메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SPRING

NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG VƯƠN RA THẾ GIỚI

Nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc gồm những loại nhạc khí bản địa vốn có trên bán đảo Triều Tiên từ thời cổ đại và những nhạc khí ngoại lai du nhập thông qua con đường giao lưu với lục địa Á - Âu. Chúng gắn liền với lịch sử lâu đời của vùng đất này, chứa đựng văn hoá và tâm tư tình cảm con người qua từng thời đại. Trong số đó, có loại nhạc khí từng thịnh hành một thời rồi dần chìm vào quên lãng, cũng có nhạc cụ là dĩ vãng nay trở lại với ánh hào quang. Dưới đây là một số nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc phổ biến nhất hiện nay.


Mọi loại nhạc cụ trên thế giới đều phản ánh yếu tố văn hoá. Chất liệu, hình dạng, kích cỡ, kỹ thuật diễn tấu của nhạc cụ là kết quả hợp thành từ nhiều yếu tố như địa lý, môi trường, tôn giáo, chính trị… Hầu như không có loại nhạc cụ nào tự sinh ra mà hoàn toàn không bị tác động từ bên ngoài. Hoặc giả như một nhạc cụ tự hình thành đi chăng nữa, quá trình phổ biến nhất định có sự ảnh hưởng của các yếu tố xã hội. Một nhạc cụ mới ra đời khi có sự dung hoà và va chạm của nền văn hoá một quốc gia với nước lân cận. Vì vậy, bản sắc của nhạc cụ không bất biến mà thay đổi không ngừng theo dòng chảy của thời đại.

Nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc cũng như vậy. Có những nhạc cụ được du nhập từ Trung Quốc từ thời rất xa xưa, sau đó được cải tiến và trở nên thông dụng, nhưng cũng có nhạc cụ được cải tạo từ nhạc khí phương Tây trong quá khứ tương đối gần vào thế kỷ XX. Ngày nay, người ta cũng hoàn thiện những loại nhạc cụ hiện có nhằm cải thiện âm lượng hoặc mở rộng phạm vi âm vực. Nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc hiện đang vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, làm nên lịch sử của riêng mình.

Mặt khác, vào thời hiện đại, khi âm nhạc phương Tây chính thức du nhập vào Hàn Quốc, hình thức hoà tấu của ban nhạc, nhóm tứ tấu, dàn nhạc giao hưởng phương Tây trở thành trào lưu chính. Các ban nhạc như vậy không phải là hình thức diễn tấu phù hợp nhất đối với nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc. Dần dần, đặc tính tự nhiên vốn có của nhạc cụ truyền thống bị loại trừ. Đặc biệt, những nhạc cụ truyền thống có âm lượng nhỏ hay khó hoà âm chỉ dừng lại ở vai trò phụ trên sân khấu.

Tuy nhiên, gần đây, ngày càng nhiều nghệ sĩ biểu diễn độc tấu góp phần mang những nét độc đáo riêng của mỗi nhạc cụ đến với khán giả. Trong những khúc độc tấu mới lạ xuất hiện, những nhạc cụ trước đây bị đẩy ra vị trí phụ do không thể hiện hết bản sắc vốn có của mình trong dàn hợp tấu, hay những nhạc cụ hiếm khi được trình diễn đơn tấu nay được nắm giữ vai trò chủ đạo. Kỹ thuật chơi hay cách thức diễn giải âm nhạc truyền thống cũng đa dạng hơn rất nhiều so với trước đây. Ngày nay, nhạc cụ truyền thống xuất hiện ở cả thể loại nhạc chú trọng quy tắc âm nhạc truyền thống cho đến loại hình âm nhạc mơ hồ về ranh giới thể loại.

 

Geomungo,nhạc cụ đứng đầu trong các loại nhạc cụ

Đàn tranh sáu dây geomungo, tiêu biểu cho đàn dây Hàn Quốc, được mệnh danh là nhạc cụ hàng đầu trong các loại nhạc cụ từ thời xa xưa. Không chỉ dùng để chơi nhạc, geomungo còn được giới trí thức sử dụng như một công cụ tu dưỡng, xoa dịu tâm hồn. Bề ngoài tuy giống đàn dây gayageum, nhưng geomungo lại sở hữu những nét độc đáo riêng. Điểm khác biệt lớn nhất chính là âm sắc. So với gayageum, geomungo có dây dày hơn tạo âm sắc trầm và sâu lắng. Cách tấu đàn cũng khác nhau. Gayageum được chơi bằng cách dùng ngón tay ấn xuống dây đàn và gảy lên. Tuy nhiên, geomungo được tấu bằng cách dùng que gọi là suldae đẩy hay móc dây đàn lên rồi đánh mạnh xuống. Lý do khiến geomungo cho cảm giác vừa mạnh mẽ vừa tiết chế so với các nhạc khí dây khác là vì vừa mang đặc tính của đàn dây vừa có tính chất của bộ gõ.

