảm thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của âm nhạc dân tộc đến từ bề dày thời gian của nó. Tôi cho rằng hoàn cảnh tiếp nhận và thưởng thức tạo ra sự khác biệt rất lớn trong cảm nhận âm nhạc. Thật may mắn là tôi được gặp các chuyên gia âm nhạc dân tộc và trực tiếp nghe họ hát ở cự li gần. Nhạc phẩm khi ấy trở nên hấp dẫn khác hẳn so với khi nghe qua băng đĩa hoặc qua micro khuếch đại. Chúng ta không thể biết được điều này nếu không nghe nhạc truyền thống trực tiếp ở cự li gần, nên tôi mong nhiều người cũng được trải nghiệm như vậy.

Ban nhạc rock dân ca SsingSsing đang biểu diễn tại sân khấu Yeo Woo Rak Festival ở nhà hát công lập Seoul. Họ mang đến sự thích thú cho khán thính giả bằng âm nhạc phá cách và phong cách biểu diễn tự do. SsingSsing gồm Jang Young-gyu và 3 thành viên (ca sĩ), trống, ghita, v.v… họp lại thành ban nhạc 6 người thành lập năm 2015 và tan rã năm 2018.
ⓒ Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc.

Nền quốc nhạc gần đây đang được nhìn nhận lại. Ông nghĩ gì về điều này?
Năm ngoái, tôi có làm giám khảo cho mấy buổi thử diễn và có cơ hội xem tiết mục của hơn 60 đội. Suốt thời gian chấm tuyển, tôi không ngừng hỏi rằng, rốt cuộc họ thực sự muốn làm gì? Những người biểu diễn âm nhạc truyền thống đạt trình độ kỹ thuật đỉnh cao vì họ đã trải qua thời gian rèn luyện lâu dài. Nhưng nếu chỉ có trình độ kỹ thuật thành thục, thì thành thật mà nói liệu rằng đó có thể gọi là “âm nhạc” không?

Vài năm gần đây xuất hiện nhiều ban nhạc hoạt động theo phương thức kết hợp âm nhạc dân tộc với các thể loại khác. Năm vừa qua cũng xuất hiện những chương trình tuyển chọn tài năng âm nhạc dân tộc trên sóng truyền hình, thúc đẩy hơn nữa hiện tượng giao thoa thể loại trong âm nhạc. Tôi cũng không biết việc này có phải là tốt hay không nữa. Và tôi lo sợ rằng, khán thính giả vốn chưa nghe âm nhạc truyền thống và không biết nhiều về nhạc truyền thống sẽ tưởng rằng những tiết mục âm nhạc giao thoa xuất hiện trong các cuộc thi như thế này là nhạc truyền thống dân tộc và chỉ tìm nghe những bản nhạc giao thoa như thế. Chúng ta phải mau chóng tìm cách và tạo cơ hội cho khán thính giả được nghe và cảm nhận đúng chất sự thú vị và hấp dẫn của âm nhạc truyền thống thực sự.

Ông nghĩ sao về sự giao thoa giữa âm nhạc dân tộc và các thể loại âm nhạc khác?
Thời niên thiếu, tôi thường nghe nhạc của Kim Duk-soo thuộc phái samulnori hợp tấu với ban nhạc jazz đa quốc tịch Red Sun. Tôi cho rằng họ rất xuất sắc. Sau đó thì tôi để ý đến Percussion Ensemble Puri, Yang Bang Ean, Ryo Kunihiko. Trường hợp của Yang Bang Ean, có lẽ không phải do chủ đích của anh ấy, nhưng hầu như không có ban nhạc nào không trình diễn những bản nhạc của anh ấy trên sân khấu cả. Thời đó, nhiều ban nhạc truyền thống dân tộc bắt chước phong cách âm nhạc của Yang Bang Ean, và có vẻ là giới chơi nhạc dân tộc trong cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ anh ấy.

Còn trường hợp như Jambinai thì tôi không nghĩ rằng âm nhạc của họ thuộc thể loại âm nhạc truyền thống, tuy nhiên, nhóm lại có định hướng âm nhạc rất rõ ràng và tạo được màu sắc riêng. Tôi nghĩ họ đang làm tròn vai trò lớn của mình trong âm nhạc. Cũng có nhóm nhạc nắm bắt được tâm điểm làm cho đại chúng có thể yêu thích mình như 2nd Moon. Tôi nghĩ việc nhiều ban nhạc đa dạng đang xuất hiện là một hiện tượng tốt.

Tháng 12/2021, Leenalchi đang biểu diễn live tại sân khấu Strange Fruit phía trước trường đại học Hongik. Ban nhạc alternative pop được thành lập năm 2019 với thành viên chủ chốt là là Jang Young-gyu, 2 nghệ sĩ ghita bass và trống, 4 giọng ca, tổng cộng gồm 7 người. Ca khúc Hùm về là bản nhạc dance tái hiện lại pansori thành pop đã chiếm được sự ủng hộ bùng nổ trong và ngoài nước. Từ bên tay phải, nghệ sĩ ghita bass Jang Young Gyu, các ca sĩ Kwon Song-hee, Lee Na-rae, Ahn Yi-ho, Shin Yu-jin , phía sau là nghệ sĩ ghita bass Park Jun-cheol và tay trống Lee Chul-hee.
ⓒ LIVE CLUB DAY, Azalia

Vậy thì, theo ông, điều gì quyết định giá trị cao nhất của âm nhạc?
Tôi cho rằng ta phải thể hiện sự “khác biệt”. Khi làm việc, tôi luôn nghĩ rằng tôi phải đặt trọng tâm vào việc làm sao để tạo ra được sự khác biệt.

Ý ông nói là phải nỗ lực để tránh thể hiện theo cách bình thường?
Khi làm việc nhiều, tôi nhận thấy phong cách của mình dần định hình rõ nét và dường như bị lặp lại, nên tôi từng băn khoăn tìm cách thay đổi. Thế nhưng có lúc tôi lại nghĩ điều đó chưa hẳn xấu, và tôi đã giải phóng bản thân khỏi cảm giác bị thúc ép phải làm sao để luôn tươi mới. Trong khuôn khổ phong cách của mình, chỉ cần tôi tìm cách thể hiện khác biệt tùy theo từng nội dung là được.

Việc làm nhạc vũ đạo, nhạc kịch, nhạc phim có gì khác với việc làm nhạc trong nhóm LEENALCHI?
Những công việc kia đều có mục đích rõ ràng, và vai trò của tôi trong những việc ấy cũng rất rõ ràng. Mặt khác, LEENALCHI lại hoàn toàn mở. Khi tôi làm nhạc cho LEENALCHI, sau khi tạo ra tiết tấu cơ bản hoặc giai điệu mẫu, tôi sẽ tập hợp bốn thành viên lại để tìm ra những âm sắc chủ đạo. Để tạo ra giai điệu phù hợp với phương hướng âm nhạc và tiết tấu, cũng có lúc tôi tìm đến nền tảng ngũ âm của thể loại pansori (năm tác phẩm kinh điển của pansori bao gồm: “Xuân Hương ca, Xích Bích ca, Thẩm Thanh ca, Hưng Phủ ca, Thủy Cung ca”) và trong quá trình đó phát hiện được cái mới một cách ngẫu nhiên rồi phát triển chúng lên, tôi thấy thú vị vô cùng. Việc này giống sáng tác hơn là biến tấu lại pansori truyền thống.

Có gì thay đổi sau thành công của LEENALCHI không?
Chúng tôi muốn tiến vào thị trường âm nhạc đại chúng, tôi nghĩ nếu được tiêu thụ nhiều thì tốt. Nhưng để làm được điều đó, thì tôi lại chưa nghĩ ra mình nên phải làm gì. Sau khi phát hành album thứ nhất “Thủy cung ca” (Sugungga) năm 2020, tôi đối mặt với hàng núi việc mà tôi thực sự rất ghét làm, những việc mà trước đây tôi không bao giờ làm. Nhưng tôi nghĩ mình không thể nào vừa tránh né những việc đó mà vẫn muốn thành công về mặt kinh doanh.Việc chấp nhận rằng mình “phải làm cả những việc như thế này” là thay đổi lớn nhất của bản thân tôi. Tôi đang chật vật để thích ứng với nó. Và LEENALCHI vẫn chưa thành công. Vì mỗi khi tôi tự hỏi “LEENALCHI đã thật sự được đón nhận trên thị trường với tư cách là ban nhạc chưa?”, thì vì câu trả lời vẫn là “Chưa”. Đường tôi phải đi vẫn còn dài lắm.

Vậy ông phải làm thêm những việc gì nữa?
Sự thật là trong thị trường âm nhạc quốc nội, ta không thể trông đợi chỉ cần tạo ra sản phẩm âm nhạc tốt thôi thì sẽ thành công, vì trong nước không có thị trường dành riêng cho nhóm nhạc. Chờ thời để được tiêu thụ cũng là chuyện vô lý. Trừ phi có ai tạo ra thời cơ đó cho mình, nếu không thì thì nhóm nhạc phải tự suy tính kỹ càng và nỗ lực để tìm ra phương pháp để thành công.

Nói vậy nghĩa là ông đang chuẩn bị để hoạt động ở hải ngoại?
Khi trăn trở tìm cách duy trì ban nhạc, dĩ nhiên là tôi phải không ngừng khai thác thị trường quốc nội, mà thị trường hải ngoại cũng đã hình thành từ lâu, nên tôi đang lên kế hoạch thử nghiệm để tạo chỗ đứng cho nhóm nhạc ở cả hai thị trường này. Tôi cũng đang lên lịch công diễn ở hải ngoại trong năm nay.

Album thứ hai dự định phát hành vào năm ngoái vẫn đang bị trì hoãn phải không?
Thực ra là tôi không thể tưởng tượng nổi mình lại bận rộn đến mức này. Tôi không có đủ thời gian để làm album. Và tôi nghĩ nghĩ rằng mình có thể tiếp tục khai thác năm bài kinh điển của thể loại pansori để tạo ra thứ gì đó hơn nữa, nhưng hình như cách đó chưa hẳn đã tốt. Tôi đang tự hỏi rằng liệu việc lấy kho dữ liệu pansori có sẵn rồi chắp vá và chèn câu chuyện mới vào thì có thể tạo nên loại âm nhạc phù hợp với thời đại này được không. Đương nhiên đó sẽ là câu chuyện mới mẻ mang tính thời cuộc. Thêm vào đó, tôi cho rằng cũng phải tìm ra phương pháp khác biệt trong sáng tác âm nhạc nữa. Vì phải ưu tiên cho việc tạo ra được một pansori phản ảnh những băn khoăn nói trên trong album thứ 2 của LEENALCHI, nên có lẽ sẽ phải cần thêm thời gian. Nếu khả thi, tôi đang đặt ra mục tiêu sẽ ra mắt album mới vào cuối năm nay.



SeoJeong Min-gap Nhà phê bình âm nhạc đại chúng

전체메뉴

전체메뉴 닫기