메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

KF Interviews & Essays

2022 WINTER

GỬI ĐẾN NHỮNG CHUN TAE-IL THỜI NAY

Phim hoạt hình “Chun Tae-il” (2021) kể câu chuyện về chàng trai quả cảm Chun Tae-il (1948-1970), một biểu tượng của phong trào cải cách lao động Hàn Quốc. Câu chuyện quá khứ của hơn 50 năm về trước tưởng chừng không liên quan gì đến chúng ta hôm nay, nhưng vẫn để lại dư âm sâu sắc và khơi dậy sự thấu cảm trong lòng khán giả.

Chun Tae-il (2021) là bộ phim hoạt hình tái hiện câu chuyện của người anh hùng quả cảm Chun Tae-il tự thiêu để cải thiện điều kiện làm việc và cải cách nhân quyền cho người lao động.
ⓒ MYUNGFILMS



Trong những năm 1960-1970, để có thể thoát nghèo, Hàn Quốc đã theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng cách bóc lột sức lao động của công nhân, nhất là đối với các ngành thường sử dụng nhân công giá rẻ như ngành may mặc. Mặc dù Luật Tiêu chuẩn Lao động đã được ban hành, nhưng sự tăng trưởng về mặt kinh tế lại được ưu tiên nhiều hơn so với việc tuân thủ pháp luật.

Câu chuyện kể về chàng thanh niên ôm hoài bão dùng tiếng nói của mình để thay đổi thế giới bất công trong bộ phim hoạt hình “Chun Tae-il” (Chun Tae-il: A Flame That Lives On) đã lại trở thành tâm điểm và giành được Giải đặc biệt của Hội đồng thẩm định tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy (Annecy International Animated Film Festival) lần thứ 46 vào năm 2022, giải Khán giả (Giải Đồng) hạng mục phim hoạt hình tại Liên hoan phim quốc tế Fantasia (Fantasia International Film Festival) lần thứ 26 và Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim hoạt hình độc lập Seoul (Seoul Indie-AniFest) lần thứ 18.

 

Trong phim, không chỉ có hình ảnh một con người quả cảm dùng tiếng nói của mình vì các đồng nghiệp chỉ vì lâm bệnh mà trở thành kẻ có tội trong môi trường lao động khắc nghiệt phải làm việc cả ngày nhưng không được nhận tiền lương xứng đáng, mà còn khiến người xem theo dõi lần lượt về cuộc đời một con người là Chun Tae-il với câu chuyện thời niên thiếu cùng hình ảnh chàng thanh niên mơ mộng với mối tình đầu.
ⓒ MYUNGFILMS

Người thanh niên trước hoàn cảnh lao động khắc nghiệt
Vào cuối những năm 1960, các cơ sở may mặc tập trung quanh khu chợ Pyeonghwa nằm ở khu vực Cheonggyecheon của Seoul. Công nhân làm việc 14-15 giờ/ngày và phải chịu đựng cường độ lao động cao đến mức không có nổi thời gian để đi vệ sinh. Không gian làm việc cũng thiếu phương tiện thông gió xử lý bụi từ gia công vải vóc. Tầng một thậm chí còn bị chia thành hai tầng một cách tùy tiện, khiến cho công nhân không thể ngồi thẳng lưng để làm. Do môi trường lao động như vậy, công nhân thường xuyên mắc các chứng bệnh về phổi, nhưng những ai bị bệnh không thể đi làm sẽ bị sa thải ngay lập tức. Đặc biệt, hầu hết thợ phụ đều là những cô gái trẻ ở độ tuổi từ 13 đến 17, lương của họ thậm chí còn không đủ để trang trải cho các bữa ăn tối thiểu.

Chàng trai quả cảm Chun Tae-il vốn là công nhân may, luôn quan tâm đến những người thợ phụ như em gái ruột. Có nhiều lần anh mua bánh nướng nhân đậu đỏ (bánh làm bằng cách nhào bột mì trong nước và tạo thành một khối bột dẻo như hồ rồi nướng) cho các em bằng tiền đi xe của mình nên không thể quay về nhà. Khi sống hết mình vì những người xung quanh cũng là lúc anh tập hợp các đồng nghiệp để thành lập một nhóm công nhân và không ngừng gửi yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và tuân thủ luật Tiêu chuẩn Lao động tới các cơ quan hữu quan như Bộ Lao động và tòa thị chính.