Geomungo có vị trí chủ đạo trong các tiết mục hoà tấu âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, vai trò của nhạc khí này ngày càng giảm dần, và hiếm có sáng tác âm nhạc nào mà geomungo được làm trung tâm. Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng phần lớn là do âm thanh nhỏ và âm sắc mộc mạc của geomungo không được chú ý trong thời kỳ ban nhạc và dàn nhạc giao hưởng phương Tây trở nên thịnh hành.

Trên thực tế, rất khó để tạo ra tác phẩm phát huy hết đặc trưng của geomungo. Tuy nhiên, gần đây dần xuất hiện những nghệ sĩ biểu diễn khẳng định được chỗ đứng của mình chỉ bằng đàn geomungo. Hoạt động tích cực với tư cách nghệ sĩ độc tấu và nhà sáng tác, Gina Hwang đã mở rộng khả năng của nhạc cụ này, tạo ra các tác phẩm hiện đại và có tính lay động. “Nỗi lòng” (Mess of Love), đĩa đơn kỹ thuật số phát hành năm 2021 của cô đã thể hiện tâm trạng trái ngược của đàn ông và phụ nữ khi chia tay bằng âm hưởng dí dỏm. Với kết cấu “khai - thừa - chuyển - hợp” (kết cấu phổ biến trong thơ Đường, trong đó “khai” là mở ra ý thơ, “thừa” là triển khai, cụ thể hoá ý đã được mở, “chuyển” là chuyển ý và “hợp” là thâu tóm lại ý tứ của toàn bài - chú thích của người dịch) rõ ràng, chỉ geomungo mới thể hiện tròn đầy, không thừa không thiếu tiết tấu nhịp nhàng của nhạc khúc.

 

Sáo piri, thổi hồn vào gỗ

Có loại nhạc cụ ra đời bằng cách thổi hơi vào ống gỗ. Sáo piri là nhạc khí thổi làm bằng tre, chơi theo chiều dọc, gồm các loại sáo trúc hương hyangpiri, sáo trúc đường dangpiri và sáo trúc tế sepiri. Sáo đảm nhận giai điệu chính trong hầu hết các thể loại âm nhạc truyền thống từ âm nhạc cung đình đến âm nhạc dân gian. Thông thường, nhạc khí thổi được chia thành loại có màng rung nhỏ (reed) tạo âm thanh và loại không có màng rung. Sáo piri sử dụng màng rung kép (double reed) gọi là “seo” và được chơi bằng cách thổi, điều chỉnh hơi mạnh nhẹ và đóng mở các lỗ bấm jigong (chỉ khổng) giống như các nhạc cụ hơi khác. Khi diễn tấu, người thổi sáo sử dụng lưỡi hoặc thay đổi vị trí ngậm của “seo” để điều chỉnh âm vực và vận dụng các kỹ thuật đa dạng khác mà chỉ có thể làm được ở sáo piri. Vì thế, để tiếng sáo có hồn đòi hỏi kỹ thuật tinh tế của nghệ sĩ biểu diễn.

Sáo piri có thể kết hợp với nhiều thể loại âm nhạc. Nhờ âm sắc chắc khoẻ và uy lực, sáo thường đảm nhận giai điệu chính ngay cả trong âm nhạc hiện đại. Mặc dù vậy, đáng ngạc nhiên là rất hiếm nhóm nhạc chỉ gồm toàn nghệ sĩ thổi sáo. Ngoại lệ có BBIRIBBOO, ban nhạc ba thành viên gồm hai người thổi sáo và một nhà sản xuất. Họ biến tấu một cách vui vẻ, sinh động các tiết mục âm nhạc truyền thống, làm nổi bật tối đa sức lôi cuốn của nhạc cụ. Phát hành năm 2021, “In Dodri” là bản phối theo phong cách sôi nổi giai điệu chính của đoản khúc “Yangcheong Dodeuri” trong hợp khúc “Thiên niên vạn tuế”, một trong các khúc chính nhạc (jeongak) thường được biểu diễn trong cung đình và tầng lớp thượng lưu triều đại Joseon. Trong số các loại hình âm nhạc thuộc thể loại chính nhạc, “Yangcheong Dodeuri” có tiết tấu nhanh, kết cấu giai điệu hứng khởi ai cũng dễ thuộc. Mượn đặc điểm đó và tích cực thể hiện trong tác phẩm, “In Dodri” được diễn tấu bằng sáo piri kết hợp với khèn bầu saenghwang.

