메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SPRING

NHÀ THIẾT KẾ SẢN XUẤT MỞ RỘNG LỐI KỂ CHUYỆN TRONG ĐIỆN ẢNH

Với bối cảnh tựa như truyện thiếu nhi, loạt phim gốc của Netflix gây sốt toàn cầu vào năm ngoái “Trò chơi con mực” (Squid Game) đã làm nổi bật sự kinh hoàng, tàn khốc của cuộc đấu tranh sinh tồn, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với giám đốc nghệ thuật Chae Kyoung-sun, tác giả của những không gian đặc sắc trong loạt phim đình đám này tại xưởng phim Aqua Special Effect, thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi - nơi tác phẩm tiếp theo của cô đang được sản xuất.

Tháng 1 năm nay, nam diễn viên O Yeong-su, thủ vai người chơi số 1 hay còn gọi là “gganbu” (đồng đội) trong loạt phim “Trò chơi con mực” (Squid Game), đã giành được giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 79. Sau khi công chiếu vào tháng 9 năm ngoái, loạt phim này đã thu hút đông đảo lượt xem từ 142 triệu gia đình, đứng đầu bảng xếp hạng theo dõi của Netflix trong 46 ngày liên tiếp và được đề cử ở những hạng mục quan trọng của Giải thưởng Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh Hoa Kỳ (SAG) và Giải thưởng Hiệp hội Nhà sản xuất Mỹ (PGA). Nhiều bài viết đã phân tích về bí quyết làm nên sự nổi tiếng toàn cầu của bộ phim truyền hình này nhưng có một sự thật hiển nhiên là quá trình thiết kế sản xuất đầy ấn tượng, mang lại cảm giác siêu thực - điều chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây - đóng vai trò vô cùng to lớn.

Khác với phần lớn các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình luôn chú trọng thể hiện không gian một cách chân thực, không gian trong tác phẩm này là sự đan xen giữa hiện thực và kỳ ảo, được thể hiện qua những tông màu mạnh. Đây là điều vô cùng ấn tượng bởi lẽ nó không chỉ đạt được sự hài hòa tuyệt đối với nhân vật hay diễn biến câu chuyện mà còn tăng thêm hiệu quả kịch tích cho bộ phim.

Giám đốc nghệ thuật của loạt phim là cô Chae Kyung-sun, tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật sân khấu, Khoa Sân khấu và Điện Ảnh, Trường Đại học Sangmyung. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 2010 với bộ phim “Gần hơn một chút” (Come, Closer) của đạo diễn Kim Jong-kwan, kể về câu chuyện tình yêu và ly biệt của năm cặp đôi. Trong những năm sau đó, cô tiếp tục hợp tác với tư cách giám đốc nghệ thuật với đạo diễn Hwang Dong-hyuk, đầu tiên là bộ phim “Sự im lặng” (Silenced, 2011), tiếp đó là “Ngoại già tuổi đôi mươi” (Miss Granny, 2014) và “Nam Hán Sơn Thành” (The Fortress, 2017). “Trò chơi con mực” là tác phẩm truyền hình dài tập đầu tiên của cô. Ngoài ra, cô cũng tham gia làm giám đốc nghệ thuật cho nhiều bộ phim khác như “Hwayi: Cậu bé quái vật” (Hwayi: A Monster Boy, đạo diễn Jang Joon-hwan, 2013), “Thợ may hoàng gia” (The Royal Tailor, đạo diễn Lee Won-suk, 2014), “Lối thoát trên không” (EXIT, đạo diễn Lee Sang-geun, 2019)… Các tác phẩm mà cô tham gia không chỉ đa dạng về chất liệu, thể loại mà cả cách thức đạo diễn cũng riêng biệt sao cho phù hợp với từng bộ phim; thế nhưng, có một điểm chung là cô luôn tạo ra không gian phù hợp với cốt truyện, từ đó mở rộng cách kể chuyện của phim.

