메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

KF Mailbox

2022 AUTUMN

NGHỆ THUẬT ĐAN DÂY VỚI SỰ TĨNH TÂM

Nút thắt là một sản phẩm thủ công truyền thống của Hàn Quốc, được sử dụng rộng rãi để trang trí từ vật dụng trong nhà cho đến trang phục hay đồ dùng nghi lễ. Park Seon-keung, người đào tạo truyền nghề nút thắt với gần 40 năm kinh nghiệm, đã kế nghiệp nghề nút thắt truyền thống của gia đình và đang nỗ lực nghiên cứu làm ra các sản phẩm mang hơi thở hiện đại.

Người đào tạo truyền nghề nút thắt Park Seon-keung đã tiếp bước ông ngoại, bà ngoại và mẹ của mình kế nghiệp nghề làm nút thắt truyền thống trong gần 40 năm qua.

Là một nghề thủ công truyền thống của Hàn Quốc, thắt nút (maedeup) đề cập đến kỹ thuật sử dụng các dây tim tạo ra nút thắt dưới nhiều hình dạng khác nhau cho mục đích trang trí hoặc các mục đích thiết thực khác. Dây tim (kkeunmok, còn gọi là dahoe) được tạo ra bằng cách xe hoặc bện nhiều sợi chỉ lại với nhau. Thợ thủ công sở hữu kỹ thuật thắt nút này được gọi là nghệ nhân nút thắt (maedeupjang). Theo “Đại điển hội thông” (Daejeon hoetong, bộ sách tổng hợp tất cả các luật lệ từ cuối triều đại Goryeo đến triều đại Joseon được biên soạn vào năm 1865), vào thời Joseon, quy trình làm nút thắt được chia nhỏ và đảm trách bởi các nghệ nhân nút thắt hoàng gia, cho thấy công việc này cần sự chuyên nghiệp và tận tâm ở mỗi công đoạn.

Từ xa xưa, nút thắt là phụ kiện cần thiết để làm nổi bật vẻ đẹp của hanbok. Thậm chí, những chiếc áo choàng truyền thống mà nam giới mặc ngoài trời (dopo) khi đính nút thắt và tua rua vào thì trông sang trọng hơn hẳn. Những chiếc nút thắt như vậy cũng không thể thiếu đối với mũ gat (mũ tròn rộng vành dành cho nam giới trưởng thành), quạt cầm tay hay túi may mắn (bok jumeoni). Những chiếc tua và nút thắt dài có thể được gắn vào rèm che bằng vải ngũ sắc trang trí kiệu gỗ, hay các nhạc cụ như trống và đàn nhị (haegeum), để mang lại sự trang nghiêm.

Trong tiệc thôi nôi của một đứa bé, em bé được đeo một dải thắt lưng trang trí bằng các nút thắt. Kiểu nút thắt đồng tâm kết (dongsimgyeol) cũng được dùng trong tứ trụ đơn tử (sajudanja: lá thư với thông tin cơ bản về ngày sinh của chú rể - chú thích của người dịch) do nhà chú rể gửi đến nhà cô dâu khi hôn lễ được ấn định. Ngay cả dây tua dài (yuso) trang trí kiệu quan tài (sangyeo) cũng được đính kèm những nút thắt tinh xảo. Người Hàn Quốc đã sử dụng nút thắt vào nhiều dịp khác nhau trong suốt cuộc đời của họ.


Một quyết định tự nhiên
Đối với nghệ nhân Park Seon-keung, nút thắt chính là định mệnh. Năm 1968, khi nút thắt truyền thống được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, người đầu tiên trở thành nghệ nhân bậc thầy là Jung Yeon-su, chính là ông ngoại của bà. Sau đó, vào năm 1976, bà ngoại của bà là Choe Eun-sun được công nhận là nghệ nhân bậc thầy nút thắt thế hệ thứ hai, còn mẹ của bà tên Jung Bong-sub cũng trở thành người nắm giữ kỹ thuật nghệ nhân nút thắt thế hệ thứ ba vào năm 2006. Park Seon-keung, người đang tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình từ mẹ, hiện là “người đào tạo truyền nghề” nút thắt (đây là cấp bậc liền dưới “người nắm giữ kỹ thuật nghệ nhân nút thắt”). Đối với bà, nghệ thuật nút thắt vừa thể hiện lịch sử ba thế hệ của gia đình bà, vừa là dòng chảy trăm năm của một nghề thủ công truyền thống Hàn Quốc từng có lúc trên bờ vực mai một.

