Với bản chất thẩm mỹ là theo đuổi sự mới lạ, ngành công nghiệp thời trang đang kích thích tái sản xuất và tiêu dùng vô tận. Càng như vậy, tác động của nó đến khủng hoảng khí hậu càng lớn. Đây là lúc cần thiết để tất cả chúng ta suy ngẫm nghiên cứu về việc phát triển cách ăn mặc vừa đảm bảo tính mới mẻ, độc đáo, vừa bảo vệ sức khỏe của chính mình và trái đất.
WearAgain Lab là công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận được thành lập với mục đích tuyên truyền những ảnh hưởng xấu đến môi trường từ ngành công nghiệp thời trang và hướng đến việc giảm lượng rác thác thải quần áo.
ⓒ WearAgain Lab
Chỉ đi bộ một quãng trong khu phố sầm uất thôi cũng đủ để ta thấy quần áo treo đầy các cửa hàng, nhiều đến mức ta không khỏi băn khoăn bao giờ mới có người mua hết chúng. Các thương hiệu thời trang toàn cầu đã có mặt ở mọi thành phố trên thế giới, thúc đẩy xu hướng bằng cách tung ra các bộ sưu tập mới mỗi tuần. Mỗi mùa thời trang đến, quần áo mới lại được sản xuất với số lượng lớn. Nhờ vậy mà tủ đồ của chúng ta luôn tràn ngập quần áo để mặc. Ấy thế nhưng mùa nào ta cũng ít nhất vài lần băn khoăn: “Sao mình không có gì để mặc nhỉ?”.
Trung tâm nghiên cứu hiện thực hoá lối ăn mặc “Zero waste” (Không lãng phí)
Nếu bạn muốn mặc trang phục mới nhưng lại lo lắng về tác động của ngành công nghiệp thời trang đến trái đất, hoặc bạn cảm thấy băn khoăn với những món đồ “bỏ thì thương, vương thì tội”, vậy hãy thử quan tâm đến WearAgain Lab (tạm dịch Trung tâm Nghiên cứu “Mặc lại lần nữa”). Là một công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận về lối ăn mặc không rác thải, đúng với tên gọi “mặc lại lần nữa”, trung tâm nghiên cứu này đào sâu các vấn đề của ngành công nghiệp thời trang và hiện thực hóa ý nghĩa cũng như giá trị của việc tái sử dụng.
Hoạt động chính của trung tâm - “21% Parties” (tạm dịch Bữa tiệc 21%) - là hội chợ trao đổi quần áo đã qua sử dụng, cũng là một chương trình tìm kiếm phương thức luân chuyển tài nguyên. Tên gọi 21% chỉ tỉ lệ quần áo không sử dụng trong tủ đồ của chúng ta. Người tham gia có thể mang đến những trang phục đã bị bỏ quên trong góc tủ để đổi lấy đồ của người tham gia khác. Đó có thể là chiếc váy dành khi giảm cân sẽ mặc nhưng mấy năm rồi vẫn chưa mặc được, một món phụ kiện đã rất tha thiết sở hữu nhưng không hiểu sao chẳng còn phù hợp, một đôi giày khó phối đồ được mua trong lúc nhất thời không thể kiểm chế ham muốn, một bộ đồ chẳng còn muốn động đến hay lưu giữ dù chúng chứa đựng những kỷ niệm sống động. Vì vậy, thay vì tem giá, mỗi bộ trang phục được gắn thẻ “Goodbye & Hello” (tạm dịch Tạm biệt & Xin chào) ghi lại nguồn gốc, câu chuyện của nó và lời chào đến người chủ mới. Ở nơi này, đi dạo thôi cũng đã cảm thấy thú vị vì người tham gia không chỉ trao đổi quần áo mà còn trải nghiệm sự hứng khởi khi lật lại quá khứ của trang phục cùng những kỷ niệm đã qua của ai đó.
