메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SUMMER

BẢNG HIỆU CHINH PHỤC TRÁI TIM

Kể từ khi khởi nghiệp Công ty Quảng cáo Tổng hợp Design M chế tác bảng hiệu năm 2005, Giám đốc Park Geun-chul vẫn làm việc miệt mài đến tận hôm nay. Ông được khách hàng tin tưởng nhờ thiết kế thu hút ánh nhìn mà không lòe loẹt.

Điều hành công ty sản xuất bảng hiệu Design M từ năm 2005, Park Geun-chul được tín nhiệm nhờ nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu và tạo ra những thiết kế phù hợp thị hiếu khách hàng.

Khi đến một nơi xa lạ, chúng ta thường so sánh các bảng hiệu dọc đường rồi chọn quán. Giữa những cửa hàng bán các món ăn tương tự nhau, người ta thường nghĩ rằng cửa hàng nào có bảng hiệu độc lạ bắt mắt thì hẳn là mùi vị thức ăn sẽ khác biệt. Bảng hiệu vừa là bộ mặt của cửa hàng, vừa thu hút mọi người vào quán.

Thực ra bảng hiệu chỉ là ấn tượng ban đầu của cửa hàng. Phép màu của nó chỉ dừng lại ở việc khiến chúng ta mở cửa bước vào quán và mua hàng. Khách hàng có trở lại lần hai, lần ba hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tay nghề của đầu bếp, thái độ với khách hàng, sự sạch sẽ và bầu không khí của quán. Tuy bảng hiệu chỉ dẫn lối những bước chân đầu tiên của khách đến quán, nhưng nếu không có dẫn lực đó, cho dù hương vị món ăn có xuất sắc đến đâu cũng không được thế giới biết đến. Vì vậy có thể coi bảng hiệu là “nước mồi” máy bơm khơi dòng chảy khách hàng. Giám đốc Park Geun-chul như người đổ nước mồi vào máy.


Cuộc sống làm công ăn lương
Dựng ngay lối vào tòa nhà, biển hiệu Design M tuy đơn giản thanh thuần nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ. Tôi bước vào qua cánh cửa đang mở. Một văn phòng yên tĩnh được sắp xếp gọn gàng tinh tươm, quan sát khắp lượt xung quanh cũng không thấy bóng người. Về kích thước, đây là không gian làm việc rộng rãi cho khoảng mười người.

“Có ai ở đây không?”

Lúc này một gương mặt ló lên giữa hai màn hình máy tính đặt trên bàn đối diện cửa ra vào. Đó chính là giám đốc Park. Quá mải mê thiết kế đơn hàng bảng hiệu nên ông không biết có người vào.

Quê hương của giám đốc Park ở đoạn đầu Hangyelyeong - một vùng đồi cao và sâu thuộc quận Inje tỉnh Gangwon. Nơi này có dòng suối uốn lượn, nước trong vắt đến nỗi có cả cá swiri - một loài cá chỉ sống được ở vùng nước sạch bậc nhất. Sau khi hoàn thành cấp tiểu học, rồi tốt nghiệp trung học cơ sở và phổ thông ở làng bên, ông vào học Khoa Kỹ thuật Kiến trúc Đại học Kyungdong ở Goseong, ngoại ô Hangyelyeong.

Gia đình ông có ba anh chị em, trên ông có anh trai và dưới là em gái. Sống trong một gia đình nghèo không một tấc đất, tuy vào được đại học nhưng ông phải tự bươn chải học phí. Rồi năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ập đến. Với mong muốn trở thành quân nhân chuyên nghiệp, ông nộp đơn xin làm hạ sĩ quan nhưng do khủng hoảng kinh tế, tỉ lệ cạnh tranh cao ngoài sức tưởng tượng. Cuối cùng, ông tình nguyện nhập ngũ và hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sau khi giải ngũ, ông đến Chuncheon làm việc ở nhiều nơi để kiếm tiền học phí. Năm 2002, ông tình cờ xin được việc làm tại một công ty sản xuất và thi công bảng hiệu. Tại đây, ông học thiết kế, chế tác và lắp đặt bảng hiệu.

Công việc làm bảng hiệu không chỉ đòi hỏi duy nhất một kỹ năng. Dù chỉ làm một bảng hiệu nhỏ cũng cần nhiều kỹ thuật khác nhau như làm sắt, chiếu sáng, điện. Ngoài kỹ năng thiết yếu là hàn, mài, khoan, người thợ còn phải biết cắt, lắp đặt đường dây điện và phải thông thuộc đặc tính các loại vật liệu. Không những thế, vào thời đó, người ta dùng dây thừng để chằng và kéo lên, lắp đặt những bảng hiệu nặng hàng trăm kí chỉ bằng sức người. Cường độ làm việc thể chất rất cao và mức độ nguy hiểm cũng rất lớn.

