메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2023 AUTUMN

CUỘC CÁCH MẠNG ÂM NHẠC THÚ VỊ

Được thành lập vào năm 2020, bộ đôi nhạc điện tử alternative HAEPAARY đã trình làng nhạc phẩm tái hiện gugak bằng giai điệu mang tính hiện đại. Sự sáng tạo độc đáo của họ đã được minh chứng qua giải thưởng Album nhạc điện tử xuất sắc nhất và Bài hát điện tử xuất sắc nhất tại Korean Music Awards 2022. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với HAEPAARY tại Mudaeruk, không gian văn hóa phức hợp tọa lạc tại Hapjeong-dong, Seoul.

1Koreana_230520_HAEPAARY_0071.jpg

Bộ đôi nhạc điện tử alternative HAEPAARY được thành lập vào năm 2020 gồm ca sĩ Park Minhee (trái) và nghệ sĩ chơi nhạc cụ Choi Hyewon. Các sản phẩm âm nhạc của họ là sự kết hợp và cải biên giữa âm nhạc đại chúng và gugakcủa Hàn Quốc. Họ được coi là những người tạo ra xu hướng trong nền âm nhạc điện tử Hàn Quốc.

Năm 2019, bài hát “Tiger is Coming” do ban nhạc alternative pop LEENALCHI phát hành đã tạo nên cơn sốt. Đây là ca khúc được cải biên từ pansori “Sugungga” (Thủy cung ca) sang thể loại post-punk, những người bị chinh phục bởi ca khúc này đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những thử nghiệm âm nhạc đa dạng, kết hợp yếu tố gugak (âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc - chú thích của người dịch) với nhạc pop.

2Koreana_230520_HAEPAARY_0034.png

Chiêu võ - Đốc khánh
Một trong những bài hát nằm trong đĩa đơn đầu tiên của HAEPAARY, Born by Gorgeousness, được ra mắt năm 2021. Album này cũng thắng giải Album nhạc điện tử xuất sắc nhất tại Korean Music Awards 2022.

HAEPAARY, nhóm nhạc điện tử gồm hai thành viên là Minhee và Hyewon, đã xuất hiện một cách từ tốn trong trào lưu này. “Chiêu võ - Đốc khánh” (A Shining Warrior - A Heartfelt Joy), bài hát đầu tay phát hành năm 2021 của nhóm với nhịp lạnh, gần giống với nhạc ambient, mang âm hưởng của nhạc tế lễ Jongmyo (Tông miếu) vốn được dùng trong những lễ cúng tưởng nhớ các đời vua và vương phi triều đại Joseon. Âm thanh tươi sáng từ các nhạc cụ gõ của gugak vang lên kèm theo giọng kể thì thầm được chèn vào nửa khúc sau khiến bài hát không khác gì nhạc nền của một bộ phim kinh dị.

HAEPAARY giống như những nhà cách mạng sắc sảo khi thể hiện một thế giới âm nhạc độc đáo ngay từ khi ra mắt. Âm nhạc của HAEPAARY tuy dựa trên truyền thống âm nhạc của Hàn Quốc được hình thành cách đây hàng trăm năm nhưng lược bỏ đi những nội dung lỗi thời hoặc đập tan định kiến về vai trò của giới tính. Chẳng hạn như nhóm trình diễn những bài namchang gagok (ca khúc được viết cho giọng nam - chú thích của người dịch), diễn giải lại những giá trị văn hóa phong lưu của triều đại Joseon vốn tập trung vào nam theo quan điểm của nữ giới. Đây là lý do tại sao giới trẻ từng bị vỡ mộng bởi các quan niệm cố hữu và âm nhạc mang tính bảo thủ lại phấn khích trước những bài hát của HAEPAARY.

Động cơ theo học chuyên ngành gugak của hai bạn là gì?
Hyewon: Khi còn nhỏ, tôi từng là thành viên đội văn nghệ thiếu nhi trong đoàn samulnori của Kim Duk Soo. Vì rất yêu thích album do đoàn samulnori của Kim Duk Soo hợp tác sản xuất với nhóm nhạc jazz đa quốc tịch Red Sun, tôi thầm nghĩ “Làm thế nào mình có thể chơi với những nhịp phách đậm chất truyền thống này?”. Tôi cũng từng biểu diễn chung với nhóm nhạc world music WHOOL và tiếp tục theo đuổi những điều mới mẻ. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Gugak, tôi tiếp tục học lên đại học và bắt đầu mê mẩn nhạc điện tử.