“Người ta bảo phường Gwanghui ở Seoul, nơi ông ngoại tôi sinh ra và lớn lên, từng là làng nghề thủ công của những người làm nút thắt cho đến những năm 1930. Là thế hệ cuối cùng ở đó, ông ngoại tôi trở thành nghệ nhân nắm giữ đầu tiên khi nghệ thuật nút thắt được ghi danh vào danh mục di sản cấp quốc gia vào năm 1968. Ngọn lửa của nghề thắt nút truyền thống tưởng chừng sắp tắt đã được thổi bùng lại. Thời thế đổi thay, phương thức sản xuất đã được cơ giới hóa, nhưng tôi biết mình cần phải làm việc chăm chỉ để không phụ lòng những nghệ nhân đã nỗ lực hết mình nhằm gìn giữ các phương pháp truyền thống.”

Trong lời tâm sự của nghệ nhân Park - người có vóc dáng nhỏ nhắn thật hợp với hanbok - có sự quyết tâm cao độ. Dù theo học chuyên ngành múa ở đại học nhưng bà đã rẽ theo con đường học nghề từ sớm, chắc hẳn có ảnh hưởng không nhỏ từ hoàn cảnh gia đình. Sinh năm 1964, bà chính thức theo học nghề với bà của mình từ năm 19 tuổi, bên cạnh đó còn nhận được sự chỉ bảo nghiêm ngặt từ mẹ, một người theo chủ nghĩa hoàn hảo.

“Làm nút thắt rất tốn công, vì vậy luôn có những việc nhỏ tôi phụ giúp được. Từ nhỏ, tính tôi nhu mì, lại khéo tay nên các việc lặt vặt luôn do tôi phụ trách. Không phải tôi quyết định học nghệ thuật nút thắt ngay từ đầu, mà dường như khi lớn lên, tự nhiên tôi lại nghĩ đó là con đường của mình. Công việc làm nút thắt rất hợp với tôi bởi lẽ các công đoạn tết chỉ, buộc chỉ thành các kiểu dáng chỉ qua tay một người. Khi tập trung vào công việc, những phiền não biến mất và tâm tôi an yên hơn.”

Những chiếc nút thắt truyền thống không chỉ được dùng làm vật trang sức mà còn được dùng trang trí nhạc cụ và các vật dụng trong gia đình. Hyangbal, trông giống cái chũm chọe, là một trong những nhạc cụ gõ truyền thống Hàn Quốc, được trang trí bằng các nút thắt và tua rua dài.
Cung cấp bởi nghệ nhân Park Seon-keung

Các món đồ trang trí mà bà hợp tác với nghệ nhân vải sợi Shin Ye-sun làm ra và trưng bày tại Hội chợ Xu thế Hàng thủ công và Hội chợ Maison&Objet.
Cung cấp bởi nghệ nhân Park Seon-keung

Bộ norigae ba chùm bằng ngọc bích được làm từ các nút thắt hoa cúc, nút thắt cỏ bốn lá và nút thắt nhẫn tròn. Norigae là phụ kiện được gắn vào dây nơ goreum hoặc eo váy chima được dùng làm vật trang sức của phụ nữ Hàn Quốc, qua đó làm tăng thêm vẻ đẹp cho hanbok.
Cung cấp bởi nghệ nhân Park Seon-keung

Các loại túi được trang trí với nhiều kiểu nút thắt, ví như nút thắt chuồn chuồn. Trong quá khứ, những chiếc túi này là vật dụng thiết thực mà già trẻ lớn bé đều cần, đeo trên thắt lưng để đựng những vật dụng nhỏ nhắn. Nhìn chung, túi của phụ nữ được trang trí bằng các nút thắt và tua rua tinh xảo đính trên các loại vải sáng màu, trong khi túi của nam giới đơn giản hơn và tránh trang trí quá nhiều.
Cung cấp bởi nghệ nhân Park Seon-keung

Thành quả của sự nhẫn nại
Để làm ra nút thắt thủ công trước tiên cần có dây tim (kkeunmok), nhưng quy trình làm ra dây tim phức tạp và không hề dễ dàng.