Anh dần dần tổ chức các cuộc biểu tình của công nhân, nhưng đều thất bại trước sự cản trở của cảnh sát. Sau đó, vào ngày 13 tháng 11 năm 1970, khi một cuộc biểu tình khác cũng bị ngăn chặn trước chợ Pyeonghwa, chàng trai quả cảm Chun Tae-il đã cầm trên tay bộ Luật Tiêu chuẩn Lao động và hô vang: “Hãy tuân thủ Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, chúng tôi không phải là máy móc” rồi châm lửa tự thiêu, dùng sinh mạng của mình để cho thế giới biết đến hiện thực của người lao động. Anh bị bỏng khắp người và được đưa đến bệnh viện. Trong đau đớn tột cùng, anh vẫn truyền lại tâm nguyện “Đừng để cái chết của tôi vô ích” và rồi ra đi.

Câu chuyện được khắc hoạ tinh tế qua đời sống thường nhật
Bộ phim không anh hùng hoá hình tượng con người quả cảm Chun Tae-il một cách hời hợt mà tập trung miêu tả nguyên vẹn đời sống của một chàng thanh niên. Đặc biệt, ngay cả cảm xúc về mối tình đơn phương năm 1976 được viết trong những trang nhật ký phần lớn còn lưu giữ đến hôm nay cũng được miêu tả tinh tế. Tình tiết quan trọng là anh đem lòng yêu người em vợ của chủ xưởng và tự mình từ bỏ tình yêu vào tuổi 19. Anh nhận ra rằng khi ông chủ không ưa gì mình, điều đó có thể gây trở ngại đến cuộc sống của anh trong xưởng may, nơi vốn là một xã hội có phân cấp triệt để. Sự lựa chọn này là tình tiết lột tả một cách lạnh lùng cuộc sống thực tại và nhận thức trong hiện thực của anh. Bộ phim đã dày công nắm bắt điểm này để không bỏ lỡ tình tiết, bởi nó mang ý nghĩa quan trọng vượt khỏi những vấn đề cá nhân đơn thuần trong quá trình anh trưởng thành về giai cấp và nhận thức.

Giống như cảnh chàng trai nhận được sự tin tưởng từ ông chủ mà lui tới nhà ông rồi nhận ra mùi xà bông mình vẫn dùng khác với mùi hương xà bông nhà chủ, thì tình tiết khắc hoạ tinh tế con đường mà nhận thức về giai cấp của người anh hùng Chun Tae-il được hình thành và củng cố qua đời sống hàng ngày của anh cũng rất xuất sắc. Trong phim “Ký sinh trùng” (Parasite, 2019) của đạo diễn Bong Joon-ho cũng chủ yếu sử dụng mô tip miêu tả hiện thực phân biệt giai cấp bằng mùi, có lẽ chính là điểm góp phần tạo nên sự đồng cảm nơi khán giả, những người đang sống trong một xã hội hiện đại đầy rẫy sự bất bình đẳng.

Ngày hôm nay không khác gì quá khứ
“Chun Tae-il” không để câu chuyện của 50 năm trước dừng lại trong quá khứ mà dồn tâm huyết vào việc truyền tải ý nghĩa của nó đến ngày hôm nay. Xung đột phân bổ tiền lương và cơ cấu bóc lột đã thật thực sự diễn ra tại nhà máy may vào thời điểm đó được tái hiện lại từ góc độ xung đột giữa những người lao động do giới chủ kích động hơn là xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Vào thời điểm đó, các xưởng may đã tạo ra một cơ cấu giai cấp triệt để theo thứ tự thợ may, thợ may phụ, thợ máy may và thợ phụ máy may; đồng thời đẩy trách nhiệm trong xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động bằng cách giao trách nhiệm quản lý giữa các cấp bậc cho cấp trên trong từng bộ phận. Những phương thức được thực hiện như không trực tiếp sa thải công nhân khi không đi làm vì bị ốm mà để cho thợ may làm, hoặc giao lại cho thợ may tự quyết việc phân chia tiền lương để trốn trách trách nhiệm phải chi trả tiền lương thích đáng cho toàn thể công nhân của người sử dụng lao động.