Minhee: Khi còn nhỏ, tôi được bố hướng cho học sijo (một thể loại thơ phổ nhạc đặc trưng của Hàn Quốc - chú thích của người dịch) và gagok (loại hình nghệ thuật trình diễn sijo cùng với nhạc cụ - chú thích của người dịch). Khi làm quen với những bài hát truyền thống của sijo, yeochang gagok (ca khúc được viết cho giọng nữ), gasa (thể loại thơ phổ nhạc nhưng dài hơn sijo - chú thích của người dịch), tôi đã nghĩ mình không muốn học tiếp lên những cấp ba thông thường. Những năm học cấp hai, tôi rất thích Tupac, một rapper người Mỹ và phát cuồng khi nghe những bài hát như “Cây anh túc” (Poppy) của Crying Nut, nhóm nhạc punk rock thế hệ đầu tiên ở Hàn Quốc. Tôi cũng thường nghe nhạc của Black Sabbath, một ban nhạc metal của Anh mà bạn bè của anh trai tôi hay cho tôi nghe.

Sau đó, khi theo học cấp ba tại Trường Trung học Gugak, tôi đã bị sốc khi nghe “Sujecheon” (Thọ Tế Thiên), một bài khí nhạc truyền thống. Nó độc đáo hơn hẳn các thể loại progressive rock và art rock mà tôi được tiếp xúc suốt thời gian qua. Và có lẽ là từ lúc đó, trong đầu tôi đã hình thành suy nghĩ muốn trở thành một nghệ sĩ cách mạng giống như nghệ nhân chơi đàn gayageum Hwang Byung-ki hay nghệ sĩ video art Nam June Paik.

Khán giả đã đón nhận như thế nào kể từ khi hai bạn ra mắt cho đến nay?
Minhee: Không chỉ gò bó trong giới gugak mà phải định vị được bản thân trong thị trường âm nhạc điện tử và hơn nữa là thị trường âm nhạc đại chúng, đó vừa là mục tiêu vừa là thách thức lớn nhất của chúng tôi. Tôi nghĩ việc chúng tôi được đề cử giải Tân binh của năm tại Korean Music Awards 2022 cùng với các nhóm nhạc K-pop như æspa, hay việc album của nhóm được đặt ngang hàng với sản phẩm của bộ đôi ambient Salamanda tại các cửa hàng băng đĩa chính là những thành công đầu tiên.

Nhóm HAEPAARY được nhìn nhận thế nào trong giới âm nhạc điện tử?
Hyewon: Có lẽ do chúng tôi dùng nhiều âm thanh độc đáo nên người ta thường thắc mắc trước hết là về nguồn nhạc khí. Thỉnh thoảng, chúng tôi sử dụng các sample (một phần nhạc, mẫu âm thanh của một bản nhạc được ghi lại trước đó - chú thích của người dịch) của gugak còn phần lớn chỉ thay đổi một chút những nguồn nhạc thường được sử dụng bởi các nhà soạn nhạc điện tử khác. Tuy không có ý định thử nghiệm các thành tố của gugak nhưng các tác phẩm của chúng tôi đều mang sắc thái của gugak, có lẽ vì âm nhạc đại chúng và gugak đều có vị trí nhất định trong kho tàng âm nhạc của chúng tôi.

Vừa nãy hai bạn có đề cập đến nhóm nhạc æspa, vậy hai bạn nghĩ thế nào về K-pop?

3Koreana_230520_HAEPAARY_0091.png

Đi đến đài Gyeongpo
Sự cải biên độc đáo của ca khúc namchang gagok, tác phẩm đã đoạt giải Bài hát điện tử xuất sắc nhất tại Korean Music Awards 2022.

Minhee: Với tư cách là một khán giả, tôi rất yêu thích K-pop. Nhưng với tư cách là một người sáng tác, chúng tôi có con đường khác với họ. Trong khi họ hướng đến sự bóng bẩy thì chúng tôi theo đuổi sự khác biệt trong kết cấu. Ví dụ như các nốt nhạc không theo luật bình quân (quy luật trong nhạc lý, chia quãng 8 đúng thành 12 phần bằng nhau, mỗi phần là một nửa cung - chú thích của người dịch) hay nhịp phách biến tấu so với nhịp đầu. Những avatar (nhân vật đại diện) được nhóm æspa giới thiệu và những avatar được thể hiện trong music video “Đi đến đài Gyeongpo” (go to gdp and then) của chúng tôi có sự khác biệt lớn.

Hyewon: Trong music video “Đi đến đài Gyeongpo”, chúng tôi có sử dụng nguồn avatar được phân phối miễn phí dưới dạng tài sản trí tuệ công cộng bởi một nhóm biên đạo múa ở Hà Lan, đồng thời kết hợp thêm điệu nhảy của chúng tôi.

Minhee: Mục tiêu của chúng tôi tương đối khác biệt so với K-pop ở nhiều phương diện, chẳng hạn như thái độ tiếp cận đối với quyền sở hữu trí tuệ. Do chưa từng được đào tạo về trình diễn như những nhóm nhạc thần tượng nên chúng tôi cũng lo rằng khán giả sẽ đánh giá phần trình diễn của nhóm là vụng về, nhàm chán trước khi kịp hiểu được ý đồ của chúng tôi.

