Features 2021 WINTER 388
SỰ PHÁT TRIỂN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI Nhà hanok ngày nay có rất nhiều sắc màu và đa dạng hình thái, từ những ngôi nhà cổ kính với kiểu dáng truyền thống đến những ngôi nhà mang dáng dấp đô thị được xây dựng trong những thập niên 1930-1970, và những ngôi nhà cải tiến bên trong để không gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày trong thời hiện đại. Hơn thế nữa, hiện nay còn xuất hiện cả những ngôi nhà mang tính thử nghiệm sáng tạo lấy cảm hứng từ tinh hoa của hanok. Tọa lạc tại Yeoncheon-dong, Seodaemun-gu, Seoul, ngôi nhà này được cải tạo từ một hanok kiểu đô thị vào những năm 1930. Để tận dụng tối đa không gian nội thất chật hẹp, một phần sân đã được biến thành phòng khách bằng cách lắp đặt mái kính lên trên.Ⓒ Park Young-chae Các ngôi nhà hanok cho đến tận thập niên 1960, 1970 vẫn lấp đầy đô thị đã trải qua nguy cơ bị biến mất bởi các khu chung cư và nhà ở hiện đại được xây dựng lên. Thế nhưng gần đây rộ lên một trào lưu mới. Người ta chuộng hanok stay (khách sạn xây theo kiến trúc hanok - chú thích của người dịch) - nơi có thể tận hưởng được hương vị của ngôi nhà xưa có xà nhà lộ ra hơn là khách sạn kiểu phương Tây, đồng thời họ cũng xem quán cà phê hanok là nơi “đẳng cấp” hơn những quán cà phê bình thường. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay mơ ước nuôi dạy con cái trong sân hanok đầy nắng và tận hưởng một cuộc sống thảnh thơi.Mọi người mê mẩn hanok đến vậy trước hết là bởi sức hút của sân - không gian giúp con người cảm thấy gần gũi hơn với các mùa và thực hiện được nhiều hoạt động đa dạng, trong đó bao gồm cả việc nhà và nghỉ ngơi. Tiếp theo là chất liệu. Định nghĩa một cách đơn giản về mặt kiến trúc, hanok là “một ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ, đá, đất và giấy với trung tâm là sân”. Không gian bao bọc con người được tạo bởi một phần của thiên nhiên - đó chính là giá trị mê hoặc rất đáng chú ý thời hiện đại. Những yếu tố khác nữa là phòng, và không gian sảnh giữa các phòng gọi là maru. Maru mang lại cảm giác của không gian mở, sáng sủa và mát mẻ, còn phòng tạo cảm giác không gian thoải mái và ấm áp. Nét hài hòa được tạo nên bởi maru - không gian của mùa hè đặt cạnh phòng - không gian của mùa đông trong cùng một công trình kiến trúc là sự kết hợp sáng tạo hiếm thấy vô cùng.Hanok thời nay đang thay đổi theo hướng kết hợp với công nghệ kiến trúc thế kỷ 21, lối sống hiện đại và văn hóa đương đại. Hanok hiện đại bao gồm cả hanok được cải tạo gợi ra một phong cách sống mới, hoặc hanok “lai” kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp cũ đa dạng và những ngôi nhà tuy xây kiểu phương Tây nhưng lại tỏa ra cái tình của hanok đang mọc lên ở khắp mọi nơi. Từ góc độ một kiến trúc sư, tôi muốn nói về một số khía cạnh có ý nghĩa của sự phát triển thể hiện trong hanok qua những ngôi nhà mà tôi và các đồng nghiệp đã thiết kế trong thời gian qua. Cân bằng với cuộc sống hiện đạiĐược xây dựng vào năm 1939 tại Yeoncheon-dong, Seodaemun-gu, Seoul, ngôi nhà này đã bị bỏ trống, không có người ở trong nhiều năm. Dường như ngôi nhà được dựng bởi thợ mộc có tay nghề cao nên mặc dù một phần mái bị sập nhưng tỷ lệ vẫn hài hòa, kết cấu vẫn vững chãi và tình trạng bảo quản cũng rất tốt. Gia đình chủ nhân mới của ngôi nhà này có tất cả năm người gồm hai vợ chồng và con cái nên nhà khá chật, không đủ không gian mong muốn dành cho mỗi người. Vì vậy, ban đầu chúng tôi định tháo dỡ một số bộ phận, đưa phòng ngủ và phòng khách của hai vợ chồng xuống tầng hầm nhưng kế hoạch này không phù hợp với một gia đình đã quyết định sống trong ngôi nhà này vì hài lòng với nét cổ xưa và sân của ngôi nhà hanok cũ.Tôi đã trăn trở về việc làm thế nào để gia chủ tận hưởng được cuộc sống thoải mái và đầy màu sắc trong khi vẫn cảm nhận được không khí của một hanok. Và rồi tôi quyết định biến không gian giữa các phòng thành bếp và phòng ăn, còn một phần sân thành phòng khách có không gian giếng trời. Bếp và phòng ăn trở thành trung tâm của sinh hoạt gia đình là điều đương nhiên, nhưng việc biến mảnh sân vốn là cốt lõi của một hanok ở đô thị thành phòng khách là một sự phá cách trái với nguyên tắc nên tôi đắn đo vô cùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng gia đình vẫn có thể cảm nhận đầy đủ không khí của một hanok khi dành thời gian ở trong khu vực sân nay đã trở thành phòng khách được che bằng mái kính. Chúng tôi lắp mái hiên bên ngoài giếng trời để điều chỉnh ánh sáng mặt trời theo thời tiết và lắp mặt gỗ lên bục đá để mọi người có thể ngồi hoặc nằm.Cải tạo ngôi nhà này là một quá trình dung hòa quá khứ với cuộc sống hiện tại. Sàn nhà được hạ xuống để gia chủ cao lớn có thể di chuyển thoải mái, các cửa sổ cũ được tháo dỡ một phần và được sửa bằng cách đắp thêm các vật liệu mới. Do không thể không đào bới khi thi công đường thoát nước nên chúng tôi đã dỡ nền gạch cũ, đục vữa bám ở từng viên gạch ra và lát lại. Phòng tắm ban đầu là nhà bếp và cũng là không gian đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất. Chúng tôi vẫn để nguyên các thanh gác mái phía trên, mạ lại chiếc bồn tắm làm bằng thép không gỉ sản xuất từ thập niên 1960 và dời nó từ khu vực để các chum sành vào phòng tắm. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mật độ dân số tăng cao từ những năm 1920, hanok kiểu đô thị được xây trên những mảnh đất lớn phân lô xuất hiện như một giải pháp cho vấn đề nhà ở của người dân. Không giống như hanok truyền thống có các tòa Sarangchae dành cho khách, tòa Anchae dành cho chủ nhân và khu Haengnangchae tách biệt dành cho người hầu, hanok đô thị thường được xây dựng theo hình chữ ㄷ hoặc hình ㅁ với sân ở giữa. Tại ngôi nhà ở Cheonyeon-dong với cấu trúc hình chữ ㄷ điển hình này vẫn còn lại không khí của một hanok cổ xưa.Ⓒ Park Young-chae Tọa lạc tại Làng Eunpyeong Hanok, Lạc Lạc Hiên có tầng một với cấu trúc hiện đại và tầng hai với hình thái hanok truyền thống được nối với nhau bằng cầu thang. Ngôi nhà với hai không gian có chức năng và tính chất khác nhau cùng tồn tại gợi ra một phong cách mới của hanok hiện đại. Ⓒ Ahn Hong-beom Sự ra đời của một phong cách mớiNakrakheon (樂樂軒 - Lạc Lạc hiên) là một ngôi nhà nằm ở giữa làng Hanok Eunpyeong ở Seoul, nơi có thể nhìn ra toàn cảnh núi Bukhansan. Gần đó có một đầm lầy xanh mát, có loài cóc miệng hẹp sinh sống và một cây họ du rất lớn. Ban đầu, chúng tôi nghĩ sẽ bố trí nhà hình chữ ㄷ giống hanok thông thường ở đô thị, nhưng với kết cấu hướng nội này rất khó để thể hiện ngôi nhà có tầm nhìn đẹp theo mong muốn của hai vợ chồng. Vì vậy, chúng tôi thiết kế tầng hai gồm có phòng ăn ở phần gác nhô ra ngoài, sảnh trước ba gian, cùng phòng ngủ và phòng tắm, thay đổi tất cả theo kết cấu hướng ngoại để có thể thấy được khung cảnh bên ngoài từ hầu hết mọi không gian. Quan điểm kiến trúc trong ngôi nhà này rất rõ rệt, đó là xem hanok là chủ đề quan trọng của kiến trúc hiện đại chứ không phải của kiến trúc truyền thống. Để dựng nên một ngôi nhà có thể hòa nhịp với cuộc sống hiện đại mà trong đó các yếu tố truyền thống và kiến trúc hiện đại được kết hợp linh hoạt, chúng tôi muốn thử nghiệm một kiểu không gian mới - nơi hai lối sống khác nhau cùng tồn tại ở trên và dưới. Với ý nghĩa đó, chúng tôi đã nâng sàn hiên nhà lên cao theo cấu trúc pilotis (tương tự cột nhà sàn - chú thích của người dịch) để tạo ra chỗ đậu xe, không gian chứa đồ vật và cửa ra vào vốn không có ở hanok truyền thống. Chúng tôi cũng đã dùng sân vườn