Các vấn đề lao động trong thế kỷ XXI thể hiện rõ trong phương diện che dấu bản chất của tình hình theo cách mà những người có trách nhiệm và quyền hạn sử dụng nhiều phức thức khác nhau để đẩy trách nhiệm về phía người quản lý cấp trung. Ví dụ, các tập đoàn đang vận hành hệ thống các chi nhánh trì hoãn vấn đề trả lương tối thiểu và không chịu trách nhiệm bằng cách đóng khung vào mâu thuẫn giữa người làm việc bán thời gian và chủ chi nhánh, hay như việc làm lu mờ vấn đề cốt lõi theo cách kích động mâu thuẫn giữa những người yếu thế.

Chun Tae-il lấy bối cảnh những năm 1960-1970, đã khơi dậy niềm thấu cảm rộng rãi nơi công chúng khi tái hiện một đời sống xã hội hiện đại đã đẩy những người vốn yếu thế vào cảnh cùng cực hơn. Hàn Quốc hiện là một quốc gia tiên tiến với nền kinh tế đứng trong top 10 thế giới, nhưng tính đến năm 2020, đây cũng là quốc gia có trung bình khoảng 3 người chết mỗi ngày tại nơi làm việc. Cho đến khi điều này xảy ra, đương nhiên không chỉ cấu trúc thầu phụ - thầu phụ cấp dưới đang gây tác động mà thậm chí hệ thống kinh tế sản sinh hàng loạt lao động nền tảng (người lao động có quan hệ ràng buộc với chủ lao động qua các ứng dụng hoặc điện thoại thông minh - chú thích của người dịch) hay lao động đặc thù không được bảo hộ ngay trong chính cấu trúc đó.

Nhưng đây không chỉ là vấn đề của riêng Hàn Quốc. Bộ phim “Two Days One Night” (2015) do anh em người Bỉ Dardenne đạo diễn, bộ phim “Sorry We Missed You” (2019), do Ken Loach đạo diễn, hay một trong những bộ phim được quan tâm nhiều trong năm nay - “Full Time” (2022) do Eric Gravel đạo diễn là những ví dụ cho thấy một hình thức sử dụng lao động mới của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, hay đó là cục diện xung đột giữa những người lao động được mở rộng bằng những cách thức chưa từng có tiền lệ, tạo thành một xã hội mà những kẻ mạnh thoái bỏ trách nhiệm, dồn những kẻ yếu vào sâu thêm một tầng thống khổ.

“Chun Tae-il” cùng các kiệt tác trên là những tác phẩm xuất sắc kể câu chuyện trong bối cảnh có từ hơn 50 năm trước một cách dễ hiểu về chủ đề giải quyết sự phức tạp trong lao động mà chúng ta đang đối diện ngày nay.

Trong phần cuối, phân đoạn người anh hùng quả cảm Chun Tae-il tự thiêu, hình ảnh nhân vật chính chỉ được xử lý qua hai cảnh quay ngắn. Thay vào đó, bộ phim tập trung lột tả nét mặt của đồng nghiệp và những người dân xung quanh với ánh mắt ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng này.

Nét mặt của họ không đâu khác đã trở thành gương mặt của chính người xem và đặt cho ta câu hỏi: Ai đã tạo ra nguyên cớ cho những xung đột mà bạn chứng kiến? Những bất hạnh mà bạn thấy trong xã hội hiện nay được bắt nguồn từ đâu? Bạn đang theo dõi thảm hoạ nào và bạn đang có những hành động gì? Để có được câu trả lời đó, mỗi chúng ta trước hết cần phải nhìn sâu hơn vào chính bản thân mình.

Song Hyeong-guk Nhà phê bình phim điện ảnh
Dịch. Phạm Hương Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기