Giám đốc nghệ thuật Chae Kyoung-sun tạo dáng trước ống kính tại xưởng phim Aqua Special Effect, thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi - nơi trường quay loạt phim gốc tiếp theo của Disney+ mang tên “Moving” đang được xây dựng. Thu hút sự chú ý của công chúng với tư cách giám đốc nghệ thuật trong loạt phim gốc “Trò chơi con mực” của Netflix vào năm ngoái, cô cho biết bản thân cảm thấy vô cùng may mắn khi nhận được sự hỗ trợ tài chính hào phóng và được đạo diễn cho phép tự do quyết định.

So với các tác phẩm trước đây của đạo diễn Hwang Dong-hyuk thường xây dựng không gian mang tính thực tế, “Trò chơi con mực” là bộ phim có sự khác biệt rất lớn. Chắc hẳn đây là một trải nghiệm đầy thử thách đối với cô đúng không?
Vì đây không phải không gian mang tính thực tế nên tôi đã dự đoán sẽ có nhiều ý kiến trái chiều của người xem về thiết kế sản xuất lần này. Tôi nghĩ chắc sẽ có nhiều ý kiến tiêu cực lắm nên cũng tự nhủ mình phải chuẩn bị tâm lý, nhưng may mắn thay mọi người đã phản ứng vô cùng tích cực. Rất hiếm khi người giám đốc nghệ thuật có cơ hội để thử làm một điều gì đó mới mẻ. Phần kinh phí sản xuất được hỗ trợ khá dồi dào nên nhờ đó mà tôi đã có thể hiện thực hóa bức tranh mà mình đã vẽ ra trong đầu. Được tham gia vào tác phẩm này là điều may mắn to lớn với tôi.

Cảm xúc của cô như thế nào khi lần đầu tiên đọc kịch bản bộ phim này?
Trước khi nhận kịch bản, tôi đã được nghe kể về cốt truyện của bộ phim từ đạo diễn Hwang. Anh ấy dự định tạo ra một câu chuyện về trò chơi sinh tồn dựa trên những trò chơi mà anh đã cùng chơi với bạn bè thời thơ ấu, và muốn thử sức với một hình ảnh phim mới. “Cứ làm theo ý của em đi”, anh ấy còn nói như thế. Dù đã biết trước đại khái về nội dung nhưng đến khi đọc kịch bản, tôi vẫn cảm thấy bối rối.

Ý tưởng tổng thể về thiết kế sản xuất mà cô đã thống nhất với đạo diễn Hwang là gì?
Có ba nội dung chính. Thứ nhất, đừng vẽ ra một thế giới quá tăm tối. Thứ hai, mỗi khi một trò chơi nào đó được tiến hành, hãy tạo cho nó một bối cảnh thật đặc thù và riêng biệt. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để đẩy cảm giác bối rối và hoảng sợ của người chơi lên cực đại vì họ không biết được trò chơi nào mà mình sắp sửa phải tham gia ở từng không gian. Chúng tôi mong điều này cũng sẽ khiến người xem phải tò mò, tự hỏi lần tiếp theo sẽ là trò chơi gì, diễn ra ở đâu. Điều cuối cùng mà chúng tôi thống nhất đó là hãy sử dụng những tông màu nổi bật. So với các bộ phim của Hollywood, điện ảnh Hàn Quốc có tính bảo thủ trong việc sử dụng màu sắc. Chúng tôi muốn thoát ra khỏi giới hạn đó và sử dụng các gam màu mạnh mẽ. Thực ra, xu hướng làm phim gần đây ở Hàn Quốc chính là sử dụng thể loại, chất liệu mới như là khoa học viễn tưởng và mở rộng những giới hạn trong vận dụng màu sắc.

Tiêu chuẩn để chọn màu sắc trong phim là gì?
Ban đầu, chúng tôi đã chọn xanh bạc hà và hồng là màu chủ đạo. Đây là hai màu theo phong cách retro (hoài cổ) tượng trưng cho thập niên 1970-1980. Nói về ý kiến này, nhà thiết kế trang phục cho phim là cô Cho Sang-kyung đã đề xuất: “Chúng ta hãy chơi lớn, chọn màu hồng cho đám lính giám sát những người tham gia trò chơi”. Chúng tôi cũng thống nhất chọn màu xanh lá đậm cho bộ quần áo thể dục mà người chơi mặc để tăng thêm độ sắc nét. Trong loạt phim này, màu hồng tượng trưng cho sự áp bức và bạo lực, còn màu xanh lá đại diện cho sự thua cuộc, bị đàn áp. Do đó, chúng tôi xây dựng hình ảnh người chơi phải di chuyển trong một cấu trúc không gian bao quanh bởi trần nhà và tường màu hồng; trong khi đó, nơi nghỉ của những người giám sát lại được tô vẽ bằng màu xanh lá. Thế giới quan và những quy tắc của câu chuyện đã được quy định thông qua màu sắc như thế.