Tái sử dụng thay vì tái chế
Thẻ Goodbye & Hello để viết những câu chuyện và lời giải thích về trang phục trong 21% Parties
ⓒ WearAgain Lab
Theo thực trạng phát sinh và xử lý rác thải toàn quốc năm 2021 do Bộ Môi trường công bố, trong số rác thải sinh hoạt có khoảng 118.000 tấn quần áo được phân loại và thải ra dưới dạng tài nguyên có thể tái chế. Nếu tính thêm các loại sợi vải được thải ra dưới dạng tài nguyên có thể tái chế và các loại sợi vải bị thải ra lẫn với rác thải thông thường, thì khối lượng này lên tới 412.000 tấn. Điều nghịch lý là ngay bây giờ, các nhà máy trên khắp thế giới vẫn đang sản xuất và bỏ đi một lượng lớn quần áo.
Đến lúc này, phương thức theo đuổi sự mới mẻ trong ăn mặc cần phải khác đi. WearAgain Lab không đặt trọng tâm vào tái chế hay tái chế sáng tạo mà tập trung vào việc tái sử dụng. Tái chế hay tái chế sáng tạo tuy vẫn tốt hơn dùng một lần rồi bỏ, nhưng những quá trình ấy vẫn làm hao tổn tài nguyên. Hơn nữa, việc tái chế và tái chế sáng tạo số lượng quần áo khổng lồ trong tủ đồ của mọi người trên khắp thế giới là điều không thể. Vì vậy, WearAgain Lab đề xuất phương án tối ưu là mặc lại đồ càng lâu càng tốt và bỏ đi càng ít càng tốt. Đồng thời, trung tâm cũng dành tâm huyết cho việc giảm lượng rác thải quần áo và thúc đẩy văn hóa thời trang thông qua việc trao đổi quần áo.
Ý nghĩa trong nghiên cứu của WearAgain Lab
21% Parties - hoạt động chính của WearAgain Lab là khu chợ để trao đổi áo quần đã qua sử dụng và cũng là nơi truyền tải văn hoá ăn mặc bền vững đến người tiêu dùng đã quen với thời trang nhanh. Người tham gia nhận thẻ trao đổi tương đương với số lượng quần áo mang tới và có thể trao đổi những bộ trang phục khác.
ⓒ WearAgain Lab
Sức quyến rũ của thời trang đã qua sử dụng quả là vô cùng vô tận, và có lẽ niềm vui lớn nhất đến từ việc khám phá được những điều chẳng thể ngờ tới. Việc mua sắm, nhất là mua sắm quần áo, thường đi vào những lối mòn riêng. Bạn thường có khuynh hướng bị giới hạn trong một số phong cách hoặc sở thích nào đó. Tuy nhiên, thị trường thời trang đã qua sử dụng lại ngập tràn những kiểu dáng đáng để bạn ướm thử, những phong cách và thương hiệu vốn nằm ngoài mối quan tâm của bạn, và mở ra cho bạn những lãnh địa thời trang mới mẻ mà bạn chưa từng đặt chân tới.
Đó là nơi bạn có thể du hành trong thời gian vô tận mà không cần chạy theo xu hướng. Đó cũng là nơi bạn có thể hoàn thiện phong cách của riêng mình bằng sự thông minh và dí dỏm thay vì sắm mới những món đồ theo mùa mà chỉ sau một hai năm đã khiến mình cảm thấy ngại vì có vẻ lỗi mốt. Nhờ vậy, đời sống thời trang nhàm chán trở nên phong phú hơn. Hơn nữa, vì 21% Parties được vận hành trên nguyên tắc trao đổi quần áo nên bạn có thể rũ bỏ được cảm giác áy náy với môi trường và tìm được niềm hân hoan bất ngờ khi khoác lên mình món đồ khác lạ mình từng vài lần băn khoăn muốn thử.
Khi nhìn thấy người khác mặc lại đồ của mình, chủ nhân của những món đồ cũng hình thành những mối quan hệ đặc biệt với nhau. Thông qua việc mọi người trao đổi và mặc lại quần áo của nhau, một tương lai mà chúng ta đang lo lắng đang chuyển thành một tương lai đầy hy vọng. WearAgain Lab đang tìm hiểu vấn đề mà hầu như cả ngành công nghiệp thời trang vẫn còn đang lảng tránh.