“Lúc đó, tôi rất sợ. Thời xưa không có các thiết bị như xe thang hay xe nâng người làm việc trên cao như bây giờ. Sau khi kéo tấm biển từ mái những tòa nhà bốn, năm tầng, chúng tôi dựa vào giàn giáo treo để làm việc. Thậm chí bây giờ nghĩ lại, tôi còn thấy chóng mặt.”

Trung bình một người phải kéo trọng lượng khoảng 100kg. Nếu tấm biển nặng 400kg thì bốn người kéo từ trên cao. Thỉnh thoảng cũng có sự cố. Có lần đã xảy ra tai nạn khi thi công tấm biển dài 30 mét. Tám người trên tầng thượng cùng kéo và một người leo thang ở bên dưới đẩy tấm biển, nhưng bất thình lình người bên dưới bị trượt ngã từ độ cao tầng ba.

“Chốt tầng hai của thang bị lỏng ra khiến anh ấy trượt chân. Đó là một người bạn mới kết hôn chưa bao lâu... Vì tai nạn đó mà đến giờ anh vẫn phải chống nạng”.

Giám đốc cũng cho tôi xem ngón cái bàn tay trái của mình.

“Tôi cũng không gập được ngón tay cái. Nó bị đứt gân khi đang khoan.”

Ở ngón tay giữa của anh cũng hằn rõ vết thương do găng tay bị cuốn vào lưỡi khoan.

Tự đứng độc lập
Lương tháng thời ông làm nhân viên công ty bảng hiệu là từ 850.000 đến 900.000 won. Khoảng năm 2003, với mức thu nhập đó, ông sống trong một phòng trọ trả tiền theo tháng. Tiền cọc là 500.000 won và tiền thuê hàng tháng 300.000 won. Ông đi làm để kiếm tiền trang trải học phí, nhưng sau khi trả tiền thuê nhà hàng tháng thì tài khoản ngân hàng của ông trống rỗng. Cho dù có quay lại học đại học, tương lai cũng không đảm bảo. Chàng trai Park Geun-chul khi đó nghĩ, tốt hơn là nhanh chóng học nghề rồi ra làm riêng chắc sẽ khá hơn.

Thời còn là nhân viên, ông cũng học lỏm được việc chỉnh sửa thiết kế. Phần còn thiếu, ông mua sách tự học. Thiết kế đầu tay của Park Geun-chul cách đây 20 năm là bảng hiệu cho một quán chân gà. Bảng hiệu này đến giờ vẫn còn thấy nhan nhản ở Chuncheon. Nhờ kinh doanh phát đạt mà thương hiệu này đã có hơn 20 cửa hàng chỉ riêng ở Chuncheon.

“Bây giờ nhìn lại tôi nghĩ phông chữ hay hình vẽ của thiết kế này có phần quê mùa. Nhưng tôi tự hào 20 năm trôi qua kể từ thiết kế đầu tay, mình vẫn có thể làm bảng hiệu.”

Công ty hiện tại được thành lập vào năm 2005. Làm công ăn lương thì tương lai mịt mờ, ông mở một văn phòng nhỏ và bước vào ngành biển hiệu với vũ khí chỉ là một quyển nhật ký. Có thể thấy nhiều cuốn nhật ký khác nhau được xếp chật cả giá sách sau lưng giám đốc Park. Năng lực nghề làm bảng hiệu của ông được đo bằng số lượng của những quyển nhật ký. Những yêu cầu của khách hàng và cả chi tiết thanh toán cũng được ông ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Lật thử vài trang, ta như được song hành với những bước chân của ông qua chặng đường quá khứ. Ở đó chứa đựng vẹn nguyên những tấm bảng hiệu được tạo bởi bàn tay pha lẫn mồ hôi, nước mắt của ông suốt hàng chục năm qua.

Ông là người có trực giác tốt. Chúng ta có thể cảm nhận điều này qua các thiết kế của ông. Với cảm thức bồi đắp qua thực tế, ông nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng để chọn ra ý tưởng thiết kế. M - tên công ty cũng vậy. Ông không quá đắn đo chọn tên gọi hàm chứa ý nghĩa to tát. Khi tự hỏi “Tên công ty là gì được nhỉ?”, ông thấy logo thương hiệu được in trên thẻ tín dụng của mình. “A, đây rồi!” Đó chính là chữ M.