trũng (sunken), giếng trời và cầu thang ở tầng 1 tạo nên sự phân tầng một cách tự nhiên, biến nơi đây thành không gian cư trú kiểu hiện đại khác với tầng hai. Thử nghiệm Hanok laiTrung tâm Văn hóa Hanok Hadong là một khu dành cho khách lưu trú nằm ở phía sau nhà Choi Champan tại Pyeongsa-ri, Gyeongnam, nổi tiếng là bối cảnh của tiểu thuyết sử thi “Đất” của nhà văn Park Kyung-Ree (1926-2008), người đã ghi dấu ấn trong lịch sử văn học hiện đại Hàn Quốc. Cảnh quan tự nhiên thật đẹp với xa xa phía nam là sông Seomjin, đồng bằng Pyeongsa-ri và những dải núi xa gần bao bọc bốn phía. Tuy đây không phải là ngôi nhà xây để ở, nhưng tòa nhà quản lý nơi đây là công trình kiến trúc kết hợp giữa kết cấu gỗ truyền thống và kết cấu gỗ nặng hiện đại, cùng với cảm giác không gian trong suốt thu phong cảnh xung quanh vào trong nhà, cả không gian bên trong và bên ngoài đều mang hơi hướng hiện đại khác với hanok trước đây.Ví dụ như để khoảng không gian trước các phòng của hanok truyền thống có thể trở thành không gian mở hoàn toàn trước cảnh quan, sảnh tiếp tân được lắp đặt hệ thống cửa với cánh cửa có thể đẩy hẳn vào trong để rừng tre trải dài trước mặt và không có xà ngang ở trần nhà tạo cảm giác thoáng mát. Nói cách khác, đây là một tác phẩm đã tìm ra giải pháp mỹ học của hanok truyền thống mở ra không gian để tận hưởng phong cảnh thiên nhiên bằng phương thức cũ và thiết kế lai. Hãy thử tưởng tượng hanok của tương lai có khi đi xa hơn hiện nay, trở thành một ngôi nhà với mái ngói không kết cấu gỗ truyền thống hoặc thậm chí trở thành một hình thức khác mà đến cả mái ngói cũng không còn. Nằm trong khu nhà ở Paju ở Gyeonggi-do, ‘Paju k house’ không phải là một hanok mà nó là một ngôi nhà phảng phất hơi hướng của một hanok. Bằng cách bố trí các gian nhà trên một đường thẳng theo hình dạng của khu đất kéo dài từ đông sang tây, ngôi nhà được thiết kế để ta có thể cảm nhận sự thay đổi của các mùa với ánh sáng ngập tràn.Ⓒ Park Young-chae Một đặc điểm nổi bật khác của ngôi nhà Paju k là phòng khách, trong đó các cột trụ, xà gồ, xà nhà được thay thế bằng các kết cấu khung gỗ tạo cảm giác rộng mở như không gian sảnh trước các phòng của một ngôi nhà dân dã truyền thống.Ⓒ Park Young-chae Hanok thời nay đang biến đổi dáng dấp, tích hợp công nghệ kiến trúc thế kỷ 21, lối sống của con người hiện đại và nền văn hóa đương đại. Đây là tòa nhà quản lý của Trung tâm Văn hóa Hanok Hadong, một khu nhà dịch vụ ở Hadong, Gyeongsangnam-do, bối cảnh của tiểu thuyết sử thi “Đất” của Park Kyung-Ree. Tòa nhà này được thiết kế để tạo cảm giác hiện đại khác với hanok trước đây bằng cách kết hợp cấu trúc gỗ truyền thống và cấu trúc khung gỗ nặng hiện đại, đồng thời tích cực ứng dụng nguyên lý “phong cảnh mượn” kéo khung cảnh bên ngoài vào trong nhà.Ⓒ Park Young-chae Hanok của tương lai ‘Paju k House’ là một ngôi nhà nằm giữa khu dân cư. Vợ chồng chủ nhà từ lâu đã ấp ủ ý tưởng và yêu cầu chúng tôi thiết kế “một ngôi nhà không phải là hanok nhưng cảm nhận được tinh thần của hanok”. Chúng tôi đã bố trí phòng ngủ của hai vợ chồng, phòng khách, phòng ăn và nhà bếp trải dài ở mặt trước ngôi nhà theo đường thẳng để thuận lợi cho việc đón ánh sáng mặt trời. Chúng tôi bố trí thêm một phòng kính và phòng tiện ích ở phía trước khu bếp. Bằng cách đó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà hài hòa với hình dáng mảnh đất trải dài từ đông sang tây, tràn ngập ánh sáng và giúp ta cảm nhận được sự thay đổi của các mùa dù ở vị trí nào.Ngoài ra, chúng tôi đã thay thế các cột, sườn và vì kèo của phòng khách bằng các khung kết cấu gỗ nặng để thực hiện ý đồ tạo nên phòng khách có không gian thông suốt, xóa nhòa ranh giới giữa bên trong và bên ngoài, giúp ta cảm nhận được sự thư thái, sang trọng cũng như vẻ đẹp truyền thống của mặt tiền ba gian. Hệ thống cửa sổ được ẩn sau cấu trúc bằng gỗ, và cửa sổ phía trên được xử lý trong suốt để làm cho dòng chảy của xà nhà xuất hiện không bị gián đoạn.Đây không phải là ngôi nhà xây bằng kiến trúc hiện đại bắt chước hình dáng của hanok. Có thể nói đây là ngôi nhà với sự tồn tại của mảnh sân được tính đến ngay từ đầu rồi mới thêm vào tính thẩm mỹ truyền thống và cảm giác hiện đại về không gian khi xây. Xét ở điểm này, đây có thể là hình ảnh của một trong những “hanok tương lai”. Sau khi ngôi nhà hoàn thành, gia chủ chuyển đến ở và nhận xét: “Tôi cảm thấy như mình đang thực sự sống trong hanok”. Nghe được điều đó, chúng tôi rất tự hào vì đã hoàn thành một ngôi nhà mang vẻ thư thái và nét đẹp giống hanok theo đúng kế hoạch ban đầu.#hanok
Features 2021 WINTER 293
Ngôi nhà hanok hai tầng quen thuộc từ lúc nào Một trong những lý do khiến kết cấu nhà hai tầng không phổ biến trong kiến trúc truyền thống Hàn Quốc là việc áp dụng ondol (hệ thống sưởi dưới sàn theo kiểu truyền thống Hàn Quốc – chú thích của người dịch) cho tầng trên rất khó khăn. Ngoài ra, mật độ thành phố trong quá khứ cũng không cao khiến người ta không cảm thấy cần thiết phải tận dụng không gian ba chiều cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tuy nhiên giờ đây ngôi nhà hanok hai tầng không gặp bất cứ vấn đề gì về kỹ thuật hoặc kết cấu và đang ngày càng thu hút sự chú ý cho mục đích sử dụng cả về dân dụng lẫn thương mại. Bên trong Bakery Cafe Mannamil mới mở gần đây đối diện với Hemel.Ⓒ Ahn Hong-beom Hemel, một quán cà phê hai tầng được xây theo kiểu vọng lâu ở Làng Hanok thành phố Sejong. Cổng vào có hình trăng tròn đã trở thành biểu tượng của quán cà phê.Ⓒ Yoon Joon-hwan Người ta đã thực hiện nhiều thử nghiệm đối với hanok dùng làm cơ sở thương mại kể từ cuối những năm 2000. Mannamil kết hợp giữa kiến trúc gạch và kiến trúc gỗ đã cho thấy hình ảnh phát triển của quán cà phê hanok.Ⓒ Ahn Hong-beom Trong hanok dùng để ở, không gian trên tầng hai chủ yếu được sử dụng làm không gian giải trí như phòng làm việc, phòng gia đình hoặc phòng dành cho sở thích là những nơi khó có được trong các hanok trước đây. Ngôi nhà hanok ở Chebu-dong, Jongno-gu, Seoul với tầng hai đang được sử dụng làm phòng làm việc của chủ nhà là một ví dụ điển hình. Mặt khác, trong trường hợp khung cảnh xung quanh đẹp thì hanok cũng đóng vai trò của một vọng lâu ngắm cảnh. Là một kiến trúc sư, điểm tôi cho là quan trọng trong thiết kế nhà hanok hai tầng là tạo ra một ngôi nhà có tổng thể hài hòa bằng cách nâng tầng hai lên một vị trí thích hợp mà vẫn duy trì cảm giác của một hanok một tầng với sân bao quanh bởi mái hiên.Trong khi đó, hai tòa nhà thương mại được xây dựng gần đây ở Làng Hanok Sejong đã được lên kế hoạch theo một khái niệm và hình thái khác hẳn hanok từ trước đến nay. Cafe Hemel có nghĩa là “Thiên đường” trong tiếng Hà Lan, được thiết kế để có thể nhìn thấy rõ vọng lâu trên tầng hai từ đường phố có xe cộ đi lại, và không gian ở tầng hầm với cầu thang được tạo hình và sân vườn trũng tạo cảm giác hiện đại. Đặc biệt, cổng chính được thiết kế như cổng trăng tròn là biểu tượng của quán nổi tiếng đến nỗi hầu như tất cả khách nào đến cũng chụp ảnh kỷ niệm.Tiếp theo Hemel, Mannamill được xây dựng bên kia đường là quán cà phê kèm bánh ngọt (bakery café) với bếp làm bánh ở tầng hầm rộng rãi, có thang máy từ tầng hầm lên tầng hai để ai cũng có thể di chuyển thuận tiện. Điểm nổi bật nhất của tòa nhà này là mặt tiền được thiết kế để cảm nhận được “thời gian xưa” trong lòng đô thị mới Sejong xây dựng gần đây. Ngôi nhà gợi nhớ lại phong cảnh thời kỳ Khai sáng những năm cuối thế kỷ 19 khi văn minh phương Tây gặp gỡ truyền thống Hàn Quốc. Phía ngoài tòa nhà được ốp gạch đỏ kiểu cổ tạo thành mặt tiền với cửa vòm. Phía sau mặt tiền là khoảng sân ở giữa và tòa nhà hanok hai tầng nhằm tạo ra bản sắc cho nơi này với chiều sâu về không gian và thời gian.#hanok
