메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Lifestyle

2023 WINTER

KHÁM PHÁ SỞ THÍCH DÙNG ĐỒ VĂN PHÒNG PHẨM

Văn phòng phẩm là vật dụng không thể thiếu trong lịch sử văn minh nhân loại, từ bột màu được dùng để vẽ những bức tranh trên hang động thời kỳ đồ đá cũ, cho đến bút bi không gian (space pen) dùng để viết trong môi trường không trọng lực ngày nay. Đặc biệt, ở Hàn Quốc, từ xa xưa, vật dụng dùng khi viết hoặc vẽ được gọi là “văn phòng tứ hữu” (bốn thứ dùng trong thư phòng của người viết văn, gồm giấy, bút, mực, nghiên – chú thích của người dịch), và cách nói này cũng cho thấy con người xem văn phòng phẩm như những người bạn (“hữu” vừa mang nghĩa là “có”, vừa mang nghĩa “bạn bè” nên “tứ hữu” còn được hiểu là “bốn người bạn” – chú thích của người dịch). Văn phòng phẩm đã phát triển không ngừng theo dòng lịch sử và ngày nay đã trở thành “món đồ thể hiện sở thích”.

1_GettyImages-1400820301.png

Dakku là phương thức hay ho thể hiện cá tính và sở thích của bản thân bằng những món đồ phong phú, và là thú vui mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt đầu theo đuổi.
ⓒ gettyimagesKOREA

Đối với một số người, bút chì vừa là công cụ tạo tác, vừa tiếp năng lượng cho sự sáng tạo, còn đối với một số người khác, chúng là dụng cụ để ghi nhớ và làm nên ký ức. Suốt chiều dài lịch sử, văn phòng phẩm, trong đó có bút chì, vẫn luôn tồn tại cùng với nhiều phát minh khác. Thế nhưng giờ đây chúng ta lại có thói quen tìm đến điện thoại thông minh thay vì giấy và bút. Chúng ta bật các ứng dụng hỗ trợ ghi chú để viết, chụp ảnh hoặc cả ghi âm nữa. Khi ta muốn vẽ cũng vậy. Máy tính bảng không chỉ giúp phác họa mà còn giúp tô màu với vô vàn màu sắc và họa tiết khác nhau, khiến việc vẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Như vậy, liệu các đồ dùng như giấy và bút có biến mất trong tương lai? Câu trả lời chắc chắn là “không”.


Văn phòng phẩm kết hợp với khuynh hướng “digging”

Việc bắt đầu xuất hiện những người đam mê văn phòng phẩm có lẽ là một xu hướng tất yếu. Trong xã hội kỹ thuật số nơi mọi người đều cầm điện thoại thông minh và gõ bàn phím máy tính thì văn phòng phẩm đã trở thành “món đồ thể hiện sở thích” của mỗi cá nhân. Mỗi sản phẩm đều có những câu chuyện ra đời khác nhau, và phải chăng các mặt hàng được sản xuất nhiều đến vậy là để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người dùng? Chỉ nói đến bút chì thôi đã có vô số lựa chọn tùy thuộc từng nhu cầu khác nhau như tay thuận (thuận tay phải hay tay trái), khối lượng, màu sắc, loại gỗ, độ mềm và độ đậm của chì.

Ngành phân phối đã dùng thuật ngữ “digging” (đào xới) để gọi hành động mỗi cá nhân tập trung đào sâu sở thích của mình. Cụm từ “digging momentum” (động lượng đào xới) đã xuất hiện trong niên san phân tích xu hướng tiêu dùng “Xu hướng Hàn Quốc 2023” (Trend Korea 2023). Cụm từ này có nghĩa là ngày càng đi sâu hơn, đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực mà mình yêu thích.

PENHOOD, câu lạc bộ bút máy lớn nhất Hàn Quốc, là một ví dụ điển hình cho xu hướng digging. Với khoảng 46.000 thành viên, đây là nơi tập hợp những người yêu thích bút máy, các dụng cụ phục vụ việc ghi chép, và chữ viết tay. PENHOOD tổ chức sự kiện Penshow đều đặn hằng năm để các thành viên gặp gỡ, đồng thời giới thiệu nhiều bộ sưu tập bút máy đa dạng tại hàng chục gian hàng.