Việc chế tác bảng hiệu liên quan nhiều kĩ thuật như làm sắt, ánh sáng và điện. Ngoài ra người thợ còn phải thực hiện những việc nguy hiểm như lắp đặt đường dây điện, làm việc trên thang… nên phải luôn chú ý đến sự an toàn.

Trực giác và tâm hồn rộng mở
Có nhiều trường hợp nhà văn sáng tác hay nhà thiết kế vẽ bìa sách sửa tới sửa lui rồi lại quay về với ý tưởng ban đầu. Khi nhà thơ làm thơ cũng vậy, cảm xúc ban đầu khiến trái tim rung động nên thơ mới là điều quan trọng. Cứ chỉnh sửa bản thảo nhiều lần mà quên mất cảm xúc, rất có thể thiết kế đó phải vo lại bỏ đi. Vì vậy đừng đánh mất trực giác của giây phút ban đầu. Ở điểm này, Park Geun-chul là một nhà quảng cáo có tài thiên bẩm. Ông có trực giác vượt trội hơn cả logic, tri thức và lý trí. Mặc dù thấm thoắt đã mười lăm năm trôi qua, công ty hoàn toàn không mang cảm giác phai màu, vẫn tỏa rạng như ánh nắng hè, điều này ắt hẳn đều bắt nguồn từ trực giác của ông.

Khi có đơn yêu cầu của khách, ông đến tận nơi để khảo sát. Ông vừa vạch ra trong đầu một bảng hiệu sao cho hài hòa với cảnh quan xung quanh, vừa cân nhắc tạo điểm nhấn sao cho nó thật nổi bật. Bắt mắt mà không lòe loẹt, đó là tiêu chuẩn mà ông theo đuổi. Tuy có lúc thiết kế của mình không được đón nhận, nhưng ông không khăng khăng cố chấp. Nhanh chóng nắm bắt tâm tư của khách hàng, ông lại bắt tay vào việc chế tác. Ông là một nhà thiết kế có tâm hồn khoáng đạt. Trực giác và tâm hồn cởi mở là tài sản quý báu giúp ông duy trì doanh nghiệp.

Lúc đầu, ông khởi nghiệp nhờ mối quan hệ quen biết của những người đồng hương, bây giờ công ty đã khẳng định được tên tuổi đến mức việc kinh doanh vẫn thuận lợi dù không cần phải quá nỗ lực quảng bá. Ông cũng không cần tuyển nhân viên kinh doanh riêng. Những biển hiệu ông trực tiếp thiết kế và thi công ngót nghét hai chục năm qua đang thực hiện nhiệm vụ của cả thiên binh vạn mã. Ở đây mối quan hệ tin tưởng vô hạn được vun đắp khi ký kết với mỗi khách hàng cũng góp một phần quan trọng. “Tại sao ông tích lũy được chữ tín như vậy?” Chính ông cũng không biết. Đơn giản bản thân ông đã sống một cuộc sống giản dị và thanh thuần như cỏ cây miền sơn cước, như dòng nước suối trước nhà nơi quê hương Gangwon của mình.

Đôi khi ông nhận được cả những đơn hàng đau lòng, do khách ngừng việc kinh doanh và yêu cầu treo băng rôn “Cho thuê mặt bằng”. Với những quảng cáo như vậy, ông không nỡ lấy tiền khách, chỉ thi công rồi lặng lẽ quay về. Giám đốc Park làm kinh doanh mà không nhiều tham vọng. Ông không có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đó đơn giản là sự đảm bảo với những khách hàng đã tin tưởng tìm đến ông như suốt 20 năm qua, rằng ông sẽ sống mà thiết kế với sự chân thành và thi công một cách tận tâm tận lực.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi cùng giám đốc Park đến nơi lắp đặt bảng hiệu cho quán bạch tuộc. Đeo thắt lưng nặng những dụng cụ, không chút do dự, ông leo lên bệ tác nghiệp trên cao của xe nâng. Hoàn thành việc đi dây điện cho bảng hiệu và đóng nắp hộp chữ, mồ hôi trên trán ông chảy ròng ròng. Nơi giọt mồ hôi rơi xuống hôm nay cũng nở rạng hoa niềm tin giữa ông và khách hàng.

Quán chân gà mà Park Geun-chul thiết kế bảng hiệu đầu tiên cách đây 20 năm giờ đã làm ăn phát đạt, riêng ở Chuncheon có hơn 20 cửa hàng. Đến giờ, mỗi khi có cửa hàng mới được thành lập, ông vẫn trực tiếp làm bảng hiệu cho họ.

Oh Do-yeob Nhà thơ
Dịch Mai Kim Chi

전체메뉴

전체메뉴 닫기