Features 2021 WINTER 447
HANOK TRỞ THÀNH MÔ-TÍP CỦA KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI Nhà hanok còn được xem là nguồn cảm hứng sáng tác cho các kiến trúc sư hiện đại. Nhiều nhà kiến trúc đã đạt được thành tựu đặc sắc về mặt thẩm mỹ nhờ nỗ lực kết hợp kiến trúc hiện đại với mô-típ về kiểu dáng hay bố cục mặt phẳng của hanok. Một số khác tìm kiếm các thiết kế mới qua việc nắm bắt bản chất của loại hình nhà ở truyền thống độc đáo này. Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Gyeongnam ở thành phố Jinju, mô típ tòa nhà lớn bằng gỗ truyền thống được thiết kế với kiểu trụ entasis và trang trí kỳ công, do kiến trúc sư Kim Chung-up (1922-1988) - thế hệ kiến trúc sư hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc trong thế kỷ 20 thiết kế. Hoàn thành vào năm 1988, tòa nhà này được xây dựng theo xu hướng hiện đại thay vì tái hiện theo phong cách truyền thống.ⓒ Ahn Hong-beom Năm 1965, Kim Chung-up (金重業, 1922-1988), kiến trúc sư trẻ ngoài 40 tuổi người Hàn Quốc, đã được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia (Chevalier de l'ordre national du Mérite). Đó cũng chính là năm người thầy của ông, người được mệnh danh là cha đẻ của kiến trúc cận đại – Le Corbusier qua đời.Sau giải phóng năm 1945, ông Kim vừa là kiến trúc sư người Hàn Quốc duy nhất được Le Corbusier trực tiếp truyền nghề, vừa là người tiên phong dẫn dắt giới kiến trúc Hàn Quốc. Về nước sau khoảng thời gian làm việc tại văn phòng của thầy mình tại Pháp từ năm 1952 đến năm 1965, ông luôn trăn trở về việc làm thế nào để lồng ghép kiến trúc cận đại vào mảnh đất đã bị tàn phá hoàn toàn bởi Chiến tranh Triều Tiên. Đồng thời, ông cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào để phục hồi kiến trúc truyền thống Hàn Quốc. Có thể nói, công trình Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc năm 1960 chính là thiết kế tiêu biểu, là thành quả đầu tiên cho hành trình tìm kiếm lời giải về những vấn đề trên của ông. Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc, trong bức ảnh cũ này, có đặc trưng là mái hiên cong bằng bê tông giống cấu trúc của hanok. Năm 1965, ba năm sau khi hoàn thành, Kim Chung-up đã được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia. Do việc mở rộng, cải tạo trong thời gian qua, mái nhà đã mất đi hình dáng ban đầu.ⓒ Bảo tàng Kiến trúc Kim Chung-up Cạnh mái nhà congLúc bấy giờ, chính phủ Hàn Quốc tiến hành các dự án tái tạo kiến trúc truyền thống bằng cách sử dụng các khối bê tông mô phỏng lại hình dáng bên ngoài của hanok. Tuy nhiên, Kim Chung-up đã không phạm phải sai lầm này. Thay vào đó, ông đã hồi sinh tính thẩm mỹ và cấu trúc không gian độc đáo của hanok. Hanok có đặc điểm “chia gian” về mặt cấu trúc. Mỗi tòa được chia thành các gian như sarangchae, anchae, haengnangchae và byeolcha; trong đó, sarangchae là gian chính trong nhà, dành cho ông chủ, anchae là gian trong, dành cho bà chủ. Nếu sarangchae – nơi chủ gia đình tiếp đón khách, mang tính mở thì anchae – nơi sinh hoạt của các thành viên trong nhà lại có tính riêng tư. Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc cũng được xây dựng theo nguyên tắc chia gian trên với hai tòa nhà - tòa hành chính và tòa nhà công vụ. Ông còn điểm xuyết mái hiên với các đường cong cao, trang nhã. Phần mái mỗi tòa tách biệt hoàn toàn khỏi phần thân và được sử dụng như một yếu tố tạo hình. Đường cong mái hiên được tái hiện bằng bê tông, kiểu dáng như đang bay lượn. Tuy nhiên, hình dáng mái của tòa hành chính và tòa nhà công vụ lại có sự khác biệt. Nếu phần mái của tòa hành chính cong vút trông như đôi cánh đang dang rộng thì phần mái của tòa nhà công vụ lại bằng phẳng hơn mang lại cảm giác vững chãi. Điều này mô phỏng lại cấu trúc của hanok truyền thống với anchae chú trọng vào tính thuận tiện trong sinh hoạt và sarangchae, gian phòng được xây phía ngoài, lại được trang trí lộng lẫy. Nhờ đó, ngay cả khách lần đầu đến Đại sứ quán cũng có thể phân biệt tòa hành chính với tòa nhà công vụ qua độ cong của vòm mái, giống như việc người Hàn Quốc có thể phân biệt anchae và sarangchae trong nhà hanok bằng cách nhìn vào đường cong mái hiên.Đúng với tên gọi, Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc – là một kiệt tác vừa thể hiện vẻ đẹp đậm chất Hàn Quốc qua phần mái mang tính biểu tượng và tầm nhìn to lớn, vừa thể hiện trọn vẹn chủ nghĩa chức năng hiện đại qua phần thân đã được học hỏi từ kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier. Giá đỡ và cộtTrung tâm Văn hóa Nghệ thuật Gyeongnam hoàn công vào năm 1988, được xây dựng dựa trên thiết kế đạt giải trong cuộc thi tuyển chọn năm 1981. Đây cũng chính là tác phẩm mà Kim Chung-up lấy cảm hứng từ mô típ nhà hanok. Tọa lạc tại thành phố Jinju, tỉnh Gyeongsangnam-do, tòa nhà đặc biệt nổi bật với cột và giá đỡ. Phần giá đỡ giữa mái nhà và các cột trong nhà gỗ hanok truyền thống thường có vẻ ngoài rất lộng lẫy, được điêu khắc uốn lượn phức tạp hoặc trang trí họa tiết dancheong . Dưới phần mái trải rộng của tòa nhà là các cột trụ được làm theo phong cách hiện đại, trừu tượng, thay vì theo phong cách truyền thống.Những phần uốn lượn được đơn giản hóa, khiến khi nhìn từ xa, các cột trụ trông giống người phụ nữ đang đội một cái chum trên đầu hoặc giống người đang giơ cao hai tay reo hò.Ngoài ra, các dãy cột thẳng tắp dưới phần mái tái hiện kiểu dáng cột heulrim của kiến trúc gỗ truyền thống. Cột heulrim khác với những cột hình trụ ở điểm đường kính phần trên và dưới của cột khác nhau. Kiểu cột baeheulrim sẽ phình to tại điểm 1/3 của chân cột, còn kiểu cột minheulrim lại phình to ở phần chân cột so với phần đầu. Thông thường cột heulrim được sử dụng ở các công trình có quy mô lớn như cung điện, đền đài, giúp đem lại cảm giác chãi hơn khi nhìn từ xa so với các loại cột hình trụ có đường kính đồng nhất. Có thể nói trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Gyeongnam, nơi chủ yếu dùng tổ chức các buổi công diễn, đã được lấy cảm hứng từ nơi chuyên dùng tổ chức yến tiệc Gyeonghoeru (Khánh hội lâu) của cung Gyeongbok. Các cột bằng gỗ quý của Gyeonghoeru có hình dáng như cột minheulrim với phần đầu nhỏ và phần chân rộng. Ngôi nhà ở Nonhyeon-dong, Seoul do kiến trúc sư Seung Hyo-sang (còn gọi là Seung H-Sang) thiết kế. Khác với bên ngoài được hoàn thiện bằng bê tông, bên trong được thiết kế để tất cả các không gian đều hướng về phía sân trong, mang lại cảm giác của một hanok truyền thống được xây theo hình chữ ㅁvới sân ở trung tâm. Được đặt tên là Sujoldang, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1992.