 

Việc sử dụng đồng thời hai loại âm nhạc, một là âm nhạc truyền thống cách đây hàng trăm năm và một là âm nhạc điện tử hiện đại, có vẻ không phải là điều dễ dàng.
Hyewon: Khi thu âm cho album và đặc biệt là khi hát live, chúng tôi luôn gặp phải trở ngại. Do giọng hát và cách xướng âm mang tính truyền thống của Minhee nhiều lúc không thực sự hòa hợp với âm thanh điện tử trình diễn trên sân khấu nên chúng tôi phải hòa âm phối khí cho đến tận cuối bài. Khi làm album, chúng tôi từng thử dùng bộ mã hóa giọng nói (vocoder) để biến âm vực của con người thành âm thanh điện tử, giống như cách bộ đôi âm nhạc điện tử người Pháp Daft Punk đã làm. Thế nhưng, điều đó không thực sự hiệu quả.

Minhee: Rosalia, nghệ sĩ người Tây Ban Nha, đã tái hiện tính cổ điển của flamenco theo hướng hiện đại và A-WA, nhóm nhạc Israel pha trộn âm nhạc truyền thống Yemen với thể loại hiphop có lẽ là những ví dụ điển hình. Tất nhiên hoàn cảnh giữa họ và chúng tôi là khác nhau. Trong khi yếu tố truyền thống và nhịp điệu hiện đại của phương Tây rất phù hợp với nhau thì chúng tôi vẫn đang vật lộn trong việc kết hợp sắc thái của gagok truyền thống Hàn Quốc với âm nhạc hiện đại. Tuy khó nhưng mà đáng.

Hyewon: Khi sáng tác, tôi thường kết hợp hệ thống nhịp đôi của nhạc điện tử phương Tây với hệ thống nhịp ba của gugak. Do giọng hát của Minhee thoát khỏi nhịp phách nên cũng có người hỏi rằng có cần dùng kỹ thuật hòa âm để điều chỉnh lại không, nhưng trái lại, chúng tôi cảm thấy điều đó rất thú vị và hấp dẫn.

Việc đảo ngược vai trò của giới tính được thể hiện trong văn bản truyền thống bằng cách diễn giải lại chúng thật thú vị.
Minhee: Dường như chúng tôi mang tính cách của những kẻ ngang ngược. Chúng tôi không chỉ có mối quan tâm ở cái nhìn về giới. Trong một buổi diễn cách đây vài hôm, chúng tôi đã trình diễn tác phẩm “Mặt trời đã mọc nơi cửa sổ phía Đông chưa”, bài thơ sijo nổi tiếng được viết bởi Nam Gu-man (Nam Cửu Vạn, 1629-1711) - một quan văn triều đại Joseon. Và chúng tôi đã không thể nào làm ngơ trước câu “Đứa bé chăn bò đã dậy chưa”. Đây chẳng phải là sự bóc lột nhân quyền đối với trẻ em hay sao? Bên cạnh đó, bài hát “Đêm bắt đầu” của chúng tôi đã sử dụng chất liệu là tình yêu của những người thuộc “giới tính thứ ba”. Việc truy vấn đối với những vấn đề bất công trong xã hội nhưng được xem là đương nhiên cho đến tận thế kỷ XX như kỳ thị nữ giới hay bóc lột người yếu thế, và phản ánh chúng vào trong nghệ thuật là điều hết sức tự nhiên với chúng tôi.

Kế hoạch trong năm nay cũng như mục tiêu dài hạn của nhóm sẽ là gì?
Hyewon: Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị cho album phòng thu đầu tiên. Vào tháng 10, nhóm có kế hoạch tham dự lễ hội world music WOMAX tổ chức tại Tây Ban Nha. Thật ra chúng tôi muốn đứng trên sân khấu của lễ hội âm nhạc điện tử hơn là world music.

Minhee: Chúng tôi muốn được trình diễn trước những khán giả “say mê điên cuồng” hơn là những con người ngồi thưởng thức một cách nghiêm túc. Do đó nhóm quyết định sẽ sáng tác thật nhiều bản nhạc sôi động, tươi vui trong tương lai.

4Koreana_230520_HAEPAARY_0110.jpg

HAEPAARY trình diễn tại Mudaeruk, không gian văn hóa phức hợp tại Hapjeong-dong, Seoul ngày 20 tháng 5 năm 2023. Bộ đôi ra sức sáng tác những bài hát khiến khán giả phải hào hứng nhảy múa.



Lim Hee-yunNhà phê bình âm nhạc
Ảnh.Heo Dong-wook
Dịch.Trần Công Danh

전체메뉴

전체메뉴 닫기