“Quy trình làm dây tim bắt đầu từ việc kéo tơ khỏi kén, sau đó trải qua năm hoặc sáu công đoạn chính, mỗi công đoạn đều đòi hỏi tay nghề thành thục. Để có được màu giống nhau chính xác từ mỗi lần nhuộm cũng rất khó. Do đặc điểm của công việc thắt nút bắt đầu từ đoạn giữa và kết thúc cũng ở đoạn giữa nên phải suy tính sao cho thành phẩm không chỉ đối xứng trái-phải mà mặt trước và mặt sau cũng phải giống hệt nhau. Đó là một công việc rất tỉ mỉ, không được xảy ra sai lệch một li nào.”

Có khoảng 30 loại nút thắt với các kiểu dáng khác nhau, chủ yếu được đặt tên theo động vật và thực vật như nút thắt (hình) rùa, chuồn chuồn, gà con, bươm bướm, ong, hoa cúc, hoa mai, hoa sen,... Tên gọi của tua rua, một phần cấu thành nên nút thắt, cũng tương tự như vậy. Có nhiều loại tua rua như “tua chân bạch tuộc” với nhiều bó tua tách biệt trông như chân con bạch tuộc, “tua dâu tây” vì có đầu chùm tua giống quả dâu tây, “tua tròn” với hình dạng như ống trụ tròn.

“Để làm ra một chiếc norigae (phụ kiện gắn vào dây nơ goreum - dây buộc ngang áo khoác ngắn jeogori được mặc ở phần thân trên) hoặc eo váy chima trong bộ hanbok nữ - phải mất ít nhất mười ngày, thậm chí vài tháng đối với một tuyệt tác. Mỗi dây tua đơn đính lên norigae cũng được làm bằng cách xoắn các sợi tơ hàng trăm lần.”

Có thể gọi nút thắt là nghệ thuật của những sợi dây được tạo ra dựa trên sự nhẫn nại và kiên trì. Các nút thắt của Trung Quốc thể hiện sự hoa mĩ tuyệt đỉnh với nhiều kiểu dáng khác nhau, còn nút thắt của Nhật Bản tập trung vào chức năng của dây hơn là tính trang trí của bản thân nút thắt. Khác hẳn hai nước ấy, đặc trưng của nút thắt truyền thống Hàn Quốc là sử dụng các dây tim đơn sắc để hình thành kiểu dáng, rồi đính tua rua vào để tạo ra những đường nét đẹp.

“Thỉnh thoảng mọi người hỏi rằng liệu tôi có cảm thấy nhàm chán với việc làm nút thắt trong suốt cuộc đời mình hay không. Dù có những lúc vất vả, nhưng tôi không hề thấy nhàm chán.”

Một nghệ nhân dù có tay nghề cao nhưng cảm thấy nhàm chán với công việc của mình thì không thể gọi là nghệ nhân thực thụ. Lý do khiến bà trở thành người học việc từ sớm, có thể phát triển trong nghề trong gần 40 năm mà không một lần nghĩ đến công việc khác có lẽ là vì bản tính yêu thích công việc mình làm chứ không phải vì tài năng hay may mắn.

“Có một vị khách đặt hàng của tôi hầu như đều đặn mỗi năm. Tôi hỏi vị ấy mua về làm quà phải không, vị ấy đáp là thường đóng khung chúng rồi treo lên tường để ngắm, khi cần thì lấy ra dùng và thích chúng hơn cả tranh vẽ. Những lời nói đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.”