ⓒ Kim Jae-kyeong Sân trongGiai đoạn Hàn Quốc đang miệt mài hướng đến tăng trưởng kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng,kiến trúc sư Seung H-Sang lại đi ngược xu thế, theo đuổi khái niệm “Mỹ học của người nghèo”. Không cần những trang trí phức tạp, ông khắc họa vẻ đẹp mộc mạc chỉ bằng “những khối bê tông bên ngoài”. Làm thế nào những khối bê tông thô cứng có thể tái hiện được vẻ đẹp của hanok? Điều này khả thi vì ông đã tìm thấy bản chất của hanok từ bên trong chứ không chỉ qua diện mạo bên ngoài. Câu trả lời cho câu hỏi này có thể tìm thấy ở Sujoldang, ngôi nhà biệt lập được xây dựng ở phường Nonhyeon, Seoul năm 1992. Ngôi nhà này cũng thu hút sự quan tâm của công chúng vì chủ nhân của nó chính là giáo sư kiêm nhà sử học nghệ thuật Yu Hong-june, tác giả của quyển sách bán chạy nhất những năm 1990 với tựa đề “Hành trình khám phá di sản văn hoá của tôi”. Vốn dĩ hanok xưa có một khoảng sân trong rộng rãi, các gian nhà được bố trí ở phía trước và phía sau của phần sân này. Đến thời cận đại, khi quá trình đô thị hóa ngày càng lan rộng, rất khó tìm được một mảnh đất đủ lớn để xây theo cách bố trí này. Từ những năm 1920 - 1930, những ngôi nhà hanok kiểu đô thị, còn được gọi là “nhà hình chữ ㅁ” đã bắt đầu được xây dựng ở vùng Bukchon, Seoul. Sở dĩ nó có tên gọi đặc biệt như trên là vì hanok trông giống như chữ ㅁ khi nhìn từ trên cao xuống. Sân vườn hanok được bao bọc xung quanh bởi munganbang (phòng nhỏ ngay cạnh cổng chính), sarangbang (phòng khách), geonneonbang (phòng đối diện với phòng khách), daecheong (đại sảnh) và anbang (phòng ngủ chính). Trong kiến trúc này, kiến trúc sư Seung đặc biệt chú ý đến phần sân trong.Bên ngoài Sujoldang được xây bằng bê tông nên khi nhìn từ ngoài vào, không ai nghĩ đó chính là hanok. Tuy nhiên, khi vào trong, sự ngờ vực lập tức bị xóa bỏ trước cấu trúc không gian đặc trưng kiểu hanok. Lấy phần sân làm trung tâm, Sujoldang có tầng một với phòng khách và hai phòng ngủ, tầng hai gồm ba phòng ngủ, tất cả các phòng đều hướng về sân trong. Ngoài ra, hướng di chuyển trong nhà được thiết kế khá bất tiện cho việc sinh hoạt. Những người quan niệm di chuyển trong nhà phải thuận tiện, thoải mái chắc hẳn sẽ hoài nghi khi thấy cấu trúc của ngôi nhà này.Hãy thử tưởng tượng về cách thức di chuyển từ phòng ngủ chính đến phòng khách trong ngôi nhà hanok hình chữ nhật này. Ta mở cửa phòng ngủ chính rồi bước ra bên ngoài, đi ngang qua đại sảnh rồi mang giày ở bậc thềm đá. Sau đó, ta di chuyển qua sân trong để đi đến bậc thềm đá gắn liền với hành lang của phòng khách, sau đó cởi giày rồi bước vào bên trong. Hướng di chuyển khá lòng vòng, đồng thời, hành động tháo và mang lại giày cũng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, đây chính là điểm làm cho ta cảm giác không gian trong nhà rộng lớn hơn. Đối với các căn hộ cá nhân, mở cửa phòng chính, ta sẽ thấy ngay phòng khách ở trước mặt và các phòng khác cũng liền kề nên hướng di chuyển thuận tiện hơn. Nhưng cũng chính điều này tạo nên cảm giác không gian chật hẹp và tù túng.Ngoài ra, sân trong của hanok cũng đóng vai trò như một không gian đệm, giữ được sự riêng tư nhất định ngay cả khi gia đình nhiều thành viên cùng sinh sống. Giữa phòng ngủ chính và phòng khách có đại sảnh lớn và sân vườn nên dù bố chồng và con dâu sống chung một nhà cũng không cảm thấy quá bất tiện. Có thể nói, Sujoldang là ngôi nhà tận dụng được những điểm tinh túy nhất của hanok.Sujoldang có nghĩa là ‘ngôi nhà gìn giữ những thiếu sót’. Ngoài ra còn có một ngôi nhà cổ cùng tên ở làng Yangdong, Gyeongju, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Kiến trúc thường được coi là chiếc bát chứa đựng cuộc sống. Nếu vậy, chiếc bát đó phải sạch trước khi chứa đựng bất kỳ điều gì. Mahk House - một không gian văn hóa phức hợp mở cửa vào năm nay ở Tongui-dong, Jongno-gu, Seoul, là nơi kiến trúc sư Cho Byoung-soo tu sửa lại từ căn hanok lâu đời. Toàn bộ tường trong ngôi nhà ban đầu đã bị phá, ranh giới giữa bên trong và bên ngoài bị xóa bỏ. chỉ còn giữ lại mái và cột.ⓒ Ha Ji-kwon Sự mở rộng Ngôi nhà mang tên Mahk được kiến trúc sư Cho Byoung-soo cải tạo từ nhà Hanok cổ ở phường Tongui quận Jongno, Seoul là nơi ta có thể chiêm ngưỡng khả năng biến đổi vô hạn của Hanok. Nếu ở phương Tây, các phòng trong nhà được đặt tên theo chức năng và mục đích sử dụng như phòng đọc sách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng thay quần áo thì ở hanok, các phòng không được quy định chức năng cụ thể. Không gian trong hanok được sử dụng linh hoạt, chỉ cần trải chăn nằm ngủ thì căn phòng lập tức trở thành phòng ngủ, mở bàn ra ngồi học sẽ trở thành phòng học; còn nếu đặt bàn ăn, sau đó, các thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần dùng bữa thì căn phòng sẽ trở thành phòng ăn. Theo đó, phòng khách của sarangchae thường được chia thành phòng trên và phòng dưới, nhưng vào những ngày có nhiều khách đến thăm, cửa trượt ngăn cách hai phòng được kéo ra, biến chúng trở thành một căn phòng lớn. Đôi lúc, cả phòng ngủ và đại sảnh đều sẽ được tận dụng mỗi khi nhà có đám tiệc. Cho Byoung-soo đặc biệt lưu tâm đến đặc tính mở rộng không gian, vì thế ông đã loại bỏ hầu hết các bức tường phân cách và chỉ giữ lại mái nhà và cột của ngôi nhà cổ hơn 100 năm này. Vị trí vốn dĩ của cánh cửa trượt được thay bằng vách ngăn bằng nhựa cường lực và rèm bằng ni lông dày, bao quanh các bức tường. Khi rèm cửa bằng nhựa được cuộn lên, ta sẽ không phân biệt được trong nhà hay ngoài trời. Nhà Mahk trước đây từng là nhà để ở, tuy nhiên hiện tại nó đã trở thành một không gian văn hoá phức hợp, được sử dụng làm phòng triển lãm và quán cà phê. Nơi này cũng được sử dụng để tổ chức những buổi hòa nhạc và biểu diễn. Những thay đổi này có thể xảy ra, bởi vì chức năng về không gian của các căn phòng ngay từ đầu đã không bị giới hạn. Kiến trúc thường được coi là chiếc bát chứa đựng cuộc sống. Nếu vậy, chiếc bát đó phải sạch trước khi chứa đựng bất kỳ điều gì. Nhà Mahk chính là ví dụ điển hình cho ta thấy được đặc điểm như chiếc bát mà người dân thường hay sử dụng, đổ nước vào sẽ thành bát nước, đổ rượu vào sẽ trở thành bát rượu. Đặc biệt, ngôi nhà này ý nghĩa ở chỗ, nó là ngôi nhà được cải tạo lại từ một ngôi nhà cổ. Căn hộ chung cư được xây dựng bằng bê tông nên các bức tường sẽ đóng vai trò là cột trụ chống đỡ. Vì thế, chỉ có thể sửa chữa phòng vệ sinh và phòng bếp, thay đổi giấy dán tường và miếng lót sàn chứ không thể thay đổi vị trí của các căn phòng bằng cách phá bỏ những bức tường. Tuy nhiên, hanok với cấu trúc lấy cột làm giá đỡ thì chỉ cần không đụng đến các cột, ta có thể cải tạo lại bất kỳ không gian nào. Ngày nay, nhiều người phá bỏ những ngôi nhà hàng chục năm tuổi để xây mới. Lý do không phải vì những ngôi nhà cổ này đã xuống cấp trầm trọng, mà vì chúng được xây dựng theo trào lưu của thời kỳ trước nên đã lỗi thời và trở nên bất tiện sau thời gian dài sử dụng. Quá trình phá bỏ này không chỉ gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng mà còn khiến một số lượng lớn nguyên vật liệu xây dựng trở thành phế thải. Giờ đây, khi việc tái chế tài nguyên đang trở thành vấn đề quan trọng trên toàn thế giới, nhà Mahk của Cho Byung-soo càng có thêm ý nghĩa to lớn.#hanok
Features 2021 WINTER 303