Một cảnh trong phim “Trò chơi con mực”, khi những người chơi di chuyển trên các cầu thang tựa như mê cung để quay về chỗ nghỉ. Những hình ảnh mang màu sắc cổ tích đối lập với cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt là sự tượng trưng cho mâu thuẫn trong xã hội chủ nghĩa tư bản. Khâu thiết kế sản xuất trong loạt phim này được cho là lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Maurits Cornelis Escher - họa sĩ đồ họa người Hà Lan.
ⓒ Netflix

Được biết trò chơi đầu tiên “Hoa mugung đã nở” diễn ra ở một không gian được thiết kế theo mô típ sân chơi trong trường học - nơi chúng ta thường chơi khi còn bé, có đúng vậy không?
Ý tưởng của trò chơi này là “thật và giả”. Bầu trời xanh ở trên và bức tường phía sau búp bê Young-hee là đồ giả nhưng việc người chơi sẽ chết nếu không vượt qua được trò chơi này lại là sự thật. Chúng tôi đã lấy mô típ từ tác phẩm hội họa của René Magritte để tạo nên một không gian có thể gây bối rối cho cả người chơi trong phim lẫn người xem. Ý tưởng về những nhân viên điều hành giám sát người tham gia trò chơi là chịu ảnh hưởng từ bộ phim “Buổi diễn của Truman” (The Truman Show, 1998).

Búp bê Young-hee đã được tạo ra như thế nào?
Đội hóa trang đặc biệt Geppetto đã chế tác ra con búp bê này. Với chiều cao lên đến 10m, con búp bê này được chia thành hai phần nửa thân trên và nửa thân dưới khi chuyển đến. Vốn dĩ đạo diễn Hwang đã đặt hàng đội mỹ thuật làm 10 con búp bê Young-hee nhưng kinh phí của chúng tôi không đủ để làm điều đó. Ngoài ra, trong kịch bản ban đầu thì búp bê Young-hee xuất hiện bằng cách được đưa từ dưới đất lên nhưng điều này đã được thay đổi trong quá trình làm phim.

Khu vực sân chơi, nơi diễn ra trò chơi đầu tiên trong loạt phim, lấy mô típ từ tranh vẽ của họa sĩ người Bỉ theo chủ nghĩa Siêu thực René Magritte, được mô tả là không gian gây ra sự hỗn loạn do thật giả lẫn lộn. Búp bê Young-hee cao 10m và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem là tác phẩm do đội hóa trang đặc biệt Geppetto chế tác.

Màu xanh lá và màu hồng được sử dụng chủ yếu trong loạt phim lần lượt tượng trưng cho sự ngược đãi và thua cuộc, sự áp bức và bạo lực.

Trò chơi bắn bi diễn ra trong một con hẻm và đây được cho là không gian đã tiêu tốn rất nhiều công sức sáng tạo?
Con hẻm là một trong những không gian tốn nhiều công sức nhất. Đây cũng là nơi mà cái thật và cái giả cùng tồn tại. Có hai yếu tố mà đạo diễn Hwang đã đặt hàng cho cảnh phim này, một là cảnh hoàng hôn và hai là “không gian có thể khiến người ta cảm nhận được hương vị của bữa cơm”. Anh ấy kể cho tôi nghe về ký ức thuở còn bé của mình, về những ngày đang nô đùa cả buổi tối trong con hẻm thì vội vã chạy về khi nghe mẹ gọi và anh luôn có thể ngửi thấy mùi thơm của bữa cơm mỗi khi gần đến nhà. Ngoại trừ nhà của nhân vật ông lão Oh Il-nam, tất cả những ngôi nhà còn lại đều được thiết kế chỉ có duy nhất cửa chính. Chúng tôi muốn tạo ra không gian có tính tượng trưng rằng dù có rất nhiều cửa nhưng bạn vẫn bị từ chối nếu bước vào, giống như “Đây không phải là nhà của bạn nên bạn không thể vào trong”. Cửa nhà được chế tác trông như hàng thật với những đạo cụ khác nhau như là bảng tên gắn ở cửa, xỉ than tổ ong, chậu cây… song vẫn tạo ra một khuôn mẫu. Nghĩa là, xỉ than tổ ong được đặt ở bên phía những người thua cuộc và chậu cây được đặt ở bên phía những người chiến thắng trong trò chơi bắn bi.