Hình ảnh bà Park Seon-keung đang dùng khung bện dây (dahoeteul) để xoắn nhiều sợi tơ thành dây tim. Dây tim được tạo ra theo cách này trở thành vật liệu cơ bản của nghề thủ công nút thắt.

Kết nối với thời đại
Ngoài việc kế thừa truyền thống, nghệ nhân Park cũng nỗ lực kết hợp thẩm mỹ hiện đại trong nghệ thuật của mình. Bà hợp tác với nghệ nhân vải sợi Shin Ye-sun trình làng các món đồ trang trí là những nút thắt phủ lên quả cầu thủy tinh tại Hội chợ Xu thế Hàng thủ công (Craft Trend Fair, 2018-2019) tổ chức tại trung tâm COEX, phường Samseong, Seoul, Hội chợ Maison&Objet (2019-2020) tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Paris Nord Villepinte và sau đó đã nhận được nhiều đánh giá tốt. Đằng sau mục đích đại chúng hóa nghệ thuật nút thắt, bà hiểu rõ hơn ai hết rằng nghề nút thắt truyền thống của tổ tiên đã tồn tại là nhờ sự kết nối với thời đại. Bà học được những bài học cuộc sống từ chính nghệ thuật nút thắt.

“Nếu bạn mắc lỗi dù chỉ với một sợi tơ, bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Cứ thế bỏ qua thì cuối cùng một khuyết điểm nhỏ sẽ làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Tốt nhất là tháo hết ra và bắt đầu làm lại một cách nghiêm túc.”

Năm 20 tuổi khi quyết tâm theo nghề nút thắt, bà nghĩ rằng bản thân đã chọn nghề này. Nhưng khi nhìn lại, bà nhận ra rằng chính nghề đã chọn bà, và thầm cảm ơn định mệnh này.

“Người ta nói đây là một công việc rất cô đơn, nhưng tôi may mắn luôn được mẹ dõi theo. Gần đây, khi đơn hàng nút thắt tăng lên, cả anh và em gái tôi đều nghỉ việc chuyên môn để làm việc toàn thời gian cùng tôi với tư cách là người học việc. Tôi thật có phúc khi có ba cô con gái đều thể hiện tài năng và nhiệt huyết với nghề này.”

Nhiều nghệ nhân các nghề thủ công truyền thống đang phải cố gắng xoay sở giữa cơn khủng hoảng ngành nghề mai một. Trong khi đó, bà rõ ràng là một người may mắn khi có các anh em cùng đồng hành trên con đường này và có những cô con gái sẵn sàng kế nghiệp. Trong xưởng của bà tại Trung tâm Đào tạo Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở phường Samseong, Seoul, các tác phẩm nút thắt của mẹ bà - nghệ nhân bậc thầy Jung Bong-sub, của anh trai Park Hyung-min và em gái Park Seon-hee đang được trưng bày cạnh nhau. Những tác phẩm thoạt trông giống nhưng lại khác nhau dường như cho thấy được tấm lòng tôn trọng phong cách của nhau mà vẫn giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ độc đáo riêng mình.

Tác phẩm “Lưới tua rua đính ba nghìn hạt châu” (Mangsul Samcheonju) được trưng bày trong triển lãm “Đế võng trùng trùng” (Lưới của Đức Phật vô cùng vô tận, ngụ ý Đức Phật cứu độ thế gian) tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Seongnam vào tháng 8 năm 2021. Vốn mang biểu tượng Phật giáo, tam thiên châu (samcheonju) là một loại norigae được các nữ nhân cung đình sử dụng, nó có ba viên trân châu lớn được xâu kết bằng nút thắt. Sau khi đan lưới tua rua bằng kỹ thuật truyền thống, nghệ nhân Park dùng hạt thủy tinh thay cho ngọc trai để tạo vẻ đẹp hiện đại.
ⓒ Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc



Lee Gi-sookTác giả tự do
Ảnh. Lee Min-hee
Dịch. Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기