VỊ KHÁCH DƯỚI MÁI HIÊN Ngày nay, hanok thường được biết đến là một “di sản văn hóa”. Tuy nhiên, rất nhiều phương án đang được tìm tòi, nghiên cứu với mục đích làm sống lại những giá trị của hanok và lan tỏa chúng đến mọi người. Đặc biệt, hanok stay – dịch vụ trải nghiệm nghỉ qua đêm trong nhà cổ – đang ngày càng phổ biến, nhận được sự hưởng ứng đông đảo không chỉ từ những người ở độ tuổi trung niên có hoài niệm về hanok mà cả những bạn trẻ. Một trong những địa điểm cung cấp dịch vụ này chính là khu nghỉ dưỡng Gurume tọa lạc tại thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk. Ngồi ở toetmaru của Tê Vân Đình (tạm dịch: ngôi nhà trên mây) ở khu nghỉ dưỡng Gurume, Andong có thể tận hưởng khung cảnh xa xa đằng sau bức tường đá thấp. Nơi đây từng là vọng lâu được xây vào những năm 1840 bởi quan văn Yi Eon-sun (Lý Ngạn Thuần) – hậu duệ đời thứ 9 của Toegye Yi Hwang (Thoái Khê Lý Hoảng), một học giả của Tân Nho giáo vào giữa triều đại Joseon, sau đó được di dời đến vị trí hiện tại vào năm 2008. Mùa thu năm ngoái, tôi đã có cơ hội nghỉ qua đêm trong một căn nhà hanok lâu đời. Tết Trung thu vừa qua chưa lâu, bầu trời càng ngày càng cao vời vợi. Trong lúc tôi còn mãi tưởng tượng đến cảnh ngồi trên sàn nhà hanok và tận hưởng khí trời mùa thu, dòng thời gian vốn chậm rãi đã thấm thoắt trôi đi, thoáng cái đã đến gần ngày hẹn.Từ lúc quyết định sẽ nghỉ một đêm ở hanok, tôi đã bắt đầu lần tìm về những ký ức xưa cũ. Khi còn rất nhỏ, đã có một khoảng thời gian ngắn tôi sống tại nhà ngoại. Nó có vẻ không giống một căn nhà mái ngói sang trọng, nhưng cũng chẳng phải là ngôi nhà tranh quá đơn sơ. Lấy cớ hỏi thăm, tôi gọi điện thoại hỏi cậu mình thì biết được, dù mái lợp bằng tranh nhưng căn nhà vẫn được kết cấu bằng cột và xà ngang như những ngôi chùa. Khi đã chắc chắn mình nhớ chính xác, tôi dần dần hình dung lại chi tiết hơn một vài khung cảnh.Sán nhà ở đại sảnh bị bào mòn đến nhẵn thín và bóng loáng, nếu mang tất mà chạy trên đó sẽ cảm thấy hồi hộp như thể chạy trên băng. Ngẩng đầu nhìn lên phía dưới mái hiên sẽ bắt gặp một chiếc tổ én bao bọc những chú chim non lúc nào cũng yên lặng ẩn nấp, nhưng hễ chim mẹ mang thức ăn về là chúng sẽ đồng loạt chĩa mỏ ra ngoài ầm ĩ đòi ăn. Hình ảnh bếp lò không ngừng “nuốt” những thanh củi mỗi khi nấu cơm cũng hiện lên trong tâm trí tôi, đan xen với hình ảnh con bò đang chậm chạp nhai cỏ khô trong chuồng. Có vẻ bữa ăn của con bò được chuẩn bị trước cả bữa cơm gia đình. Cứ như thế, những hình ảnh bên ngoài ngôi nhà thi thoảng hiện về trong tâm trí tôi, nhưng ký ức về bên trong ngôi nhà lại nhạt nhòa và mơ hồ. Bảy ngôi nhà cổ Đến thành phố Andong khi sắp 2 giờ chiều, tôi vội vàng ăn trưa rồi tiếp tục lái xe. Trên đường đến khu nghỉ dưỡng Gurume, vì tiện đường nên tôi tranh thủ ghé thăm đập Andong, một con đập rất lớn ở gần đó. Sau một vòng lái xe nhìn ngắm vài địa điểm du lịch như thể đang đi thị sát, cuối cùng cũng đã đến giờ nhận phòng. Tôi đưa xe vào bãi đậu rồi gọi điện cho khu nghỉ dưỡng thông báo mình đã đến nơi.. Không lâu sau, một chiếc xe điện giống như loại xe thường chạy trên sân gôn từ đâu đó xuất hiện.Nhân viên phục vụ chất hành lí của tôi lên xe, mời tôi ngồi ở ghế sau và bắt đầu thuyết minh về khu nghỉ dưỡng trong lúc đưa tôi đi tham quan một vòng nơi này. Dọc theo con dốc của thung lũng có bảy ngôi nhà hanok cổ được xây từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX và ba, bốn ngôi nhà hanok mới. Những ngôi nhà cổ vốn dĩ không nằm ở đây, nhưng khi đập Andong được xây dựng vào 50 năm trước, người ta e ngại sau khi đập được hoàn thành thì những ngôi nhà này sẽ bị nhấn chìm trong nước nên đã di dời chúng đến vị trí hiện tại. Một trong những đặc trưng lớn của hanok là có thể được lắp ráp lại như ban đầu nếu khâu tháo dỡ vật liệu được làm cẩn thận, thậm chí phần gỗ khi được bảo quản tốt thì vẫn có thể tái sử dụng để xây nhà mới. Tôi tự hình dung ra toàn bộ quá trình những ngôi nhà ở trước mắt được tháo dỡ một cách cẩn trọng, vận chuyển đến đây và xây lắp để trở thành như hiện tại. Nếu có cơ hội, tôi rất muốn một lúc nào đó được tận mắt chứng kiến công việc tựa như phép thuật kì diệu này.Sau khi kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi di chuyển xuống thung lũng và đến nơi mà tôi sẽ nghỉ lại qua đêm. Đó là ngôi nhà mang tên “Khê Nam Cố Trạch” (tạm dịch: căn nhà cổ ở phía nam con suối). Đằng sau cánh cổng được đan bằng cành cây cao tầm hàng rào là một khoảng sân ngoài đã được sửa sang bằng phẳng và sạch sẽ; băng qua hết khoảng sân này và mở cửa lớn ra sẽ thấy tiếp một khoảnh sân trong nhỏ nhắn. Lấy sân trong làm trung tâm, các gian nhà sarangchae, anchae và phòng giữa được bố trí xung quanh theo hình dạng chữ ㅁ (mi-eum). Tôi được sắp xếp nghỉ ngơi tại sarangchae, trong khi anchae đã có một gia đình đang ở và phòng giữa vẫn còn trống. Sarangchae vốn là nơi chủ nhà dùng để sinh hoạt và tiếp khách. Giống như các hanok khác, sarangchae ở đây cũng là không gian độc lập, bao gồm một phòng lớn, đại sảnh và một phòng nhỏ liên kết với nhau theo chữ ㄱ (gi-yeok). Tại không gian này, những người đàn ông sinh sống trong nhà sẽ tiếp đãi khách, hỏi thăm cũng như cùng trao đổi về các việc lớn nhỏ trong làng. Có lẽ vì là nơi người ngoài thường xuyên lui tới nên so với toàn bộ căn nhà, sarangchae mang lại nhiều cảm giác sinh động hơn. Sau khi cất hành lý, tôi muốn nhìn ngắm thật kỹ ngôi nhà lúc trời còn sáng nên đã ra ngoài đi dạo.Hình dạng của mái và hiên nhà mộc mạc nhưng không nhàm chán, họa tiết chạm khắc trên tường và cửa rất tỉ mỉ mà không hề rối mắt. Tôi bỗng dưng cảm thấy tò mò rằng điều gì trong tâm trí, tinh thần của ông cha ta đã khiến họ xây nên những ngôi nhà như thế này. Tôi lùi ra xa hơn một chút vì muốn nhìn thấy toàn cảnh. Trong lúc đứng chỗ này chỗ kia để ngắm nhìn, tôi đã tìm ra vị trí đứng để có thể nhìn thấy khung cảnh đẹp nhất. Đó là hình ảnh mặt bên của căn nhà với những bông hoa cúc nở thành từng bụi. Ngôi nhà tuy toát lên vẻ cao quý nhưng vẫn không thể khiến những bông hoa đồng nội mùa thu phải cảm thấy e thẹn. Giống như bầu trời trong trẻo, ngọn núi xanh biếc và cơn gió nhẹ nhàng, ngôi nhà đã trở thành cảnh nền trầm tĩnh để bông hoa đồng nội có thể mặc sức khoe sắc. Nếu là một họa sĩ, có lẽ tôi đã không thể cầm lòng được mà nhấc cọ vẽ lại khung cảnh đẹp đẽ này.Sau khi đi loanh quanh đến thấm mệt, tôi trở vào trong nhà, để cửa mở rồi ngồi ở đại sảnh một lúc. Nếu xem toetmarulà hành lang thì đại sảnh không khác gì một phòng khách. Hình như tôi đã rất thích không gian đại sảnh khi còn sống ở nhà ngoại. Ký ức về những ngày hè vừa nằm dài trên chiếc sàn gỗ rộng để làm dịu cái nóng, vừa ngửi mùi hương của gỗ hiện lên trong tâm trí. Mùa này trời đang mát dần nên cũng chẳng cần phải mở hết các cửa từ mọi hướng để làm ráo mồ hôi, chỉ cần để mở cửa ra vào là đủ. Bên ngoài cửa là hành lang bao quanh, xa hơn nữa là khoảng sân, hàng rào và vườn cây của khu nghỉ dưỡng trải ra như thể một bức tranh. Từ hành lang ngoài cửa, một cơn gió thổi ngang qua đại sảnh. Ước đoán xây dựng vào những năm 1800, Khê Nam Cố Trạch có cấu trúc theo hình dạng chữ ㅁ (mi-eum) và là kiểu nhà của giới thượng lưu điển hình ở khu vực Andong. Sarangchae nằm ở bên phải cổng chính, phía sau khoảng sân trong là anchae với phần đại sảnh khá rộng. Đây là ngôi nhà được xây bởi Yi Gwi-yong (Lý Quân Dung) – phụ thân của Yi Eon-sun (người xây Tê Vân Đình) và là nhà chính của gia tộc; được di dời đến địa điểm hiện tại đồng thời với Tê Vân Đình. Sức nặng của tấm chăn Khi thấy mặt trời sắp lặn, tôi ra khỏi khu nghỉ dưỡng đi ăn rồi về. Đề phòng trời trở lạnh, tôi đã bật sẵn lò sưởi nên khi quay lại cả gian nhà đã ấm hẳn lên. Đó là nhờ hệ thống sưởi độc đáo ondol (hay còn gọi là gudeul) đã sưởi ấm toàn bộ căn nhà bằng cách làm nóng sàn nhà. Bụng đã no nhưng khi sức nóng tỏa lên từ lòng bàn chân, tất cả cảm giác mệt mỏi của một ngày dường như ùa về. Tôi còn chẳng thèm trải nệm ra mà nằm hẳn trên nền nhà. Ở nhà mình tại Seoul, tôi rất ít khi nằm trên sàn nhà, vì trong phòng khách có sô-pha và trong phòng ngủ có giường. Vì thế, diện tích tiếp xúc giữa cơ thể tôi với ngôi nhà chỉ bé bằng lòng bàn chân. Ngược lại, hanok là không gian mà tôi có thể chạm vào bằng toàn bộ thân thể. Nằm trên sàn nhà, tôi trải nghiệm được những cảm giác đang được truyền đến cơ thể thông qua mông, lưng và sau gáy. Bên dưới lớp lót sàn là hệ thống sưởi ondol được đắp từ đất mịn. Không biết có phải tại vì tâm trạng của tôi hay không mà dường như một nguồn năng lượng của tự nhiên tỏa ra từ đất đang dâng trào nơi đây.Tôi quyết định đi tắm trước khi cơ thể hoàn toàn rã rời. Lấy đồ vệ sinh cá nhân đi vào phòng tắm, tôi chợt nhận ra nơi này không khác gì khách sạn cao cấp. Một cảm giác kì lạ xuất hiện, như thể tôi vừa đột ngột vượt thời gian từ quá khứ đến hiện tại, khiến tôi lúng túng trong chốc lát. Nước nóng nhẹ, áp lực nước vừa đủ đã giúp tôi xua tan hoàn toàn những mệt mỏi sau một ngày dài. Sau khi trở lại phòng và lau khô người, tôi bắt đầu trải chăn nệm ra. Dù đã thông báo tôi sẽ ở một mình nhưng họ vẫn chuẩn bị những hai tấm nệm dày. Có lẽ họ lo nền nhà cứng sẽ khiến tôi cảm thấy bất tiện nên đã chuẩn bị chăng? Tất cả chăn gối đều được làm theo cách truyền thống, nhồi bông vào bên trong lớp vải cô-tông. Tôi thích cảm giác nặng trĩu và thô ráp của tấm chăn đắp trên cơ thể mình. Dường như không phải tôi đắp chăn mà chiếc chăn đang ôm chặt lấy tôi vậy. Đây cũng là lúc những ký ức nhạt nhòa bắt đầu ùa về. Đó là hình ảnh bên trong nhà ngoại khi tôi còn nhỏ.Dường như tôi đã hiểu được lý do vì sao những ký ức của mình lại tối đen như vậy. Vì đó cũng là màu sắc bao phủ căn phòng của nhà ngoại khi ấy. Giấy dán tường đã cũ, giấy lót sàn cũng ngả sang màu nâu đỏ do bị đốt nóng bởi hơi lửa tỏa ra từ hệ thống đá sưởi. Giấy dán trên cửa phòng do chất lượng không tốt nên rất dày và sần sùi. Ngược lại, bên trong khu nghỉ dưỡng tôi đang ở lại rất sáng sủa. Tường được dán giấy sạch sẽ, đèn được lắp đặt âm đâu đó trong mép trần khiến tôi có cảm giác như ngôi nhà đang tự phát ra ánh sáng. Các kết cấu bằng gỗ chống đỡ cho căn nhà như là khung cửa, tường và trần có lẽ vì không gặp phải mưa gió nên đều còn nguyên vẹn, ánh đèn vàng tỏa đều, nhẹ nhàng khắp cả phòng. Nhân lúc suy nghĩ, tôi lật tấm chăn ra, đứng lên và đi về phía trước cửa phòng. Tôi kéo cửa ra một khoảng vừa phải, dùng ngón tay búng nhẹ lên giấy dán cửa. Từ vị trí ở giữa khung cửa lùa, âm thanh như tiếng trống phát ra trong trẻo nhưng cũng rất sâu lắng. Khu nghỉ dưỡng Gurume là tập hợp bảy ngôi nhà cổ có từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX ở khu vực Andong, sau được di dời và phục dựng dọc theo sườn núi thoai thoải và sử dụng làm khách sạn. Chăn và nệm chuẩn bị cho khách là loại được nhồi bông vào bên trong lớp vải cô-tông. Vải dệt từ sợi bông này được ưa chuộng bởi cảm giác thô ráp khi chạm vào da thịt, là loại vải phổ biến nhất được dùng làm ga giường trong quá khứ. Khác với phòng khách sử dụng hệ thống sưởi ondol truyền thống, phòng tắm được cải tạo theo hướng hiện đại để đáp ứng tiện nghi cho khách. Bồn tắm, vòi sen được lắp đặt và các vật dụng tắm gội được cung cấp giống như những khách sạn thông thường. Trong ngôi nhà của mình tại Seoul, tôi rất ít khi nằm trên sàn nhà. Vì thế, diện tích tiếp xúc giữa cơ thể tôi và ngôi nhà chỉ bé bằng lòng bàn chân. So với đó, hanok là không gian mà tôi có thể chạm vào bằng toàn bộ thân thể. Bên trong khu nghỉ dưỡng có những con đường đi dạo nằm giữa các ngôi nhà. Rảo bước dọc theo con đường ấy, chúng ta có thể vừa so sánh hình dáng đa dạng của những ngôi nhà truyền thống qua các thời kỳ, vừa thưởng thức phong cảnh xung quanh. Hơi ấm của gia đình Giữa hai không gian rất khác nhau là thế, đâu là điểm chung đã làm sống dậy trong tôi những ký ức mà bản thân trước đây chưa bao giờ nghĩ đến? Chắc chắn là tấm chăn rồi. Chính cảm giác như tấm chăn ôm chặt cơ thể đã nhắc tôi nhớ về hơi ấm của gia đình. Dù sống trong căn phòng cũ kĩ và tăm tối, tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc và vui vẻ. Tôi rất thích món gangdoenjangvà kalguksudo bà ngoại nấu. Sau bữa ăn, ông tôi thường kê chiếc gối gỗ dựa vào tường và hút thuốc. Nếu bà cằn nhằn về việc hút thuốc ở nơi có cháu nhỏ, ông sẽ âm thầm mang chiếc gối gỗ đó ra ngoài sảnh. Mỗi khi buồn chán, tôi lại mang hết đống băng cát-sét mà các cậu của tôi sưu tầm ra để chơi đô-mi-nô. Tôi thậm chí còn cho băng vào hộp lộn xộn để đùa các cậu, nhưng tôi cũng chẳng biết trò đùa đấy có tác dụng gì không. Ông bà ngoại đã mất cách đây khá lâu, giờ đây mỗi năm tôi cũng chỉ thăm hỏi cậu mợ một hai lần, nghĩ lại thấy ký ức của thời thơ ấu mà cứ như việc đã xảy ra từ kiếp trước.Tiếng cười của những vị khách trọ trông như một gia đình vọng ra từ anchae, vượt qua cả sân trong vọng đến chỗ tôi. Vài suy nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu, tôi vội kéo cái bàn nhỏ lại gần, đặt chiếc laptop lên và gõ vài câu. Dường như giá trị của hanok bộc lộ rõ hơn khi có hình ảnh của gia đình. Ngỡ rằng có rất nhiều thứ để viết ra, nhưng cảm giác hồi hộp, phấn khích tại một không gian xa lạ khiến tôi không tài nào sắp xếp được các ý tưởng. Để chiếc laptop tại đó, tôi đi ra ngồi trên maru. Trái với cái se lạnh của đêm thu, cảm giác cơ thể được sưởi ấm thật là sảng khoái. Trong lúc thử tìm những chòm sao trong số rất nhiều ngôi sao chi chít trên bầu trời, một cái gì đó có hình thù như chiếc lá thon dài treo ở cuối mái hiên thu hút ánh nhìn của tôi. Tò mò với hình dáng kỳ lạ ấy, tôi đứng dậy xem và nhận ra đó không phải chiếc lá mà là một chú bọ ngựa. Trong trạng thái treo ngược, đầu của chú ta ngẩng lên, hướng về phía bầu trời xa xăm bên ngoài mái hiên và hoàn toàn không động đậy. Không biết nó đã như thế tự bao giờ. Tôi đứng đó và tưởng tượng về tâm trạng của chú bọ ngựa ấy, đến khi cơ thể lạnh nổi hết da gà thì mới đi vào trong phòng. Đắp chăn và nằm xuống, trong đầu tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh con bọ ngựa chăm chú nhìn bầu trời một mình suốt một hồi lâu, để rồi cơ thể chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.#hanok
Features 2021 WINTER 282
Các địa điểm Hanok Stay hấp dẫn For those who have romantic ideas about traditional Korean houses but aren’t ready to live in one, hanok stays provide an opportunity to enjoy the ambience. “Youn’s Stay,” a reality TV show on tvN in early 2021, featured a group of celebrities running a hanok guesthouse, stoking public interest in stayingin a traditional house. The latest retro trend has even attracted young people to hanok stays. The following are three famous places recommended for a great hanok stay experience.Đối với những ai có suy nghĩ lãng mạn về nhà truyền thống của Hàn Quốc nhưng chưa sẵn sàng để chuyển vào sống dài lâu, hanok stay (khách sạn hanok) sẽ mang đến cơ hội để bạn tận hưởng bầu không khí ở đó. “Youn’s Stay”, chương trình truyền hình thực tế trên kênh tvN vào đầu năm 2021, có sự xuất hiện của nhóm nghệ sĩ nổi tiếng vận hành một nhà khách hanok đã thu hút sự quan tâm của công chúng về trải nghiệm nghỉ dưỡng trong nhà truyền thống. Xu hướng retrogần đây cũng đã khiến nhiều người trẻ tìm đến hanok stay hơn. Sau đây là ba địa điểm nổi tiếng hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm tuyệt vời với hanok. ⓒ AWON BẢO TÀNG VÀ KHÁCH SẠN AWON(www.awon.kr)Ngôi nhà cổ của Bảo tàng & Khách sạn AWON ở Wanju, tỉnh Jeollabuk được xây dựng cách đây khoảng 250 năm và di dời đến vị trí hiện tại năm 2006. Khu trưng bày là một tòa nhà kiểu hiện đại nằm ở lối vào nhưng vẫn hòa hợp với không gian truyền thống. Nơi đây trở nên nổi tiếng sau khi nhóm nhạc BTS đến ghi hình và chụp ảnh cho “2019 BTS Summer Package in Korea” . Xung quanh khách sạn ngập tràn vẻ đẹp của tự nhiên, bao gồm cả khung cảnh hùng vĩ của núi Jongnam ở phía sau. Tọa lạc tại làng hanok Oseong, Bảo tàng & Khách sạn AWON còn mang