 

Ulla,rung và vang

Không phải tất cả nhạc cụ Hàn Quốc đều được sử dụng từ thời xa xưa. Ulla có nguồn gốc từ Trung Quốc được đưa vào Hàn Quốc và sử dụng tương đối gần đây. Tuy không biết chính xác thời điểm ulla được du nhập, nhưng chúng ta có thể suy đoán một cách tương đối mốc thời gian căn cứ vào việc không có thông tin về nhạc khí này trong “Nhạc học quy phạm” (Akhak gwebeom, 1493) - cuốn tài liệu âm nhạc tiêu biểu của triều đại Joseon. Mãi cho đến hậu kỳ triều đại Joseon nhạc khí này mới được đề cập trong các tư liệu lịch sử.

Ulla là nhạc cụ gõ, gồm nhiều “đồng la” có dạng hình đĩa nhỏ bằng đồng được gắn vào khung gỗ, và biểu diễn bằng cách dùng dùi nhỏ gõ vào. Tuy nhiên ulla khác biệt đôi chút với các nhạc cụ gõ thông thường vì có thể tạo ra giai điệu. Các đồng la được sắp xếp cố định gồm nhiều tầng, mỗi tầng gồm nhiều chiếc sao cho cao độ sẽ tăng dần từ vị trí ở dưới ngoài cùng bên trái sang bên phải. Đồng la nằm ở vị trí trung tâm của tầng trên cùng có âm cao nhất. Cách diễn tấu rất đơn giản. Nhạc công cầm dùi ở cả hai tay gõ luân phiên vào đồng la, hoặc cũng có thể chơi bằng một tay.

Nhạc khí này chủ yếu được sử dụng để thể hiện các hành khúc trong nghi thức đổi phiên gác hay lễ tái hiện đoàn rước ngự giá. Thông thường ulla được diễn tấu chung với các nhạc cụ bộ gõ khác nên hiếm thấy tác phẩm âm nhạc mà ulla độc tấu. Gần đây nghệ sĩ bộ gõ Han Solip sử dụng ulla kết hợp với các nhạc cụ gõ khác để trình diễn nhiều thể loại nhạc. “Tất cả những người trưởng thành đều từng là trẻ em” (All grown-ups were once children), đĩa đơn kỹ thuật số đầu tiên của cô phát hành vào năm 2018 đã tạo nên bầu không khí ấm áp và mộng mơ nhờ âm sắc trong trẻo của ulla. Khúc nhạc đem đến cảm giác hoàn toàn khác lạ với ulla sử dụng trong các bài hát diễu hành. Điều này là bởi tấu khúc tập trung vào tiếng ngân vang nhè nhẹ cùng giai điệu trữ tình hơn là âm đanh vang khi gõ mạnh đồng la. Trong tương lai, hứa hẹn sẽ có nhiều nhạc sĩ tìm đến khả năng của ulla trong thế giới âm sắc vừa tối giản lại vừa hiện đại.

 

 

Cheol-hyeongeum (thiết huyền cầm),biến thể của ghi-ta

Cheol-hyeongeum là nhạc khí dây được sáng chế bởi Kim Young-cheol, một bậc thầy đi trên dây của Namsadang (phường nghệ thuật tạp kĩ gồm những đàn ông làm nghề hát rong xuất hiện vào cuối thời kỳ Joseon, họ biểu diễn lưu động trên đường phố như ca hát, nhảy múa, biểu diễn pungmuls và nhiều trò giải trí khác - chú thích của người dịch) vào thập niên 1940. Đây là trường hợp hiếm hoi một nhạc khí được cải tạo từ đàn ghita của phương Tây cho phù hợp với cấu trúc nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc. Giai thoại kể rằng Kim Young-cheol đã tạo ra nhạc cụ này khi đặt ghita trên sàn mà tấu như đàn geomungo. Và như thế thuộc tính của ghita và geomungo được kết hợp với nhau một cách tuyệt vời. Các nhạc khí dây Hàn Quốc thông thường sử dụng dây sợi tơ, nhưng cheol-hyeongeum có dây thép tương tự ghi-ta. Cách chơi thì giống geomungo chứ không phải kiểu ghita. Khi diễn tấu, tay phải cầm thanh gẩy suldae, tay trái dùng miếng ngọc được gọi là nongok (lộng ngọc) nhấn và kéo đẩy trên dây. Tuy sử dụng dây thép nhưng cách chơi hoàn toàn khác ghita nên âm sắc đàn cheol-hyeonggeum vô cùng độc đáo. Đứng giữa lằn ranh mơ hồ, cheol-hyeongeum chứa đựng nguyên vẹn tính năng động hiện đại và cả năng lượng của sự biến đổi.