Nói về những chuyện trong quá khứ, trước khi có bộ phim “Trò chơi con mực”, cô đã thực hiện nhiều tác phẩm có cá tính đa dạng và cộng tác với nhiều đạo diễn khác nhau từ khi ra mắt. Tôi nhận thấy cô luôn đặt tình cảm của mình vào cách kể chuyện của bộ phim thông qua công việc thiết kế sản xuất.
Mỗi tác phẩm tôi đều có cách tiếp cận khác nhau. Về cơ bản, mỹ thuật điện ảnh là lĩnh vực nhằm diễn tả một cách phong phú những chủ đề và nhân vật mà đạo diễn muốn truyền tải. Mỹ thuật không được phép tự mình quá nổi bật. Vì thế, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để có thể phân tích kịch bản thật tốt, thậm chí phải tỉ mỉ hơn cả đạo diễn.

Là tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết. “Nam Hán Sơn Thành” dường như không phải là một dự án dễ dàng. Do đây là câu chuyện dựng lại từ lịch sử có thật nên có vẻ việc khảo cứu tài liệu là điều cốt yếu.
Bởi vì muốn để lại một bộ phim về lịch sử Hàn Quốc có nội dung được khảo cứu kỹ lưỡng và chính xác nhất, tôi đã đánh cược mọi thứ để làm ra tác phẩm này. Bản thân tôi đã cố gắng để tái hiện chi tiết hình ảnh một pháo đài bị bao vây và cô lập bởi tuyết trắng, giá lạnh và quân địch.

Tác phẩm điện ảnh trước đó mà cô đã tham gia là “Thợ may hoàng gia” của đạo diễn Lee Won-suk cũng là một bộ phim lịch sử. Những kinh nghiệm cô có được từ bộ phim này có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sản xuất phim “Nam Hán Sơn Thành”?
Vì bối cảnh chính của phim xoay quanh câu chuyện về những người thợ may làm ra trang phục của vương thất nên tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để diễn đạt không gian này về mặt thị giác, cũng như cách biểu đạt nhân vật thông qua không gian. Thế nhưng, thật đáng tiếc là bộ phim đã không thể thu hút nhiều khán giả đến xem.

“Nam Hán Sơn Thành” (2017) của đạo diễn Hwang Dong-hyuk là tác phẩm mô tả 47 ngày lánh nạn tại pháo đài trên núi Namhan của nhà vua và quần thần do sự xâm lược của nhà Thanh năm 1636. Thông qua sự nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng, giám đốc nghệ thuật Chae Kyoung-sun đã truyền tải hết sức chân thật hoàn cảnh bị bao vây bởi tuyết trắng, giá lạnh và quân địch lúc bấy giờ.
ⓒ CJ ENM

Trường học dành cho người khiếm thính, bối cảnh của bộ phim “Sự im lặng”, là nơi diễn ra những sự kiện tăm tối và thật ấn tượng khi không gian này đã thể hiện một cách tượng trưng bầu không khí của toàn bộ phim.
Vì là bộ phim có kinh phí sản xuất thấp nên không có nhiều thứ để tôi có thể thử sức. Chỉ có hai trường quay được xây mới hoàn toàn là phòng hiệu trưởng và tòa án. Trong bộ phim này, yếu tố sương mù đóng vai trò rất quan trọng, vì thế mà từ đạo cụ đến hành lang đều được thiết kế với tông màu xám. Khi câu chuyện trong phim diễn ra, điều quan trọng là phải giảm màu sắc đi thay vì phô bày nó. Tuy nhiên, trung tâm nhân quyền - nơi nhân vật nữ chính (Jung Yu-mi thủ vai) làm việc - là không gian duy nhất được điểm thêm màu ô liu để tăng sắc thái ấm áp. Đối với tác phẩm này, tôi đã kiềm chế tham vọng của một người giám đốc nghệ thuật và trung thành với câu chuyện hết sức có thể.