đến cho du khách nhiều điều thú vị khác. ⓒ Ahn Hong-beom LÀNG NGHỆ THUẬT JIRYE(www.jirye.com)Được xác định là trung tâm sáng tạo nghệ thuật của tỉnh Gyeongsangbuk, ngôi nhà được xây dựng vào thế kỷ XVII để làm nhà chính của gia tộc hậu duệ của Kim Bang-geol (Kim Bang Kiệt, 1623-1695), một vị quan thời Joseon. Khi công trình đập Imha khởi công năm 1984, đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm trong nước, nhà chính, nhà thờ, trường làng và một số căn nhà khác đã được di dời đến một thung lũng phía sau làng. Từ năm 1989, nơi đây bắt đầu cung cấp dịch vụ ở trọ với cái tên Làng Nghệ thuật Jirye. Khung cảnh tuyệt đẹp của hồ Imha với làn sương mù từ mặt nước đã biến ngôi làng trở thành địa điểm chụp ảnh nổi tiếng trong giới trẻ. ⓒ Kim Young-moon, Hanoksallim co. HYEHWA 1938 (www.hyehwa1938.com)Hyehwa 1938, cách cung Changgyeong (Xương Khánh) ở Seoul khoảng 15 phút đi bộ, là một ngôi nhà hanok được xây dựng năm 1938 trong khu đô thị. Nơi đây đã được tu sửa để làm nhà khách, các cấu trúc cơ bản đều được bảo tồn nhưng vẫn mang cảm giác hiện đại thông qua những yếu tố thiết kế đầy sáng tạo. Vị kiến trúc sư đảm trách tu sửa công trình đã vận hành việc kinh doanh từ năm 2017. Đây được xem là một địa điểm trải nghiệm hanok stay hiếm hoi ngay trong lòng thành phố Seoul. Vì toàn bộ ngôi nhà chỉ có thể cho một nhóm khách thuê nên nơi đây thường dùng để tổ chức kỷ niệm những dịp đặc biệt. Một địa điểm du lịch khác là Trung tâm Dịch vụ Công cộng Hyehwa, cũng là trung tâm đầu tiên được đặt trong một ngôi nhà hanok.#hanok
Features 2021 WINTER 295
ĐA DẠNG HÓA CÔNG NĂNG KIẾN TRÚC HANOK Gần đây, công năng của nhà truyền thống hanok ngày càng trở nên đa dạng. Phong cách thiết kế và kỹ thuật kiến trúc hanok được áp dụng để xây dựng nhiều khu lễ tiệc, khu biểu diễn, công trình văn hóa và cả những công trình công cộng như thư viện, tạo ấn tượng đặc sắc. Đặc biệt, nhờ chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, những công trình giáo dục và thương mại mang phong cách hanok ngày càng tăng lên đáng kể, dần làm thay đổi nhận thức của công chúng về hanok. Đầu thế kỷ 20, khi các tòa nhà theo phong cách phương Tây bắt đầu được xây dựng với những vật liệu mới như cốt thép, bê tông, kính cùng hình thù khác lạ, những tòa nhà xưa cũ như văn phòng chính quyền, nhà khách và trường học Nho giáo hyanggyotại Hàn Quốc bắt đầu được tu sửa để dùng vào mục đích mới. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt kỹ thuật và không gian trong kiến trúc truyền thống, những thử nghiệm đó sớm bị gián đoạn, đa phần các tòa nhà này nhanh chóng được thay thế bằng kết cấu bê tông cốt thép hoặc gạch.Trong quá trình hiện đại hóa bắt đầu sau khi Hàn Quốc thoát khỏi chế độ thực dân năm 1945, khi xã hội đề cao sứ mệnh kế thừa truyền thống, hanok được tái tạo bằng bê tông thay vì bằng gỗ. Hiện tượng này ở Hàn Quốc và Triều Tiên không khác gì nhau, các công trình kiến trúc hoành tráng như Tòa nhà Lưu niệm Độc lập (1987) ở Hàn Quốc và Nhân dân Đại học Tập đường(1982) ở Triều Tiên đều được xây theo kiểu hanok bằng bê tông. Tuy nhiên, những tòa nhà này không được đánh giá cao, vì chúng khác với xu hướng kiến trúc quốc tế hoặc xa rời với đời sống thường nhật của người dân.Hanok vốn từng bị quay lưng nhưng ngày nay càng được yêu thích vì điều kiện xã hội từ sau thập niên 2000 đã khác trước rất nhiều. Thu nhập quốc dân tăng kéo theo nền kinh tếdần trở nên sung túc, văn hóa truyền thống được quan tâm nhiều hơn nhờ vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa đại chúng. Đồng thời, nguồn cung nhà ở mở rộng dẫn đến nhu cầu về loại hình nhà ở trong xã hội đa dạng hơn rất nhiều. Tất cả những điều này khiến xã hội có dịp nhìn lại ưu điểm của hanok, hình thành xu hướng chuộng hanok và đẩy lên cao trào chưa từng có tiền lệ.Nhằm quảng bá danh tiếng và thu hút người nhập cư, một số chính quyền địa phương đã khuyến khích phát triển các khu xây dựng và hỗ trợ kinh phí xây các công trình kiểu hanok. Các cơ quan chính phủ và nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Cục Lâm nghiệp Hàn Quốc cũng có nhiều nỗ lực để mở rộng đất cho kiến trúc hanok dụng võ. Kết quả là kiến trúc hanok hiện đang được xây dựng không chỉ trong nhà ở mà còn trong nhiều công trình với mục đích sử dụng đa dạng như trung tâm thương mại, giáo dục và văn hóa.Trong bối cảnh mới của thế kỷ XXI, hanok đã bắt đầu khám phá tính chân thực của vật liệu và các phương pháp cấu trúc truyền thống. Khi xây dựng những ngôi nhà hanok bằng gỗ thay vì bê tông, công dụng của vật liệu tự nhiên và tình cảm ẩn chứa trong không gian truyền thống đã được khơi dậy theo quan điểm của con người hiện đại. Sự thoải mái và cảm giác khỏe khoắn đặc thù do hanok mang lại đang được đánh giá cao ở những công trình công cộng đặc biệt dành cho người cao tuổi, trẻ em hay những người sức khỏe yếu như nhà trẻ, trường học, hội quán làng, xã hoặc bệnh viện. Đặc biệt, các công trình theo kiểu hanok dành cho trẻ em mang đến sự hài lòng cao nhất. Chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các công trình kiểu hanok, không chỉ những cơ sở du lịch hay thương mại tư nhân mà còn cả những công trình kiến trúc công, đã thu được nhiều thành quả, giúp cho nhiều người ở mọi lứa tuổi được trải nghiệm hanok cả trong cuộc sống thường nhật. Trong tương lai, kế hoạch xuất khẩu không gian hanok, mà đứng đầu là các trung tâm văn hóa ở nước ngoài và những không gian mang tính ngoại giao, dự kiến sẽ được thực hiện cụ thể. Nào, bây giờ chúng ta cùng theo dõi một số công trình thực tế xem lối kiến trúc hanok đang được ứng dụng trong các lĩnh vực đa dạng ra sao nhé! Nhà thờ Ganghwa thuộc Giáo hội Anh giáo Hàn QuốcCông trình kiến trúc Cơ Đốc giáo của Hàn Quốc thời kỳ đầu được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic với hình chóp nhọn đứng sừng sững chọc trời tiêu biểu có Nhà thờ Công giáo Myeongdong (1898). Tuy nhiên, một số nhà thờ ở địa phương lại được xây dựng theo phương thức cải tiến cấu trúc và phong cách của hanok, trường hợp điển hình là Nhà thờ Anh giáo Ganghwa (1900).Linh mục Mark Napier Trollope, người chỉ huy kiến trúc, đã từng kỳ vọng rằng sự tham gia tình nguyện của các tín hữu sẽ giúp hình thành lối kiến trúc đặc trưng của Cơ Đốc giáo Hàn Quốc, tương tự như việc hình thành kiến trúc Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu. Như vậy, với nền tảng là sự đóng góp của các tín hữu, một thánh đường kiểu hanok độc đáo có lối đi dài và mái hình bát giác đã được hiện thực hóa qua trình độ kỹ thuật của những thợ mộc cung đình và những kỹ sư chuyên về gạch từ Trung Quốc sang, kết hợp với sắt thép và đồ trang trí nhập khẩu từ Anh.Ngày nay vẫn còn lại ở một số nơi có công trình nhà thờ kiểu hanok đã được bản địa hóa theo lối kiến trúc chiết trung Đông Tây đầu thế kỷ XX. Nhà thờ Geumsan (1905) ở Gimje được thiết kế có nhà nguyện và lối vào cho riêng nam và nữ, phản ánh tư tưởng “Nam nữ hữu biệt” theo truyền thống của Nho giáo. Thánh đường Nabawi (1906) ở Iksan thì lại được xây dựng với hình dáng một ngọn tháp cao trên mái tòa nhà hanok, sau này nhiều phần đã được xây lại bằng gạch. Công trình Namsan Gugakdang ở Seoul Công trình Namsan Gugakdang (2007) ở Seoul được thiết kế bởi bà Kim Yong-mi thuộc công ty Kiến trúc Geumseong, là một tòa nhà hanok thấp được xây dựng bằng gỗ thông lấy từ núi Taebaek. Để giữ nguyên bầu không khí của Làng Hanok Namsangol mở cửa năm 1988, Namsan Gugakdang đã được thiết kế gồm một số nhà hanok đơn tầng được