Trên thực tế, cheol-hyeongeum không phải là nhạc cụ phổ biến trong giới nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ truyền thống, vì vậy hiếm có người chuyên dùng nó để trình tấu so với các nhạc cụ khác. Cũng vì thế, không nhiều tác phẩm có thể diễn tấu bằng nhạc cụ này. Cheol-hyeongeum xuất hiện trong phần giữa tác phẩm “Sóng tân vỏ não” (The Waves of the Neocortex) phát hành năm 2019 của nhóm nhạc tam tấu gayageum Hey String. Người nghe có thể cảm nhận giai điệu mang đặc tính kim loại uốn lượn mà sắc sảo của cheol-hyeongeum khu biệt với gayageum.

 

Janggu,mở màn và kết thúc của âm nhạc

Trống janggu là nhạc cụ gõ được sử dụng ở hầu hết các loại hình âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Vào đầu và cuối bản nhạc bao giờ cũng có tiếng trống janggu, vì janggu vừa giữ nhịp “phách” làm chuẩn của bản nhạc, vừa đóng vai trò điều chỉnh nhịp điệu. Tang trống được làm từ cây gỗ đục rỗng ruột, phần giữa khoét hõm tạo thành ống dài có eo thắt, hai đầu được căng da và buộc chằng bằng dây. Trống được diễn tấu bằng cách vỗ bằng tay vào hai mặt da. Mặt bên trái của trống gọi là phía bắc hay phía “gung”, bên phải được gọi là bên “chae”. Phía bắc được vỗ bằng lòng bàn tay hay dùng dùi có gắn đầu tròn gọi là “gungchae” để gõ, bên phải được đánh bằng “yeolchae” là một thanh dài mảnh được vót từ gỗ.

Janggu thường được xem là nhạc cụ đệm. Đương nhiên, cũng có những loại hình âm nhạc tráng lệ, giàu giai điệu và kỹ thuật đầy sắc màu mà janggu là trung tâm như seoljanggu (âm nhạc mà Janggu đóng vai trò chính trong ban nông nhạc – chú thích của người dịch) và pungmul-gut (loại hình âm nhạc dân gian của Hàn Quốc chủ yếu được các nông dân biểu diễn vào các dịp lễ tết, hoặc được biểu diễn ở nông thôn, khi mọi người cùng nhau làm việc – chú thích của người dịch). Mặc dù vậy, không nhiều tác phẩm hoàn toàn chỉ diễn tấu nhạc cụ gõ, những tấu khúc mà nhạc khí gõ giữ vai trò trung tâm cũng hiếm hơn so với nhạc phẩm sử dụng các nhạc cụ tạo giai điệu khác. Gần đây, số lượng nghệ sĩ chơi nhạc khí gõ tuyên bố hoạt động với tư cách nghệ sĩ độc tấu ngày càng tăng. Họ mở rộng phạm vi và trình diễn loại nhạc trong đó bộ gõ giữ vai trò chủ đạo. Kim So-ra là nghệ sĩ bộ gõ tiêu biểu hoạt động với tư cách nghệ sĩ độc tấu. Album thứ hai “Landscape”, phát hành vào năm 2021 của cô thể hiện các giai điệu pungmul-gut và nhạc hầu đồng shamanic lưu truyền lâu đời ở Hàn Quốc theo phong cách rất riêng. Tấu khúc của cô vừa thể hiện nguồn năng lượng bùng nổ vừa mang vẻ đẹp tinh giản. Giai điệu biến tấu một cách tinh tế giữa gay cấn và thư giãn, thể hiện một cách mạnh mẽ tính năng động của janggu. Tác phẩm mang đến cơ hội quý giá để thưởng thức màn trình diễn janggu qua một bản nhạc nguyên vẹn.



Seong Hye-in Nhà phê bình âm nhạc

전체메뉴

전체메뉴 닫기