Thu hút hơn 9 triệu khán giả, bộ phim “Lối thoát trên không” đã thể hiện một cách tỉ mỉ những không gian đặc trưng, chỉ có thể thấy ở Hàn Quốc như sân thượng, bảng hiệu, tòa nhà… và điều này vô cùng thú vị.
Ban đầu, tôi đã tưởng đây sẽ là một bộ phim về đề tài thảm họa điển hình của Hollywood. Thế nhưng, khi trò chuyện với đạo diễn Lee Sang-geun, tôi mới nhận ra điểm mấu chốt là phải tạo ra một không gian mang đậm chất Hàn Quốc. Tôi đã đi xem cặn kẽ, chi tiết sân thượng của các tòa nhà trên cả nước để tìm hiểu đặc trưng của chúng. Đặc biệt, trong cảnh hai nhân vật nam và nữ chính dùng hết sức để chạy và nhảy qua cầu vượt, các tòa nhà xuất hiện ở hai bên của hai diễn viên rất quan trọng và tôi cho rằng nó đã được thể hiện chính xác với ý đồ của mình, dù chỉ xuất hiện trong vài giây ngắn ngủi. Đạo diễn Lee đã nhiệt tình tiếp thu ý kiến của đội mỹ thuật và ngược lại, đội mỹ thuật cũng đã khai thác nhiều ý tưởng do đạo diễn đưa ra. Đây là bộ phim mà chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ suy nghĩ và hợp tác làm việc thật vui vẻ.

Cảnh nhân vật Lễ tào Phán thư Kim Sang-heon (Kim Yun-seok thủ vai) vượt qua con sông để đến pháo đài núi Namhan. Trên thực tế, cảnh phim này được quay tại một dòng sông đã đóng băng với độ dày của băng lên đến 30cm.

Trong bộ phim này, hai nhân vật với hai đức tin khác nhau đã tạo nên sự đối lập đầy kịch tính, đặc điểm của mỗi nhân vật đều được thể hiện thông qua trang phục. Trái ngược với Kim Sang-heon - người kiên quyết chiến đấu đến cùng trước cuộc tấn công của nhà Thanh, nhân vật Lại tào Phán thư Choi Myung-gil (Lee Byung-hun thủ vai) lại chủ trương đầu hàng để bảo vệ đất nước và tính mạng của bá tánh.

Cô có thể chia sẻ một ít về bộ phim “Moving” đang trong quá trình sản xuất được không?
Đây là loạt phim gốc của Disney+ do anh Park In-jae làm đạo diễn. Tôi không thể chia sẻ nhiều trước thời điểm công chiếu nhưng đây là bộ phim có ý nghĩa nhất định bởi lẽ nó đánh dấu lần đầu tiên tác phẩm cùng tên của tác giả webtoon nổi tiếng Kang Full được chuyển thể. Việc thể hiện sự thay đổi của thời đại từ thập niên 1980 đến năm 2018 trong cùng một bộ phim là thách thức lớn với bản thân tôi.

Cảnh nhân vật Lee Gong-jin (Go Soo thủ vai) - người có cảm quan thiên phú về thời trang - đang chú tâm theo dõi cử chỉ của người thợ đã may trang phục cho vương thất suốt 30 năm Cho Dol-seok (Han Seok-kyu thủ vai). Ra mắt năm 2014, bộ phim “Thợ may hoàng gia” của đạo diễn Lee Won-suk kể về câu chuyện xảy ra tại Thượng Y Viện - nơi làm ra y phục của vương thất, những trang phục và không gian bối cảnh trong phim đã thu hút sự chú ý của nhiều khán giả.
ⓒ WOWPLANET KOREA

Kim Seong-hoon Phóng viên tạp chí Cine21

전체메뉴

전체메뉴 닫기