Nói như vậy không có nghĩa là WearAgain Lab là nơi chỉ dành cho những trải nghiệm đầy cảm xúc. Việc kéo dài tuổi thọ của quần áo mới là điều có ý nghĩa rõ ràng. Một thực tế mà chúng ta thường bỏ quên hoặc vờ như không biết là khi tuổi thọ của quần áo tăng lên thì năng lượng phát sinh trong quá trình xử lý rác thải giảm đi, nghĩa là lượng nước tiêu thụ và lượng khí thải carbon không tăng. WearAgain Lab đã giải quyết vấn đề thông qua những chỉ số cụ thể. Tháng 4 vừa qua, 21% Parties được tổ chức trong mười ngày, quy tụ 831 người thuộc 18 nhóm từ khắp cả nước đã gom về 2.908 bộ quần áo và trao đổi được 2.239 bộ. Điều này tương đương với hiệu quả tiết giảm 652.601 lít nước và 17.263 kg carbon. Quả là một con số khiến ta thức tỉnh. Đồng thời, ý nghĩa nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Mặc lại lần nữa cũng trở nên rõ ràng hơn.
Thay đổi vì sự bền vững
Người tham gia viết lên thẻ Goodbye & Hello. Trên thẻ này, người ta sẽ viết thông tin về thời điểm mua hàng, số lần mặc, lời tạm biệt với chiếc áo sẽ rời đi và lời chào đến chủ nhân mới.
ⓒ WearAgain Lab
Thông qua 21% Parties, WearAgain Lab đang tạo ra những thay đổi trong đời sống ăn mặc của người dân, đồng thời tác động tích cực đến sự thay đổi của các hệ thống và chính sách. Có thể kể đến việc mở ra chiến dịch vận động xây dựng luật cấm các doanh nghiệp thời trang tiêu hủy áo quần bị hoàn trả hay tồn kho. Vận động lập pháp là phong trào chắc chắn và có sức ảnh hưởng nhất, và cũng là lời cảnh tỉnh đánh vào tính ích kỷ của doanh nghiệp khi họ sẵn sàng tiêu hủy quần áo tồn kho - tức là những bộ quần áo mới chưa có ai mặc - chỉ để bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
Trong chương trình đặc biệt về môi trường “Không có địa cầu cho quần áo” phát sóng trên đài KBS vào năm 2021, một cuộc khảo sát đã được thực hiện với bảy doanh nghiệp thời trang hàng đầu về doanh số bán hàng ở Hàn Quốc. Bốn trong số bảy doanh nghiệp cho biết họ đốt bỏ sản phẩm tồn kho không bán được, một doanh nghiệp từ chối công khai thông tin, một doanh nghiệp khác không trả lời. Chỉ có một doanh nghiệp duy nhất trả lời không đốt bỏ. Thật trớ trêu khi một bên đang nghiên cứu vì sự an nguy của môi trường và hiện thực hóa việc mặc lại áo quần, còn một bên lại đang đốt cháy ý thức và đạo đức ngày nay bằng cách lãng phí năng lượng và sức lao động. Để giải quyết nghịch lý này, đứng trên lập trường chính sách, WearAgain Lab đã triển khai một nghiên cứu quy mô lớn từ tháng Một năm nay, và đến tháng tư đã chuyển 1.363 chữ ký tới Văn phòng Đại biểu Quốc hội, yêu cầu ban hành Luật Cấm hành vi thải bỏ hàng tồn kho và hàng trả lại.
Sự yêu thích và mức độ quan tâm đến trang phục có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng những đe dọa đến từ khủng hoảng khí hậu lại đang ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên trái đất. Cho dù một sản phẩm được tạo ra có hướng đến tính bền vững đến đâu, liệu cái gọi là bền vững ấy có đang âm thầm đưa trái đất đến diệt vong? Giờ đây, phương thức theo đuổi sự mới mẻ trong ăn mặc cũng cần phải khác đi. Tìm kiếm câu trả lời trong thời trang đã qua sử dụng cũng là một phương thức, bởi xu hướng sẽ có hồi kết nhưng thời trang đã qua sử dụng thì không bao giờ kết thúc.
Yoo Da-miBiên tập viên
Dịch.Phạm Hương Giang