2_KakaoTalk_Photo_2023-10-19-14-46-48 002.png

Monami, thương hiệu văn phòng phẩm tiêu biểu của Hàn Quốc đã khai trương cửa hàng kinh doanh kiểu truyền thống Monami Factory ở Seongsu-dong, Seoul. Nơi này không chỉ đơn thuần phục vụ mua sắm văn phòng phẩm mà còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ về thương hiệu thông qua việc nghe giới thiệu về lịch sử và sản phẩm của thương hiệu, hoặc trực tiếp thử làm ra bút.
ⓒ Monami

3_모나미 스토어 내부 풍경(사진 모나미) (c)모나미.png

ⓒ Monami

 

Thị trường văn phòng phẩm phục vụ sở thích “trang trí nhật ký” ngày càng phát triển từ thời kỳ đại dịch

Đặc biệt, thị hiếu gần đây về văn phòng phẩm ngày càng đa dạng và phân hóa hơn, phản ánh rõ sự thay đổi của các xu hướng trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài suốt 2-3 năm qua. Khi phải ở trong nhà lâu hơn, mọi người đã tìm đến những thú vui mang tính tập trung vào bản thân để bù đắp cho nhu cầu thực hiện các hoạt động thể chất đang bị hạn chế.Trong số đó, “dakku” (trang trí nhật ký) không đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt hay quy tắc cứng nhắc nào, nên được xem là thú chơi mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bắt đầu. Hơn nữa, nó lại còn không tốn nhiều tiền. Chỉ cần từ 500 đến 3.000 won là đủ mua một món văn phòng phẩm mới, nên rào cản tài chính cũng thấp. Khi văn hóa dakku lan rộng trong giới trẻ - những người thường thể hiện cá tính và sở thích của bản thân bằng những món đồ phong phú, văn phòng phẩm cũng trở thành những mặt hàng tạo doanh thu tốt tại các cửa hàng trực tuyến lẫn cửa hàng truyền thống.Đồng thời, đối với thế hệ trẻ vốn quen thuộc với điện thoại thông minh, dakku cũng là một kiểu văn hóa retro (phong cách lấy cảm hứng từ các thập niên từ 1950 đến 1970 – chú thích của người dịch) độc đáo. Trang trí nhật ký bằng cách dùng bút viết hoặc vẽ lên một quyển sổ trống, dán lên sổ các tấm nhãn có hình, các băng dính có hoa văn hoặc các mẩu giấy... là những cách hoàn hảo để tiêu khiển.

 

Nơi dành cho những tín đồ văn phòng phẩm

4_‘작은연필가게 흑심’에서는 지금은 단종된 연필들을 만나볼 수 있다.(사진 이승연) (c)이승연.png

Tiệm Black Heart là không gian giới thiệu giá trị của những cây bút chì, thứ đang dần trở thành công cụ của ký ức. Tiệm cung cấp nhiều loại bút chì, từ những cây bút đã ngừng sản xuất đến những bộ sưu tập bút.
ⓒ Lee Seung-yeoun



Các cửa hàng văn phòng phẩm tại các khu dân cư đang dần biến mất. Chương trình giải trí của đài MBC Hangout with Yoo phát sóng vào ngày 15 tháng 7 vừa qua có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ hóa thân thành các nhân viên bán hàng làm việc hằng ngày để hỗ trợ công việc dọn dẹp cho một cửa hàng văn phòng phẩm sắp đóng cửa. Đây không chỉ là chuyện xảy ra ngày một ngày hai. Số lượng cửa hàng văn phòng phẩm lâu năm trong các khu dân cư đang giảm dần và bị thay bằng các cửa hàng đồ gia dụng hoặc cửa hàng văn phòng phẩm không người trực.

Không biết có phải vì sự tiếc nuối của mọi người hay không mà hiện đang nổi lên xu hướng ngược lại: những cửa hàng văn phòng phẩm chứa đựng mùi hương con người và ký ức ngày càng trở nên hấp dẫn về mặt tinh thần. Những cửa tiệm chuyên bán các mặt hàng văn phòng phẩm được khai trương ở những khu vực nhộn nhịp của Seoul như Seongsu-dong, đầu phố Hongdae, Jongno-gu, và khu Itaewon đang thu hút nhiều sự chú ý.

Monami Store, nơi bán hàng theo hình thức truyền thống của công ty sản xuất văn phòng phẩm Hàn Quốc Monami, cũng là một địa điểm ưa thích của giới trẻ. Được khai trương tại phường Seongsu vào năm ngoái, chi nhánh Monami Store Seongsu là công trình kiến trúc tái hiện nhưng mang nét hiện đại của nhà máy Seongsu-dong, nơi sản xuất chiếc bút bi đầu tiên của Hàn Quốc mang tên Monami 153 ra mắt vào năm 1963. Với chủ đề “Nhà máy Monami” (Monami Factory), nơi này không chỉ đơn thuần phục vụ mua sắm văn phòng phẩm mà còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ về thương hiệu thông qua việc nghe giới thiệu về lịch sử và sản phẩm của Monami. Điểm thu hút nhất của chi nhánh này là bạn có thể thử tự tay làm ra một cây bút theo đúng ý mình tại khu không gian trải nghiệm chuyên biệt. Ở đây, bạn có thể trải nghiệm từ việc tự lắp ráp bút bi dòng “DIY 153 Series” hoặc làm bút đầu lông, cho đến tự pha các màu mực đa dạng để tạo ra màu bút của riêng mình tại khu Ink LAB. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm văn phòng phẩm hướng đến những đối tượng khách hàng khác nhau với nhiều yêu cầu đa dạng.