tận dụng làm sảnh, văn phòng và phòng trải nghiệm cùng hướng về sân chung. Sân khấu biểu diễn quy mô lớn với 330 chỗ ngồi được thiết kế dưới lòng đất. Không gian biểu diễn dưới lòng đất có thể được tiếp cận thông qua sân sau, nơi này có khu vườn trũng Chimsangwon (Thẩm sàng viên) thấp hơn mặt đất. Khu vườn dưới lòng đất này mang lại cảm giác thân thuộc nhờ những bồn trồng hoa được sắp xếp kiểu bậc thang theo độ dốc lối đi và bài trí thêm những cái chum vại. Khách đến thăm cho biết cảnh đêm Seoul nhìn từ nơi đây mang vẻ đẹp thật đặc biệt.Namsan Gugakdang nhận nhiều lời khen do khắc họa vẻ đẹp kiến trúc trang nhã và giản dị nhờ sử dụng kỹ thuật truyền thống. Từ kỹ thuật đến vật liệu và màu sắc đều tận dụng từ những lợi thế của vùng. Một công trình khác của cùng công ty thiết kế mang tên Phòng triển lãm Di vật Yun Seon-do (2010) ở Haenam (Jeollanam-do), cũng gồm tòa hanok đơn tầng trên mặt đất, không gian triển lãm được bày trí dưới tầng hầm và sân được đào sâu để khai thác ánh sáng. Cả hai tòa nhà đều là những công trình điển hình trong việc kết hợp các không gian văn hóa quy mô lớn dưới lòng đất mà vẫn giữ được quy mô và kết cấu không gian truyền thống của hanok. Bệnh viện Khoa Ngoại của bác sĩ Lim Jaeyang ở Daegu Mua lại một ngôi nhà hanok và một ngôi nhà kiểu Nhật Bản trên phố Samdeok, Daegu, bác sĩ Lim Jaeyang kết hợp và nâng cấp chúng thành công trình Bệnh viện Khoa Ngoại của bác sĩ Lim Jaeyang (2012 Dr. Lim’s Breast Clinic). Công trình này đạt được sự hài hòa với cảm giác yên bình của khu phố cổ nhờ nỗ lực giữ lại tối đa hình dạng và bố cục vốn có của các tòa nhà. Bệnh nhân đến đây trước hết sẽ đăng ký khám tại khu giếng trời được trang trí như một nhà kính ở một bên sân sau đó họ thay quần áo y tế và chờ đến lượt tại đại sảnh (daecheong) để được điều trị. Ngôi nhà kiểu Nhật Bản được sử dụng như một căn nhà phụ mang lại ấn tượng sâu sắc về không gian nên khá lôi cuốn và được sử dụng với nhiều chức năng như giải lao, ở lại, làm bánh ...Tại Seoul, vào năm 2005, một bệnh viện Nha khoa đã được mở tại một căn Hanok ở phố Gahoe, quận Jongno. Ở đây, hai ngôi nhà hanok nhỏ được kết hợp lại theo thiết kế truyền thống, mảnh sân được tái cấu trúc thành giếng trời làm không gian cho bệnh nhân ngồi chờ khám. Hội trường tổ chức tiệc phong cách hanok Phoenix Springs Country Club Hội trường tổ chức tiệc phong cách hanok Phoenix Springs Country Club (2009) ở Pyeongchang, do kiến trúc sư Hwang Doo-jin thiết kế, được quy hoạch với hai tòa hanok đối diện nhau từ trái và phải với một khoảng sân rộng ở giữa. Một tòa đem đến cảm giác của một cung điện hoặc một ngôi đền, còn tòa còn lại thể hiện hình ảnh của dinh thự cao cấp. Nếu mở cả cửa lớn và cửa sổ của cả hai tòa nhà đối diện nhau này, khu vực sân có thể tổ chức cả sự kiện lớn kết nối từ trong ra ngoài.Hội trường này được dựng lên với những cây cột baeheullim trên nền đá được mài dũa gọn ghẽ và có mái che kiên cố, những viên gạch vuông sậm màu lát trên sàn để tái sinh cách thức của một tòa hanok cổ xưa. Đồng thời, đây là một phát kiến rất hiện đại, không giống kiểu mái ngói truyền thống, khi họ không đắp đất lên mái ngói mà lại tạo ra một không gian trống để lắp đặt các thiết bị khác nhau trong đó và che mái hành lang nối hai tòa nhà bằng kính trong suốt, tạo nên một cảm giác mới lạ. Những tòa hanok được sử dụng làm sảnh tiệc cần tính sang trọng hoặc dãy phòng khách sạn như trên thì thường có xu hướng chọn phong cách hoa lệ có quy mô lớn. © Park Young-chae Hành lang hình tròn của khu Buyeo Lotte ResortKhu nghỉ dưỡng Buyeo Lotte (2010) xây dựng trong Khu Di tích Lịch sử Baekje được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2015, khơi dậy trí tưởng tượng về lịch sử nhờ những di tích cổ đại. Là sản phẩm hợp tác giữa hai kiến trúc sư Kim Seung-hoy và Cho Jung-goo, công trình là sự gặp gỡ đầy ngoạn mục giữa những tòa nhà hiện đại thanh thoát tươi mới với những tòa hanok được tái cấu trúc theo hình kỷ hà. Đặc biệt, hành lang tròn đường kính lớn nằm ở trung tâm lối vào khu nghỉ dưỡng tạo nên một cảnh quan đặc biệt từ bên trong vòng quay cho xe quay đầu.Để cấu tạo nên tòa nhà hình tròn hoàn hảo, họ thiết kế chuẩn từng chi tiết tất cả các bộ phận và hình dạng của kết cấu cho khớp với độ cong đã được tính toán kỹ, chúng được cắt sẵn tại xưởng và mang đến lắp ráp tại công trình. Tòa vọng lâu được đặt giữa sảnh thềm của khu nghỉ dưỡng nối từ hành lang và chính diện của tòa nhà chính cũng thể hiện được sự hài hòa tự nhiên giữa truyền thống và hiện đại theo quy hoạch kiểu hanok. Văn phòng ArumjigiTòa nhà văn phòng của tổ chức phi lợi nhuận Arumjigi (2013) do hai kiến trúc sư Kim Jongkyu và Kim Bongryeol hợp tác thiết kế đã hiện thực hóa mục tiêu của tổ chức này là quảng bá vẻ đẹp và giá trị của văn hóa truyền thống đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa truyền thống.Từ con đường ven bức tường đá phía tây cung Gyeongbok ở Seoul, có thể nhìn thấy tòa nhà với tầng 1 xây bằng bê tông, tầng 2 bằng gỗ và tầng 3 được nối bằng kính mờ. Trên tầng 2, chúng ta có thể trông thấy phần mở của ngôi nhà hanok đối diện tựa khung tranh rộng 4m cao 2,5m.Tầng hai với trọng tâm là mảnh sân ở giữa, được bao bọc bởi ba tòa nhà với các dung diện khác nhau và các bức tường gỗ đóng mở về phía cung điện, tòa nhà bê-tông cao bốn tầng ở phía tây giống như phông nền cho hai tòa nhà bằng gỗ. Không gian này khiến ta cảm thấy như hình ảnh một cuộc đối thoại giữa những tòa nhà có phong cách khác nhau nhưng đều dựa trên nền tảng truyền thống lâu đời của nền kiến trúc Hàn Quốc.Bằng cách này, kiến trúc hanok được đưa vào thành phố để thực hiện chức năng của một điểm mốc (landmark). Chẳng hạn như Cổng Nghệ thuật của Chợ Tongin (2012) ở phía tây cung Gyeongbok tạo điểm nhấn ở lối vào chợ truyền thống bằng cách đặt mái kính trên bộ khung của căn hanok, còn Thánh đường phố Gahoe gần đó, từ khi trùng tu, xây thêm một gian phòng khách sarangchae (2013) nhìn ra phố, đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng trong vùng. Thư viện kiểu hanok của trường Tiểu học JeongsuTrường tiểu học Jeongsu, nằm ở Jeongneung, ngoại ô phía bắc Seoul, đã thu hút nhiều sự chú ý khi xây dựng một thư viện (năm 2020) và các phòng học đặc biệt xây dưới dạng hanok.Trong quá trình xây dựng, học sinh, giáo viên và phụ huynh tập hợp lại để cùng hình thành ý tưởng về các không gian tòa nhà và đặt cho chúng tên gọi mang ý nghĩa đặc biệt thể hiện tình yêu dành cho chữ Hangeul: “Hansolgak” cho thư viện và “Narijae” cho lớp học đặc biệt.Hai tòa nhà được nối với nhau bằng một hành lang dài kiêm chức năng của mái che nắng cho những học sinh chạy quanh sân chơi có thể vào nghỉ ngơi bất cứ lúc nào.Trong thư viện, hai tầng được mở trong nhà để tạo thành các kệ sách sắp xếp theo hình bậc thang, và phòng học đặc biệt có phần bậc thềm nối dài bằng gỗ được mở rộng ra để ai cũng có thể ngồi lên và trò chuyện.Bộ Giao thông Địa chính có chương trình chi viện cho Dự án phát triển công nghệ hanok nhằm thể hiện không gian an toàn. Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ các cơ quan như Đại học Dongyang Mirae, công ty Kiến trúc Daeyeon, Viện Nghiên cứu Kiến trúc Đô thị QNA và Công ty Xây dựng Hyeonyeong … đã hợp tác với nhau để đưa vào ứng dụng các kỹ thuật như cấu trúc gỗ hiện đại, tận dụng gỗ nhiều lớp và các loại tường bê tông đúc sẵn tiện lợi trong việc lắp ráp. Lee Kang-min Giáo sư Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc Dịch. Bùi Phan Anh Thư#hanok