Tiệm Black Heart nằm trong một con hẻm ở Yeonnam-dong đã trở thành địa điểm nổi tiếng với những người đam mê văn phòng phẩm. Black Heart là nơi sưu tầm những cây bút chì lâu đời kèm theo những câu chuyện thú vị gắn liền với nó. Tiệm trưng bày bút chì và các vật dụng liên quan đến bút chì do chủ tiệm trực tiếp sưu tầm theo sở thích và tiêu chuẩn cá nhân. Bạn sẽ gặp không chỉ giới trẻ mà còn cả những khách hàng ở độ tuổi 40-50. Ở đây có cả những cây bút chì của các thương hiệu đã ngừng sản xuất hoặc những thiết kế cổ điển, nên khách đến tiệm luôn có dáng vẻ rất hào hứng đồng thời ngắm nhìn mọi thứ một cách vô cùng thận trọng.

Ngoài ra, các tiệm Point of Seongsu ở Seongsu-dong, Homi Art Room ở phố Hongdae và Papier Frost ở Jongno-gu có bán các món đồ trang trí mà những tín đồ văn phòng phẩm rất thích. Đối với những du khách thích văn phòng phẩm muốn kết hợp vừa khám phá văn phòng phẩm vừa du lịch thì việc đến Bảo tàng Bút chì ở thành phố Donghae, Gangwon-do có thể là một lựa chọn tuyệt vời. Giống với Bảo tàng Bút chì Derwent ở Anh, nơi này trưng bày hơn 3.000 cây bút chì với nhiều chủ đề khác nhau được giám đốc Bảo tàng sưu tầm khi đi đến hơn 100 quốc gia trong hơn 30 năm. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng bút chì từ nhiều thương hiệu đẳng cấp thế giới, đồng thời cũng tìm hiểu những đồ vật và lịch sử liên quan đến bút chì, chẳng hạn như quy trình sản xuất than chì thành bút chì, và những ghi chép về bút chì trong lịch sử.

 

Văn phòng phẩm - những món đồ chứa đựng câu chuyện

Văn phòng phẩm chắc chắn sẽ không biến mất, nhưng việc kinh doanh chúng sẽ vẫn rất khó khăn. Khi độ tuổi người tiêu dùng ngày càng trẻ hơn thì hành vi tiêu thụ văn phòng phẩm dĩ nhiên cũng sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm giá rẻ cũng tăng lên, khiến cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thị trường văn phòng phẩm cần có sự thay đổi. Điều này cũng giống với việc khi điện và bóng đèn trở nên phổ biến thì mục đích sử dụng của nến phải thay đổi. Nhà sản xuất bắt đầu mở rộng mục đích sử dụng của các loại văn phòng phẩm, tạo sự độc đáo thông qua những điều chỉnh mang tính chi tiết.

Hãng Monami thu hút sự chú ý bằng cách thêm những câu chuyện vào sản phẩm của mình. Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm ngày Gwangbokjeol (Quốc khánh của Hàn Quốc – chú thích của người dịch), công ty đã cho ra mắt bút phiên bản giới hạn “153 ID 8.15” nhằm tôn vinh những nhà vận động phong trào độc lập và giới thiệu về Quân đội Giải phóng Hàn Quốc. Gần đây hãng cũng giới thiệu loại hộp ba bút lông với chủ đề hoa và đá theo tháng sinh và cung hoàng đạo. Ngoài ra, công ty cũng đang xem xét các khía cạnh mang tính bền vững, chẳng hạn như tung ra các sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ rác thải nhựa dùng một lần, vỏ ca cao, v.v. hoặc biến những sản phẩm không sử dụng thành đồ mới theo phong cách upcycle goods (hàng hóa được tái chế hoặc tái sử dụng theo hướng được nâng cấp về mặt giá trị – chú thích của người dịch). Bằng cách này, văn phòng phẩm sẽ tiếp tục đổi mới và vẫn là “người bạn” lâu dài của người tiêu dùng, chứa đựng những hình ảnh mới, vai trò mới cùng với nhiều câu chuyện khác nhau.

 



Lee Seung-yeon - Phóng viên tuần báo City Life - Kinh tế hàng ngày
Dịch. Mai Như Nguyệt

전체메뉴

전체메뉴 닫기